Quốc hội thảo luận về một số ý kiến khác nhau trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992

Báo cáo tổng hợp do ông Phan Trung Lý trình bày cho biết, trong phiên thảo luận tổ, các đại biểu đã đánh giá cao bản Hiến pháp sửa đổi và góp ý thêm để hoàn thiện dự thảo.

Về dự thảo nghị quyết thi hành Hiến pháp, có ý kiến đại biểu đề nghị thời điểm này nên là một ngày cụ thể, được quy định ngay trong Hiến pháp hoặc nghị quyết thi hành Hiến pháp, nhưng cũng có ý kiến đề nghị ngày này là ngày Chủ tịch nước công bố Hiến pháp. Theo Ủy ban, quy định ngày có hiệu lực là ngày do Chủ tịch nước công bố là hợp lý, phù hợp với các quy định hiện có và các quy ước quốc tế. Theo đó, nếu được thông qua, Hiến pháp sửa đổi sẽ có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2014.

Về thời hạn sửa đổi các luật liên quan, một số đại biểu cho rằng, dự thảo quy định phải hoàn thành trước năm 2016 là quá dài, đề nghị xong trước năm 2015. Ủy ban đã tiếp thu và chỉnh lý theo hướng Chính phủ phải trình QH xem xét, thông qua các luật liên quan cần sửa đổi chậm nhất là tại kỳ họp thứ 10 năm 2015.

Về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đại đa số ý kiến tán thành quy định về vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam tại Điều 4 của dự thảo. Có ý kiến đề nghị bổ sung cụm từ “duy nhất” vào sau cụm từ “lực lượng lãnh đạo” tại khoản 1; quy định rõ cơ chế để thực hiện “Đảng chịu sự giám sát của nhân dân”, “chịu trách nhiệm trước nhân dân” và bổ sung quy định về mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ vào Điều 4. Tuy nhiên, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp cho rằng, trong toàn bộ Hiến pháp năm 1992 cũng như Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này chỉ có duy nhất Điều 4 quy định Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Do đó, ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam thì không còn lực lượng nào khác được giao trọng trách này. Điều đó cũng hoàn toàn phù hợp với thực tiễn một đảng lãnh đạo ở Việt Nam. Vì vậy, xin phép Quốc hội không bổ sung từ “duy nhất” vào điều này. Về cơ chế để nhân dân giám sát Đảng, Đảng chịu trách nhiệm trước nhân dân, quy định mọi tổ chức Đảng, đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật là cơ sở hiến định, là một bảo đảm quan trọng về mặt pháp lý để nhân dân giám sát hoạt động của Đảng. Mặt khác, trong Điều lệ và các văn kiện khác của Đảng cũng đã có các quy định để nhân dân thực hiện cơ chế “Đảng chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân”, do đó đề nghị giữ nguyên như dự thảo.

Về quyền thu hồi đất của Nhà nước. Đánh giá cao sự tiếp thu của Ban soạn thảo trong các nội dung quy định về đất đai, đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) nhất trí, việc thu hồi đất đai phải được thực hiện theo pháp luật, nhưng ông băn khoăn với cụm từ thu hồi theo quy hoạch. Theo ông, quy định này vô hình chung đã đặt tính chất của quy hoạch ngang với pháp luật mà quy hoạch thì diễn ra ở mọi cấp, không tránh khỏi chồng chéo, thiếu khoa học. Thực tế, việc điều chỉnh nhiều lần quy hoạch là một trong những nguyên nhân gây lãng phí đất đai nên nếu lấy đây là cơ sở để thu hồi đất đai thì “không ổn”. “Quy hoạch là phương hướng sử dụng đất cho hiệu quả, không nên áp đặt tính pháp lý cho công tác này. Quy hoạch nên để luật định thì đúng tầm hơn”. Băn khoăn với quy định về thu hồi đất trong trường hợp thật cần thiết theo luật định, bởi như thế nào là “thật cần thiết”, ai sẽ xem xét sự thật cần thiết này? Do đó, nên quy định giao Quốc hội, HĐND xem xét mức độ thật cần thiết của từng trường hợp thu hồi đất.

Tán thành quan điểm này, đại biểu Nguyễn Viết Nhiên (Hải Phòng) nhất trí, cần quy định vấn đề thu hồi đất vào trong hiến pháp vì quyền sử dụng đất là quyền quan trọng của người dân. Đại biểu Nhiên khẳng định việc thu hồi vì mục đích quốc phòng, an ninh là cần thiết nhưng vẫn còn băn khoăn về việc thu hồi thực hiện các dự án kinh tế xã hội. Theo ông, dự thảo phải quy định rõ các trường hợp thu hồi để làm cơ sở xây dựng Luật đất đai sửa đổi.

Đại biểu Phan Văn Tường (Thái Nguyên) cho rằng, quy định thu hồi đất đảm bảo công bằng, theo luật định là phù hợp. Đặc biệt, đại biểu Tường cho rằng, dự thảo hiến pháp không nên hạn chế quyền thu hồi đất của Nhà nước, mà thay vì hạn chế, nên tăng cường trách nhiệm của Nhà nước với việc thu hồi đất, với việc càng làm nhiều càng hiệu quả. Theo đại biểu Tường: Chúng ta không nên hiểu thu hồi đất là biện pháp hành chính mà là sự điều tiết lại cho hợp lý, công bằng, vì sự phát triển chung. Thu hồi đất nếu không xác định được trách nhiệm thì các giải pháp khác chỉ là hình thức, nếu có hạn chế thu hồi thì bức xúc cũng không giảm. Việc xác định rõ trách nhiệm trong thu hồi đất là quan trọng, chứ không nằm ở mục đích và phạm vi thu hồi.

Về các thành phần kinh tế (khoản 1 Điều 51), theo DTSĐHP, đa số ý kiến tán thành với quy định về thành phần kinh tế trong Dự thảo nhưng đề nghị phân biệt rõ giữa “kinh tế nhà nước” và “doanh nghiệp nhà nước”. Ý kiến khác băn khoăn về quy định “kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo” vì mâu thuẫn với quy định tại khoản 2 “các thành phần kinh tế bình đẳng”. Có ý kiến đề nghị bổ sung vào Dự thảo Hiến pháp quy định về các thành phần kinh tế cụ thể. 

Bên cạnh những nội dung đã được thể hiện trong Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp trình Quốc hội tại phiên họp trước, Ủy ban DTSĐHP nhận thấy, việc khẳng định vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước nhằm thể hiện bản chất chế độ kinh tế của Nhà nước ta, thể hiển rõ định hướng xã hội chủ nghĩa và vai trò của kinh tế nhà nước trong nền kinh tế thị trường ở nước ta. Hơn nữa, “kinh tế nhà nước” là một khái niệm rộng, chứ không đồng nhất kinh tế nhà nước với doanh nghiệp nhà nước.

Phan Trung Lý nhấn mạnh: Việc quy định “kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo” không mâu thuẫn với nguyên tắc bình đẳng và cạnh tranh giữa các thành phần kinh tế. 

Về ý kiến đề nghị bổ sung các thành phần kinh tế cụ thể khác trong Hiến pháp, như đã thể hiện trong Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp trình Quốc hội tại phiên họp trước, Ủy ban DTSĐHP nhận thấy, nếu liệt kê cụ thể các thành phần kinh tế sẽ không bảo đảm tính khái quát của Hiến pháp. Vì vậy, Ủy ban DTSĐHP đề nghị Quốc hội cho giữ quy định về các thành phần kinh tế như Dự thảo.

Về chính sách khuyến khích đầu tư (khoản 3 Điều 51), có ý kiến đề nghị bổ sung từ “doanh nhân” vào khoản 3 để ghi nhận vai trò và trách nhiệm của doanh nhân trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.

Ủy ban DTSĐHP thấy rằng, trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì doanh nghiệp, doanh nhân có vai trò rất quan trọng. Do đó, tiếp thu ý kiến này của đại biểu Quốc hội, xin thể hiện lại khoản 3 Điều 51 như sau: “Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nhân và các tổ chức, cá nhân khác đầu tư, sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển đất nước. Tài sản hợp pháp của cá nhân, tổ chức đầu tư, sản xuất, kinh doanh được pháp luật bảo hộ và không bị quốc hữu hóa”.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất