Ngày 8-11-2013, các đại biểu Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai báo cáo tóm tắt kết quả giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về bảo hiểm y tế giai đoạn 2009 – 2012. Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế giai đoạn 2009-2012.
Các đại biểu cơ bản thống nhất với các Báo cáo của Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, qua gần 20 năm thực hiện chính sách bảo hiểm y tế và 4 năm thực hiện luật, Việt Nam tuy là nước có thu nhập thấp nhưng đã gần đạt tỷ lệ bảo hiểm y tế toàn dân. Đây là sự cố gắng lớn của Đảng, nhà nước và nhân dân ta, thể hiện quyết tâm và tính nhân văn của chính sách xã hội của Việt Nam, đồng thời góp phần quan trọng vào việc bảo vệ quyền được chăm sóc sức khỏe nhân dân...
Thảo luận báo cáo giám sát về kết quả thực hiện chính sách pháp luật về bảo hiểm y tế giai đoạn 2009-2012, nhiều đại biểu Quốc hội đã chỉ ra những vấn đề trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, vấn đề y đức của đội ngũ y bác sỹ, lạm dụng xét nghiệm, cấp trùng thẻ bảo hiểm cũng như việc cân đối sử dụng phần kết dư của quỹ bảo hiểm y tế. Theo nhiều đại biều với gần 70% dân số cả nước tham gia bảo hiểm y tế cho thấy chính sách này đã góp phần bảo đảm an sinh xã hội cho các đối tượng chính sách, khó khăn, hộ nghèo. Tuy nhiên, các đại biểu cũng đồng tình với đánh giá về những tiêu cực được nêu trong báo cáo, điển hình chất lượng khám chữa bệnh đối với người có thẻ bảo hiểm y tế chưa đảm bảo, thủ tục chuyển tuyến rườm ra, chất lượng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế ở tuyến dưới chưa đáp ứng yêu cầu, thái độ phục vụ và y đức của cán bộ y tế chưa được cải thiện nhiều; các hình thức lạm dụng và trục lợi quỹ bảo hiểm y tế ngày càng tinh vi, khó kiểm soát và phát hiện; vẫn còn tình trạng chênh lệch giá thuốc cùng loại giữa các bệnh viện trong tỉnh, tình trạng không công bằng về chi trả bảo hiểm y tế cho mỗi ca bệnh ở các bệnh viện cùng hạng. Các đại biểu cũng bày tỏ lo ngại về tình trạng có hơn 800.000 thẻ bảo hiểm y tế bị cấp trùng gây lãng phí cho ngân sách nhà nước, mà vẫn không quy được trách nhiệm cũng như giải pháp cho vấn đề này. Đồng thời, các đại biểu cùng đề nghị quỹ bảo hiểm y tế cần phải trích lại cho các địa phương phần kết dư được hưởng để đầu tư trang thiết bị nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, nhất là đối với những tỉnh nghèo, có tỷ lệ kết dư lớn, bởi có những tỉnh 3 năm nay chưa được chi trả phần kết dư mà mình được hưởng. Các đại biểu cũng nhấn mạnh đến sự cần thiết phải sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế để hoàn thiện hành lang pháp lý, nhằm tránh những bất cập mà báo cáo giám sát đã chỉ ra và đặc biệt là phải hướng đến việc thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân…
Đại biểu Đinh Thị Phương Lan (Quảng Ngãi) nhất trí với hoạt động đầu tư và bảo toàn tăng trưởng quỹ bảo hiểm y tế như quy định hiện hành. Theo đó, nguồn vốn được thực hiện hoạt động đầu tư tăng trưởng hàng năm là toàn bộ số tiền tại thời gian nhàn rỗi, gồm có quỹ bảo hiểm xã hội bắt buộc, quỹ bảo hiểm xã hội tự nguyện, quỹ bảo hiểm thất nghiệp và quỹ bảo hiểm y tế. Toàn bộ số tiền sinh lời sẽ được đầu tư trở lại và phân bổ theo tỷ lệ vốn kết dư bình quân của từng quỹ tương ứng. Tuy nhiên, điều đại biểu Lan băn khoăn là bảo hiểm y tế Việt Nam về bản chất là bảo hiểm y tế xã hội, là một trong những loại quỹ tài chính ngắn hạn. Vậy đầu tư bảo toàn và tăng trưởng quỹ thông qua mua trái phiếu Chính phủ hoặc cho vay liệu có ảnh hưởng đến điều chuyển nguồn tài chính của quỹ nhằm phục vụ yêu cầu khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế hay không hoặc có phải vì việc này mà ảnh hưởng đến chất lượng danh mục thuốc dành cho khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế hay không? Đại biểu Phạm Thị Hải (Đồng Nai) nhận xét, việc phân cấp quản lý quỹ bảo hiểm y tế cho các địa phương chưa được quy định rõ ràng trong Luật Bảo hiểm y tế hiện hành, chưa gắn được trách nhiệm của địa phương trong việc quản lý và sử dụng quỹ, cũng như chưa quy định cụ thể thứ tự ưu tiên trong việc trích lập quỹ dự phòng và việc phân bổ sử dụng nguồn kết dư quỹ bảo hiểm y tế của các địa phương.
Đại biểu đề nghị, số kết dư cần được đầu tư trở lại cho địa phương để tổ chức cung ứng dịch vụ, nâng cấp các trang thiết thị kỹ thuật y tế, từng bước nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh để người dân được hưởng lợi một cách công bằng từ chính sách hỗ trợ của nhà nước, qua đó khuyến khích các địa phương trong việc chủ động phát triển tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế và làm tốt công tác quản lý, sử dụng nguồn quỹ, tạo sự công bằng giữa vùng thuận lợi và vùng khó khăn.
Đại biểu Huỳnh Nghĩa (TP. Đà Nẵng) phân tích, khoản tiền kết dư gần 13.000 tỷ đồng chủ yếu hình thành từ 10% số thu bảo hiểm y tế và 40% kết dư trong năm cho các địa phương có kết dư chuyển về bảo hiểm xã hội Việt Nam. Trên thực tế, tại các tỉnh miền núi do dân cư phân tán, đi lại khó khăn, xa bệnh viện, dù có bệnh, người dân cũng ít đến bệnh viện nên quỹ bảo hiểm y tế kết dư cao, còn tại các thành phố lớn thì lại bội chi quỹ.
Đại biểu Đinh Công Sỹ (Sơn La) cũng cho là “phi lý” khi các địa phương khó khăn hơn lại phải chuyển kết dư cho các địa phương bội chi có điều kiện kinh tế phát triển hơn rất nhiều, không loại trừ bội chi do lạm dụng kỹ thuật cao và sự quản lý còn lỏng lẻo của các cơ quan chức năng trong việc sử dụng quỹ bảo hiểm y tế. Theo đại biểu Sỹ, nguồn kết dư hiện có là nguồn kinh phí không nhỏ và có ý nghĩa vô cùng lớn để mua sắm thiết bị, cải thiện hạ tầng trạm y tế cấp xã vốn đang xuống cấp và thiếu thiết bị phổ biến ở các tỉnh miền núi hiện nay. Việc sử dụng nguồn kết dư quỹ này cùng với nguồn kinh phí của trung ương hỗ trợ sẽ rút nhanh khoảng cách được tiếp cận với dịch vụ y tế giữa miền núi và đồng bằng.
Đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) cũng nhất trí khoản tiền kết dư quỹ bảo hiểm nên được trả lại cho các tỉnh không chi hết để đầu tư cho tuyến dưới. Tuy nhiên, đại biểu An lưu ý, nếu bội chi của các tỉnh thực sự là cho người bệnh, không phải do tiêu cực thì Nhà nước cũng cần có sự hỗ trợ...
T.Thuỷ