|
Toàn cảnh Hội thảo.
|
Cùng chủ trì có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Nguyễn Quang Dương, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Hoàng Thị Thúy Lan, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc.
Dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương; các đồng chí là Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, bí thư tỉnh ủy, thành ủy, phó bí thư tỉnh ủy, thành ủy các tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc; lãnh đạo, quản lý, công nhân lao động của một số doanh nghiệp trong khu vực.
Phát biểu khai mạc và đề dẫn tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương khẳng định: Những năm gần đây, công tác phát triển đảng viên trong doanh nghiệp ngoài nhà nước khu vực 25 tỉnh, thành phố miền Bắc đã đạt kết quả rất đáng khích lệ so với các khu vực khác trên cả nước. Trong 3 năm (2020-2022), khu vực miền Bắc đã kết nạp được 8.440/14.521 đảng viên, chiếm 58,12% tổng số đảng viên được kết nạp trong doanh nghiệp ngoài nhà nước trên cả nước. Kết quả công tác phát triển đảng viên trong doanh nghiệp ngoài nhà nước đã bảo đảm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các doanh nghiệp khu vực này, đồng thời tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển lành mạnh, hiệu quả theo quy định của pháp luật; củng cố, phát triển đội ngũ đảng viên gắn với nâng cao năng lực lãnh đạo của tổ chức đảng, góp phần vào sự ổn định và phát triển của doanh nghiệp.
|
Đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương phát biểu khai mạc và đề dẫn tại Hội thảo.
|
Theo đồng chí Nguyễn Quang Dương, Hội thảo hôm nay có ý nghĩa rất quan trọng, là dịp để nhìn nhận, đánh giá nghiêm túc công tác này. Đây là nhiệm vụ, giải pháp quan trọng, thiết thực để thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII và Nghị quyết số 21-NQ/TW của BCH Trung ương. Phát triển đảng trong doanh nghiệp ngoài nhà nước là cơ sở để xây dựng, củng cố, phát triển tổ chức đảng, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức đảng phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, cùng những người lãnh đạo, chủ doanh nghiệp hoạt động đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực hiện tốt quy định của doanh nghiệp. Đồng thời, tổ chức đảng là cầu nối phản ánh tâm tư, nguyện vọng của người lao động tới chủ doanh nghiệp, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Doanh nghiệp ngoài nhà nước có nhiều đảng viên có trình độ, tâm huyết sẽ có ý thức, trách nhiệm cao hơn trong thực hiện các hoạt động của mình, tuân thủ các chuẩn mực đạo đức trong kinh doanh, bảo vệ môi trường, bảo vệ người lao động, thực hiện nghĩa vụ thuế đầy đủ...
Các ý kiến phát biểu tại Hội thảo đều cho rằng, khó khăn lớn nhất đối với công tác kết nạp đảng viên trong doanh nghiệp ngoài nhà nước đó là nhận thức, quan điểm, sự ủng hộ của chủ doanh nghiệp. Thay đổi được nhận thức, quan điểm của chủ doanh nghiệp về vấn đề này sẽ hóa giải được nhiều khó khăn, tạo thuận lợi cho việc thành lập tổ chức đảng, đoàn thể và phát triển đảng viên trong doanh nghiệp.
Để tạo nên đột phá trong công tác này, đồng chí Hoàng Thị Thúy Lan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đưa ra giải pháp về việc tập trung tuyên truyền thay đổi nhận thức của chủ doanh nghiệp đối với công tác phát triển đảng; tăng cường giải pháp hỗ trợ kinh phí hằng tháng cho các đồng chí chi ủy chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở trong các doanh nghiệp cũng như giao chỉ tiêu phát triển đảng viên cho người đứng đầu các huyện, thành ủy và Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh. Đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh cho rằng, các địa phương cần thành lập tổ chức công đoàn ở tất cả các doanh nghiệp ngoài nhà nước. Đối với doanh nghiệp tư nhân cần quan tâm tới việc kết nạp chủ doanh nghiệp vào Đảng. Cần xem xét đến lợi ích về chính trị, tinh thần, vật chất đối với đảng viên là chủ doanh nghiệp tư nhân, từ đó tạo động lực cho các doanh nghiệp quan tâm sâu sát đến công tác này.
Đồng chí Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội cho biết, từ năm 1996 đến nay, Thành ủy đã ban hành trên 30 văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, trong đó nổi bật là Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 27-2-2012 về “Tăng cường công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước trên địa bàn TP. Hà Nội đến năm 2020”. Đây là một trong những nghị quyết chuyên đề đầu tiên trong cả nước về công tác phát triển tổ chức đảng, đoàn thể trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước. Hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết 09 và các chỉ thị, đề án về công tác kết nạp đảng viên trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, với quyết tâm chính trị cao, toàn Đảng bộ Thành phố đã thành lập được 1.711 tổ chức đảng, kết nạp 10.742 đảng viên (45 chủ doanh nghiệp tư nhân). Trong đó từ năm 2020-2022 kết nạp được 2.649 đảng viên, 6 tháng đầu năm 2023 đã kết nạp được 775 đảng viên.
Đồng chí Nguyễn Thị Tuyến cho rằng, “công tác phát triển đảng viên trong các doanh nghiệp tiếp tục là việc khó, thậm chí là rất khó”, khi các doanh nghiệp tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn, thách thức của kinh tế trong nước, khu vực và thế giới dự báo còn gặp nhiều khó khăn, số lượng người lao động thường xuyên có sự biến động; các tổ chức đảng thiếu bền vững do doanh nghiệp giải thể, công nhân nghỉ việc, đảng viên chuyển đi… người lao động trong doanh nghiệp phải chịu nhiều áp lực về thời gian, năng suất, định mức lao động… nên việc học tập bồi dưỡng kiến thức về Đảng khó khăn, dẫn đến nhận thức, động cơ và mục đích phấn đấu vào Đảng còn hạn chế. Trước tình hình đó, Đảng bộ TP. Hà Nội đã đề ra 5 nhóm giải pháp để thực hiện tốt công tác phát triển đảng viên trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước trong thời gian tới.
Trước những khó khăn nói chung trong công tác phát triển đảng viên trong doanh nghiệp ngoài nhà nước như công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho đoàn viên công đoàn, công nhân lao động còn hạn chế; công tác vận động, thuyết phục chủ doanh nghiệp chưa được quan tâm đúng mức; việc thể chế hóa các chủ trương, chính sách về vấn đề này chưa đạt yêu cầu đề ra…, đồng chí Huỳnh Thành Xuân, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất Trung ương quan tâm hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về thành lập tổ chức đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp ngoài nhà nước. Bên cạnh đó cần quan tâm điều chỉnh kịp thời một số quy định, hướng dẫn của Trung ương, các cấp ủy cho phù hợp với thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp khu vực này.
Bên cạnh các giải pháp được nhiều địa phương, đơn vị thống nhất, đồng chí Đỗ Mạnh Hiến, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hải Phòng đề xuất nghiên cứu thực hiện mô hình bí thư chi bộ doanh nghiệp đồng thời là chủ doanh nghiệp, hoặc chủ tịch công đoàn doanh nghiệp. Thực hiện mô hình này không những tạo thuận lợi cho sinh hoạt đảng, sinh hoạt công đoàn, mà còn hóa giải được nhiều khó khăn trong công tác phát triển đảng viên.
Các tham luận trình bày tại Hội thảo đã phân tích đánh giá một cách khách quan, toàn diện những mặt đạt được, chưa đạt được, những ưu điểm, hạn chế, khó khăn, vướng mắc và những vấn đề thực tiễn đặt ra trong công tác tạo nguồn, kết nạp đảng viên mới đối với doanh nghiệp ngoài nhà nước. Từ đó, trao đổi, chia sẻ, đề xuất những giải pháp, cách làm nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác phát triển đảng viên trong doanh nghiệp ngoài nhà nước thời gian tới.
|
Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo.
|
Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai ghi nhận, biểu dương những kết quả của các địa phương, đơn vị trong công tác kết nạp đảng viên trong doanh nghiệp ngoài nhà nước.
Đồng chí điểm lại, về vấn đề này, từ năm 1996, Bộ Chính trị (khóa VIII) đã ban hành Chỉ thị 07-CT/TW ngày 23-11-1996 về “Tăng cường công tác xây dựng Đảng, các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần tư nhân (gọi tắt là doanh nghiệp tư nhân) và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài”. Đến nay, công tác xây dựng Đảng, các đoàn thể nhân dân trong các loại hình doanh nghiệp trên đã đạt được nhiều kết quả. Đến năm 2008, Hội nghị lần thứ sáu BCH Trung ương Đảng (khóa X) ban hành Nghị quyết số 22-NQ/TW, ngày 2-2-2008 về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCSĐ và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, trong đó đã quan tâm xây dựng tổ chức đảng và các đoàn thể quần chúng trong doanh nghiệp.
Điểm lại các chỉ thị, nghị quyết của Đảng qua các thời kỳ để thấy rằng, chủ trương của Đảng về phát triển tổ chức đảng, đảng viên trong doanh nghiệp ngoài nhà nước đã được Đảng ta quan tâm. Vấn đề ở việc các cấp ủy cụ thể hóa chủ trương, nghị quyết của Đảng như thế nào, thực hiện ra sao. Mỗi địa phương cần phân tích rõ quá trình lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy để biết kết quả khác nhau ở mỗi địa phương là do đâu? nguyên nhân đạt được, chưa đạt được là gì để rút kinh nghiệm – đồng chí Trương Thị Mai đề nghị.
Theo Thường trực Ban Bí thư, những số liệu trong Báo cáo cho thấy, tỷ lệ phát triển đảng viên trong doanh nghiệp còn rất thấp, thấp nhất trong tất cả các lĩnh vực, trong các doanh nghiệp FDI càng khó hơn. Bên cạnh đó, hầu hết các ý kiến phát biểu đều cho thấy thực tế rằng, chưa thấy được sự hòa hợp giữa nhu cầu lợi ích lành mạnh của doanh nghiệp với nhiệm vụ chính trị của tổ chức đảng, đoàn thể. Cần phải “2 hòa 1”, 2 bên gặp nhau ở cùng lợi ích thì mới tháo được “nút thắt” trong công tác này. Mặt khác, sự có mặt của tổ chức công đoàn chưa đạt yêu cầu đặt ra.
Những vấn đề nêu trên đòi hỏi phải tiếp tục tuyên truyền vận động, thay đổi nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức công đoàn, đoàn thanh niên và nhận thức của chủ doanh nghiệp, người lao động. Đồng chí Trương Thị Mai đặc biệt nhấn mạnh nhận thức và trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức công đoàn, đoàn thanh niên trong các doanh nghiệp. Cùng với đó là cụ thể hóa, thể chế hóa, tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định, hướng dẫn, làm sao tạo cân bằng trong mối quan hệ giữa doanh nghiệp, công đoàn và người lao động.
Để tiếp tục tháo gỡ những khó khăn cho các địa phương, doanh nghiệp, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai nêu 5 giải pháp. Trước hết là giải pháp về nhận thức, vì nhận thức của từng nhóm đối tượng khác nhau nên các cấp ủy cần có những phương thức khác nhau để tuyên truyền, vận động đạt hiệu quả như mong muốn. Bên cạnh đó, chú trọng công tác vận động, tuyên truyền. Tiếp tục nghiên cứu mô hình tổ chức, điều kiện sinh hoạt, điều kiện kết nạp đảng, các cơ chế, chính sách phù hợp với doanh nghiệp ngoài nhà nước cho phù hợp, không thể bắt họ theo quy định chung.
“Phải làm từng bước, mưa dầm thấm lâu, dễ làm trước khó làm sau, không thể làm đại trà được… Đây là việc khó, phần nào có những nơi phức tạp, nhạy cảm nên phải kiên trì, làm có trọng tâm trọng điểm, kiểm tra, đánh giá, động viên, khuyến khích… Và quan trọng phải sát thực tiễn từng địa phương. Hết sức chú trọng số lượng đi đôi với chất lượng, không chạy theo số lượng” - đồng chí Trương Thị Mai nhấn mạnh.
Thực hiện đồng bộ, quyết tâm với các giải pháp sẽ góp phần nâng cao chất lượng tổ chức đảng, chất lượng đảng viên, góp phần vào những thành tựu chung của từng cơ quan, địa phương, doanh nghiệp, thực hiện thắng lợi các nghị quyết của Đảng.
Bảo Yến