Những kết quả bước đầu trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI


Nghị quyết "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" là một Nghị quyết rất quan trọng, được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân đặc biệt quan tâm và theo dõi ngay từ khi Nghị quyết mới được ban hành, cũng như trong suốt quá trình triển khai thực hiện. Sau hơn 1 năm thực hiện, chúng ta cần sơ kết để kịp thời rút kinh nghiệm và có những nhận định, đánh giá thống nhất, tạo sự đồng thuận cao, làm cơ sở cho việc tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt hơn nữa Nghị quyết này.

Với tinh thần nhìn nhận một cách khách quan, toàn diện và ý thức trách nhiệm, có thể nhận định: Trong hơn một năm qua, dù thời gian còn ngắn, nhiều việc mới triển khai hoặc chưa đạt kết quả như mong muốn, chưa đáp ứng được kỳ vọng của cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhưng với quyết tâm cao, tinh thần cầu thị, các cấp uỷ và tổ chức đảng từ Trung ương đến cơ sở đã triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 một cách nghiêm túc với một khối lượng công việc lớn, phức tạp và đã đạt được những kết quả bước đầu rất quan trọng. Thể hiện trên một số mặt chủ yếu sau đây:

Một là, các cấp uỷ, tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên đã nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn về tầm quan trọng của công tác xây dựng Đảng trong tình hình mới; thấy rõ tính cấp bách và sự cần thiết phải tiếp tục đổi mới và chỉnh đốn đảng, làm cho Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh. Từ đó, xác định rõ hơn trách nhiệm của mình đối với vận mệnh của Đảng, của dân tộc, đề cao ý thức tự giác trong việc thực hiện Nghị quyết. Quá trình chuẩn bị và tiến hành kiểm điểm, tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 thực sự đã trở thành một đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Đảng.

Hai là, thông qua việc chuẩn bị báo cáo kiểm điểm, báo cáo giải trình của tập thể, cá nhân một cách nghiêm túc, được bổ sung, hoàn thiện nhiều lần; việc tiếp thu ý kiến đóng góp của các tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên; việc tiến hành kiểm điểm, tự phê bình và phê bình thẳng thắn, kỹ lưỡng, đã giúp các cấp uỷ, tổ chức đảng và mỗi cán bộ, đảng viên thấy rõ hơn những ưu điểm để phát huy; những hạn chế, khuyết điểm để kịp thời sửa chữa, khắc phục. Đây là một dịp tốt để mỗi tổ chức và cán bộ, đảng viên tự nhìn nhận, soi xét lại mình, qua đó tự điều chỉnh suy nghĩ, hành động của bản thân và có những giải pháp cụ thể để sửa chữa, khắc phục khuyết điểm. Nó có tác dụng cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe và ngăn chặn những tiêu cực, sai phạm.

Ba là, hầu hết các cấp uỷ, tổ chức đảng và nhiều cán bộ, đảng viên đã đề ra chương trình hành động và các biện pháp thiết thực để sửa chữa, khắc phục khuyết điểm và trên thực tế đang có nhiều việc làm cụ thể. Ví dụ như : Trung ương đang triển khai việc xây dựng quy hoạch đội ngũ cán bộ cấp chiến lược; mở lớp đào tạo bồi dưỡng cán bộ nguồn; ban hành Quy định về việc nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu; quy định việc lấy phiếu tín nhiệm đối với một số chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý... Nhiều cấp uỷ đã quy định cụ thể về việc sử dụng xe công, cải tiến tổ chức các hội nghị, chấn chỉnh tác phong công tác, lề lối làm việc, quy định về việc cán bộ lãnh đạo đi công tác nước ngoài; rà soát, điều chỉnh, thu hồi các dự án đã được cấp phép nhưng chậm triển khai hoặc chủ đầu tư không có khả năng thực hiện; sắp xếp lại tổ chức bộ máy và bố trí lại một số cán bộ; tăng cường việc thanh tra, kiểm tra và kết luận để điều chỉnh hoặc xem xét, xử lý kỷ luật đối với những người có dư luận liên quan đến tham nhũng, tiêu cực; tập trung xem xét, giải quyết các vụ khiếu kiện kéo dài và xem xét giải quyết dứt điểm các vụ án tồn đọng hoặc được dư luận đặc biệt quan tâm v.v...

Bốn là, các cấp uỷ, tổ chức đảng có thêm kinh nghiệm trong việc chỉ đạo thực hiện công tác xây dựng Đảng nói chung, kiểm điểm, tự phê bình và phê bình nói riêng. Có thể nói, với sự chỉ đạo chặt chẽ, cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm của Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong quá trình thực hiện Nghị quyết với quy trình tiến hành kiểm điểm từ trên xuống dưới, nêu cao vai trò tiền phong gương mẫu của cấp trên và của người đứng đầu; việc tổ chức lấy ý kiến đóng góp của tập thể và cá nhân trước khi kiểm điểm; việc gợi ý kiểm điểm đối với những nơi có vấn đề nổi cộm; việc thông báo kết quả và tiếp thu ý kiến đóng góp của các tổ chức và cá nhân sau kiểm điểm... là những cách làm mới, có tác dụng tích cực trên nhiều mặt.

Năm là, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 đã góp phần thúc đẩy các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2012, hoàn thành cơ bản các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, giữ vững trật tự an toàn xã hội; chủ động hội nhập, nâng cao uy tín, vị thế quốc tế của đất nước. Không vì tập trung thực hiện nghị quyết mà sao nhãng công việc thường xuyên, ngược lại, việc chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết những vấn đề bức xúc, nổi cộm càng được chú trọng và đem lại những kết quả rất đáng ghi nhận.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất