Quốc hội biểu quyết thông qua 6 luật

Ngày 20-11, Kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa XIII tiếp tục chương trình làm việc tại Hội trường, biểu quyết thông qua 6 luật và thảo luận về dự án Luật Khoa học và công nghệ (sửa đổi).

Sau khi nghe trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của các đại biểu, Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua các luật: Luật Xuất bản (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế; Luật Dự trữ quốc gia; Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực. Các Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1 tháng 7 năm 2013.

1- Luật Xuất bản (sửa đổi), được Quốc hội đã biểu quyết thông qua với 92,37% số đại biểu có mặt tán thành. Luật Xuất bản (sửa đổi) gồm 6 chương, 54 điều. Theo Luật này, Nhà nước có chiến lược, quy hoạch phát triển mạng lưới các nhà xuất bản, cơ sở in, cơ sở phát hành xuất bản phẩm; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực; ưu đãi về thuế theo quy định của pháp luật cho hoạt động xuất bản; có chính sách thu hút các nguồn lực xã hội tham gia vào hoạt động xuất bản. Đối tượng thành lập nhà xuất bản gồm: Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương và cấp tỉnh; đơn vị sự nghiệp công lập ở Trung ương, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp ở Trung ương trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm và tài liệu khoa học, học thuật. Nhà xuất bản tổ chức và hoạt động theo loại hình đơn vị sự nghiệp công lập hoặc doanh nghiệp kinh doanh có điều kiện do Nhà nước là chủ sở hữu. Luật đã mở rộng hợp lý sự tham gia của tư nhân trong các khâu khác nhau của hoạt động xuất bản, tuy nhiên chưa cho phép tư nhân thành lập nhà xuất bản.

Luật quy định rõ những trường hợp bị đình chỉ hoạt động xuất bản, thu hồi giấy phép thành lập hoặc bị giải thể nhà xuất bản theo quy định của pháp luật, nhằm chấn chỉnh việc cho thành lập nhà xuất bản không đủ các điều kiện, bảo đảm kỷ cương, góp phần nâng cao chất lượng công tác xuất bản.

Luật đã bổ sung một chương riêng về xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử, cập nhật hơn với sự phát triển công nghệ thông tin và hoạt động xuất bản điện tử trong nước cũng như trên thế giới hiện nay.

2- Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư với 90,16% số đại biểu có mặt tán thành.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư được sửa đổi, bổ sung tập trung vào một số vấn đề: Tiêu chuẩn trở thành luật sư, điều kiện thành lập tổ chức hành nghề luật sư; quyền, nghĩa vụ của luật sư, tổ chức hành nghề luật sư; địa vị pháp lý, cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của Đoàn luật sư, Liên đoàn luật sư Việt Nam; nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với tổ chức và hoạt động hành nghề luật sư, phân định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước với tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư; điều kiện và phạm vi hành nghề của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài, luật sư nước ngoài, bảo đảm phù hợp với các cam kết của Việt Nam khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới.

Tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài đã được thành lập và đang hành nghề luật sư hợp pháp tại nước ngoài được phép hành nghề tại Việt Nam theo quy định của Luật này khi có đủ điều kiện sau: Cam kết tuân thủ Hiến pháp và pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Cam kết và bảo đảm có ít nhất 2 luật sư nước ngoài… Trưởng chi nhánh, giám đốc công ty luật nước ngoài tại Việt Nam phải có ít nhất hai năm liên tục hành nghề luật sư. Luật không cho phép viên chức là người đang làm công tác giảng dạy pháp luật được hành nghề luật sư.

3- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế được Quốc hội biểu quyết thông qua với 92,57% số đại biểu có mặt tán thành.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế được sửa đổi, bổ sung liên quan đến ba nhóm vấn đề gồm: Nhóm vấn đề về đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế; Nhóm vấn đề phục vụ mục tiêu cải cách - hiện đại hóa và hội nhập, phù hợp thông lệ quốc tế; Nhóm vấn đề nâng cao hiệu lực, hiệu quả của quản lý thuế để phù hợp với thực tế và các văn bản pháp luật có liên quan nhằm chống thất thu ngân sách, giảm nợ đọng thuế...

Việc sửa đổi, bổ sung này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, mặt khác cũng bảo đảm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, giữ nghiêm kỷ luật tài chính, ngăn chặn các hành vi chây ỳ, trốn thuế, gây thất thu cho ngân sách nhà nước.

4- Luật Dự trữ quốc gia được Quốc hội thông qua với số phiếu tán thành 94,58%, Luật Dự trữ quốc gia có 6 chương, 66 điều quy định việc hình thành, quản lý, điều hành và sử dụng dự trữ quốc gia; quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động dự trữ quốc gia.

Luật quy định: Nhà nước hình thành, sử dụng dự trữ quốc gia nhằm chủ động đáp ứng yêu cầu đột xuất, cấp bách về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh; phục vụ quốc phòng, an ninh. Để bảo đảm tính chặt chẽ trong tổ chức thực hiện, tránh mở rộng mục tiêu, vận dụng tùy tiện, Luật đã bỏ quy định: “Thực hiện các nhiệm vụ đột xuất, cấp bách khác” và không bổ sung mục tiêu bình ổn thị trường như trong dự thảo.

Các mặt hàng thuộc danh mục hàng dự trữ quốc gia phải đáp ứng mục tiêu dự trữ quốc gia và một trong các tiêu chí: Là mặt hàng chiến lược, thiết yếu, có tần suất sử dụng nhiều, có tác dụng ứng phó kịp thời trong tình huống đột xuất, cấp bách; là mặt hàng đặc chủng, không thể thay thế; là vật tư, thiết bị, hàng hóa bảo đảm quốc phòng, an ninh mà sản xuất trong nước chưa đáp ứng được yêu cầu về số lượng, chất lượng, chủng loại…

5- Quốc hội thông qua Luật Hợp tác xã (sửa đổi) với số phiếu tán thành 87,55%. Luật Hợp tác xã (sửa đổi) gồm có 9 chương, 64 điều. Theo đó, Hợp tác xã là tổ chức kinh tế tập thể, đồng sở hữu, có tư cách pháp nhân, do ít nhất 7 thành viên tự nguyện thành lập và hợp tác tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm nhằm đáp ứng nhu cầu chung của thành viên, trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ trong quản lý hợp tác xã.

Liên hiệp hợp tác xã là tổ chức kinh tế tập thể, đồng sở hữu, có tư cách pháp nhân, do ít nhất 4 hợp tác xã tự nguyện thành lập và hợp tác tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm đáp ứng nhu cầu chung của hợp tác xã thành viên, trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ trong quản lý liên hiệp hợp tác xã.

Về tổ chức liên minh hợp tác xã, Luật quy định theo hướng tôn trọng nguyên tắc tự nguyện, tự chủ của tổ chức đại diện hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, đồng thời ghi nhận vai trò của liên minh hợp tác xã.

6- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực được Quốc hội biểu quyết thông qua với 91,16% số phiếu tán thành. Luật được sửa đổi, bổ sung các quy định về: Quy hoạch phát triển điện lực; bỏ việc lập quy hoạch phát triển điện lực huyện/quận/thị xã và thành phố thuộc tỉnh; quy hoạch phát triển điện lực tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được lập cho từng giai đoạn 10 năm và có định hướng cho 10 năm tiếp theo; giá bán điện thực hiện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước; quy định về giá điện và các loại phí.

Giá bán điện thực hiện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước phù hợp với cấp độ phát triển của thị trường điện lực. Bảo đảm quyền tự quyết định giá mua, bán điện trong khung giá, cơ cấu biểu giá bán lẻ điện do Nhà nước quy định của các đối tượng mua bán điện trên thị trường điện lực… Thực hiện cơ cấu biểu giá bán lẻ điện hợp lý đối với các nhóm khách hàng. Nhà nước hỗ trợ giá bán lẻ điện cho mục đích sinh hoạt đối với hộ nghèo, hộ chính sách xã hội theo tiêu chí do Thủ tướng Chính phủ quy định phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội từng thời kỳ.

Liên quan đến vấn đề phát triển thủy điện, Luật đã sửa đổi, bổ sung một số nội dung về nghĩa vụ tuân thủ các quy định về an toàn đập thủy điện và vận hành hồ chứa.

Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Khoa học và công nghệ (sửa đổi).

Hồng Phúc

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất