Kết quả đại hội đảng bộ cấp cơ sở là tiền đề quan trọng tạo nên sự thành công của đại hội ở tất cả các cấp. Bởi cấp cơ sở có ý nghĩa rất quan trọng, là nơi để Đảng chuyển tải các chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng tới Nhân dân, tổ chức Nhân dân thực hiện xây dựng đất nước, đồng thời lĩnh hội những ý kiến, phản ánh, nguyện vọng của Nhân dân để xây dựng và hoàn thiện các chủ trương, đường lối, nhất là các nghị quyết của Đảng.
Chùm bài của tác giả gồm 2 bài: Bài 1. Thành công đại hội đảng bộ cấp cơ sở là tiền đề vững chắc cho đại hội cấp trên cơ sở. Bài 2: Đại hội đảng bộ cấp trên cơ sở tạo điểm nhấn về sự lãnh đạo của Đảng và công tác xây dựng Đảng.
Bài 2: Đại hội đảng bộ cấp trên cơ sở tạo điểm nhấn về sự lãnh đạo của Đảng và công tác xây dựng Đảng.
Với tinh thần chủ động, sáng tạo, qua chuẩn bị tổ chức đại hội đảng bộ cấp trên cơ sở các địa phwowng, cơ quan, đơn vị đã tập trung lãnh đạo thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, nhất là cấp mình, tạo những bước đột phá về phát triển kinh tế - xã hội, những việc làm hay, cách làm tốt, phát huy sáng tạo của cán bộ, những người ưu tú được phát hiện có triển vọng phát triển để đưa vào quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí những người có bản lĩnh, năng lực nổi trội, triển vọng phát triển vào vị trí lãnh đạo, quản lý, nhất là cán bộ trẻ. Điều đó đã thể hiện ở một số đại hội:
1. Những điểm nhấn về phát triển kinh tế - xã hội
Đến ngày 21-7-2020 toàn bộ 14 đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy Lào Cai đã tổ chức xong đại hội nhiệm kỳ 2020-2025, là tỉnh hoàn thành đại hội đảng bộ cấp trên cơ sở sớm nhất cả nước. Thành công nổi bật qua đại hội đúng như phương châm chỉ đạo; đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, đổi mới, cùng nhau xây dựng Lào Cai trở thành một tỉnh biên giới phát triển về mọi mặt trên cơ sở thực hiện những khâu đột phá mà đại hội đảng bộ cấp huyện đã đề ra: Đảng bộ thị xã Sa Pa (Lào Cai) đặt ra 22 mục tiêu đưa Sa Pa trở thành địa phương phát triển toàn diện, là khu du lịch trọng điểm quốc gia mang tầm quốc tế, trung tâm sản xuất dược liệu và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh. Si Ma Cai là một huyện có nhiều khó khăn, Đại hội đã thảo luận, thống nhất 3 nhiệm vụ trọng tâm, lĩnh vực đột phá và 9 nhóm giải pháp thực hiện 22 chỉ tiêu. Trong đó nhiệm vụ phát triển kinh tế là trung tâm, nông nghiệp, lâm nghiệp giữ vai trò chủ đạo. Huyện tập trung các giải pháp phát triển nông nghiệp gắn với lợi thế tiềm năng về khí hậu, thổ nhưỡng, nhất là đẩy mạnh chăn nuôi đại gia súc, trồng dược liệu, cây ăn quả ôn đới và phát huy lợi thế cạnh tranh đối với các sản vật của địa phương. Gắn nhiệm vụ phát triển kinh tế với giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Đảng bộ Bộ đội Biên phòng tỉnh tiếp tục thực hiện chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, xây dựng “cột mốc” lòng dân vững chắc; tổ chức quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia; tập trung đột phá về công tác đối ngoại biên phòng, quản lý, kiểm soát cửa khẩu tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho hoạt động giao thương, xuất - nhập khẩu hàng hóa hai bên biên giới…
Đại hội Đảng bộ huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) xác định thực hiện hiệu quả khâu đột phá về "phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa”, hình thành nhiều mô hình hợp tác xã, trang trại quy mô lớn liên kết theo chuỗi giá trị, góp phần làm thay đổi nhận thức, tập quán sản xuất của nông dân. Huyện chú trọng thu hút đầu tư phát triển hạ tầng các khu, cụm công nghiệp. Từ một huyện thuần nông, Cẩm Khê vươn lên thành điểm sáng trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp của tỉnh. Đại hội Đảng bộ TP. Móng Cái (Quảng Ninh) khẳng định trong nhiệm kỳ tới thực hiện bằng được mục tiêu tổng quát là: khai thác hiệu quả lợi thế khu kinh tế cửa khẩu, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, có mạng lưới dịch vụ hoàn thiện. Phát triển lĩnh vực văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh; nâng cao hiệu quả quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế; xây dựng khu vực biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển. Xây dựng Móng Cái trở thành trung tâm dịch vụ thương mại, du lịch, cảng biển trọng điểm của tỉnh Quảng Ninh. Đảng bộ huyện Kim Bảng (Hà Nam) xác định ba khâu đột phá chủ yếu để phát triển kinh tế - xã hội là: Tập trung làm tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch; giải phóng mặt bằng đáp ứng tiến độ các dự án hạ tầng kinh tế - xã hội; củng cố nâng cao chất lượng tiêu chí nông thôn mới theo hướng đô thị hóa, trở thành trung tâm dịch vụ, du lịch và công nghiệp trọng điểm quốc gia, là vùng kinh tế xanh phát triển bền vững phía tây bắc tỉnh Hà Nam.
Đại hội Đảng bộ quận Cầu Giấy (Hà Nội) xác định 5 nhiệm vụ và 3 khâu đột phá, 8 nhóm giải pháp, chủ động kết nối sự tham gia của các học viện, viện nghiên cứu, trường đại học, các doanh nghiệp trên địa bàn để phát triển kinh tế. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số, thân thiện môi trường; thu hút đầu tư hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp ứng dụng tiến bộ khoa học và đổi mới công nghệ kết hợp phát triển kinh tế với văn hóa. Đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện tốt công tác quản lý đô thị, xây dựng Cầu Giấy xanh, sạch, đẹp, văn minh, hiện đại. Đại hội Đảng bộ Đại học Quốc gia Hà Nội xác định: Phát huy truyền thống học thuật; huy động và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực; đổi mới, sáng tạo, bứt phá mạnh mẽ, phát triển trở thành nơi nghiên cứu có trình độ tiên tiến. Đảng bộ sẽ ưu tiên cùng TP. Hà Nội thực hiện khâu đột phá về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung đổi mới sáng tạo khởi nghiệp, đóng góp thiết thực vào phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, đất nước.
Đại hội Đảng bộ quận Gò Vấp (TP. Hồ Chí Minh) kiên trì mục tiêu phấn đấu xây dựng quận Gò Vấp văn minh - giàu đẹp - nghĩa tình; góp phần cùng thành phố xây dựng đô thị thông minh, hiện đại. Đồng thời đề ra 17 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, 8 chỉ tiêu xây dựng Đảng, 2 chương trình và 6 công trình trọng điểm. Đại hội Đảng bộ huyện Quan Sơn (Thanh Hóa) quyết nghị 8 nhiệm vụ, 27 chỉ tiêu, 3 chương trình trọng tâm gồm: Chương trình phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững gắn với kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; Chương trình phát triển nguồn nhân lực; Chương trình nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các TCCSĐ. Thực hiện 3 khâu đột phá, gồm: đột phá về đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; đột phá về quy hoạch, sắp xếp dân cư tập trung, an toàn phòng tránh thiên tai; đột phá về phát triển các cụm trung tâm dịch vụ - thương mại trên trục Quốc lộ 217, gắn với xây dựng và phát triển khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Na Mèo, thực hiện thành công khát vọng Quan Sơn thoát nghèo trước năm 2025.
Đảng bộ huyện Châu Phú (An Giang) xác định ba khâu đột phá, 11 chỉ tiêu phát triển trong nhiệm kỳ là: tiếp tục thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp và đẩy mạnh áp dụng công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp, gắn các vùng sản xuất tập trung, kêu gọi đầu tư công nghiệp chế biến để nâng cao giá trị sản xuất trong nông nghiệp; hoàn thiện hệ thống giao thông, tạo liên kết vùng, bảo đảm phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh; khai thác tiềm năng, quy hoạch phát triển đô thị theo hướng hiện đại, thương mại, dịch vụ chất lượng, văn minh. Đảng bộ huyện Đầm Dơi (Cà Mau) đề ra chín chỉ tiêu phấn đấu đạt được đến năm 2025 gồm: thu nhập bình quân đầu người đạt 60 triệu đồng (tương đương 2.600 USD); tổng sản lượng thủy sản đạt 115 nghìn tấn. Diện tích nuôi tôm quảng canh cải tiến 50 nghìn ha; diện tích nuôi tôm siêu thâm canh 1.500 ha. Tỷ lệ xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới 73% (tương đương 11/15 xã); tỷ lệ lao động qua đào tạo (không kể bồi dưỡng, truyền nghề), đạt 50%; giải quyết việc làm đến cuối nhiệm kỳ 25 nghìn lao động.
2. Những điểm nhấn trong công tác xây dựng Đảng
Các địa phương, đơn vị đều xác định rõ xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, xây dựng đội ngũ cán bộ là then chốt của then chốt. Trong “mùa” đại hội này, sự đột phá ở đảng bộ cấp trên cơ sở được thể hiện trong hai khâu: bố trí người đứng đầu cấp ủy không là người địa phương và khuyến khích bầu bí thư trực tiếp tại đại hội ở những nơi có đủ điều kiện. Các tỉnh đã thực hiện nghiêm túc, thận trọng và kỹ qua các bước lựa chọn nhân sự theo trình tự và quy trình 5 bước đúng hướng dẫn của Ban Bí thư và của Ban Tổ chức Trung ương. Đến nay ở cả 63 tỉnh, thành phố đã thực hiện luân chuyển cán bộ giữ chức vụ bí thư cấp uỷ cấp huyện không là người địa phương. Tuy nhiên, tùy theo điều kiện và hoàn cảnh vùng, miền mà có tỉnh thực hiện nhiều, có tỉnh thực hiện ít. Riêng việc bầu bí thư trực tiếp tại đại hội vừa làm vừa rút kinh nghiêm, nhưng tỉnh nào cũng đã thực hiện, ít nhất trong tỉnh có một đến hai huyện tiến hành bầu trực tiếp bí thư tại đại hội và nhân sự được lựa chọn đều được tín nhiệm với số phiếu bầu cao. Trong đó Hà Nội, Yên Bái, Quảng Ninh là những đảng bộ có tỷ lệ đại hội đảng bộ cấp trên cơ sở bầu trực tiếp bí thư tại đại hội cao trong cả nước.
Bàn về vấn đề này đồng chí Hoàng Anh Tú, Chánh Văn phòng UBND huyện Gia Lâm (Hà Nội) nói: “Nếu chức danh bí thư huyện ủy chỉ bầu ở trong BCH thì uy tín, trách nhiệm của người được bầu chỉ do BCH đánh giá. Nhưng đại hội bầu với sự có mặt 219 đại biểu đại diện cho 51 đơn vị cấp cơ sở (Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Gia Lâm) thì uy tín, trách nhiệm của người được bầu được trải rộng và đánh giá toàn diện hơn”. Cùng có chung quan điểm, đảng viên 50 năm tuổi đảng Đinh Văn Thức, ở phường Yết Kiêu, TP. Hạ Long (Quảng Ninh) cho biết: “Cách làm này hay hơn rất nhiều so với việc đại hội chỉ bầu BCH, sau đó BCH bầu bí thư. Bí thư là người đứng đầu thì phải do chính đảng viên cấp đó trực tiếp lựa chọn, bầu ra, như vậy mới là dân chủ. Tôi cho đó là một dấu hiệu rất tốt về thực hành dân chủ trong Đảng”. Đồng chí Đỗ Đức Trung, đảng viên 52 năm tuổi đảng ở phường Bạch Đằng, TP. Hạ Long cho rằng: “Một trong những ưu điểm nổi trội của cách làm này là phát huy được vai trò, trách nhiệm trực tiếp của đảng viên tham dự đại hội. Để việc bầu trực tiếp ở đại hội thành công, công tác nhân sự phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo. Nhân sự là người thực sự tiêu biểu cho trí tuệ tập thể, trung tâm đoàn kết”.
Khi bí thư được đại hội bầu trực tiếp, uy tín, tiếng nói của bí thư sẽ có trọng lượng hơn trong cấp ủy khóa mới nói riêng, trong đội ngũ cán bộ, đảng viên toàn đảng bộ nói chung. Là người vừa trúng cử Bí thư do Đại hội đại biểu đảng bộ trực tiếp bầu với số phiếu cao, đồng chí Lê Đình Long - Bí thư Thành ủy Hải Dương chia sẻ: “Khi nghe công bố kết quả bầu chức danh Bí thư Thành ủy tại Đại hội, cá nhân tôi thực sự xúc động, xen lẫn niềm vinh dự, tự hào”. Theo đồng chí Vũ Đức Bảo - Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội: “Tôi cho rằng, thực hiện bầu trực tiếp bí thư tại đại hội trong tình hình hiện nay là rất tốt, giúp phát huy dân chủ trong Đảng, để các đồng chí bí thư, người đứng đầu cấp ủy khẳng định được uy tín của mình trước đại hội, khuyến khích tính chủ động cao của các đồng chí được bầu. Đổi mới phương thức lựa chọn, đánh giá cán bộ bảo đảm dân chủ trong Đảng”. Bầu trực tiếp sẽ góp phần chống chạy chức, chạy quyền, tăng tính dân chủ. Những người đứng đầu cấp uỷ được bầu trực tiếp bí thư tại đại hội sẽ ý thức trách nhiệm của mình, phát huy những ưu điểm, đồng thời nhìn nhận được những khuyết điểm, hạn chế mà có những giải pháp khắc phục hiệu quả, khẳng định uy tín với Đảng và Nhân dân.
Thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 30-5-2019 của Bộ Chính trị về việc bầu trực tiếp bí thư ở những nơi có điều kiện, Tỉnh ủy Quảng Ninh đề nghị Trung ương cho Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh được thực hiện thí điểm bầu trực tiếp Bí thư Tỉnh ủy tại đại hội. Việc Đảng bộ Quảng Ninh tiên phong đề nghị được thực hiện bầu trực tiếp Bí thư Tỉnh ủy tại đại hội thu hút sự quan tâm của dư luận. Đây là việc làm chưa có tiền lệ, là bước tiến mới góp phần nâng cao vị thế, uy tín cầm quyền của Đảng trong tình hình mới, bảo đảm cho cơ chế bầu cử trong Đảng không ngừng được đổi mới, hoàn thiện, phù hợp với trình độ dân trí ngày càng cao và xã hội văn minh, phù hợp với xu hướng phát triển dân chủ hiện nay.
Trần Công Huyền