Ngày 31-8-2011, Hội đồng khoa học các cơ quan đảng Trung ương do GS.TS. Hoàng Chí Bảo, Uỷ viên Hội đồng Lý luận Trung ương làm Chủ tịch đã tổ chức nghiệm thu Đề tài “Quản lý đảng viên thường xuyên làm xa nơi cư trú, đảng viên là sinh viên tốt nghiệp chưa có việc làm ổn định – thực trạng và giải pháp”. Ths Phùng Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Đảng viên, Ban Tổ chức Trung ương là Chủ nhiệm Đề tài.
Theo tổng hợp báo cáo năm 2009 của 59/67 đảng bộ trực thuộc Trung ương cho thấy: Số đảng viên thường xuyên làm việc xa nơi cư trú là 28.500 người, chiếm tỷ lệ 0,96% tổng số đảng viên. Phần đông là đảng viên nông thôn, nghèo, trình độ hạn chế, chịu nhiều tác động phức tạp từ môi trường làm việc, sinh hoạt. Việc học tập nghị quyết, chủ trương, chính sách của Đảng của đảng viên thường xuyên làm việc xa nơi cư trú rất hạn chế, gặp khó khăn trong việc duy trì mối liên hệ với tổ chức đảng nơi cư trú. Số lượng đảng viên đi làm ăn xa tương đối nhiều và dài hạn sẽ làm nảy sinh những khó khăn, vướng mắc trong công tác xây dựng và hoạt động lãnh đạo của tổ chức đảng, trong công tác quản lý, phát triển đảng viên.
Số liệu khảo sát tại 20 trường đại học ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh trong 3 năm 2006-2008 cho thấy: Mỗi năm có khoảng 13,8% đảng viên là sinh viên tốt nghiệp chưa tìm được việc làm, chưa chuyển sinh hoạt đảng. Đây là bộ phận đảng viên có trình độ học vấn, chuyên môn, khoa học, văn hoá, xã hội khá cao, giàu tiềm năng sáng tạo. Phần đông là đảng viên trẻ, hăng hái, năng động nhưng còn ít kinh nghiệm sống, công tác. Mối quan tâm lớn nhất và cũng là yếu tố chi phối mạnh mẽ nhất đối với những đảng viên này là tìm việc làm ổn định. Do chưa có việc làm, thu nhập không ổn định nên phần đông đảng viên này còn phụ thuộc vào gia đình.
Công tác quản lý hai nhóm đảng viên này đều đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Đề tài đã chỉ ra nhiều đặc điểm của thời kỳ mới và những vấn đề đặt ra trong quản lý đảng viên thường xuyên làm việc xa nơi cư trú, đảng viên là sinh viên tốt nghiệp chưa có việc làm ổn định. Đó là: Sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng khoa học - công nghệ và kinh tế tri thức.Trong thời kỳ mới, xu hướng toàn cầu hoá kinh tế ngày càng tăng, giao lưu mở cửa và hội nhập quốc tế ngày càng mở rộng, kinh tế thị trường ngày càng phát triển mạnh mẽ. Công cuộc đổi mới toàn diện đất nước trong 25 năm qua đã thu được nhiều thắng lợi to lớn nhưng cũng còn không ít hạn chế, khuyết điểm đang tác động đến tư tưởng đảng viên và công tác quản lý đảng viên. Yêu cầu nâng cao chất lượng công tác xây dựng đảng, tăng cường vai trò lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng đòi hỏi phải quản lý chặt chẽ đội ngũ đảng viên…
Từ việc đi sâu nghiên cứu thực trạng quản lý đảng viên của hai nhóm đối tượng trên, Đề tài đã đề xuất một số giải pháp: Thứ nhất, tiếp tục cụ thể hoá yêu cầu, tiêu chuẩn của người đảng viên làm cơ sở cho việc quản lý, đánh giá đảng viên. Thứ hai, đổi mới nội dung, phương thức và thủ tục quản lý đảng viên. Đề tài nêu rõ về nội dung, phương pháp và thủ tục quản lý đảng viên đối với từng nhóm đối tượng là đảng viên đi làm ăn xa và đảng viên là sinh viên ra trường chưa có việc làm ổn định. Thứ ba, giao nhiệm vụ phù hợp cho đảng viên và bồi dưỡng, giáo dục, rèn luyện đối với đảng viên dự bị phải thường xuyên làm việc xa hoặc là sinh viên mới tốt nghiệp ra trường. Thứ tư, tăng cường phối hợp giữa tổ chức đảng nơi đảng viên sinh hoạt với tổ chức đảng, chính quyền nơi đảng viên đến làm việc, cư trú để quản lý tốt số đảng viên thường xuyên làm việc xa nơi cư trú và đảng viên là sinh viên chưa có việc làm ổn định
Đề tài nêu 5 kiến nghị trước mắt, 2 kiến nghị lâu dài với Trung ương và 4 kiến nghị đối với các tổ chức đảng.
Hội đồng đánh giá: Đề tài đã kịp thời nghiên cứu một vấn đề nảy sinh trong thời kỳ kinh tế thị trường, hội nhập và đổi mới. Đề tài đã rất chú trọng quan điểm thực tiễn trong vấn đề nghiên cứu cùng với những vấn đề lý thuyết. Đây là cách tiếp cận đúng, hướng tới kết quả ứng dụng. Tuy nhiên, hai nhóm đối tượng nghiên cứu có những điểm tương đồng và khác biệt và cần được đặt trong những biến động thường xuyên. Đề tài sẽ thực sự sâu sắc hơn nếu nhóm tác giả tập trung mô tả sống động xu hướng vận động của hai nhóm đối tượng nghiên cứu đó.
Đề tài có thể triển khai hướng nghiên cứu mới với những nhánh đề tài sâu hơn hoặc các đề án ứng dụng.
Đề tài được đánh giá đạt Khá.
Thuỷ Lê