Doanh nhân tâm huyết góp ý dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng XI

Tâm huyết góp ý kiến về các Dự thảo văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XI, nhiều đại biểu giới doanh nhân cho rằng, sự đổi mới trong quan điểm của Đảng ta về đội ngũ doanh nhân, về kinh tế tư nhân, chính là sự khẳng định tư tưởng Hồ Chí Minh về doanh nghiệp, doanh nhân.

Ngày 9-10, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng tổ chức Hội nghị Doanh nhân toàn quốc với hai nội dung chính: Chủ tịch Hồ Chí Minh với doanh nghiệp, doanh nhân; góp ý kiến vào dự thảo các văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI.

 Qua 45 tham luận của các đại biểu tham dự Hội nghị, hai vấn đề nói trên được thể hiện trong mối quan hệ chặt chẽ. Bởi, sự đổi mới trong quan điểm của Đảng ta về đội ngũ doanh nhân, về kinh tế tư nhân, chính là sự khẳng định tư tưởng Hồ Chí Minh về doanh nghiệp, doanh nhân.

Các ý kiến tại Hội nghị thống nhất rằng, tư tưởng nhất quán của Hồ Chí Minh là thừa nhận sự tồn tại tất yếu của một nền kinh tế nhiều thành phần ở thời kỳ quá độ, khi nước ta đi lên chủ nghĩa xã hội từ một thực trạng kinh tế thấp kém.

 Quán triệt tư tưởng đó, qua 5 kỳ Đại hội (từ VI đến X) vừa qua, Đảng ta đều khẳng định quan điểm nhất quán là phát triển một nền kinh tế nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhờ đó, nền kinh tế nước ta đã có phát triển vượt bậc trong 1/4 thế kỷ vừa qua.

Những bước tiến lớn trong các Dự thảo Văn kiện

 Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho biết, lần đầu tiên Dự thảo Cương lĩnh của Đảng đã chỉ rõ yêu cầu “xây dựng đội ngũ những nhà kinh doanh có tài, những nhà quản lý giỏi”, bên cạnh việc xây dựng giai cấp công nhân, giai cấp nông dân, đào tạo, bồi dưỡng, phát huy mọi tiềm năng và sức sáng tạo của đội ngũ trí thức. Điều này đồng nghĩa với việc thừa nhận doanh nhân như lực lượng thứ tư trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước và là một bước tiến to lớn.

 Đồng thời, Cương lĩnh cũng lần đầu tiên chỉ rõ, kinh tế tư nhân là một trong những động lực của nền kinh tế, bên cạnh vai trò của các thành phần khác như kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể... Đây cũng là một sự đổi mới to lớn và hết sức có ý nghĩa với kinh tế tư nhân, với cộng đồng doanh nhân Việt Nam.

 Giới doanh nhân Việt Nam cũng cho rằng, Dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011 - 2020 có đề cập đến việc thực hiện Chương trình quốc gia về phát triển doanh nghiệp gắn với quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp là một điểm hết sức đáng mừng.

Thực tế cho thấy, Đảng và Nhà nước đã ghi nhận và tạo điều kiện để doanh nhân, để kinh tế tư nhân phát huy vai trò của mình. Mới đây, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra Kết luận số 64-KL/TW ngày 9-2-2010 về tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân với những điểm rất đáng chú ý.

Tại Hội nghị sơ kết tình hình thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa X về tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân (Nghị quyết 14) ngày 6-4-2010, Phó thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng cũng nhấn mạnh: chính sách của Chính phủ là tạo môi trường kinh doanh bình đẳng với mọi thành phần kinh tế, hỗ trợ tốt nhất cho kinh tế tư nhân, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân tiếp cận các nguồn lực phát triển.

Tại Hội nghị, nhiều đại biểu cũng đã bày tỏ những ý kiến tâm huyết với mong muốn các Dự thảo Văn kiện được hoàn thiện hơn.

Mong muốn được thừa nhận đúng mức hơn vai trò của giới doanh nhân, của kinh tế tư nhân; tạo điều kiện bình đẳng hơn nữa cho các thành phần kinh tế phát triển đi liền với cải cách thể chế, cải cách hành chính mạnh mẽ; tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng trong hoạt động doanh nghiệp là những vấn đề lớn được các đại biểu kiến nghị.

Đại biểu Vũ Quốc Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam kiến nghị cần khẳng định trong Dự thảo Cương lĩnh rằng kinh tế tư nhân là “động lực chủ yếu”, thay vì chỉ là “một trong những động lực” phát triển của nền kinh tế, và phát triển mạnh mẽ kinh tế tư nhân là một nhiệm vụ chiến lược. Theo ông Tuấn, thực tế cho thấy, vẫn còn đâu đó biểu hiện của sự không bình đẳng, phân biệt đối xử đối với kinh tế tư nhân.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc nêu, bên cạnh Chương trình quốc gia về phát triển doanh nghiệp, nên có chương trình, chiến lược xây dựng đội ngũ doanh nhân trong thời kỳ mới, như đối với các thành phần công nhân, nông dân, trí thức. Bộ Chính trị đã giao cho Đảng đoàn VCCI xây dựng dự thảo nghị quyết về vấn đề này và dự thảo đang trong quá trình thẩm định.

Đại biểu Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM cho rằng cần xác định rõ vai trò, vị thế của doanh nhân là một tổ chức chính trị - xã hội hay tổ chức xã hội - nghề nghiệp, từ đó xác định doanh nhân là một tầng lớp, một giới hay đội ngũ nằm trong hệ thống chính trị và được thể hiện trong Cương lĩnh. Kiến nghị Đại hội Đảng xác định rõ cho phép các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp (Hiệp hội, Hội, Câu lạc bộ) được phép phát triển đảng viên và xây dựng tổ chức cơ sở đảng ở các doanh nghiệp ngoài hệ thống Nhà nước. Cụ thể, kiến nghị Thành ủy TP HCM cho phép thành lập Đảng ủy cấp trên cơ sở khối doanh nghiệp của Thành phố.

Tư tưởng nhất quán của Hồ Chí Minh về doanh nhân, doanh nghiệp

 Ngày 18-9-1945, hai tuần sau khi giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành thời gian để tiếp đại diện giới công thương. Trong thư gửi giới công thương Việt Nam ngày 13-10 cùng năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, “giới công thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng, thịnh vượng”. Người khẳng định, “Chính phủ, nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp đỡ giới công thương trong công cuộc kiến thiết này”.

 Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, việc xác lập vai trò của giới công thương không phải là vấn đề nhất thời mà là một chiến lược. Ngay từ năm 1925, khi viết Điều lệ cho “Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội”, Người đã chỉ rõ, khi giành được chính quyền về tay công, nông, binh, sẽ áp dụng những nguyên tắc chính sách kinh tế mới của Lênin - chính sách về nền kinh tế nhiều thành phần - để phát triển sản xuất.

Nguồn: Chinhphu.vn

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất