Thảo luận về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi)
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) do Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai thừa ủy quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày tại phiên họp cho thấy vẫn còn có những ý kiến khác nhau về tiền lương và mức lương tối thiểu; về hợp đồng lao động; chính sách đối với lao động nữ; giải quyết tranh chấp lao động và một số vấn đề khác.

Thảo luận ở hội trường về dự thảo Bộ luật có phạm vi điều chỉnh rộng lớn này, các đại biểu tập trung cho ý kiến đối với các nhóm vấn đề: Thời hạn của hợp đồng lao động; thời gian nghỉ thai sản của lao động nữ; thời giờ làm thêm và tuổi nghỉ hưu của người lao động.

Về tiền lương và mức lương tối thiểu, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, cần nghiên cứu để bổ sung các quy định cụ thể về tiền lương như: Cơ cấu của tiền lương, căn cứ trả lương, chống phân biệt đối xử trong trả lương, hình thức trả lương, hệ thống thang, bảng lương.

Về thời giờ làm thêm, hầu hết các ý kiến tại phiên thảo luận đồng tình phương án quy định về giờ làm thêm không quá 50% số giờ trong một ngày và 200 giờ/năm; thống nhất đây là phương án phù hợp với xu hướng tiến bộ, điều kiện và thể chất của người Việt Nam; đồng thời hạn chế tình trạng người sử dụng khai thác tối đa sức lao động của người lao động.

Nhiều đại biểu bày tỏ tán thành phương án quy định trong dự thảo luật cho phép lao động nữ nghỉ trước và sau khi sinh con là 6 tháng để góp phần bảo vệ thế hệ tương lai và chất lượng giống nòi. Trong điều kiện hiện nay, nếu thời gian nghỉ thai sản là 6 tháng, theo tính toán của cơ quan Bảo hiểm xã hội thì Quỹ Bảo hiểm xã hội có thể cân đối được. Bên cạnh đó, phương án này bảo đảm tính linh hoạt, phù hợp với điều kiện sống và các nhóm công việc khác nhau, đề cao quyền lựa chọn của lao động nữ để phù hợp với công việc, cuộc sống của mình và bảo đảm được hưởng đầy đủ chế độ thai sản.

Về tuổi nghỉ hưu của người lao động, đa số các ý kiến tán thành để như dự thảo Bộ luật là 60 tuổi đối với nam và 55 tuổi đối với nữ. Tuy nhiên, cũng còn một số ý kiến khác như: nên quy định bình đẳng độ tuổi về hưu giữa nam và nữ, chỉ nên ưu tiên cho nữ đối với những vùng miền, nghề nghiệp đặc thù. Cũng có ý kiến phát biểu cho rằng, nghỉ hưu là quyền của người lao động chứ không phải nghĩa vụ, vì vậy trường hợp lao động nữ muốn về hưu sớm thì phải tạo điều kiện đảm bảo quyền lợi cho họ.

Phản hồi (1)

phan thi viet van 30/05/2012

Hiên nay do sự phát triển của xã hội , sức khỏe người phụ nữ đã nâng lên. Với lứa tuổi 55 , trong các lãnh vực giáo dục, y tế, kinh tế … lực lượng nữ trí thức ở giai đoạn này tích lũy rất nhiều kinh nghiệm, những kiến thức này không phải ai cũng có được mà phải qua một quá trình tích lũy, đào tạo mới có được. Để có được những hạt ngọc quý này, xã hội đã tốn nhiều tiền của mới đào tạo được. Nhưng những tinh hoa đó, nếu không tiếp tục sử dụng, đem cất đi vào kho lưu trữ thì thật là một sự lãng phí rất lớn. Chúng ta lên án những sự lãng phí về tiền của, nhưng chúng ta lại không nghĩ đến sự lãng phí về nhân tài. Đất nước này, dù nam hay nữ, nếu là những người còn hữu dụng cho xã hội, cho việc xây dựng đất nước thì chúng ta nên trân trọng, không nên phân biệt là nam hay nữ. Riêng đối với người thấy mình không muốn đóng góp cho xã hội nữa vì lý do sức khỏe hoặc vì lý do riêng nào đó thì cũng giải quyết sớm hơn cho họ. Với nam giới – qua các ý kiến của nam đại biểu, tôi vẫn thấy có cái gì đó phân biệt đối xử với nữ giới. Nghĩa là dù xã hội đã tiến bộ, quan niệm trọng nam, khinh nữ đã ăn sâu vào ý nghĩ của nam giới. Đây cũng là rào cản cho sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam so với các nước khác trên thế giới. Sự bình đẳng giới vẫn còn là vấn đề mà chúng ta chưa thể vượt qua. Phan Thị Việt Vân

1

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất