Ban Tổ chức Tỉnh uỷ Quảng Bình vừa tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Kiểm soát quyền lực và phòng, chống “chạy chức, chạy quyền” trong công tác cán bộ”. Tham dự có đồng chí Hoàng Đăng Quang, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh uỷ; các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và đại diện các sở, ban, ngành của tỉnh.
Đề dẫn Hội thảo khẳng định, trong công tác cán bộ, kiểm soát quyền lực và phòng, chống “chạy chức, chạy quyền” có mối quan hệ mật thiết với nhau, vì kiểm soát quyền lực tốt thì mới hạn chế, kiềm chế được tình trạng “chạy chức, chạy quyền” trong công tác cán bộ.
Đối với tỉnh Quảng Bình, thời gian qua, công tác cán bộ luôn được quan tâm, thực hiện có hiệu quả trên các mặt. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được cũng còn những tồn tại, hạn chế về tổ chức bộ máy, chất lượng và cơ cấu đội ngũ cán bộ, hiện tượng tham nhũng, “chạy chức, chạy quyền” trong công tác cán bộ... làm giảm lòng tin của quần chúng nhân dân đối với đội ngũ cán bộ. Những tồn tại, hạn chế đó là rào cản, trở ngại trong việc khai thác tiềm năng, thế mạnh của Quảng Bình để phát triển kinh tế - xã hội, do đó phải có những giải pháp cụ thể, thiết thực, hiệu quả nhằm thực hiện tốt hơn công tác cán bộ trong thời gian tới. Vì vậy, Hội thảo là cơ hội để tập trung đánh giá vấn đề kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ; nhận diện vấn đề “chạy chức, chạy quyền”, chỉ ra nguyên nhân, đề xuất giải pháp cụ thể hóa các nghị quyết, quy định của Trung ương sao cho phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh nhằm tăng cường kiểm soát quyền lực và phòng, chống “chạy chức, chạy quyền” trong công tác cán bộ hiện nay.
Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Hoàng Đăng Quang (ảnh), Bí thư Tỉnh uỷ nhấn mạnh: Phòng, chống “chạy chức, chạy quyền” là một nội dung, giải pháp quan trọng trong việc thực hiện chiến lược cán bộ và được đặt trong mối quan hệ mật thiết với công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng của toàn Đảng và toàn hệ thống chính trị. Một trong những nguyên nhân của tình trạng “chạy chức, chạy quyền” là do “cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả chưa cao; việc công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình còn hạn chế” như Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) đã khẳng định. Trung ương đã đề ra nhiều nghị quyết, chủ trương quan trọng, tỉnh Quảng Bình cũng đã có nhiều chủ trương, giải pháp tạo điều kiện cho cả hệ thống chính trị hoạt động tốt, phát huy hiệu quả. Đồng thời, đồng chí đề nghị hội thảo tập trung phân tích làm rõ vấn đề kiểm soát quyền lực và phòng, chống “chạy chức, chạy quyền” trong công tác cán bộ, tập trung các vấn đề, gồm: Thực trạng kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ ở tỉnh trong thời gian qua, nguyên nhân, giải pháp, nhất là cơ chế nhằm thực hiện kiểm soát quyền lực tốt hơn; nhận diện được hành vi “chạy chức, chạy quyền” trong công tác cán bộ hiện nay; tập trung làm rõ mối quan hệ giữa kiểm soát quyền lực và phòng, chống “chạy chức, chạy quyền” trong công tác tổ chức cán bộ; làm rõ hiệu quả lãnh đạo của cấp ủy; việc phân định thẩm quyền, trách nhiệm, mối quan hệ công tác của cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy; cơ cấu tổ chức; công tác kiểm tra giám sát, kỷ luật; quy chế, quy trình và việc thực hiện từng khâu trong công tác tổ chức cán bộ trong thời gian qua đã đảm bảo đúng quy trình, quy định hay chưa; đề xuất giải pháp thực hiện có hiệu quả trong thời gian tới, góp phần quan trọng vào quá trình phát triển chung của tỉnh Quảng Bình.
Đại biểu dự Hội thảo.
Các tham luận tại Hội thảo đã đưa ra được những luận cứ khoa học và làm rõ được những bài học thực tiễn sinh động, quý giá, cần thiết cho quá trình nghiên cứu, tìm ra những giải pháp hữu hiệu để tham mưu thực hiện có hiệu quả việc kiểm soát quyền lực và phòng, chống “chạy chức, chạy quyền” trong công tác cán bộ, tập trung vào một số nội dung cụ thể: (1) Bước đầu làm rõ vấn đề, thực trạng về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và phòng, chống “chạy chức, chạy quyền” trong công tác cán bộ; (2) Nhận diện về vấn đề “chạy chức, chạy quyền” trong công tác cán bộ; về đạo đức công vụ và chống “chạy chức, chạy quyền” trong công tác cán bộ; (3) Về mối quan hệ giữa kiểm soát quyền lực và phòng, chống “chạy chức, chạy quyền” trong công tác cán bộ, từ thực tiễn của công tác cán bộ, đề xuất giải pháp nhằm tăng cường kiểm soát quyền lực và phòng, chống “chạy chức, chạy quyền” trong công tác cán bộ; (4) Vai trò giám sát của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, của cơ quan tham mưu của Đảng, Nhà nước trong kiểm soát quyền lực và phòng, chống “chạy chức, chạy quyền” trong công tác cán bộ; (5) Báo chí và vai trò của báo chí trong kiểm soát quyền lực, đấu tranh phòng, chống “chạy chức, chạy quyền” trong công tác cán bộ hiện nay.
Những nội dung tham luận tại Hội thảo rất cần thiết cho quá trình nghiên cứu, tìm ra những giải pháp để tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình, cấp ủy các cấp nhằm kiểm soát quyền lực và phòng, chống “chạy chức, chạy quyền” trong công tác cán bộ ngày càng hiệu quả, thiết thực hơn. Đặc biệt, Hội thảo còn là dịp để toàn thể đội ngũ cán bộ, chuyên viên làm công tác tổ chức cán bộ được nâng cao nhận thức, nhận diện được vấn đề, hiểu rõ hơn thực trạng công tác kiểm soát quyền lực và phòng, chống “chạy chức, chạy quyền” trong công tác cán bộ là việc làm hết sức khó khăn, nhạy cảm, đòi hỏi phải trung thành, trung thực, gương mẫu, tinh thông, sáng tạo, có tư duy và quyết tâm chính trị cao, đòi hỏi phải có sự tham gia của toàn xã hội, tạo sức mạnh tổng hợp để “không thể chạy, không dám chạy, không cần chạy và không muốn chạy” trong công tác cán bộ.
Nguyễn Viết Xuân
Ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Bình