Ngày 27-10, các đại biểu QH thảo luận tại hội trường về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2011 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012.
Tại phiên thảo luận buổi sáng, các đại biểu cơ bản nhất trí với báo cáo của Chính phủ, cho rằng trong những tháng đầu năm 2011, mặc dù có nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với các giải pháp đồng bộ, quyết liệt nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội, nên tình hình kinh tế - xã hội đạt nhiều kết quả khả quan. Tuy nhiên, nhiều đại biểu cũng chỉ ra những mặt còn hạn chế, đó là lạm phát còn cao, lãi suất ngân hàng cao ảnh hưởng đến họat động của doanh nghiệp, vấn đề đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân còn chưa thỏa đáng… Nhiều đại biểu cũng cho rằng, các giải pháp phát triển kinh tế những tháng cuối năm 2011 và những năm tiếp theo về cơ bản đã bám sát tình hình thực tế, song muốn phát triển kinh tế mạnh mẽ hơn, kiềm chế lạm phát ở mức một con số cần có sự góp sức, đồng thuận của toàn dân.
Hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ là vấn đề khá nóng hiện nay. Nhiều đại biểu cho rằng cần hỗ trợ nhiều hơn nữa cho doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển để từ đó thúc đẩy sự phát triển của kinh tế. Theo đại biểu Nguyễn Cao Sơn (đoàn Hòa Bình), trong năm 2011, nền kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn do chịu sự tác động của tình hình kinh tế thế giới và khu vực, nhưng với sự điều hành linh hoạt của Chính phủ, tình hình kinh tế - xã hội đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, nhập siêu giảm, chỉ số giá tiêu dùng thấp, an sinh xã hội đảm bảo...
Tuy nhiên, sự phát triển trong thời gian qua cũng cho thấy nhiều bất cập, kinh tế vĩ mô chưa vững chắc, xu hướng nợ xấu trong tín dụng tăng, lãi suất ngân hàng tăng… Những bất ổn này đã và đang kìm hãm sự phát triển của nền kinh tế, do vậy, Chính phủ cần phải có những giải pháp cụ thể và quyết liệt hơn nữa trong điều hành nền kinh tế như cần tăng cường sự hỗ trợ đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, sớm hoàn thiện Đề án Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ. Cần có chính sách ưu tiên đầu tư phát triển cho các tỉnh miền núi, bởi khu vực này mặc dù thời gian qua đã được chú trọng đầu tư phát triển song thực tế vẫn còn nhiều khó khăn, nhiều dự án đầu tư còn nhỏ lẻ, chưa phát huy được hiệu quả. Vì vậy, Nhà nước cần có lựa chọn dự án trọng tâm, trọng điểm để hỗ trợ phát triển khu vực này.
Về vấn đề phát triển kinh tế, trong đó phát triển kinh tế vùng gắn với phát triển kinh tế địa phương cũng được đa số đại biểu quan tâm. Các ý kiến thảo luận cho rằng, mục tiêu kiềm chế lạm phát là mục tiêu quan trọng, trong đó việc hạn chế chi tiêu dùng và ưu tiên cho đầu tư phát triển là giải pháp cơ bản để tiếp tục giữ vững sự ổn định tăng trưởng. Do đó, Chính phủ cần rà soát, sắp xếp lại lĩnh vực đầu tư công sao cho hợp lý, đồng thời cần chú trọng đầu tư cho phát triển kinh tế vùng gắn với phát triển kinh tế địa phương.
Cũng trong phiên thảo luận buổi sáng, các đại biểu đã đề cập tới nhiều vấn đề khác như: nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt là quan tâm giáo dục bậc học mầm non; chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông, đặc biệt là giao thông khu vực miền núi và Tây Nguyên; xã hội hóa bảo hiểm y tế, mở rộng đối tượng bảo hiểm đối với người nghèo, người cận nghèo; chế độ đối với cán bộ cấp xã, phường….
Buổi chiều, QH tiếp tục tiến hành thảo luận tại hội trường về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2011-2015; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2011 và kế hoạch năm 2012.
Lê Thuỷ