Tăng cường vai trò quản lý nhà nước trong xuất bản
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng trao đổi với các đại biểu

Vai trò quản lý nhà nước và chính sách đối với hoạt động xuất bản. Nhiều đại biểu có ý kiến đề nghị cần tăng cường phân cấp quản lý về hoạt động xuất bản giữa trung ương, địa phương và cơ sở; trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các chủ thể tham gia hoạt động xuất bản; rõ hơn nội dung công tác quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản. Đại biểu Trần Thị Diệu Thúy (TP. Hồ Chí Minh) đề nghị nên phân cấp về một số địa phương đọc và chịu trách nhiệm về nội dung một số xuất bản phẩm để giảm tải cho Bộ Thông tin truyền thông. Đối với chính sách của Nhà nước đối với hoạt động xuất bản cần quy định cụ thể chính sách phát triển sự nghiệp xuất bản, các chính sách cần xứng tầm với vị trí, vai trò của hoạt động xuất bản, bảo đảm tính chiến lược và khả thi. Quy định tập trung ưu tiên, hỗ trợ cho lĩnh vực xuất bản, chỉ ưu tiên cho các cơ sở thực hiện các nhiệm vụ phục vụ đối tượng, địa bàn thuộc diện ưu tiên của Nhà nước và các nhiệm vụ chính trị, an ninh, quốc phòng, thông tin đối ngoại. Đại biểu Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) cho rằng các chính sách được quy định còn rất chung, để đảm bảo có thể áp dụng được trong thực tế đề nghị bổ sung thêm một khoản quy định là Chính phủ quy định cụ thể các chính sách ưu đãi, hỗ trợ được quy định tại điều này, đảm bảo mục tiêu đối tượng hiệu quả và phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của từng thời kỳ. Với đại biểu Lê Đắc Lâm (Bình Thuận) hoạt động xuất bản có tính chất đặc thù nên nhà nước phải có chính sách đối với hoạt động xuất bản là phù hợp trong điều kiện nước ta hiện nay chưa có nhà xuất bản tư nhân. Nhà nước cần có chiến lược quy hoạch phát triển mạng lưới các nhà xuất bản, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, ưu đãi về thuế, lãi suất vay vốn, hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng, ưu đãi về tiền thuê nhà đất, chính sách trợ giá, trợ cước.


 

Nghe thảo luận tại hội trường 

 

Tổ chức bộ máy và nhân sự của nhà xuất bản. Nhiều ý kiến đề nghị không nên bó hẹp đối tượng thành lập nhà xuất bản để phát huy các nguồn lực xã hội đầu tư cho sự nghiệp xuất bản và tạo điều kiện cho ngành xuất bản phát triển năng động hơn. Có đại biểu đề nghị cần quy định rõ trong Luật về các tổ chức khác được thành lập nhà xuất bản. Bên cạnh đó, đại biểu thấy quy định về mô hình hoạt động của nhà xuất bản như trong Dự thảo Luật chưa bao quát được hết các loại hình đang tồn tại trong thực tiễn. Đại biểu Đinh Thị Mai Lan (Cao Bằng) cho rằng đối tượng được quy định trong Luật chưa rõ ràng. Nên quy định rõ ràng, đầy đủ về sản phẩm in, phát hành trong thực tế… Vì hiện tại không thống nhất trong quản lý nhà nước về vấn đề này.

Nhiều ý kiến đề nghị cần quy định về loại hình tổ chức nhà xuất bản mở hơn, tạo nhiều cơ hội lựa chọn hơn về mô hình cho các nhà xuất bản, tạo điều kiện để các nhà xuất bản năng động hơn trên cơ sở phát huy quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong tổ chức sản xuất, kinh doanh. Nhà nước cần quy định chặt chẽ các điều kiện thành lập nhà xuất bản, tránh tình trạng nhiều nhà xuất bản ra đời mà không đủ điều kiện hoạt động dẫn đến chất lượng yếu kém. Đại biểu Lê Hữu Phước (Bình Dương) kiến nghị cần cho phép tư nhân tham gia thành lập Nhà xuất bản để phát huy nguồn lực xã hội nhưng pháp luật cần có quy định chặt chẽ hơn.

Đối với tổ chức, nhân sự của nhà xuất bản nhiều đại biểu đề nghị nên cụ thể tiêu chuẩn, nhiệm vụ và quyền hạn của các chức danh tổng giám đốc (giám đốc), tổng biên tập, biên tập viên của nhà xuất bản. Đại biểu Đinh Thị Mai Lan (Cao Bằng) đánh giá dự thảo Luật lần này đã được mở rộng hơn nhưng  vẫn có sự bó hẹp, không nên áp đặt các chức danh mà để nhà xuất bản tự thực hiện… Có đại biểu đề nghị bổ sung quy định cụ thể về  tiêu chuẩn, nhiệm vụ và quyền hạn của chức danh chủ tịch hội đồng thành viên trong Dự thảo Luật và thêm tiêu chuẩn về trình độ cao cấp lý luận chính trị cho người lãnh đạo của nhà xuất bản. Đại biểu Phạm Thị Trung (Kon Tum) quan tâm đến đội ngũ đọc lưu chiểu của cơ quan quản lý nhà nước hiện nay là quá mỏng, chính sách còn nhiều hạn chế so với khối lượng xuất bản phẩm và trách nhiệm của họ phải làm. Chất lượng đội ngũ chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ... Vì vậy để nghị dự thảo cần nghiên cứu quy định trong Luật này như vấn đề về tiêu chuẩn, trách nhiệm của đội ngũ đọc lưu chiểu, vấn đề thời hạn nộp tác phẩm trước khi phát hành, thời hạn lưu giữ xuất bản phẩm lưu chiểu. Đồng thời bổ sung những quy định mới nhằm khắc phục các hiện trạng nêu trên.

Xuất bản điện tử, in xuất bản phẩm và phát hành. Theo ý kiến nhiều đại biểu thì xuất bản điện tử là một hình thái mới của hoạt động xuất bản, có nhiều thay đổi, khó dự báo trước nên Luật Xuất bản (sửa đổi) mới quy định những nội dung có tính nguyên tắc, quy định về phương thức xuất bản điện tử và dẫn chiếu các quy định của pháp luật có liên quan, đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết để bảo đảm tính linh hoạt trong việc quản lý hoạt động xuất bản điện tử và xây dựng một chương riêng về xuất bản và phát hành xuất bản phẩm điện tử là đúng… Đại biểu Hồ Thị Cẩm Đào (Sóc Trăng) tán thành những vấn đề chung trong Luật sửa đổi. Việc sửa đổi, bổ sung sẽ tạo phạm vi pháp lý trong hoạt động xuất bản… Tuy nhiên, đại biểu Hồ Thị Cẩm Đào cho rằng kết cấu dự án Luật bổ sung chưa chặt chẽ, chung chung. Nhiều điều còn trùng lắp, nên quy định chi tiết về xuất bản các ấn phẩm và cần phù hợp từng giai đoạn phát triển. Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) việc quy định như dự thảo luật về quyền xuất bản điện tử không rõ ràng “chỉ cần được sự chấp nhận của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả mà không cần sự chấp thuận của nhà xuất bản” - nếu quy định như vậy thì ai sẽ đền bù cho những tổn thất về kinh tế của nhà xuất bản? Đại biểu đề nghị ban soạn thảo xem xét lại điều này.

Việc phát hành xuất bản phẩm, dự thảo Luật đã bỏ quy định về các điều kiện được cấp phép và thủ tục cấp phép hoạt động phát hành xuất bản phẩm; bổ sung quy định cơ sở phát hành đăng ký hoạt động với cơ quan quản lý nhà nước. Về vấn đề này, theo đại biểu Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) để người dân các khu vực này tiếp cận nhiều hơn với các xuất bản phẩm thì nên đầu tư vào các thư viện, các tủ sách văn hóa tại các địa phương. Làm như vậy vừa giảm áp lực cho các địa phương về bố trí quỹ đất, giảm chi phí xây dựng các nhà xuất bản trong khi các xuất bản phẩm vẫn đến tay người đọc.

Quy định về xử lý vi phạm. Đại biểu Hồ Thị Cẩm Đào (Sóc Trăng) đề nghị ban soạn thảo quy định chi tiết, cụ thể hơn về viêc xử lý vi phạm trong in ấn phẩm, phát hành ấn phẩm và các quy định nên gom lại thành điều chung để thống nhất trong xử lý vi phạm. Có đại biểu cho rằng vấn đề quản lý nhà nước trong khâu đọc lưu chiểu còn khái quát, cần có văn bản hướng dẫn nhưng không thấy có điều, khoản nào giao cho cơ quan chức năng quy định chi tiết vấn đề này trong dự thảo. Mặt khác, nhiều vấn đề chi tiết khác cần được quy định nhằm khắc phục những hạn chế trong lĩnh vực xuất bản thời gian qua, đồng thời đảm bảo khi luật được thông qua sớm đi vào cuộc sống. Do vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu bổ sung chế định nhằm tăng tính chủ động của cơ quan quản lý nhà nước và tăng tính nghiêm minh trong xử phạt vi phạm. Đại biểu Vũ Chí Thực (Quảng Ninh) đánh giá dự thảo Luật Xuất bản lần này đã được chỉnh lý bổ sung tương đối đầy đủ những vấn đề liên quan đến hoạt động xuất bản in và phát hành xuất bản phẩm. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị dự thảo luật cần phải chú trọng hơn tới trách nhiệm của các nhà xuất bản và cơ quan chủ quản nhà xuất bản; quy định rõ hơn công tác quản lý nhà nước trong hoạt động xuất bản tại địa phương để đảm bảo chính quyền địa phương nắm đầy đủ thông tin liên quan đến hoạt động xuất bản ở các cấp đặc biệt là những cấp liên quan đến địa phương mình như thẩm quyền kiểm tra, xử lý vi phạm và các hoạt động khác của công tác xuất bản. Đồng thời, đại biểu đề nghị có chương riêng về xử lý vi phạm… Theo đại biểu Hồ Thị Cẩm Đào (Sóc Trăng) vấn đề xử lý vi phạm mà dự thảo Luật đang thể hiện theo từng lĩnh vực là chưa nhất quán nên đề nghị Ban Soạn thảo thiết kế lại các điều này thành một điều chung để điều chỉnh về nội dung xử lý vi phạm. Đại biểu Nguyễn Sơn (TP. Hà Nội) cho rằng không nên đưa vào những quy định chung những vấn đề là xử lý đối với các quy định cụ thể. Về việc cấp giấy phép hoạt động xuất bản, trường hợp không cấp giấy phép phải có văn bản trả lời. Đồng thời, nếu như trả lời không đồng ý cấp giấy phép xuất bản thì người đề nghị cấp giấy phép có quyền khiếu nại và cần phải có quy định cụ thể thời gian giải quyết khiếu nại là bao nhiêu để đảm bảo quyền lợi cho người ta và đảm bảo quyền của người ta theo quy định của pháp luật khiếu nại, tố cáo. Về xử lý vi phạm, theo đại biểu nên quy định ở một điều, không nên quy định rải ra ở mỗi một chương lại có một điều quy định về biện pháp xử lý này. Thực ra có khi chưa bao quát hết, có khi lại là thừa. Đồng quan điểm này, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP. Hồ Chí Minh) đề nghị khi cấp giấy phép xuất bản thì không được từ chối khi không có lý do chính đáng. Đại biểu Nguyễn Xuân Trường (Hải Phòng) đề nghị có chế tài cụ thể xử lý vi phạm trong xuất bản phẩm để kiểm duyệt được cơ sở in ấn trái phép; kiểm duyệt nội dung xuất bản; nên soạn thảo thành một nội dung xử lý vi phạm tránh tản mạn ở nhiều chương.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất