Tháo gỡ những khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội
Bộ trưởng LĐ-TB-XH Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu
Quốc hội tập trung thảo luận 3 nhóm vấn đề:
Nhóm vấn đề thứ nhất, qua Báo cáo đánh giá bổ sung để chính thức hóa kết quả thực hiện nhiệm vụ cả năm 2010 về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước, cần rút ra những vấn đề gì trong việc xác định phương hướng, mục tiêu, chỉ tiêu, các giải pháp và trong tổ chức chỉ đạo thực hiện.
Nhóm vấn đề thứ hai, từ tình hình năm 2010 và những tháng đầu năm 2011 cần quan tâm những vấn đề gì trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện kết luận của Bộ Chính trị và các giải pháp nêu ra trong Nghị quyết 11 của Chính phủ và những đề xuất mới.
Nhóm vấn đề thứ ba, về phương án sử dụng 3.500 tỷ đồng tái đầu tư cho Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam.
Đối với năm 2010 trong Báo cáo của Chính phủ, Báo cáo của các cơ quan hữu quan và Báo cáo thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội đã đề cập tương đối toàn diện, đầy đủ và đúng mức về những kết quả đạt được, những hạn chế yếu kém và các nguyên nhân chủ yếu.
Thứ nhất, năm 2010 trong bối cảnh đất nước vẫn chịu tác động bất lợi của cuộc khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế toàn cầu, thiên tai dịch bệnh trong nước nặng nề, những yếu kém hạn chế trong quản lý và nội tại nền kinh tế, nhưng nhiều mục tiêu nhiệm vụ đã thực hiện được, 16 trong 21 chỉ tiêu kinh tế, xã hội chủ yếu đạt và vượt kế hoạch theo nghị quyết của Quốc hội. Đây là kết quả của sự phấn đấu vượt bậc của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, cộng đồng doanh nghiệp, của các ngành, các cấp, của cả hệ thống chính trị, có sự hợp tác ủng hộ thiết thực của bạn bè quốc tế. Trong bối cảnh không bình thường kết quả đó rất đáng trân trọng.
Thứ hai, để có những quyết sách đúng vì lợi ích chung của đất nước và dân tộc, với tư cách là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, một trong những yêu cầu rất quan trọng là Quốc hội phải được cung cấp các thông tin có hệ thống, đầy đủ, đồng bộ, kịp thời, minh bạch, chính xác, đa dạng, nhiều chiều, bao gồm thông tin đã xảy ra và thông tin dự báo. Trên cơ sở đó, Quốc hội xem xét toàn diện, đánh giá khách quan, cân nhắc thận trọng và kỹ lưỡng trước khi ra quyết định.
Thứ ba, tăng trưởng kinh tế cao, chủ yếu dựa vào yếu tố tăng vốn đầu tư mà hiệu quả đầu tư thì thấp, tăng số lượng lao động với giá rẻ. Chỉ số giá tiêu dùng, lạm phát tăng cao, không bảo đảm thu nhập thực tế, cải thiện đời sống nhân dân, rủi ro cho phát triển bền vững không phải là sự lựa chọn của Quốc hội. Cần quán triệt sâu sắc quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước ta trong chỉ đạo thực hiện là bảo đảm phát triển bền vững cho cả trước mắt, cho trung và dài hạn, bảo đảm liên thông của sự phát triển.
Thứ tư, về việc thực hiện chậm trễ hoặc thực hiện không đầy đủ một số quy định của pháp luật, cơ chế, chính sách, đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành hữu quan quan tâm chỉ đạo thực hiện đúng chức năng, đúng pháp luật, khẩn trương hơn, kịp thời ráo riết và đồng bộ hơn.
Thứ năm, trong chỉ đạo thực hiện khi đã xác định đúng mục tiêu, nhiệm vụ cần chỉ đạo kiên quyết duy trì thường xuyên qua các tháng, các quý trong năm, tập trung và ưu tiên có trọng điểm, xác định rõ trách nhiệm tập thể và cá nhân, tăng cường và nâng cao hiệu quả của sự phối hợp.

Quốc hội nhất trí với phương án sử dụng 3.500 tỷ đồng để lại tái đầu tư cho tập đoàn dầu khí Việt Nam, bảo đảm đúng quy trình, thủ tục, sử dụng đúng mục đích và hiệu quả đầu tư, tăng cường kiểm tra, thanh tra trong quá trình thực hiện.
Trong bối cảnh khó khăn tạm thời, đòi hỏi các ngành, các cấp, các cơ quan, đơn vị và toàn thể nhân dân trong phạm vi quyền và trách nhiệm của mình phấn đấu với quyết tâm cao cùng ủng hộ, chia sẻ với Nhà nước, tăng đồng thuận trong xã hội, góp phần thiết thực nhất bằng những việc làm cụ thể, thực hiện đạt kết quả cao nhất chủ trương của Bộ Chính trị; các nhóm giải pháp trong Nghị quyết 11 của Chính phủ; những giải pháp hợp lý do các đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đề xuất, kiến nghị tại phiên họp này. Hướng trọng tâm là tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất-kinh doanh, bảo đảm đời sống thực tế của nhân dân và an sinh xã hội, phấn đấu đạt kết quả cao nhất nghị quyết của Quốc hội, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2011 phù hợp với tình hình mới.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất