Ngày 7-12-2010, tại Tp. Đông Hà, Ban Tổ chức Tỉnh uỷ Quảng Trị phối hợp với Ban Quản lý chương trình chia sẻ của tỉnh tổ chức Hội thảo khoa học chủ đề “Hoạch định chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2011-2015, tầm nhìn 2020”.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe 5 chuyên đề: 1- Thực trạng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ; Hoạch định chính sách về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2011-2015, tầm nhìn 2020. 2- Thực trạng, giải pháp, chính sách về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ công chức, viên chức tỉnh Quảng Trị. 3- Vai trò của các cấp hội phụ nữ đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ; kiến nghị chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ. 4- Một số giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ. 5- Nâng cao năng lực cho phụ nữ góp phần thúc đẩy bình đẳng giới.
Các đại biểu đã thảo luận sôi nổi, dân chủ, thẳng thắn với tinh thần trách nhiệm cao, thể hiện tâm huyết đối với công tác cán bộ nữ nói chung và công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ của Quảng Trị nói riêng. Đồng thời, đóng góp nhiều ý kiến xác đáng, sâu sắc với các nội dung sau: Đánh giá cao việc lựa chọn chủ đề hội thảo. Bày tỏ sự đồng thuận, nhất trí cao với nội dung của các chuyên đề; cho rằng các chuyên đề được chuẩn bị tương đối chu đáo, dung lượng vừa phải, nêu lên được khái quát thực trạng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ và số lượng, chất lượng, cơ cấu đội ngũ cán bộ nữ tỉnh Quảng Trị hiện nay, đi thẳng vào vấn đề trọng tâm, gợi mở được nhiều nội dung cần tranh luận, thảo luận và thống nhất. Các ý kiến cũng thẳng thắn góp ý bố cục một số chuyên đề chưa thật hợp lý, một số nội dung còn chung chung, mang tính liệt kê, chưa đi sâu đánh giá, phân tích, luận giải các yếu tố quan trọng.
Trong thời gian qua, cấp uỷ đảng, chính quyền các cấp trong tỉnh ngày càng đổi mới nhận thức về vai trò, ví trí của phụ nữ nói chung và cán bộ nữ nói riêng; đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm phát triển đội ngũ cán bộ nữ. Nhờ vậy, đội ngũ cán bộ nữ QuảngTrị hiện nay được tạo điều kiện phát huy quyền làm chủ và bình đẳng trên mọi lĩnh vực, lớn mạnh về số lượng và nâng cao chất lượng, ngày càng có vai trò tích cực trong việc tham gia hoạch định chính sách và ra quyết định của các cấp, các ngành, nhất là những vấn đề liên quan đến phụ nữ và trẻ em, có những đóng góp quan trọng trong công tác lãnh đạo và quản lý.
Tuy nhiên, đến nay một số cấp uỷ đảng, chính quyền chưa nhận thức sâu sắc, đầy đủ quan điểm của Đảng về công tác cán bộ nữ, chưa thấy hết tiềm năng, vai trò, vị trí của đội ngũ cán bộ nữ nên việc thực hiện các chủ trương, chính sách đối với cán bộ nữ chưa đầy đủ, làm cho đội ngũ cán bộ nữ phát triển chưa vững chắc; tỷ lệ cán bộ nữ được cử đi đào tạo, bồi dưỡng cả về chuyên môn, nghiệp vụ và lý luận chính trị còn thấp (trong 5 năm 2005-2010 chỉ có 17,1% số cán bộ nữ được đào tạo trung cấp và 19,5% cán bộ nữ được đào tạo cao cấp chính trị); tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp uỷ các cấp, nhất là từ cấp huyện trở lên chưa đảm bảo quy định, thậm chí còn giảm so với nhiệm kỳ trước (nhiệm kỳ 2010-2015, cấp ủy viên nữ cấp huyện chiếm 12%, cấp tỉnh chiếm 7,3%, giảm so với nhiệm kỳ 2005-2010 tương ứng là 0,85% và 0,9%); tỷ lệ nữ là cán bộ lãnh đạo, quản lý còn quá ít.
Các đại biểu thẳng thắn chỉ ra các nguyên nhân chủ quan, khách quan của những hạn chế, khuyết điểm, nhất là trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ. Đã mạnh dạn đề ra một số chỉ tiêu phấn đấu như: Bảo đảm tỷ lệ cán bộ nữ tham gia các khoá đào tạo lý luận-hành chính từ 30% trở lên; tỷ lệ nữ trong quy hoạch đạt 30-40%; cán bộ nữ tham gia lãnh đạo các cấp từ 30% trở lên...
Hội thảo đã đề xuất các giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ như: Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ phải gắn chặt với công tác quy hoạch và các nội dung khác trong công tác cán bộ nữ. Xây dựng, sửa đổi, bổ sung chế độ, chính sách trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ. Tăng cường hợp tác, mở rộng các loại hình, đa dạng hoá cách thức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ. Quan tâm đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất cho các cơ sở đào tạo. Phát huy vai trò của các cấp hội phụ nữ trong việc vận động chị em phấn đấu học tập, đồng thời chủ động tham gia, giới thiệu nguồn để đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ. Tăng cường sự chỉ đạo, kiểm tra của cấp trên trong công tác đào tạo, bồi dưỡng nói chung và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ nói riêng. Các cơ quan chức năng cần bố trí cán bộ chuyên theo dõi về công tác cán bộ nữ, nhất là các ngành có đông cán bộ nữ và lực lượng lao động nữ…
Những nội dung thảo luận tại Hội thảo là cơ sở giúp Ban Tổ chức Tỉnh uỷ tiếp tục nghiên cứu, phân tích, đánh giá và tổng hợp để tham mưu có chất lượng cho cấp uỷ đảng trong việc hoạch định chính sách cũng như trong chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ giai đoạn 2010-2015, tầm nhìn 2020.
Trần Nhật Quang
Ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Trị