Về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên
Toàn cảnh Hội nghị.

Tại hội nghị, các đại biểu đều khẳng định sự nghiêm túc trong tổ chức triển khai thực hiện ở từng cấp ủy, tổ chức đảng và những chuyển biến tích cực sau 5 năm thực hiện Quy định số 101-QĐ/TW, ngày 07-6-2012 của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp. Tuy nhiên, kết quả vẫn chưa đạt được như mong muốn.


Bằng tinh thần dân chủ, cởi mở, thẳng thắn và trách nhiệm, các đại biểu đưa ra nhiều ý kiến liên quan đến mục đích, các nội dung, tiêu chí và các giải pháp phát huy tính nêu gương trong cán bộ, đảng viên.


Theo ý kiến của nhiều đại biểu, nội dung nêu gương của cán bộ, đảng viên phải bắt đầu từ việc phát ngôn đến việc làm và sinh hoạt của bản thân, gia đình. Cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt phải nói theo đúng quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước; nói có trọng tâm, trọng điểm, tránh tình trạng khi cán bộ ở một vị trí và chức vụ nhất định nào đó, nói gì cũng cho là đúng và bắt buộc mọi người phải nghe, chấp hành; hoặc nói mà không gắn với việc làm, nói mà không chịu hành động, không chịu chỉ đạo quyết liệt để thực hiện các nhiệm vụ đề ra.


Trong sinh hoạt phải chuẩn mực, kể cả trong việc sử dụng cơ sở vật chất, phương tiện, kể cả tiền bạc của tập thể; nêu gương trong nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang...


Một số ý kiến cho rằng, cán bộ, đảng viên nêu gương trong thực hiện “cần, kiệm, liêm chính chí công vô tư”, dân chủ, bản lĩnh, phải có sự hy sinh và chấp nhận thiệt thòi. Đồng thời, muốn cán bộ, đảng viên nêu gương thì trước hết phải xây dựng được gương sáng và quan trọng nhất là có phẩm chất đạo đức tốt, nêu gương lẫn nhau từ trên xuống dưới.


Tại hội nghị, nhiều đại biểu cũng quan tâm đề cập đến các giải pháp để thực hiện tốt việc nêu gương trong cán bộ, đảng viên. Trong đó, quan trọng nhất là tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII) và Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.


Một giải pháp cũng cần đặc biệt chú trọng là phải đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và động viên cán bộ, đảng viên tự giác và coi việc nêu gương là nhu cầu tự thân, việc làm bình thường hàng ngày và sự tự trọng của mỗi người…

Kết luận tại hội nghị, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương Mai Văn Chính, khẳng định: Nêu gương của cán bộ, đảng  viên là một trong những phương thức lãnh đạo của Đảng thông qua phong trào “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, cấp trên làm gương cho cấp dưới. Tuy nhiên trong thực tế, vấn đề nêu gương chưa được thực hiện tốt, đặt ra yêu cầu cần tiếp tục chấn chỉnh.

Đồng chí Mai Văn Chính nhấn mạnh, Nghị quyết Đại hội XII đặt ra yêu cầu tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) yêu cầu ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; góp phần xây dựng Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh,  xây dựng hệ thống chính trị các cấp vững mạnh toàn diện. Để thực hiện tốt các Nghị quyết của Đảng, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp phải là tấm gương đi trước, làm trước; từ đó xây dựng và củng cố lại niềm tin của nhân dân đối với Đảng…

Mai Hoa


Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất