Trong thời gian 2 ngày 18, 19-9, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình tổ chức Lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức đối với cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý.
|
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và các học viên dự Lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức.
|
Trên 350 học viên tham dự Lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức đã được nghe truyền đạt 3 chuyên đề.
Đồng chí Ngô Đông Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình truyền đạt chuyên đề “Tình hình kinh tế - xã hội trong nước, khu vực và thế giới năm 2023, dự báo trong thời gian tới; định hướng Thái Bình trở thành tỉnh phát triển trong khu vực đồng bằng sông Hồng” với 4 nội dung chính: Khái lược về thành tựu 35 đổi mới của đất nước; kết quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Bình từ năm 2015 đến nay; mục tiêu, nhiệm vụ đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, 2050 cùng một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, để đạt được mục tiêu mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra, phấn đấu xây dựng Thái Bình đến năm 2025 trở thành tỉnh phát triển khá, đến năm 2030 theo kịp nhóm dẫn đầu và đến năm 2045 là tỉnh phát triển trong khu vực đồng bằng sông Hồng, tỉnh cần tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đã đề ra, đặc biệt là các đột phá phát triển, trong đó tập trung vào 3 khâu then chốt, cụ thể: Tập trung xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông kết nối các trục giao thông đầu mối trong tỉnh với các trung tâm kinh tế vủa vùng duyên hải Bắc Bộ. Xây dựng và phát triển Khu kinh tế thành trọng điểm, động lực phát triển kinh tế của tỉnh. Phát triển các đô thị động lực. Đẩy mạnh phát triển ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến (công nghệ cao), chú trọng ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ sau thu hoạch và chế biến phục vụ phát triển nông nghiệp và đời sống nhân dân. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; trọng tâm là nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Phát triển kinh tế hướng biển tạo sự phát triển đột phá trên một số lĩnh vực: cảng biển, năng lượng (điện gió, điện khí), dịch vụ giải trí, nghỉ dưỡng, sinh thái biển... Mở rộng không gian lấn biển tạo quỹ đất cho các hoạt động chức năng; hình thành không gian công nghiệp - đô thị - dịch vụ đồng bộ, cảnh quan sinh thái ven biển hấp dẫn… Cùng với đó, các cấp, các ngành, nhất là người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, trên cơ sở bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đề ra, tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả, đóng góp thiết thực vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Truyền đạt chuyên đề “Đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, GS, TS. Phùng Hữu Phú, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương phân tích rõ: những khó khăn, thách thức, 4 nguy cơ mà Đảng đã chỉ ra vẫn đang hiện hữu, có mặt còn gay gắt hơn, tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" còn diễn biến phức tạp. GS, TS. Phùng Hữu Phú nhấn mạnh các nhiệm vụ, giải pháp: Các cấp ủy, tổ chức đảng cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác chính trị, tư tưởng, tự phê bình và phê bình; tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu gắn với đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng, kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên vi phạm…
Sáng 19-9, các học viên được truyền đạt chuyên đề “Đổi mới đồng bộ thể chế kinh tế với thể chế chính trị theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng”.
Lã Quý Hưng