Tự chủ trong các trường đại học, cao đẳng
Toàn cảnh Hội thảo.

Đó là chủ đề Hội thảo khoa học do Đảng ủy Khối các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) Hà Nội tổ chức sáng 29-9-2009 tại Đại học Bách khoa. Dự Hội thảo có lãnh đạo các vụ chuyên đề của Bộ Giáo dục - Đào tạo; các đồng chí trong Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các trường ĐH, CĐ; các đồng chí bí thư, phó bí thư đảng ủy, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng các trường trong Khối.

Trong Báo cáo đề dẫn, Đảng ủy Khối các trường ĐH, CĐ đã đặt ra những vấn đề cấp thiết về vai trò tự chủ trong các trường ĐH, CĐ hiện  nay. Đề dẫn gợi mở những nội dung thảo luận như những khó khăn, bất cập trong cơ chế quản lý đại học hiện nay, mức độ ảnh hưởng của nó đến chất lượng đào tạo; nội dung tự chủ (quản lý cán bộ, chương trình đào tạo, khoa học-công nghệ, hợp tác quốc tế, tài chính-tài sản...); mức độ tự chủ hoàn toàn hay một phần; trách nhiệm xã hội của các trường ĐH-CĐ khi tham gia tự chủ; các kinh nghiệm trên thế giới; điều kiện để đảm bảo thực hiện tốt tự chủ; về vai trò của Nhà nước; những kiến nghị với Nhà nước, Bộ Giáo dục-Đào tạo và các cơ quan hữu quan để có quy định, chính sách đồng bộ cho các trường trong thực hiện tự chủ, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, góp phần quan trọng vào cải cách nền giáo dục Việt Nam nói chung, trong đó có giáo dục đại học.

Các ý kiến tại Hội thảo đã khẳng định tự chủ là một trong những giải pháp quyết định sự phát triển bền vững của của các trường và sự ổn định của giáo dục. Nội dung tự chủ bao gồm tự chủ về tổ chức và quản lý bộ máy; tự chủ về học thuật (nội dung chương trình, quy mô đào tạo, nghiên cứu khoa học…); tự chủ về tài chính, được chủ động quyết định các khoản thu chi; tự chủ thiết lập mối quan hệ với các trường đại học, cơ sở nghiên cứu, đào tạo, khoa học trong nước và quốc tế… Các đại biểu thẳng thắn chỉ ra những khó khăn, bất cập: Có trường khi thực hiện tự chủ vẫn còn lúng túng, chưa có kế hoạch, lộ trình chuẩn, có việc tự chủ mang tính hình thức. Bên cạnh đó, thiếu sự định hướng của Nhà nước trong thực hiện tự chủ; chưa thống nhất trong điều hành, quản lý hệ thống, cơ chế phù hợp; chậm ban hành các văn bản hướng dẫn… Các trường có kiến nghị: Các cơ quan sớm tổng kết thực hiện Chỉ thị 43 ở các trường; Nhà nước cần có chính sách đồng bộ về cơ chế quản lý, tài chính, ban hành các văn bản pháp quy kịp thời; Bộ Giáo dục-Đào tạo phân cấp mạnh và rõ hơn các quyền cho các trường; có chính sách cạnh tranh công bằng giữa các trường đại học, cao đẳng. Đồng thời, các trường cần đổi mới toàn diện để thực hiện tự chủ một cách hiệu quả và có trách nhiệm với xã hội.

Kết luận Hội nghị, TS.Nguyễn Đình Tân - Thành ủy viên, Bí thư Đảng ủy Khối các trường ĐH, CĐ khẳng định vấn đề tự chủ trong các trường ĐH, CĐ là một tất yếu khách quan của sự phát triển giáo dục đại học. Vấn đề tự chủ được các trường trong Khối nhận thức không chỉ là tài chính, mà còn nhiều nội dung khác. Muốn thực hiện tốt tự chủ, các trường cần có phương thức, cách thức phù hợp, có đội ngũ lãnh đạo, quản lý, tập thể năng động, sáng tạo và tự chủ gắn với tự chịu trách nhiệm. Đồng chí mong muốn Chính phủ, Bộ Giáo dục - Đào tạo và các bộ, ngành liên quan tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý phù hợp với thực hiện tự chủ. Bộ Giáo dục - Đào tạo phân cấp, phân quyền mạnh cho các trường, giao thêm thẩm quyền cho hiệu trưởng để các đồng chí lãnh đạo, quản lý phát huy tự chủ, góp phần xây dựng nền giáo dục đại học có chất lượng.

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất