Nhìn chung các đồng chí cán bộ luân chuyển đã nêu cao trách nhiệm, chủ động trong chức trách được phân công, đã góp phần tích cực trong lãnh đạo phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh-quốc phòng, trật tự, an toàn xã hội ở địa phương; đã đề xuất được nhiều giải pháp có hiệu quả trong xây dựng củng cố cơ sở đảng, nhất là cơ sở đảng ở nơi khó khăn, ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, tôn giáo...
Ngày 29-8-2009, tại Thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, Ban Tổ chức Trung ương mở hội nghị cán bộ luân chuyển trao đổi kinh nghiệm công tác. Đồng chí Hồ Đức Việt, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương khai mạc, chủ trì và kết thúc Hội nghị.
37/38 đồng chí cán bộ luân chuyển diện Trung ương quản lý là phó bí thư-chủ tịch UBND tỉnh; phó bí thư tỉnh, thành ủy phụ trách công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng: phó chủ tịch UBND tỉnh, thành phố; Thường trực Tỉnh uỷ Lâm Đồng; Lãnh đạo Ban Tổ chức Trung ương, cán bộ lãnh đạo cấp vụ trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã về dự.
Hội nghị đã nghe đồng chí Huỳnh Phong Tranh, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Lâm Đồng giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh của Lâm Đồng, nhằm trao đổi thông tin, đề cập vấn đề tăng cường hợp tác với các tỉnh cùng phát triển; nghe đồng chí Nguyễn Đức Hạt, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương thông báo một số tình hình chung về kinh tế-xã hội, về xây dựng đảng, một số kết quả bước đầu trong công tác luân chuyển cán bộ từ Trung ương về các tỉnh, thành phố từ đầu năm 2008 đến nay; một số nhiệm vụ kinh tế-xã hội và công tác xây dựng Đảng từ nay đến Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI.
Thông báo của đồng chí Nguyễn Đức Hạt và ý kiến thảo luận trong Hội nghị cho thấy: Tuy thời gian luân chuyển chưa nhiều nhưng kết quả công tác đã khẳng định tính đúng đắn, thiết thực của chủ trương luân chuyển cán bộ. Nhìn chung các đồng chí cán bộ luân chuyển đã nêu cao trách nhiệm, chủ động trong chức trách được phân công, đã góp phần tích cực trong lãnh đạo phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh-quốc phòng, trật tự, an toàn xã hội ở địa phương; đã đề xuất được nhiều giải pháp có hiệu quả trong xây dựng củng cố cơ sở đảng, nhất là cơ sở đảng ở nơi khó khăn, ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, tôn giáo... Mỗi cán bộ luân chuyển đều thấy qua thực hiện luân chuyển bản thân được rèn luyện, đào tạo toàn diện hơn và có bước trưởng thành.
Thực tiễn trong gần 2 năm qua cho thấy: Việc các địa phương nhận thức đúng và chấp hành tốt quyết định luân chuyển cán bộ của Trung ương, việc các địa phương chủ động phân công công việc, phối hợp, giúp đỡ, động viên, tạo môi trường công tác, điều kiện sinh hoạt phù hợp cho cán bộ luân chuyển, giúp cán bộ luân chuyển sớm hòa nhập, tiếp cận nhanh với công việc và tham gia các hoạt động của cấp ủy, chính quyền một cách thực chất, không phân biệt cán bộ luân chuyển với cán bộ của địa phương; việc cán bộ luân chuyển chủ động tiếp cận, nhanh chóng “nhập cuộc”, bám sát cơ sở, nắm bắt nhanh tình hình và sớm thích ứng với nhiệm vụ là những nhân tố có tính quyết định cho chủ trương luân chuyển cán bộ đạt kết quả và đảm bảo cho cán bộ luân chuyển hoàn thành nhiệm vụ.
Ngược lại, nếu cơ quan cử cán bộ đi và cơ quan tiếp nhận cán bộ đến không thực sự coi trọng công tác này, thiếu quan tâm theo dõi và tạo điều kiện giúp đỡ cán bộ trong thực hiện nhiệm vụ, phân công chưa đúng sở trường công tác của cán bộ, chưa thực sự chú ý đúng mức tới việc quy hoạch, bố trí, sử dụng cán bộ sau luân chuyển; nếu cán bộ luân chuyển xem luân chuyển chỉ để được rèn luyện trong thực tiễn, không muốn công tác lâu ở địa phương, coi việc luân chuyển là điều kiện để có vị trí công tác cao hơn thì kết quả luân chuyển sẽ rất hạn chế.
Thực tiễn cũng cho thấy, đồng thời với giao nhiệm vụ, trọng trách cho cán bộ cần giải quyết tốt chính sách đối với cán bộ luân chuyển như: chế độ nhà ở công vụ, chế độ tiền lương và các chế độ phụ cấp, chế độ sử dụng phương tiện đi lại; chế độ trợ cấp thường xuyên, hỗ trợ ban đầu khi luân chuyển về vùng sâu, xa, biên giới, hải đảo, vùng kinh tế chậm phát triển; chế độ cung cấp thông tin, chế độ nhận xét, đánh giá cán bộ và bố trí công tác sau luân chuyển.
Phát biểu kết thúc Hội nghị, đồng chí Hồ Đức Việt lưu ý các đồng chí cán bộ luân chuyển cần luôn luôn phát huy cao độ tinh thần đổi mới và sáng tạo, coi nơi luân chuyển đến như quê hương thứ hai của mình, toàn tâm, toàn ý phấn đấu vươn lên toàn diện, vượt qua mọi thử thách, khó khăn, có những đóng góp xứng đáng trong quá trình triển khai nhiệm vụ.
Hội thảo là bước mở đầu để các đồng chí cán bộ luân chuyển tiếp tục giữ mối liên hệ, trao đổi kinh nghiệm, giao lưu thông tin, phối hợp cùng phát triển.
Sau Hội nghị Ban Tổ chức Trung ương sẽ nghiên cứu, sớm trình Ban Bí thư chính sách đối với cán bộ luân chuyển, tạo mối quan hệ chặt chẽ hơn giữa Ban Tổ chức Trung ương với cơ quan cử cán bộ đi, cơ quan tiếp nhận cán bộ đến và từng cán bộ luân chuyển.
Tin: Đỗ Xuân, ảnh: Quốc Khánh