Tiếp tục Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIII, sáng 22-5, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Báo cáo giải trình về tính khả thi của dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai cho biết, có ý kiến băn khoăn, lo ngại rằng, sau khi ban hành Luật, có thể làm giảm nguồn thu thuế từ thuốc lá, làm ảnh hưởng đến việc làm của 20.000 người sản xuất thuốc lá, gần 200.000 nông dân tham gia trồng cây thuốc lá, nhất là ở một số địa bàn xác định thuốc lá là cây giúp xóa đói giảm nghèo và có thể ảnh hưởng đến hàng chục ngàn người tham gia bán lẻ thuốc lá.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, do ảnh hưởng của việc hút thuốc lá đến sức khỏe người dân nên các chính sách vĩ mô phải hướng đến việc ưu tiên bảo vệ sức khỏe cộng đồng, vì lợi ích chung của người dân. Kinh nghiệm quốc tế và nghiên cứu đánh giá tác động của dự án Luật cho thấy, ban hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá là giải pháp các bên cùng có lợi, có nghĩa là vừa tăng thu ngân sách (do tăng thuế thuốc lá) vừa bảo vệ được sức khỏe người dân và sẽ không ảnh hưởng nhiều đến việc sản xuất và trồng thuốc lá (vì vẫn phải trồng và sản xuất thuốc lá để đáp ứng nhu cầu sử dụng cho những người chưa thể bỏ hút thuốc).
Về tính khả thi của các hành vi bị cấm, một số ý kiến băn khoăn về tính khả thi của việc quy định cấm hút thuốc lá ở địa điểm công cộng, nơi làm việc. Vì trong mấy năm vừa qua, dù Thủ tướng Chính phủ đã có quy định cấm hút thuốc ở địa điểm công cộng nhưng tình trạng hút thuốc vẫn diễn ra phổ biến, khó xử lý vi phạm…
Quốc hội đã nghe và cho ý kiến thảo luận vào dự thảo Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá. Đã có 30 đại biểu Quốc hội đăng ký phát biểu và cả 30 đại biểu đã được phát biểu tại Hội trường. Hầu hết các đại biểu Quốc hội phát biểu hôm nay đều đồng tình và cơ bản nhất trí, hoan nghênh Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do đồng chí Trương Thị Mai trình trước Quốc hội.
Các ý kiến đại biểu Quốc hội cũng làm rõ thêm các nội dung như: việc in cảnh báo sức khỏe, vấn đề quảng cáo, số lượng thuốc được quảng cáo, các loại thuốc được quảng cáo... cần phải nói rõ thêm, đặc biệt Quốc hội dành thời gian để thảo luận về việc lập quỹ phòng, chống tác hại thuốc lá và việc sử dụng quản lý có hiệu quả quỹ này. Đại biểu còn nêu các nội dung liên quan đến các hình thức xử lý vi phạm khi hút thuốc lá, nhất là qui định những nơi cấm hút thuốc lá cần phải ghi rõ thêm. Trách nhiệm của những người quản lý các nơi có người hút thuốc lá mà có ảnh hưởng đến sức khỏe. Cần sớm có nghị định hướng dẫn của Chính phủ, trong đó trách nhiệm của Chính phủ cần phải nêu rõ và chi tiết hơn những nội dung mà chưa bao quát hết trong qui định của luật này, nhất là trong việc điều hành để bảo đảm sự phối hợp trong việc xử lý đối với vi phạm theo qui định của luật. Kể cả trong việc quản lý thị trường, chống buôn lậu thuốc lá vào Việt Nam. Hiểu hút thuốc lá là thế nào, ngoài việc hút thì hít, rồi nhai, rồi ngậm thì nên qui định những hành vi mang tính phổ biến hơn... Đây là những nội dung cần qui định cụ thể để hiểu rõ hơn. Trách nhiệm của người đứng đầu đến đâu và cần có lộ trình để thực hiện luật này.
Thu Huyền