Tiếp tục chương trình của kỳ họp Quốc hội, hôm nay, 19-11-2013, các đại biểu Quốc hội nghe Báo cáo về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 3, thứ 4 và thứ 5. Đồng thời phiên chất vấn Kỳ họp thứ 6 sẽ diễn ra trong 3 ngày: 19, 20, 21-11.
Mở đầu phiên chất vấn sáng nay, Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Chính phủ trình bày Báo cáo về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 3, thứ 4 và thứ 5. Phó thủ tướng cho biết, trước và trong 3 kỳ họp trên, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan đều có báo cáo trả lời về các vấn đề được yêu cầu. Đến nay, các nội dung trong nghị quyết chất vấn của QH đã cơ bản được thực hiện nghiêm túc, từng bước đạt được kết quả quan trọng. Nhưng cũng có nhiều nội dung đòi hỏi phải có thời gian, nguồn lực và kiên trì thực hiện như thực hiện lộ trình giá với hàng hóa thiết yếu, quản lý thủy điện, thu hút đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, nhà ở xã hội, quá tải bệnh viện, y đức, xử lý trật tự an toàn giao thông…
Về nông nghiệp và phát triển nông thôn, về cơ cấu ngành và tái cơ cấu sản phẩm, ngành nông nghiệp các địa phương đã rà soát, bổ sung các quy hoạch phù hợp với thị trường gắn với bảo vệ môi trường, phát huy lợi thế địa phương… Qua đó đã phê duyệt đề án tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững; hoàn thiện thể chế cho phát triển nông nghiệp theo hướng thị trường; tăng cường hợp tác liên kết, đảm bảo hài hòa lợi ích, xây dựng các vùng chuyên doanh quy mô lớn… Chính phủ cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ nông dân đảm bảo an toàn sau quy hoạch; giúp người dân tiêu tụ lúa gạo, thủy sản. Về xây dựng nông thôn mới, Chính phủ đã tích cực thực hiện chương trình này và đã rút kinh nghiệm. Trong năm qua, cả nước đã huy động hơn 100.000 tỷ đồng để phục vụ xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, Chính phủ đánh giá, công tác quy hoạch, quản lý kế hoạch vẫn còn chưa tốt, tổn thất sau quy hoạch còn lớn, việc huy động nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới còn gặp nhiều khó khăn, công tác bảo vệ môi trường ở nông thôn còn hạn chế, an toàn thực phẩm còn nhiều bất cập, trách nhiệm của từng bộ, ngành chưa cụ thể…
Về văn hoá -xã hội: Trên lĩnh vực văn hóa, cả nước đã tổ chức nhiều phong trào xây dựng văn hóa. Công tác quản lý, tổ chức nếp sống văn minh được chú trọng, được nhân dân hưởng ứng. Về du lịch, Chính phủ đã tăng cường cải thiện môi trường du lịch, nâng cao chất lượng phục vụ du khách, gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử… Tuy có nhiều khó khăn nhưng du lịch vẫn duy trì đà tăng trưởng, đã có khoảng 6,1 triệu lượt người tới Việt Nam trong 9 tháng đầu năm, tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Phát triển thể dục thể thao, thể thao quần chúng có nhiều hình thức sôi động, tiếp tục đẩy mạnh phong trào toàn dân rèn luyện sức khỏe, từng bước hoàn thiện hệ thống đào tạo vận động viên thành tích cao. Về lao động, thương binh và xã hội, Chính phủ đã chú trọng đào tạo nghề cho mọi đối tượng, đẩy mạnh xã hội hóa trong công tác này, bước đầu tạo sự gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp trong đào tạo nghề… Về quản lý hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, Chính phủ đã đẩy mạnh thanh, kiểm tra với các cơ sở đưa người đi lao động, xử lý 8 đơn vị... Thực hiện chính sách với người có công, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quy định chế độ, nâng mức hỗ trợ với người có công; đẩy nhanh tiến độ xử lý các hồ sơ tồn đọng... Thực hiện chính sách an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, Chính phủ đã có chương trình hành động với 18 nội dung trọng tâm, đến nay tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm còn 7,8%...
Sau khi nghe báo cáo của Chính phủ, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận về báo cáo này, tập trung vào việc đánh giá việc triển khai nghị quyết, phân tích tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, trách nhiệm của các cá nhân, đơn vị có liên quan và đề xuất các giải pháp để khắc phục vấn đề.
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) tán thành việc yêu cầu Chính phủ báo cáo việc thực hiện nghị quyết, đây là khâu giám sát việc thực hiện nghị quyết của Chính phủ và thể hiện quyết tâm nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội; đồng thời đánh giá cao việc thực hiện nghiêm túc nghị quyết Quốc hội của Chính phủ, tạo ra sự chuyển biến trên nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, còn một nội dung chưa được xem xét giải quyết, đó là việc tạo điều kiện hỗ trợ đồng bào nghèo ở các vùng xây dựng thủy điện. Theo đại biểu Học, tỷ lệ hộ nghèo ở những vùng này rất cao nhưng đến nay, các chính sách cho đối tượng này vẫn chưa được giải quyết. Đại biểu Trần Du Lịch (TP. Hồ Chí Minh) cũng hoan nghênh báo cáo của Chính phủ. Về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, theo đại biểu Lịch, nông nghiệp có vị trí quyết định trong phát triển đất nước, tạo sự ổn định, bền vững nhưng đang đứng trước thách thức lớn, có nguy cơ chững lại. Chính sách của Đảng, Nhà nước những năm qua rất tập trung phát triển, nhưng nỗ lực đó chưa tương xứng với hiệu quả… Theo đại biểu Trần Du Lịch, mô hình kinh tế hộ gia đình hiện nay không còn là thế mạnh nữa, mà cần mở rộng các trang trại theo hình thức thuê đất của nông dân nhiều hơn là tích tụ đất… Đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) chia sẻ với khó khăn của Chính phủ nhưng cũng nói rõ, không chấp nhận cách giải quyết tình thế trong việc xử lý việc thu gom lúa cho người nông dân khi vào vụ mùa. Đại biểu muốn các giải pháp phải có thứ tự ưu tiên, không thể nêu chung chung, đồng thời làm sao để người nông dân trồng lúa phải có 30% lợi nhuận; xây dựng hệ thống thủy lợi đồng bộ phục vụ tưới tiêu. Đại biểu Đỗ Văn Đương (TP. Hồ Chí Minh) quan tâm đến việc thu hồi các dự án bỏ hoang, trả lại đất cho người nông dân. Đại biểu đề nghị tất cả các địa phương có dự án bỏ hoang thì kiên quyết thu hồi, chống lãng phí…
Tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ các thành viên Chính phủ đã có nhiều cố gắng lớn, nhiều văn bản trong đó có các dự án luật, các đề án đã được Chính phủ triển khai, chỉ đạo thường xuyên, có các giải pháp thực hiện các nghị quyết của Đảng, Quốc hội. Chính việc thực hiện các nghị quyết đã góp phần vào việc ổn định kinh tế vĩ mô. thực hiện giảm nghèo nhanh, bền vững... Tuy nhiên, Chính phủ nhận thấy vẫn còn nhiều việc phải làm, trong đó có nhiều vấn đề cần tìm ra nguyên nhân, đề ra các giải pháp cụ thể...
Phó thủ tướng đề nghị Quốc hội tiếp tục xây dựng các chính sách pháp luật sớm, kịp thời cho chỉ đạo điều hành của Chính phủ; tìm ra các giải pháp khoa học công nghệ, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp; nghiêm túc thực hiện nghiêm kỷ luật hành chính, xử lý nghiêm các tổ chức cá nhân gây ảnh hưởng đến người dân và xã hội.
Bên cạnh đó, Trung ương và địa phương cần có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ trong thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ kinh tế-xã hội. Các bộ ngành chức năng cần đề cao đạo đức xã hội, trong đó có trách nhiệm đối với Quốc hội, nhân dân về nhiệm vụ; quan tâm thực hiện lời hứa đối với Quốc hội.
Chiều 19-11, phiên chất vấn bắt đầu với phần trả lời đầu tiên của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát.
Thuỷ Anh