Quốc hội thảo luận Luật Đất đai (sửa đổi)

Sáng 6-11-2013, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật đất đai (sửa đổi).

Trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 có 14 chương, 212 điều, tăng 2 điều so với dự thảo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5.

Dự luật chỉnh lý theo hướng quy định rõ việc giao đất phải căn cứ vào kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện và nhu cầu sử dụng đất trong dự án đầu tư hoặc đơn xin giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất. Ngoài ra, để được giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất các tổ chức, cá nhân phải có dự án do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư hoặc Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc được HĐND cấp tỉnh quyết định. Đối với các dự án có sử dụng đất lúa, đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng vào các mục đích khác không thuộc trường hợp đã được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư thì ngoài các điều kiện trên còn phải có văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ đối với trường hợp chuyển mục đích sử dụng từ 10ha đất trồng lúa trở lên, từ 20ha đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng trở lên hoặc Nghị quyết của HĐND cấp tỉnh đối với trường hợp chuyển mục đích sử dụng dưới 10ha đất trồng lúa, dưới 20 héc ta đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng. Đối với các dự án sử dụng đất tại các xã biên giới, ven biển, hải đảo thì phải được sự chấp thuận bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Dự thảo Luật đã quy định cụ thể các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, phục vụ lợi ích quốc gia, công cộng, phát triển kinh tế - xã hội để hạn chế việc thu hồi đất tràn lan gây bức xúc, khiếu kiện trong nhân dân. Nhà đầu tư thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội có nhu cầu sử dụng đất sẽ được Nhà nước giao đất, cho thuê đất trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao, khu kinh tế hoặc được Nhà nước bàn giao mặt bằng để thực hiện các dự án quan trọng quốc gia, dự án phát triển hạ tầng. Việc thỏa thuận để chuyển nhượng, cho thuê, góp vốn bằng quyền sử dụng đất giữa hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất với nhà đầu tư chỉ thực hiện đối với những dự án không thuộc trường hợp Nhà nước trực tiếp thu hồi đất, thường là những dự án nhỏ, lẻ. Đây là thỏa thuận mang tính dân sự theo nguyên tắc bình đẳng trên cơ sở các quyền hợp pháp của người sử dụng đất, vì vậy không cần có cơ chế can thiệp bằng biện pháp hành chính của Nhà nước.

Dự luật chỉnh lý theo hướng việc bồi thường phải đảm bảo bù đắp những thiệt hại cho người có đất do việc thu hồi đất gây ra như thiếu đất sản xuất, nhà ở, sản xuất bị gián đoạn, lợi nhuận bị giảm sút, cuộc sống, sinh hoạt bị ảnh hưởng. Việc bồi thường có thể bằng đất, bằng tiền. Đối với hỗ trợ không phải là để bù đắp phần bồi thường chưa thỏa đáng mà xác định đây là việc Nhà nước tạo điều kiện cho người có đất thu hồi có cuộc sống tốt hơn. Tái định cư được thực hiện theo nguyên tắc bảo đảm khi thu hồi đất ở mà phải di chuyển chỗ ở thì phải bố trí chỗ ở cho người có đất thu hồi, nếu tiền bồi thường không đủ mua suất tái định cư tối thiểu thì được Nhà nước hỗ trợ đủ để mua suất tái định cư tối thiểu.

Thảo luận trực tiếp tại hội trường, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao việc nghiên cứu tiếp thu dự thảo luật với tinh thần nghiêm túc trách nhiệm và tán thành cơ bản báo cáo tiếp thu giải trình chỉnh lý dự thảo luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng như dự thảo luật đã được chỉnh lý. Các đại biểu Quốc hội đề nghị về trách nhiệm của Nhà nước với tư cách là đại diện chủ sở hữu quản lý thống nhất về đất đai. Vai trò thẩm quyền của Quốc hội, của Chính phủ, của HĐND, của UBND các cấp trong quản lý về đất đai. Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất, về cơ quan quản lý đất đai, phân biệt chức năng quản lý nhà nước và chức năng thực hiện các dịch vụ công của văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất và tổ chức phát triển quỹ đất.

Nhiều đại biểu đề nghị phân tích và đề nghị hoàn thiện thêm việc thu hồi đất, trưng dụng đất; về việc giao đất, cho thuê đất, chuyển nhượng mục đích sử dụng đất. Cần làm rõ các trường hợp thu hồi đất, điều kiện thu hồi để phát triển kinh tế- xã hội. Phân biệt các trường hợp thu hồi vì mục đích quốc phòng- an ninh, vì lợi ích quốc gia công cộng phát triển kinh tế- xã hội với việc thu hồi do vi phạm pháp luật và bổ sung các trình tự, thủ tục thu hồi cho chặt chẽ.

Các đại biểu có kiến nghị về vấn đề cưỡng chế thu hồi đất, thời điểm thu hồi chính sách bồi thường thu hồi đất, chính sách tái định cư, chính sách hỗ trợ giải quyết việc làm, ổn định đời sống của người có đất bị thu hồi; vấn đề giá đất, cơ chế, chính sách, phương pháp xác định giá đất, khung giá đất, thẩm quyền quyết định giá đất, cơ quan định giá đất độc lập...

Theo chương trình của kỳ họp, dự luật Đất đai sẽ được Quốc hội biểu quyết thông qua vào ngày 29-11-2013.

Buổi chiều, đại biểu Quốc hội nghe các tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Luật Xây dựng (sửa đổi); Luật Bảo vệ môi trưởng (sửa đổi); Luật Hôn nhân và Gia đình (sửa đổi); Dự án Luật sửa đổi,bổ sung một số điều của Luật bảo hiểm y tế.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất