Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Thủ đô

Vị trí, vai trò của Thủ đô. Luật quy định Thủ đô nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Hà Nội. Thủ đô, là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, nơi đặt trụ sở của các cơ quan trung ương của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế; là trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước. Trụ sở cơ quan Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ đặt tại khu vực Ba Đình, TP. Hà Nội.

Khuê Văn Các là biểu tượng Thủ đô. Luật quy định, biểu tượng của Thủ đô là hình ảnh Khuê Văn Các tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Khuê Văn Các tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám được chọn là biểu tượng của Thủ đô với tỷ lệ 77,31% đại biểu tán thành. Trước đó, trong phiên thảo luận, nhiều ý kiến đề xuất lựa chọn Hồ Gươm, Chùa Một Cột hay Cột cờ Hà Nội làm biểu tượng của Thủ đô. Một số ý kiến đề nghị cần làm rõ hơn tiêu chí lựa chọn và tổ chức cuộc thi để lựa chọn biểu tượng. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc xác định biểu tượng của Thủ đô phải được cân nhắc, lựa chọn dựa trên nhiều yếu tố, tiêu chí khác nhau, gắn  với lịch sử xây dựng, bảo vệ và phát triển của Thủ đô.

Khuê Văn Các công trình văn hoá, lịch sử có kiến trúc độc đáo, nổi bật trong quần thể Văn Miếu - Quốc Tử Giám, trường đại học đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, vừa thể hiện được truyền thống hiếu học của dân tộc, vừa thể hiện được nền văn hiến lâu đời của đất nước, vừa bảo đảm tính thẩm mỹ và sự trang trọng. Từ cơ sở nêu trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội lựa chọn và quy định Khuê Văn Các là biểu tượng của Thủ đô Hà Nội.


 

 Tại kỳ họp này, Quốc hội thông qua nhiều dự luật, trong đó có dự Luật Thủ đô

Coi trọng bảo tồn và phát triển văn hóa, Luật quy định các khu vực, di tích và di sản văn hóa được tập trung nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa gồm: Khu vực Ba Đình; Di tích Phủ Chủ tịch, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; Bảo tàng Hồ Chí Minh; Di tích Hoàng Thành Thăng Long; Thành Cổ Loa; Văn Miếu - Quốc Tử Giám; các di tích quốc gia đặc biệt khác trên địa bàn Thủ đô; Khu vực Hồ Hoàn Kiếm, Hồ Tây; Phố cổ, làng cổ và làng nghề truyền thống tiêu biểu; Biệt thự cũ và các công trình kiến trúc khác xây dựng trước năm 1954; Các giá trị văn hóa phi vật thể trên địa bàn Thủ đô.

Quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan và xây dựng đô thị, Luật quy định, không gian, kiến trúc, cảnh quan và xây dựng đô thị phải được quản lý theo đồ án quy hoạch, bảo đảm bảo tồn, tôn tạo, phát huy các hình thái kiến trúc có giá trị văn hóa, lịch sử, tạo lập không gian xanh của Thủ đô, không gian cảnh quan khu vực hai bên Sông Hồng.

Việc cải tạo, chỉnh trang các đường giao thông quan trọng trong nội thành phải được thực hiện đồng bộ với việc cải tạo, chỉnh trang công trình hai bên đường, bảo đảm giữ gìn không gian, kiến trúc đặc trưng của đô thị.

Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội chủ trì phối hợp với Bộ Xây dựng xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn về quy hoạch, kiến trúc đối với khu vực cải tạo, tái thiết đô thị phù hợp với điều kiện thực tế để lập quy hoạch, thiết kế đô thị tại các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội phê duyệt thiết kế đô thị riêng trong khu vực đã ổn định chức năng sử dụng đất để phục vụ cho việc quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị và cấp giấy phép xây dựng. Luật quy định việc xây dựng và phát triển Thủ đô phải được thực hiện theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, các quy định của pháp luật về xây dựng, về quy hoạch đô thị và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô phải bảo đảm xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường; bảo đảm quốc phòng, an ninh, kết nối hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của Thủ đô với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong vùng Thủ đô và cả nước...

Quy chuẩn về môi trường, Luật nghiêm cấm san lấp, lấn chiếm, gây ô nhiễm sông, suối, hồ, công viên, vườn hoa, khu vực công cộng; chặt phá rừng, cây xanh trên địa bàn Thủ đô; xả chất thải chưa qua xử lý ra môi trường; sử dụng diện tích công viên, vườn hoa công cộng sai chức năng, mục đích. Việc cải tạo sông, suối, hồ bị ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt phải phù hợp với quy định về kiến trúc, cảnh quan, môi trường của Thủ đô. Đồng thời, Thủ đô cũng có một số quy chuẩn môi trường về nước thải, khí thải và tiếng ồn nghiêm ngặt hơn so với quy chuẩn môi trường quốc gia…


 
                               Bảo vệ môi trường là một trong những điều được Luật quy định

Được sử dụng khoản thu ngân sách trung ương vượt dự toán, Thủ đô được huy động vốn đầu tư trong nước thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân và các hình thức huy động khác theo quy định của pháp luật. Dự toán chi ngân sách của Thủ đô được xác định trên cơ sở định mức phân bổ chi ngân sách cao hơn các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác được áp dụng cho các thời kỳ ổn định từ 3 đến 5 năm. Thủ đô được sử dụng các khoản thu ngân sách trung ương vượt dự toán, trừ các khoản sau: Khoản thu thuế giá trị gia tăng hàng nhập khẩu; Khoản chênh lệch thu, chi của Ngân hàng nhà nước; Khoản thu không giao Thủ đô quản lý thu, không phát sinh trên địa bàn Thủ đô nhưng hạch toán nộp ở Thủ đô. Đối với một số công trình, dự án quan trọng có quy mô đầu tư lớn thuộc lĩnh vực môi trường, giao thông, thuỷ lợi do TP. Hà Nội quản lý vượt quá khả năng cân đối của ngân sách địa phương thì Chính phủ trình Quốc hội quyết định hỗ trợ ngân sách trung ương cho ngân sách Thủ đô để triển khai thực hiện cho từng dự án…

Luật Thủ đô sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2013. 

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất