Thực hiện Chương trình làm việc toàn khoá, từ
ngày 26 đến ngày 31 tháng 12 năm 2011, tại Thủ đô Hà Nội, Ban Chấp hành Trung
ương Đảng (khoá XI) đã họp Hội nghị lần thứ tư để xem xét, cho ý kiến về: Đề án
một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay; Đề án Xây dựng hệ thống kết
cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng
hiện đại vào năm 2020; Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị,
Ban Bí thư năm 2011; Báo cáo kết quả công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ
luật trong Đảng năm 2011; bầu bổ sung Uỷ viên Uỷ ban Kiểm tra Trung ương khoá
XI; và một số vấn đề quan trọng khác. Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ
trì, phát biểu khai mạc và bế mạc Hội nghị.
1- Từ khi thực hiện đường lối đổi mới, Đại hội
đại biểu toàn quốc của Đảng, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư
các khoá đã ban hành nhiều chủ trương, nghị quyết về công tác xây dựng Đảng,
thường xuyên quan tâm chỉ đạo công tác quan trọng này. Trên cơ sở đó, công tác
xây dựng Đảng đã được tăng cường, đạt một số kết quả tích cực; năng lực lãnh
đạo và sức chiến đấu của Đảng từng bước được nâng cao, vai trò lãnh đạo của
Đảng được giữ vững, niềm tin của nhân dân với Đảng được củng cố. Bên cạnh những
kết quả đạt được, công tác xây dựng Đảng còn bộc lộ không ít hạn chế, yếu kém,
có mặt còn phức tạp thêm. Những hạn chế, yếu kém đó làm giảm lòng tin của nhân
dân đối với Đảng và Nhà nước, ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước. Nhận thức
sâu sắc tình hình, nhiệm vụ và những yêu cầu đặt ra, Ban Chấp hành Trung ương
đã thảo luận dân chủ, thẳng thắn và nhất trí ra Nghị quyết "Một số vấn đề
cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay".
Để tạo chuyển biến mạnh mẽ về công tác xây dựng
Đảng trong thời gian tới, Ban Chấp hành Trung ương xác định : Trong quá trình thực
hiện tốt 8 nhiệm vụ vừa cơ bản, vừa lâu dài và phải thực hiện thường xuyên về
công tác xây dựng Đảng mà Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của
Đảng đã đề ra, cần tập trung cao độ để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt ba vấn
đề cấp bách về công tác xây dựng Đảng hiện nay như sau :
Một là : Kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi
tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận
không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp để nâng
cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin của nhân dân
đối với Đảng.
Hai là : Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản
lý các cấp, nhất là cấp Trung ương, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp
hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế.
Ba là : Xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm người
đứng đầu của cấp uỷ, chính quyền các cấp và mối quan hệ với tập thể cấp uỷ, cơ
quan, đơn vị để tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng là một trong
những khâu quan trọng nhất.
Trong ba vấn đề trên, vấn đề thứ nhất là vấn đề
trọng tâm, xuyên suốt; vấn đề thứ hai và vấn đề thứ ba vừa là vấn đề cấp bách,
vừa là giải pháp để thực hiện vấn đề thứ nhất.
Ban Chấp hành Trung ương xác định mục tiêu là :
Phải tạo được chuyển biến thực sự, khắc phục những hạn chế, yếu kém trong công
tác xây dựng Đảng, nhằm xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh, giữ
vững vai trò và nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, củng cố
niềm tin trong Đảng và nhân dân, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực
hiện thắng lợi các chủ trương, nghị quyết của Đảng.
Ban Chấp hành Trung ương khẳng định cần phải nhìn
thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, khách quan, không né tránh; phân tích
sâu sắc, thuyết phục về những nguyên nhân chủ quan và khách quan; các giải pháp
phải bảo đảm đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, khả thi, kết hợp "chống và
xây", "xây và chống", nói đi đôi với làm, bằng hành động cụ thể
để giải quyết những vấn đề bức xúc nhất hiện nay. Chỉ đạo, tổ chức thực hiện
với quyết tâm chính trị cao trong toàn Đảng. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính
trị, Ban Bí thư, các cấp uỷ đảng, cán bộ chủ chốt, nhất là cấp Trung ương phải
thật sự gương mẫu làm trước để tạo niềm tin. Phải làm kiên quyết, kiên trì, xác
định rõ lộ trình thực hiện, thời gian hoàn thành, làm từng bước vững chắc,
thường xuyên kiểm tra, đôn đốc chặt chẽ. Làm tốt nhiệm vụ này cũng là để thúc
đẩy thực hiện nhiệm vụ chính trị. Xây dựng, chỉnh đốn Đảng là vấn đề quan
trọng, nhạy cảm, phải bình tĩnh, tỉnh táo, không nóng vội, cực đoan, nhưng cũng
không được chậm trễ; giữ vững nguyên tắc, không để các thế lực thù địch, những
phần tử cơ hội lợi dụng, kích động, xuyên tạc, đả kích, gây rối nội bộ.
Ban Chấp hành Trung ương nhất trí đề ra các nhóm
giải pháp bao gồm : nhóm giải pháp về thực hiện gương mẫu của cấp trên; nhóm giải
pháp về tổ chức, cán bộ và sinh hoạt đảng; nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách
và nhóm giải pháp về công tác giáo dục chính trị tư tưởng.
Ban Chấp hành Trung ương đã xác định rõ trách
nhiệm của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư,
các cấp uỷ và tổ chức đảng để việc thực hiện Nghị quyết đạt kết quả cao.
2- Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn
quốc lần thứ XI của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 và
Chương trình làm việc của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI, Bộ Chính trị
đã giao Ban cán sự đảng Chính phủ chuẩn bị và trình Ban Chấp hành Trung ương Đề
án "Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở
thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020".
Ban Chấp hành Trung ương đã dành thời gian thảo
luận, đánh giá kỹ về các nội dung của Đề án và khẳng định : Thời gian qua, thực
hiện chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước, với sự nỗ lực của
toàn Đảng, toàn dân, chúng ta đã bước đầu xây dựng được hệ thống kết cấu hạ
tầng phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu, phục vụ yêu cầu phát triển của
đất nước, góp phần bảo đảm tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh; phát triển các lĩnh
vực văn hoá, xã hội; giảm nhẹ thiên tai và bảo đảm an ninh, quốc phòng; nâng
cao đời sống nhân dân; rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các vùng, miền.
Tuy nhiên, hệ thống kết cấu hạ tầng của nước ta
chưa theo kịp yêu cầu đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập
quốc tế; còn thiếu đồng bộ, hiện đại và tính kết nối chưa cao; công tác quản
lý, công nghệ vận hành còn lạc hậu; chất lượng dịch vụ hạ tầng còn thấp, chi
phí cao, hạn chế năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; chính sách phát triển kết
cấu hạ tầng chậm đổi mới, chưa phù hợp với cơ chế thị trường, chưa thu hút mạnh
các thành phần kinh tế tham gia vào đầu tư phát triển và quản lý hệ thống kết
cấu hạ tầng; chính sách về đất đai nhiều mặt không còn phù hợp, công tác giải
phóng mặt bằng còn rất khó khăn, ảnh hưởng đến tiến độ thi công và làm tăng chi
phí đầu tư; đầu tư còn dàn trải, hiệu quả thấp, chưa tập trung được nguồn lực
cho các công trình trọng điểm, chất lượng nhiều công trình còn thấp.
Ban Chấp hành Trung ương thống nhất quan điểm,
mục tiêu, định hướng và các giải pháp chủ yếu phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng
đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại
vào năm 2020.
Để phát huy những kết quả đạt được, khắc phục
những hạn chế, yếu kém, tập trung phát triển mạnh mẽ hơn nữa hệ thống kết cấu hạ
tầng trong 10 năm tới, Ban Chấp hành Trung ương nhấn mạnh các quan điểm chỉ đạo
sau :
Một là, quy hoạch phát triển hệ thống kết cấu hạ
tầng kinh tế - xã hội phải hiện đại, đồng bộ trên phạm vi cả nước, từng ngành,
từng vùng và từng địa phương, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất
nước; có phân kỳ đầu tư và thứ tự ưu tiên. Lựa chọn những dự án quan trọng tạo
sự đột phá và có tác động lan toả lớn để tập trung đầu tư. Tăng cường công tác
quản lý trong khai thác sử dụng công trình.
Hai là, huy động mạnh mẽ mọi nguồn lực của xã hội
để thu hút các nhà đầu tư vào phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; nguồn
vốn nhà nước tập trung đầu tư vào các công trình thiết yếu, quan trọng, khó huy
động các nguồn lực xã hội.
Ba là, phát triển kết cấu hạ tầng là sự nghiệp
chung, vừa là quyền lợi vừa là nghĩa vụ của toàn xã hội, mọi người dân đều có trách
nhiệm tham gia đóng góp, trước hết là trong thực hiện chính sách đền bù, giải
phóng mặt bằng; Nhà nước bảo đảm lợi ích hài hoà giữa Nhà nước, người dân và
nhà đầu tư.
Bốn là, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng phải
kết hợp chặt chẽ với bảo đảm quốc phòng, an ninh; thu hẹp khoảng cách phát triển
giữa các vùng, miền; gắn với bảo vệ môi trường, tăng trưởng xanh và ứng phó với
biến đổi khí hậu.
Ban Chấp hành Trung ương đã xác định mục tiêu
phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng từ nay đến năm 2020 : Tập trung huy động mọi
nguồn lực để đầu tư giải quyết cơ bản những tắc nghẽn, quá tải, bức xúc và hình
thành hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tương đối đồng bộ, với một số
công trình hiện đại, đảm bảo cho tăng trưởng nhanh, bền vững, tăng cường hội
nhập quốc tế, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc
phòng, an ninh và giữ vững chủ quyền quốc gia, xây dựng nông thôn mới, thu hẹp
khoảng cách phát triển giữa các vùng, miền và nâng cao đời sống của nhân dân,
cơ bản đạt được quy mô và trình độ của nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào
năm 2020.
Trên cơ sở phân tích những thuận lợi, khó khăn và
yêu cầu đặt ra cho sự phát triển, Ban Chấp hành Trung ương đã chỉ rõ định hướng
phát triển kết cấu hạ tầng trên 10 lĩnh vực : hạ tầng giao thông; hạ tầng cung
cấp điện; hạ tầng thuỷ lợi và ứng phó biến đổi khí hậu; hạ tầng đô thị; hạ tầng
khu công nghiệp; hạ tầng thương mại; hạ tầng thông tin; hạ tầng giáo dục và đào
tạo, khoa học và công nghệ; hạ tầng y tế; hạ tầng văn hoá, thể thao và du lịch.
Xác định 4 lĩnh vực ưu tiên gồm : hạ tầng giao thông, hạ tầng cung cấp điện, hạ
tầng thuỷ lợi và ứng phó biến đổi khí hậu và hạ tầng đô thị và đề ra 4 nhóm
giải pháp gồm : nâng cao chất lượng quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng; thu
hút các nguồn vốn đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng; đổi mới chính
sách giải phóng mặt bằng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đầu
tư kết cấu hạ tầng.
Ban Chấp hành Trung ương khoá XI nhất trí ban
hành Nghị quyết "Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước
ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020".
3- Ban Chấp hành Trung ương đã xem xét, thảo luận
và cho ý kiến về các báo cáo : Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ
Chính trị, Ban Bí thư năm 2011; Báo cáo kết quả công tác kiểm tra, giám sát và
thi hành kỷ luật trong Đảng năm 2011; Báo cáo công tác tài chính đảng năm 2011;
Báo cáo các công việc quan trọng Bộ Chính trị đã giải quyết từ sau Hội nghị
Trung ương 3 đến Hội nghị Trung ương 4 (khoá XI).
4- Theo đề nghị của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành
Trung ương đã bầu bổ sung 3 đồng chí Uỷ viên Uỷ ban Kiểm tra Trung ương khoá
XI.
5- Ban Chấp hành Trung ương kêu gọi toàn Đảng,
toàn dân, toàn quân phát huy kết quả, ưu điểm đạt được trong thời gian vừa qua;
khắc phục hạn chế, yếu kém; đoàn kết nhất trí, nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi khó
khăn, thách thức, triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch phát triển kinh tế
- xã hội năm 2012 ngay từ những ngày đầu, tháng đầu năm mới, thực hiện thắng
lợi các nghị quyết vừa được Ban Chấp hành Trung ương thông qua và Nghị quyết
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng.