Nhiệm kỳ này, Quốc hội khóa XIII sẽ tiếp tục phát huy những thành tựu và kinh nghiệm của Quốc hội các khóa trước, đồng thời sẽ đổi mới mạnh mẽ về cách thức tổ chức hoạt động. Sự đổi mới cần xoay quanh 3 chức năng chính của Quốc hội là chức năng lập pháp, chức năng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và chức năng giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước.
Sau 14 ngày làm việc khẩn trương, Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIII đã thành công tốt đẹp. Ngay sau khi bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã chủ trì cuộc họp báo với sự tham gia của đông đảo báo chí trong nước và quốc tế.
Mở đầu buổi họp báo, đồng chí Nguyễn Sinh Hùng báo cáo nhanh về kết quả kỳ họp. Theo Chủ tịch Quốc hội, kỳ họp lần này đã đạt được những kết quả cơ bản: Thứ nhất, Quốc hội khóa XIII có số đại biểu đầy đủ nhất với 500 đại biểu. Đây là kết quả của việc làm tốt công tác bầu cử Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp tháng 5 vừa qua. Báo cáo thẩm tra tư cách đại biểu cũng cho thấy đại đa số đại biểu có trình độ học vấn cao. Điều này chắc chắn sẽ góp phần nâng cao chất lượng của Quốc hội. Thực tế chất lượng các buổi thảo luận tại kỳ họp vừa qua đã chứng minh điều đó.
Hai là, việc bầu, phê chuẩn các nhân sự cao cấp trong bộ máy nhà nước và quyết định cơ cấu của Chính phủ đạt được sự đồng thuận cao. Trong kỳ họp này, công tác bầu và phê chuẩn các nhân sự cấp cao trong bộ máy nhà nước được xác định là nhiệm vụ trọng tâm và đã chiếm gần 87% thời lượng các phiên họp toàn thể tại kỳ họp. Đây là công việc quan trọng, có ý nghĩa to lớn đối với chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước trong suốt cả nhiệm kỳ. Công tác bầu, phê chuẩn các nhân sự cấp cao trong bộ máy nhà nước và điều chỉnh cơ cấu tổ chức của Chính phủ được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, triển khai chặt chẽ, đúng pháp luật, dân chủ, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng. Nhờ đó, Quốc hội đã lựa chọn được những người thực sự xứng đáng để đảm nhận các công việc quan trọng, đảm đương trọng trách trước Đảng, Quốc hội và toàn thể nhân dân. Kết quả bầu và phê chuẩn các chức danh cụ thể đều đạt tỷ lệ tán thành cao, thể hiện sự đồng thuận, nhất trí cao của các đại biểu Quốc hội với các ứng cử viên được giới thiệu.
Ba là, Quốc hội đã thực hiện tốt chức năng lập pháp. Tuy hoạt động lập pháp chiếm không nhiều thời gian (12,9% thời lượng) nhưng có ý nghĩa hết sức quan trọng. Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về mục đích, yêu cầu, quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, phương châm và phương pháp tiến hành nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 và ban hành Nghị quyết thành lập Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 với cơ cấu, thành phần hợp lý. Đồng thời, Quốc hội cũng xem xét, thông qua Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012.
Bốn là, Quốc hội nghe Chính phủ báo cáo về tình hình thực hiện và các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm; xem xét, thảo luận và thông qua một số Nghị quyết quan trọng.
Trả lời các câu hỏi của phóng viên, đồng chí Nguyễn Sinh Hùng khẳng định, nhiệm kỳ này, Quốc hội khóa XIII sẽ tiếp tục phát huy những thành tựu và kinh nghiệm của Quốc hội các khóa trước, đồng thời sẽ đổi mới mạnh mẽ về cách thức tổ chức hoạt động. Theo Chủ tịch Quốc hội, sự đổi mới cần xoay quanh 3 chức năng chính của Quốc hội là chức năng lập pháp, chức năng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và chức năng giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước. Đối với chức năng lập pháp, việc đổi mới sẽ theo hướng lựa chọn chương trình đưa ra Quốc hội thảo luận phải sát, đúng và được chuẩn bị chu đáo. Đồng thời cũng cần đổi mới quy trình làm luật, đổi mới phương pháp chỉ đạo thực hiện để đưa luật vào cuộc sống. Với chức năng quyết định những vấn đề quan trọng, Quốc hội cần phân định rõ vấn đề nào là quan trọng. Từ đó đổi mới quy trình, nâng cao chất lượng chuẩn bị để đưa ra Quốc hội quyết định những vấn đề đó. Về chức năng giám sát,cũng cần phải đổi mới theo hướng chọn lọc việc gì cần giám sát, đổi mới cách thức tiến hành giám sát một cách thường xuyên, chuyên sâu, đồng thời cũng phải mở rộng phạm vi giám sát.
Theo đồng chí Nguyễn Sinh Hùng để Quốc hội có thể đổi mới một cách mạnh mẽ, việc cần thiết là phải nâng cao năng lực, trình độ của đại biểu Quốc hội, có cơ chế để tạo điều kiện cho đại biểu phát huy khả năng, năng lực và phối hợp tốt với nhau. “Lực lượng đổi mới chính là bản thân đại biểu. Nhưng tổ chức hoạt động của các đoàn đại biểu, các cơ quan của Quốc hội, Thường vụ Quốc hội và ngay cả các kỳ họp Quốc hội cũng phải đổi mới”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Về số lượng đại biểu chuyên trách hiện nay của Quốc hội đã chiếm 33%, tăng so kỳ trước. Trong tương lai, có thể tăng thêm tỷ lệ số đại biểu chuyên trách nhưng ở nhiệm kỳ này, vấn đề đặt ra là phải gắn kết hài hòa giữa đại biểu chuyên trách và đại biểu kiêm nhiệm. Thực tế, nếu đại biểu Quốc hội không bám sát thực tiễn thì cũng khó có thể bàn thảo, xây dựng các dự luật, pháp lệnh gắn với cuộc sống.
Xung quanh vấn đề Biển Đông, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, chúng ta làm hết sức mình để giữ gìn hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển với các nước, đồng thời kiên quyết đấu tranh để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.
Xuân Sơn