Quốc hội tiếp tục thảo luận về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992

Ngày 16-11, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và Dự thảo Nghị quyết về việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phiên họp.

 

Thảo luận về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, hầu hết ý kiến phát biểu đều khẳng định sự cần thiết của việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992, qua 20 năm thực hiện Hiến pháp năm 1992, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Đến nay, đất nước có nhiều thay đổi trong bối cảnh tình hình quốc tế có những biến đổi to lớn, sâu sắc và phức tạp, vì vậy, cần sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cho phù hợp.

 

Dự thảo Hiến pháp sau khi sửa đổi, bổ sung có 11 chương, 126 điều. So với Hiến pháp năm 1992, Dự thảo Hiến pháp giảm một chương, 21 điều, 18 điều giữ nguyên, 95 điều sửa đổi và bổ sung 13 điều mới. Các đại biểu nhất trí với chín nội dung cơ bản cần tập trung sửa đổi, qua đó bảo đảm đổi mới đồng bộ cả về kinh tế và chính trị, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; xây dựng và bảo vệ đất nước; tích cực và chủ động hội nhập quốc tế.

Nhiều ý kiến khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng, Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh; là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, nhiều ý kiến cho rằng, dự thảo đã làm rõ hơn hơn vai trò, vị trí, trách nhiệm lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội. Đồng thời, đề xuất một số sửa đổi để thể hiện đầy đủ hơn bản chất của Đảng.

Các đại biểu tán thành quan điểm tiếp tục khẳng định bản chất và mô hình tổng thể của hệ thống chính trị và bộ máy nhà nước đã được xác định trong Cương lĩnh và Hiến pháp năm 1992. Nhà nước Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân; quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.

Dự thảo Hiến pháp sửa đổi đã thể hiện rõ quan điểm chỉ đạo của Đảng trong các văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XI và Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội về bản chất dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân và giai cấp nông dân và đội ngũ tri thức do Đảng lãnh đạo. Thể chế hóa các điểm mới này trong dự thảo Hiến pháp đã thực hiện quan điểm vai trò lãnh đạo của Đảng nhằm đảm bảo tôn trọng phát huy quyền làm chủ của nhân dân, quyền tự do dân chủ của con người trên cơ sở các nguyên tắc của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân.


Trong phiên thảo luận, quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân là một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm đóng góp ý kiến, coi đây là điểm ưu việt của dự thảo Hiến pháp sửa đổi.

 

Tuy nhiên, có đại biểu góp ý cần định nghĩa cụ thể, rõ ràng về quyền con người và quyền công dân. Từ đó, đưa ra những chính sách bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền công dân phù hợp với thực tế cuộc sống của người dân. Bên cạnh đó, cần bổ sung quy định công dân được bảo đảm quyền có đất ở, đất sản xuất và nên quy định vấn đề này rõ ràng, bởi  đất đai là tài sản chủ yếu nhất gắn với cuộc sống và cả cuộc đời của người dân, do đó cần thiết phải có thiết chế về quyền sở hữu của công dân nhằm tạo cơ sở pháp lý cao nhất cho việc xây dựng các đạo luật và các chính sách bảo đảm cho việc thực hiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm sự ổn định, an toàn pháp lý cho cá nhân, bảo đảm hỗ trợ cho quyền sống của con người, góp phần phát triển bền vững đất nước. Cần quy định cụ thể để hạn chế việc không tôn trọng quyền con người từ phía các cơ quan công quyền…

 

Có ý kiến nêu dự thảo cần thể hiện thật đầy đủ các quan điểm lớn có tính nguyên tắc như: Nâng cao vai trò của Quốc hội trong việc lập hiến, lập pháp; cụ thể các quyền của Quốc hội trong việc giám sát, điều hành Chính phủ, cần khẳng định các thành phần kinh tế đều có vai trò quan trọng trong nền kinh tế...


 

Hồng Phúc

 

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất