Ngày 25-5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Giáo dục đại học. Đa số các đại biểu tán thành thông qua dự thảo Luật Giáo dục đại học tại kỳ họp này.
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Giáo dục đại học do Chủ nhiệm Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi trình bày đã nêu rõ 7 nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau trong dự thảo Luật gồm: Sự cần thiết và quan điểm xây dựng Luật; mô hình hệ thống, cơ cấu tổ chức và phân tầng cơ sở giáo dục đại học; quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học; vấn đề xã hội hóa và tài chính, tài sản của cơ sở giáo dục đại học; bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục đại học; hợp tác quốc tế trong giáo dục đại học; giảng viên và cán bộ quản lý.
Góp ý cho dự thảo Luật, nhiều ý kiến đánh giá, so với dự thảo lần thứ nhất được đưa trình tại Quốc hội trong kỳ họp thứ hai tại kỳ họp này, dự thảo Luật đã tiếp thu nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia nên đã có sự bổ sung tương đối hoàn thiện. Nhiều điều khoản quan trọng trong bộ luật đã được tiếp thu ý kiến và đã được bổ sung khá đầy đủ, hợp lý. Tuy nhiên, các đại biểu cũng còn nhiều ý kiến về mô hình hệ thống, cơ cấu tổ chức và phân tầng cơ sở giáo dục đại học, việc kiểm định chất lượng giáo dục đại học cũng như giao quyền tự chủ cho các trường.
Tiếp thu ý kiến các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Phạm Vũ Luận đã giải trình một số nội dung:
Về phân tầng và xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học, theo Bộ trưởng, hiện nay chúng ta đã triển khai ở mức độ nhất định việc phân tầng này. Điều đó được biểu hiện cụ thể ở việc Chính phủ đã thành lập hai đại học quốc gia, thành lập Đại học Thái Nguyên, Đại học Huế, Đại học Đà Nẵng và những đại học 2 cấp, đa ngành, đa lĩnh vực có nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học chất lượng cao. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ cũng đã quyết định một danh mục 18 trường đại học trọng điểm với mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của các ngành mũi nhọn và phù hợp với đặc điểm từng vùng, miền. Hiện Chính phủ đang chỉ đạo xây dựng hai đại học xuất sắc là Đại học Việt Đức và Đại học Khoa học công nghệ Hà Nội có nhiệm vụ đào tạo nhân lực trình độ cao và phục vụ phát triển khoa học công nghệ.
Ở một số vùng đặc thù như ở Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam, Chính phủ cũng đã có quyết định xây dựng các trường đại học đa ngành để đáp ứng nhu cầu kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh ở các khu vực này.
Về xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học, Bộ trưởng cho biết, ở các nước tiên tiến trên thế giới, việc xếp hạng này do các hiệp hội, các tổ chức kiểm định, các tạp chí, tờ báo lớn có uy tín và thậm chí có nước là do tổ chức tư nhân thực hiện và công bố.
Tuy nhiên, ở nước ta, việc xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học là vấn đề mới. Từ thực tiễn đó, Chính phủ đề xuất với Quốc hội, trong dự thảo luật không nên quy định về những vấn đề chuyên môn, cụ thể liên quan đến phân tầng và xếp hạng cơ sở giáo dục đại học, cũng không nên quy định Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hoặc Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo đảm nhận việc công nhận xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học, mà dự thảo luật chỉ nên quy định chung về các tầng và các tiêu chí xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học, còn các vấn đề cụ thể thì nên để văn bản dưới luật quy định.
Về vai trò và địa lý pháp lý của đại học quốc gia, Bộ trưởng cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, vừa qua, liên Bộ đã tiến hành tổng kết đánh giá 10 năm hoạt động của hai đại học quốc gia và ba đại học hai cấp. Kết quả cho thấy Nghị định 07 năm 2011 của Chính phủ đã bộc lộ những bất cập. Để giải quyết vấn đề này Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Giáo dục và đào tạo, Bộ Nội vụ và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu xây dựng nghị định mới, thay thế Nghị định 07. Do vậy, Bộ trưởng đề nghị với Quốc hội nên rà soát nội dung này và không nên đưa những nội dung của Nghị định 07 đang được rà soát thay thế vào luật.
Bộ trưởng cũng thống nhất với các ý kiến của một số đại biểu về việc nên để văn bản dưới luật và thậm chí một số nội dung của việc phân công phối hợp thực hiện nhiệm vụ đào tạo giữa đại học quốc gia và các cơ sở thành viên nên thuộc thẩm quyền của đại học quốc gia để đảm bảo tính tự chủ.
Buồi chiều, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi).
Thu Huyền