Nhà nước pháp quyền, quản trị hiệu quả và phòng, chống tham nhũng: Kinh nghiệm quốc tế và Việt Nam
Đại biểu trao đổi tại Hội thảo

Hội thảo gồm hai phần: “Lý luận chung về nhà nước pháp quyền, quản trị hiệu quả và phòng, chống tham nhũng”; “Kinh nghiệm thực tiễn về nhà nước pháp quyền, quản trị hiệu quả và phòng, chống tham nhũng”. Thông qua các tham luận, các ý kiến trao đổi bổ sung và các câu hỏi từ phía các đại biểu tham dự Hội thảo cho thấy nổi lên một số vấn đề sau:
- Giữa các thành viên tham gia Hội thảo và các diễn giả trong nước, quốc tế đều có chung một nhận thức, đó là: Tham nhũng là một vấn nạn của mọi quốc gia, mọi xã hội và cả nhân loại. Tham nhũng gây ra những hậu quả khôn lường, từ việc lấy đi những nguồn lực quốc gia vốn được dành cho y tế, giáo dục, cho phúc lợi xã hội và cho đầu tư phát triển, đến việc làm mất niềm tin và uy tín của nhà nước, niềm tin giữa con người với con người... Ở nhiều quốc gia, tham nhũng là nguyên nhân dẫn đến đói nghèo, xung đột và chiến tranh. Tham nhũng tồn tại dưới nhiều hình thức, việc nhận dạng cũng như tiếp cận các thông tin liên quan đến tham nhũng là hết sức khó khăn, việc xác định các giải pháp phòng, chống và loại trừ tận gốc nạn tham nhũng ở cấp quốc gia và quốc tế lại càng phức tạp, khó khăn hơn nhiều.
- Việc nâng cao nhận thức, phối hợp và đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống tham nhũng ở cấp quốc gia, khu vực và quốc tế là hết sức cần thiết. Các ý kiến phát biểu đều cho rằng, việc Liên hợp quốc thông qua Công ước chống tham nhũng là một trong những nỗ lực lớn của cộng đồng quốc tế trong việc đẩy lùi tham nhũng, bổ sung thêm một công cụ hiệu quả nhằm thực thi đầy đủ các mục tiêu của thiên niên kỷ.
Các học giả, nhà nghiên cứu quốc tế tham luận tại Hội thảo trên cơ sở phân tích các số liệu thống kê công phu, chi tiết đã làm rõ tác hại sâu rộng của nạn tham nhũng; làm rõ hơn khái niệm về nhà nước pháp quyền và quản trị hiệu quả, cũng như một số kinh nghiệm phòng, chống nạn tham nhũng, rửa tiền, phát huy vai trò của thông tin báo chí và quyền tiếp cận thông tin khi thực hành chống tham nhũng.
Các học giả và nhà nghiên cứu Việt Nam với những số liệu viện dẫn xác đáng và có cơ sở đã khẳng định rằng, ngay từ khi ra đời, Nhà nước Việt Nam đã xác định mục tiêu phấn đấu vì cuộc sống hạnh phúc, tự do của nhân dân, vì một đất nước hòa bình và phát triển. Với nhận thức ấy, bất kỳ trong hoàn cảnh nào, dù chiến tranh hay hòa bình, Nhà nước Việt Nam đều ra sức đấu tranh chống mọi hành vi tiêu cực, nhất là hành vi tham nhũng trong các hệ thống chính quyền, bộ máy nhà nước, không ngừng hoàn thiện và xây dựng một nhà nước hiện đại với lý tưởng “của dân, do dân và vì dân”. Những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng về kinh tế-xã hội, vị thế quốc gia trên trường quốc tế được nâng cao, nhưng Đảng và Nhà nước Việt Nam vẫn luôn nhận thức rõ về những nguy cơ, những mối hiểm họa cản trở sự phát triển của đất nước. Cuộc đấu tranh chống nạn tham nhũng và tệ quan liêu đang diễn ra hết sức quyết liệt và cho dù phải đương đầu với những khó khăn và phức tạp, nhưng đã có những kết quả bước đầu đáng khích lệ, góp phần củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Cùng với những nỗ lực trong phạm vi khu vực và toàn cầu, Đảng và Nhà nước ta đang triển khai hàng loạt chương trình hành động từ lập pháp, hành pháp và tư pháp đến việc huy động sức mạnh tổng lực của cả hệ thống chính trị vào cuộc chiến chống “giặc nội xâm” này. Nhà nước Việt Nam cũng rất coi trọng việc hợp tác với các quốc gia và các tổ chức quốc tế trong đấu tranh chống nạn tham nhũng. Một trong những hình thức hợp tác đó là những hội thảo khoa học nhằm trao đổi cởi mở những vấn đề lý luận, chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi thông tin về cuộc đấu tranh chống tham nhũng và vai trò của nhà nước trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất