Ngày 23-4, Đoàn khảo sát Trung ương (TƯ) về tình hình thực hiện Nghị quyết TƯ 4 (khóa X) "Đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan đảng, định hướng về đổi mới tổ chức bộ máy nhà nước, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội" do đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư làm Trưởng đoàn đã làm việc với Đảng bộ Hà Nội. Cùng dự có đồng chí Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư TƯ Đảng, Trưởng Ban Tổ chức TƯ, đồng chí Nguyễn Hoàng Việt, Ủy viên TƯ Đảng, Phó trưởng Ban Tổ chức TƯ.
Tham dự buổi làm việc về phía lãnh đạo Tp.Hà Nội có các đồng chí: Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; Nguyễn Thế Thảo, Ủy viên TƯ Đảng, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Tp; Ngô Thị Doãn Thanh, Ủy viên TƯ Đảng, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND Tp; Nguyễn Công Soái, Phó bí thư Thường trực Thành ủy; Tưởng Phi Chiến, Phó bí thư Thành ủy.
Nhận thức rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của việc đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan đảng, nhà nước, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội theo Nghị quyết TƯ 4 (khóa X), 4 năm qua, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo rà soát chức năng, nhiệm vụ, kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, bố trí phân công cán bộ, hoàn thiện các quy chế, quy định làm việc của các đơn vị, phòng, ban, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức. Đáng chú ý, từ 9 đầu mối, một đơn vị trực thuộc, Thành ủy Hà Nội đã kiện toàn, sắp xếp còn 7 đầu mối, một đơn vị trực thuộc. Từ 29 cơ quan của Hà Nội cũ và 26 cơ quan của Hà Tây cũ, sau khi thực hiện Nghị quyết 15 của Quốc hội, đến nay các cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP được kiện toàn còn 17 sở và 7 cơ quan tương đương; cấp quận, huyện, thị xã có 12 phòng chuyên môn. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cũng từng bước được đổi mới, hơn 50 nghìn cán bộ, công chức của Hà Nội có trình độ từ đại học trở lên. Những năm qua, Hà Nội đặc biệt chú trọng và làm tốt công tác bố trí, sắp xếp, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển cán bộ, lãnh đạo các cấp. Riêng năm 2009, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã tiến hành 3 đợt điều động, luân chuyển với 57 cán bộ lãnh đạo các sở, ban, ngành về nhận nhiệm vụ bí thư, phó bí thư, phó chủ tịch các quận, huyện, thị xã, các đơn vị trực thuộc Tp và ngược lại. Sau 2 năm thực hiện, hầu hết cán bộ được luân chuyển đều hoàn thành xuất sắc chức trách, nhiệm vụ được giao.
Để việc thực hiện Nghị quyết TƯ 4 (khóa X) đạt kết quả cao trong thời gian tới, tại buổi làm việc, Đảng bộ Hà Nội đề nghị TƯ có sự chỉ đạo đặc thù về cơ cấu, tổ chức bộ máy, biên chế của Tp, đồng thời cho phép Thành ủy Hà Nội thực hiện biên chế các ban tham mưu của Thành ủy có lộ trình giảm dần đến năm 2013. Bố trí biên chế đối với các chức danh văn phòng đảng ủy xã, phường, thị trấn, có chế độ phụ cấp cấp ủy đối với bí thư đảng ủy bộ phận. Tp cũng đề nghị TƯ nghiên cứu, hướng dẫn tổ chức hoạt động để nâng cao vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng trong doanh nghiệp ngoài nhà nước, doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài; giao cấp ủy cùng cấp quản lý biên chế và tiền lương đối với hệ thống Liên đoàn Lao động từ Tp tới cơ sở. Hà Nội cũng đề xuất Trung ương nên tách riêng bộ phận văn phòng của ba cơ quan UBND, HĐND và Đoàn đại biểu Quốc hội; xem xét lại quy mô của các Sở Xây dựng, Văn hóa, Thể thao và Du lịch; chế độ phụ cấp đối với cán bộ làm việc tại các cơ quan dân cử...
Khẳng định tính thiết thực của Nghị quyết TƯ 4 (khóa X) trong triển khai thực hiện ở cơ sở, tại buổi làm việc, theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị, hoàn thiện tổ chức bộ máy và hệ thống chính trị là việc không thể làm ngay mà cần một quá trình liên tục, phát triển. Vì vậy, việc khảo sát về kết quả thực hiện NQ TƯ 4 trong 4 năm qua là hết sức cần thiết, giúp từng bước điều chỉnh những vấn đề không hợp lý phát sinh trong quá trình thực hiện để từng bước hoàn thiện, nâng cao năng lực của công tác quản lý theo hướng tinh gọn, hiệu quả cao…
Đồng chí đề nghị trên nền chung, trong quá trình triển khai nghị quyết cần chú ý những đặc thù, bám sát với thực tiễn của từng địa phương. Đồng thời chú trọng tới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, thực hiện dân chủ, công khai trong lựa chọn, quy hoạch cán bộ; phát huy tối đa vai trò của mặt trận và các đoàn thể trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo.
Ghi nhận các ý kiến tại buổi làm việc, đồng chí Trương Tấn Sang cho rằng những kết quả Đảng bộ Hà Nội đạt được sẽ là những kinh nghiệm tốt trong quá trình tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết TƯ 4. Đồng chí đánh giá cao sự vào cuộc tích cực của lãnh đạo Tp trong việc chỉ đạo, lãnh đạo thực hiện Nghị quyết trong tình hình Thủ đô Hà Nội vừa mở rộng địa giới hành chính. Thành phố đã chủ động ban hành một số chính sách đặc thù đáp ứng yêu cầu phát triển, phù hợp với thực tiễn của địa phương. Tình hình đội ngũ cán bộ của Thành phố ổn định, thực hiện tốt nhiệm vụ của mình sau khi được sắp xếp. Đặc biệt, chất lượng đội ngũ cán bộ của Hà Nội được nâng lên rõ rệt do làm tốt công tác quy hoạch, luân chuyển và đào tạo cán bộ.
Đồng chí Trương Tấn Sang cũng lưu ý: Hà Nội cần phải có nhiều hình thức đào tạo cán bộ theo hướng chú trọng đào tạo theo chức danh để có đội ngũ cán bộ tiếp cận được công việc ngay khi được phân công công tác. Trên cơ sở thực tiễn và kinh nghiệm của Tp.Hà Nội, theo đồng chí Trương Tấn Sang, sẽ bổ sung những kinh nghiệm tốt để việc sơ kết Nghị quyết này chỉ ra được những điểm mạnh, hợp lý cũng như xác định rõ những hạn chế cần bổ sung, hoàn chỉnh thêm. Đồng chí yêu cầu thời gian tới Hà Nội cần tiếp tục rà soát chức năng, nhiệm vụ, sắp xếp, tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, quản lý đa ngành, đa lĩnh vực; tinh giản biên chế, thực hiện chính sách cán bộ, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả bộ máy.
Trước đó, đồng chí Trương Tấn Sang và các thành viên trong Đoàn đã có buổi khảo sát kết quả thực hiện NQ TƯ 4 tại Quận ủy Long Biên.
Quốc Khánh (tóm lược)