Theo báo cáo đánh giá tại hội nghị, việc TPHCM mạnh dạn chỉ đạo đột phá vào một số khâu trọng yếu và thực hiện nhiều chủ trương, chính sách phù hợp trong công tác cán bộ đã mang lại kết quả tích cực, góp phần củng cố nâng cao chất lượng công tác cán bộ.
Đội ngũ cán bộ không ngừng được tăng cường
Qua hơn 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa VIII về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước (từ tháng 6/1997, trọng tâm là từ năm 2010 đến nay), công tác cán bộ tại TPHCM đã bám sát nhiệm vụ chính trị và yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ trong giai đoạn mới. Đội ngũ cán bộ TP không ngừng được tăng cường cả về chất lượng và số lượng.
Tính đến tháng 7-2017, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức từ TP đến quận, huyện có 129.488 người. Trong đó, khối các cơ quan Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp 16.230 người (chiếm 12,53%); khối các đơn vị sự nghiệp 113.258 người (87,47%). Riêng khối phường-xã, thị trấn 13.234 người.
Từ nhiều nhiệm kỳ qua, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM đã ban hành nhiều văn bản tập trung chỉ đạo các cấp ủy, các ngành, các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện công tác quy hoạch cán bộ. Công tác quy hoạch nguồn Thành ủy luôn đảm bảo các yêu cầu về số lượng, tiêu chuẩn, cơ cấu theo quy định của Trung ương, tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc được tăng cường. Trong đó, đã có 138 đồng chí được giới thiệu vào nguồn quy hoạch Thành ủy khóa XI (trong đó có 43 cán bộ nữ - 31,16%, 21 cán bộ trẻ dưới 40 tuổi - 15,22%).
Tại các cơ quan, đơn vị, công tác quy hoạch cán bộ ngày càng được các cấp ủy nhận thức sâu hơn, cụ thể hơn, tạo được những chuyển biến nhất định trong xây dựng đội ngũ cán bộ. Công tác quy hoạch “mở” nhằm khắc phục tình trạng cục bộ, khép kín tại các địa phương, cơ quan, đơn vị cũng được chú trọng.
Đặc biệt, công tác quy hoạch cán bộ trẻ luôn được Thành ủy đặc biệt quan tâm, với 3 chương trình cụ thể: Chương trình tạo nguồn quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý trẻ tuổi (đến nay đã xét chọn đưa vào nguồn 1.524 trường hợp); chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ (đến nay TP đã tuyển chọn và đưa đi đào tạo 842 học viên); chương trình tạo nguồn quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý xuất thân từ công nhân (đến nay TP đã xét chọn đưa vào chương trình 135 trường hợp). Cùng với công tác quy hoạch cán bộ nữ, công tác quy hoạch, đào tạo cán bộ trẻ được đánh giá là một trong những sản phẩm mang tính đặc thù của TPHCM.
Các công tác đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, luân chuyển, lấy phiếu tín nhiệm, kiểm tra, giám sát, thực hiện chế độ, chính sách cán bộ… luôn được Thành ủy tập trung chỉ đạo thực hiện phù hợp với thực tiễn TP. Bên cạnh tuân thủ chấp hành các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, Thành ủy TPHCM luôn có sự vận dụng, đề ra cách làm mới, sáng tạo cho phù hợp với điều kiện, đặc điểm của TP như: chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực hệ thống chính trị TP; chế độ, chính sách đối với cán bộ được điều động, luân chuyển; đề bạt, bổ nhiệm người ngoài Đảng giữ chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý; quy hoạch cán bộ “mở”… thể hiện sự quyết tâm chính trị cao của Thành ủy, giúp TPHCM xây dựng được một đội ngũ cán bộ có đầy đủ trình độ, năng lực, đáp ứng sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa TP.
TP cũng đã triển khai thực hiện một số chủ trương thí điểm được Trung ương đánh giá cao và mang lại hiệu quả: thực hiện mô hình bí thư đồng thời là chủ tịch UBND phường-xã, thị trấn và quận, huyện; nhất thể hóa một số tổ chức và chức danh lãnh đạo…
Đồng chí Phạm Minh Chính và đồng chí Nguyễn Thiện Nhân với đại biểu dự Hội nghị.
Công tác cán bộ là “then chốt của then chốt”
Đánh giá về những kết quả đạt được của TPHCM qua thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa VIII về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cho biết, công tác cán bộ tại TPHCM đã bám sát nhiệm vụ chính trị và yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ trong giai đoạn mới. Dân chủ, công khai trong công tác cán bộ được mở rộng trên cơ sở khẳng định và thực hiện nhất quán quan điểm: “Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ theo nguyên tắc tập trung dân chủ, đồng thời phát huy trách nhiệm của các tổ chức thành viên trong hệ thống chính trị”, nhất là người đứng đầu.
Để tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đồng chí Phạm Minh Chính yêu cầu TPHCM cần tiếp tục nâng cao nhận thức công tác cán bộ là “then chốt của then chốt” trong công tác xây dựng Đảng, là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng. Cần nhận thức rõ vai trò, vị trí đặc biệt của TPHCM là một đô thị đặc biệt, từ đó xác định công tác cán bộ cũng phải đặt ngang tầm với vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng của TP. Tiếp tục đổi mới có hiệu quả các khâu trong công tác cán bộ, đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển của TP.
Trong đó, tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, nhất là về chủ nghĩa Mác – Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, xem đây là nền tảng, kim chỉ nam cho mọi hoạt động. Gắn việc xây dựng đội ngũ cán bộ với xây dựng, kiện toàn tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị TP theo hướng tinh gọn, hiệu quả.
Cho rằng công tác đánh giá cán bộ là cực kỳ quan trọng, đồng chí Phạm Minh Chính yêu cầu phải xem khâu đánh giá cán bộ là một giải pháp quan trọng, tất yếu, vừa mang tính cơ bản, cụ thể xuyên suốt của tất cả các khâu trong công tác cán bộ.
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh đến một số nhiệm vụ quan trọng mà TP cần tập trung thực hiện trong thời gian tới, nhằm xây dựng được đội ngũ cán bộ các cấp, các ngành, các lĩnh vực có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất, năng lực và uy tín tốt, có cơ cấu phù hợp, ngang tầm nhiệm vụ, đảm bảo sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ cán bộ, đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển của TP.
Trong đó, cùng với tuân thủ chấp hành các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương về công tác cán bộ, TP tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện các quy định, quy chế về phương thức lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị. Nghiên cứu, quy định rõ mối quan hệ giữa tiêu chuẩn và cơ cấu, nhằm đảm bảo tiêu chuẩn của cán bộ phải được đặt lên hàng đầu. Tiếp tục tập trung thực hiện các chương trình, các mặt công tác cán bộ mang tính đặc thù riêng của TP như: chú trọng quy hoạch, đào tạo cán bộ trẻ, cán bộ nữ; đưa trí thức trẻ về phường-xã công tác; đẩy mạnh quy hoạch, đào tạo nguồn cán bộ dài hạn;…
TPHCM sẽ tiếp tục hoàn thiện việc xây dựng hệ thống tiếp thu ý kiến của người dân, trong đó có công tác cán bộ, qua 4 kênh (giám sát, tiếp xúc, phản ánh của báo chí và phản ánh trực tiếp của người dân) để phân công xử lý, và 4 cơ quan gồm HĐND, MTTQ Việt Nam, UBND và cấp uỷ có trách nhiệm tiếp thu ý kiến người dân.
Nhìn nhận công tác đánh giá cán bộ tại TPHCM thời gian qua chưa sâu, chưa kiên quyết bố trí, phân công lại công việc đối với cán bộ hạn chế về năng lực, yếu kém trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết, sắp tới TP sẽ tiếp tục hoàn thiện và thực hiện tốt chế độ miễn nhiệm, từ chức, cho thôi việc, thay thế cán bộ yếu kém phẩm chất, năng lực, uy tín thấp, không hoàn thành nhiệm vụ.