Phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị trong phòng, chống tham nhũng

Bám sát nghị quyết của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, năm 2013, Chính phủ đã triển khai kịp thời, quyết liệt, tổ chức thực hiện nhiệm vụ phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, tạo điều kiện cho việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI), Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN đã chuyển sang mô hình hoạt động mới, từng bước tập trung hoàn thiện thể chế; chỉ đạo, đôn đốc các cấp ủy, tổ chức đảng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác điều tra, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán nhằm phát hiện và xử lý nghiêm minh, kịp thời các vụ việc có dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng.

Kết quả bước đầu

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban 158 nghị định, 162 nghị quyết, 80 quyết định về quản lý, điều hành và nhiều quyết định hành chính góp phần phòng ngừa tham nhũng. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN gắn với việc thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị “Về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Năm 2013, đã có hơn 3,5 triệu lượt cán bộ, công chức, viên chức, người dân được phổ biến, giới thiệu, giáo dục pháp luật về PCTN (tăng 16% so với cùng kỳ năm 2012), với hơn 51.000 lớp tuyên truyền, quán triệt được tổ chức và trên 250.000 cuốn sách, tài liệu về PCTN được phát hành. Có 20 người tố cáo hành vi tham nhũng được khen thưởng; đã tổ chức lễ trao giải thưởng cho 24 đề án xuất sắc nhất từ 130 đề án tham gia Chương trình VACI 2013. Các đơn vị chuyên trách chống tham nhũng đã từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phòng ngừa, phát hiện, điều tra và xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng.

Các biện pháp phòng ngừa tham nhũng được quan tâm. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, cơ quan, địa phương tập trung thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước; tăng cường chỉ đạo nâng cao kỷ cương, kỷ luật hành chính, đặc biệt là trong kiểm tra, đôn đốc thực hiện các nhiệm vụ, công việc đã giao… Việc công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị đã được tăng cường; đã cung cấp thông tin, tăng cường trách nhiệm giải trình trên các lĩnh vực, nhất là các lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao, dư luận xã hội quan tâm. Các bộ, ngành, địa phương đã ban hành 2.588 văn bản về chế độ, định mức, tiêu chuẩn; huỷ bỏ, sửa đổi, bổ sung 1.351 văn bản; tiến hành 5.466 cuộc kiểm tra việc thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn, đã phát hiện 210 vụ việc vi phạm, xử lý kỷ luật 134 người; kiến nghị thu hồi và bồi thường hơn 78,5 tỷ đồng, đã thu hồi được 37,3 tỷ đồng. Các bộ, ngành, địa phương đã tiến hành 4.713 cuộc kiểm tra việc thực hiện quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp, đã xử lý 118 công chức, viên chức vi phạm, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các sai phạm. Năm 2013, đã có 364 cán bộ, công chức, chiến sỹ công an không nhận quà tặng, nộp và trả lại quà tặng theo đúng quy định. Các cấp, các ngành đã chuyển đổi vị trí công tác 16.542 cán bộ, công chức. Có 41 trường hợp người đứng đầu bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng (4 người bị xử lý hình sự, 33 người bị xử lý kỷ luật hành chính, 4 trường hợp khác đang được các cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý)... Các thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã tích cực, chủ động triển khai nhiệm vụ. Chính phủ đã phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể nhân dân, cơ quan báo chí, truyền thông nhằm phát huy sức mạnh tổng thể của cả hệ thống chính trị trong công tác PCTN...

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác PCTN năm 2013 vẫn còn có những hạn chế: Chế độ trách nhiệm, chế độ công vụ đối với nhiều vị trí công tác chưa được minh bạch, rõ ràng, cụ thể. Việc tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng của một số cơ quan, tổ chức, đơn vị còn yếu. Hiệu quả hoạt động của các cơ quan chuyên trách về PCTN còn hạn chế. Vẫn còn tình trạng lợi dụng các quy định của pháp luật chưa chặt chẽ để xử lý hành vi tham nhũng bằng biện pháp kỷ luật hành chính hoặc áp dụng nhiều tình tiết giảm nhẹ để xử phạt dưới khung hình phạt hoặc hưởng án treo, phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ...

Nhiệm vụ những tháng cuối năm 2013 và năm 2014

Để ngăn ngừa, từng bước đẩy lùi tệ nạn tham nhũng, phải phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, thực hiện đồng bộ các giải pháp, cụ thể:

Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCTN. Trọng tâm là Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI); Kết luận số 21-KL/TW Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật PCTN năm 2012 và các văn bản có liên quan…

Nghiên cứu, hoàn thiện thể chế về PCTN theo Kết luận Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI)... Chính phủ tập trung chỉ đạo hoàn thiện Đề án tăng cường thực hiện và kiểm soát việc kê khai tài sản theo quy định của Đảng và Nhà nước; Đề án kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; Quy định việc chi trả qua tài khoản đối với tất cả các khoản chi từ ngân sách nhà nước cho cán bộ, công chức; sửa đổi, bổ sung quy định về khen thưởng cá nhân có thành tích xuất sắc trong tố cáo, phát hiện tham nhũng.

Tổ chức Hội nghị đối thoại PCTN lần thứ 12 với chủ đề “Vai trò của doanh nghiệp và khu vực tư nhân trong công tác PCTN”. Đẩy mạnh việc triển khai thực hiện Chị thị số 10/CT-TTg (12-6-2013) của Thủ tướng Chính phủ về việc đưa nội dung PCTN vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục, đào tạo từ năm học 2013-2014.

Đẩy mạnh thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước, triển khai việc xây dựng vị trí việc làm và cơ cấu công chức, viên chức tại tất cả các cơ quan, tổ chức, đơn vị; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý công chức, viên chức; nâng cao trách nhiệm giải trình của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị...

Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong việc trao đổi, cung cấp thông tin về tham nhũng. Đẩy mạnh thanh tra trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ công vụ, xử lý công chức, viên chức nhũng nhiễu, vô cảm, tiêu cực; giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra; chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật hành chính, xử lý kịp thời các vi phạm pháp luật; nâng cao hiệu quả công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc công tác điều tra, xử lý vụ việc có dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng.

Tăng cường vai trò của mặt trận Tổ quốc các cấp, các đoàn thể, các cơ quan truyền thông và nhân dân trong giám sát việc thực hiện nhiệm vụ công vụ nhằm phòng ngừa, phát hiện tham nhũng; khuyến khích sự tham gia của nhân dân đối với công tác PCTN bằng cách tăng cường hiệu quả của các cơ chế khiếu nại, tố cáo, bảo vệ người tố cáo tham nhũng...


Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất