Hà Nội tổng kết Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII) về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước
Đ/C Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương phát biểu tại Hội nghị.

Dự Hội nghị, về phía Trung ương có các đồng chí: Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Nguyễn Thanh Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương; đại diện Ban Chỉ đạo và Tổ Biên tập Trung ương về tổng kết Nghị quyết Trung ương 3 (khoá VIII); lãnh đạo các vụ, đơn vị của Ban Tổ chức Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Dân vận Trung ương, Bộ Nội vụ, Văn phòng Trung ương Đảng.

Về phía thành phố Hà Nội có các đồng chí: Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Thành ủy viên; đại diện lãnh đạo các ban, sở, ngành, quận, huyện...

Sau 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII) về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước; Kết luận số 37 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục thực hiện chiến lược cán bộ từ nay đến năm 2020, trên cơ sở nắm bắt những thuận lợi, tranh thủ sự giúp đỡ, tạo điều kiện của Trung ương; khắc phục khó khăn, thách thức, nhất là về tư tưởng và bố trí, sắp xếp cán bộ khi thực hiện điều chỉnh, mở rộng địa giới hành chính Thủ đô (từ ngày 1-8-2008), Đảng bộ thành phố Hà Nội đã thường xuyên quan tâm, chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp và làm tốt công tác cán bộ. 

Công tác cán bộ được Thành ủy Hà Nội chỉ đạo thực hiện đồng bộ, bài bản, khách quan, dân chủ, gắn với việc tiếp tục sắp xếp, kiện toàn lại bộ máy tổ chức theo quy định của Trung ương và yêu cầu thực tiễn đặt ra cho thành phố; các khâu trong công tác cán bộ tiếp tục được đổi mới, nâng cao chất lượng, tạo bước đột phá trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị của thành phố; gắn với việc tiếp tục sắp xếp, kiện toàn lại bộ máy tổ chức theo quy định của Trung ương và yêu cầu thực tiễn đặt ra cho thành phố.

Đội ngũ cán bộ từ thành phố đến cơ sở có cơ cấu ngày càng hợp lý, bảo đảm sự chuyển tiếp giữa các thế hệ cán bộ; chất lượng được nâng lên, từng bước đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước và Thủ đô. Hiện nay, cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Thành uỷ Hà Nội quản lý: cấp thành phố có trình độ chuyên môn trên đại học chiếm 42,7%; đại học 57,3%; lý luận chính trị cao cấp, cử nhân 80,2%; cấp quận, huyện có trình độ chuyên môn trên đại học chiếm 35,2%; đại học 64,8%; lý luận chính trị cao cấp, cử nhân 79,3%..

Để đánh giá sát đúng đội ngũ cán bộ, Thành ủy đã gắn việc thực hiện đánh giá cán bộ với công tác đánh giá, phân loại chất lượng tổ chức cơ sở đảng, đảng viên. Nội dung kiểm điểm đã bám sát vào chức trách, nhiệm vụ được giao gắn với kết quả của đơn vị. Từ năm 2012, đánh giá cán bộ hằng năm được gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII); Chỉ thị 03, 05 của Bộ Chính trị; Quy định số 101 của Ban Bí thư. Việc đánh giá, bên cạnh những ưu điểm đạt được đã đi thẳng vào những tồn tại, khuyết điểm; làm rõ nguyên nhân, mức độ, xác định trách nhiệm của tập thể, cá nhân và đề ra phương hướng, biện pháp khắc phục. Hà Nội cũng là địa phương đi đầu trong cả nước thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm đánh giá cán bộ lãnh đạo chủ chốt của thành phố. Công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp được Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo, thực hiện thống nhất, chặt chẽ, kết quả công tác quy hoạch đã tạo động lực phấn đấu vươn lên của cán bộ, thúc đẩy hoàn thành tốt nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị.

Phương thức đào tạo, bồi dưỡng khá đa dạng; một số loại hình đào tạo mới  được tổ chức, nhất là đào tạo cán bộ nguồn; quan tâm đến bồi dưỡng kỹ năng, cập nhật kiến thức mới. Trung bình mỗi năm thành phố đầu tư khoảng 200 tỷ đồng cho công tác đào tạo, bồi dưỡng. Công tác luân chuyển, điều động cán bộ được thành phố chuẩn bị chu đáo, kết hợp cả luân chuyển dọc và luân chuyển ngang; giải quyết tốt mối quan hệ giữa luân chuyển với ổn định và xây dựng đội ngũ cán bộ. Kết quả luân chuyển tạo dư luận tốt trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân. Cán bộ luân chuyển nhiều đồng chí phát triển tốt, có đóng góp tích cực cho địa phương, cơ quan và được tín nhiệm bố trí vào các chức vụ cao hơn.

Thực hiện Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị, thành phố đã cơ bản hoàn thành công tác rà soát, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, theo đó giảm 39 trưởng phòng, 143 phó phòng, ban; giảm 30 cấp trưởng, 69 cấp phó tại các ban quản lý dự án và quỹ; sắp xếp cán bộ lãnh đạo, quản lý tại 130 đơn vị trực thuộc sở…

Thực hiện chủ trương nhất thể hóa một số tổ chức và chức danh lãnh đạo Đảng, chính quyền ở cấp xã, cấp huyện, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo các quận, huyện, thị xã lựa chọn 30 xã phường, thị trấn thực hiện thí điểm chủ trương bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn. Ngoài ra, có 11 quận, huyện triển khai thực hiện chủ trương này đối với 16 xã, phường, thị trấn. Hiện nay, ở cấp xã có 351 đồng chí bí thư đồng thời là chủ tịch HĐND; 18 đồng chí bí thư là Chủ tịch UBND; ở cấp huyện có 20 đồng chí bí thư đồng thời là chủ tịch HĐND, 1 đồng chí đồng thời là chủ tịch UBND…

Bên cạnh những kết quả đạt được, Thành ủy Hà Nội cũng đánh giá, nhìn nhận rõ những tồn tại, hạn chế, đó là: Tính tiên phong, gương mẫu, ý thức, trách nhiệm phục vụ nhân dân của một bộ phận cán bộ, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý chưa cao; suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên có mặt chậm được khắc phục; vẫn còn tư tưởng cục bộ, khép kín, mất đoàn kết nội bộ ở một số địa phương, đơn vị. Một bộ phận cán bộ, công chức ý thức, phẩm chất, năng lực yếu, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, có biểu hiện sách nhiễu, tiêu cực gây khó khăn, bức xúc cho doanh nghiệp và người dân, thậm chí vi phạm kỷ luật phải xử lý.

Cơ cấu đội ngũ cán bộ ở một số địa phương, đơn vị còn chưa hợp lý, thiếu đồng bộ, còn tình trạng "vừa thừa, vừa thiếu”; năng lực thực tế, kiến thức về quản lý kinh tế, pháp luật của một số ít cán bộ chưa theo kịp với yêu cầu, nhiệm vụ. Tiêu chí đánh giá cán bộ đã có đổi mới, nhưng vẫn còn chung chung và chưa gắn với chức danh; việc tổ chức đánh giá còn hình thức, kết quả đánh giá chưa phản ánh toàn diện kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ, chưa thực sự là cơ sở cho việc thực hiện các khâu của công tác cán bộ nhất là ở cấp cơ sở. Công tác quy hoạch cán bộ ở một số cấp ủy, địa phương chưa được quan tâm đúng mức; nhận thức của một số cán bộ về công tác quy hoạch còn chưa đầy đủ, còn khép kín, cục bộ. Số lượng, tỷ lệ cán bộ trẻ, nữ nhiều đơn vị chưa đạt như quy định. Đặc biệt, việc thực hiện chế độ tiến cử cũng như miễn nhiệm và từ chức của cán bộ hầu như chưa được thực hiện…

Mục tiêu đến năm 2030, Hà Nội xây dựng đội ngũ cán bộ công chức, trước hết là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp thành phố thực sự trong sạch, vững mạnh, có bản lĩnh chính trị vững vàng; có phẩm chất, đạo đức và lối sống trong sạch, lành mạnh; có trình độ, năng lực cao; có cơ cấu, số lượng hợp lý và có chất lượng tốt, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH, hội nhập sâu rộng, phát triển Thủ đô và đất nước.

Tại hội nghị, nhiều tham luận của các đại biểu đã làm rõ những kết quả đạt được cũng như những tồn tại, hạn chế, những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII).

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đánh giá cao những kết quả đạt được của thành phố Hà Nội trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII), qua đó xây dựng đội ngũ cán bộ từ thành phố đến cơ sở trưởng thành, lớn mạnh, trình độ, năng lực của cán bộ được nâng lên một cách toàn diện. Ban Thường vụ, Ban Chấp hành thành phố đã cụ thể hóa chiến lược cán bộ bằng nhiều chương trình, nghị quyết, lựa chọn những lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm để thực hiện; ban hành các quy định về đánh giá, phân loại, bổ nhiệm cán bộ. Nhiều mô hình sáng tạo của cấp ủy các cấp được triển khai thực hiện; đã kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về công tác cán bộ… Đặc biệt Hà Nội đã đạt những kết quả ban đầu đáng trân trọng trong thực hiện Nghị quyết 39 và kinh nghiệm quý trong việc sắp xếp, ổn định tổ chức, bộ máy trong giai đoạn Hà Nội mở rộng địa giới hành chính. Đồng thời nêu một số tồn tại, hạn chế trong xây dựng đội ngũ cán bộ ở thành phố Hà Nội.

Đồng chí nhấn mạnh, tới đây, Trung ương sẽ tăng cường phân cấp cho Hà Nội về công tác cán bộ để thành phố chủ động, chịu trách nhiệm, nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác cán bộ của thành phố, đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới. Trong thời gian tới, thành phố cần bám sát Kết luận số 22 của Bộ Chính trị, tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 39, nhất là Nghị quyết số 18, Nghị quyết số 19 của Hội nghị Trung ương 6 vừa qua. Hà Nội cần sớm tổng kết một số mô hình mới, có tính chất sáng tạo, phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương rút kinh nghiệm, triển khai nhân rộng. 


Đ/c Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội trao Bằng khen cho 10 tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII).

Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy khẳng định, Thành ủy Hà Nội đã triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ các nhóm nhiệm vụ và giải pháp lớn cùng với hệ thống văn bản cụ thể hóa Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII). Đặc biệt là thành phố đã xác định công tác cán bộ là khâu then chốt, đột phá; đã làm tốt việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận trong các cấp ủy Đảng, chính quyền, mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác cán bộ đối với sự phát triển của Thủ đô; về yêu cầu xây dựng đội ngũ và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của thành phố, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh CNH,HĐH. 

Phát huy những kinh nghiệm, khắc phục những yếu kém, nhất là những yếu kém đã được chỉ ra sau Hội nghị này, đồng chí Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu các cấp ủy của thành phố tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo công tác cán bộ theo hướng chủ động, sáng tạo, quyết liệt, hiệu quả; lựa chọn các khâu đột phá và thực hiện đồng bộ, liên thông giữa các khâu trong công tác cán bộ. Tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp trong xây dựng đội ngũ cán bộ, đó là: Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt và nghiêm túc thực hiện quan điểm của Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý cán bộ; xây dựng hệ thống các văn bản về công tác cán bộ đồng bộ, hiệu quả; thực hiện quyết liệt, hiệu quả Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 18 về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; đổi mới và thực hiện đồng bộ các khâu trong công tác cán bộ; xây dựng tổ chức bộ máy và cán bộ làm công tác tổ chức, cán bộ. Các cấp ủy, tổ chức Đảng, các cơ quan, đơn vị tiếp tục quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị, quy định, kết luận của Trung ương và các chương trình, nghị quyết, đề án của Thành ủy về công tác cán bộ; xây dựng đội ngũ cán bộ của thành phố gương mẫu, thanh lịch.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất