Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân phát biểu tại hội nghị góp ý Đề án tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM và Đề án thành lập Thành phố Thủ Đức thuộc TPHCM.
Những kết quả khả quan
Trong công tác hoàn thiện thể chế, Bộ Nội vụ đã tham mưu cho Chính phủ xây dựng, trình Quốc hội: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương (đã được Quốc hội thông qua ngày 22-11-2019). Nội dung của Luật tập trung vào việc thể chế hóa chủ trương cải cách tổ chức bộ máy hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập theo yêu cầu của Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW của BCH Trung ương, Kế hoạch số 07-KH/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 56/2017/QH14 của Quốc hội, tạo cơ sở pháp lý cho việc sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả trong giai đoạn từ nay đến năm 2021 và các năm tiếp theo.
Bộ Nội vụ đã xây dựng, trình Chính phủ ban hành: Nghị định số 158/2018/NĐ-CP quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể tổ chức hành chính; Nghị định số 47/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 10/2016/NĐ-CP về cơ quan thuộc Chính phủ; Nghị định số 113/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 108/2014/NĐ-CP về chính sách tinh giản biên chế; Nghị định số 62/2020/NĐ-CP quy định về vị trí việc làm và biên chế công chức; Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 3-7-2020 của Chính phủ về giải pháp đối với biên chế sự nghiệp giáo dục và y tế; Nghị quyết số 99/NQ-CP ngày 24-6-2020 của Chính phủ về đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực và xây dựng Báo cáo số 316/BC-CP ngày 10-7-2020 của Chính phủ tổng kết thực hiện Nghị quyết số 580/2018/UBTVQH14 ngày 4-10-2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thí điểm hợp nhất văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội, văn phòng HĐND và văn phòng UBND cấp tỉnh.
Bộ Nội vụ trình Chính phủ ban hành Nghị định số 101/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 123/2016/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ; trình Chính phủ ban hành Nghị định số 106/2020/NĐ-CP thay thế Nghị định số 41/2012/NĐ-CP về vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập; Nghị định số 107/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24/2014/NĐ-CP quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh; Nghị định số 108/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2014/NĐ-CP quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện; dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 55/2012/NĐ-CP quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập; dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 108/2014/NĐ-CP và Nghị định số 113/2018/NĐ-CP về chính sách tinh giản biên chế.
Các quy định của pháp luật được sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng tạo điều kiện cho các bộ, ngành và địa phương thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả trong thời gian tới.
Sau hơn 2 năm thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế (khối Chính phủ quản lý), kết quả như sau:
Ở bộ và cơ quan ngang bộ: Số vụ và tương đương giảm 12 (4,6%), tổng cục và tương đương (tính cả Bộ Công an) giảm 4; đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ, cơ quan ngang bộ giảm 10 (9,1%). Giảm số lượng cấp phó: Phó vụ trưởng và tương đương 70; phó cục trưởng và tương đương 30; phó tổng cục trưởng và tương đương 7; phó trưởng phòng thuộc vụ 133; phó trưởng phòng thuộc cục 122.
Về tổ chức bộ máy của chính quyền địa phương (so với thời điểm trước khi ban hành Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6, khóa XII):
Tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, ở cấp tỉnh: Cơ quan chuyên môn giảm 5 (0,4%); phòng thuộc cơ quan chuyên môn giảm 973 (11,2%); chi cục giảm 127 (11,8%); phòng thuộc chi cục giảm 1.179 (26,4%); tổ chức hành chính khác thuộc UBND cấp tỉnh giảm 12 (8,4%); đơn vị sự nghiệp công lập thuộc sở và tương đương giảm 1.203 (11,8%); đơn vị sự nghiệp công lập thuộc các tổ chức hành chính khác ở cấp tỉnh giảm 54 (10,1%); đơn vị sự nghiệp công lập thuộc chi cục và tương đương thuộc sở giảm 348 (40,3%)... Ở cấp huyện: Số đơn vị hành chính cấp huyện giảm 6 (0,8%); cơ quan chuyên môn giảm 294 (3,3%); đơn vị sự nghiệp công lập giảm 2.281 (5,7%). Ở cấp xã, thôn, tổ dân phố: Số đơn vị hành chính cấp xã giảm 548 (4,9%); thôn, tổ dân phố giảm 38.369 (28%).
Giảm số lượng cấp phó: Cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh giảm 266 (8,1%); cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện giảm 1.263 (8,7%); chi cục giảm 243 người (14%); phòng thuộc chi cục giảm 995 người (25,5%).
Về tinh giản biên chế: Biên chế giao (thuộc khối Chính phủ quản lý) năm 2020 giảm so với biên chế giao năm 2015 là 204.334 người. Trong đó, biên chế công chức từ Trung ương đến cấp huyện giảm 23.896 (8,7%); số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập giảm 150.040 (7,6%); biên chế cán bộ, công chức cấp xã giảm 30.398 (do thực hiện Nghị định số 34/2019/NĐ-CP của Chính phủ và sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã chưa đạt 50% tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số). Tính đến hết năm 2019, kết quả thực hiện chính sách tinh giản biên chế theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP và Nghị định số 113/2018/NĐ-CP là 57.815 người. Trong đó, 47.934 (82,9%) nghỉ hưu trước tuổi; 9.783 (16,9%) thôi việc ngay; 57 (0,1%) thôi việc sau khi đi học nghề; 41 (0,1%) chuyển sang tổ chức khác.
Những trọng tâm công việc cần tiếp tục thực hiện
Một là, giữ vững các nguyên tắc tổ chức, hoạt động và đề cao kỷ luật, kỷ cương của Đảng, pháp luật của Nhà nước; nghiêm túc thực hiện nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo việc đổi mới, sắp xếp và quản lý tổ chức bộ máy, biên chế của hệ thống chính trị. Bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất của Trung ương, đồng thời phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của từng cấp, từng ngành, từng địa phương. Xác định rõ trách nhiệm của tập thể và cá nhân, nhất là người đứng đầu.
Hai là, bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, liên thông. Kết hợp hài hòa giữa kế thừa, ổn định và phát huy những thành tựu về đổi mới, cải cách Chính phủ trong thời gian qua với đổi mới, phát triển. Gắn đổi mới tổ chức bộ máy với đổi mới phương thức lãnh đạo, tinh gọn, giảm đầu mối, giảm cấp trung gian, giảm số lượng lãnh đạo, giảm thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp, ứng dụng công nghệ thông tin, giảm biên chế, cải cách chế độ tiền lương, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Ba là, kiên định và tiếp tục tổ chức cơ cấu Chính phủ gọn nhẹ theo hướng tổ chức bộ đa ngành, đa lĩnh vực. Chính phủ, các bộ, ngành tiếp tục thực hiện đổi mới, kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tập trung vào quản lý vĩ mô, xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, luật pháp, cơ chế, chính sách. Nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành và hiệu quả tổ chức thực hiện. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành.
Bốn là, đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính gắn kết chặt chẽ với việc kiện toàn tổ chức, giảm đầu mối, bỏ cấp trung gian. Xác định số lượng cấp phó hợp lý, tinh giản biên chế của các bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, chuyên nghiệp, phục vụ nhân dân.
Năm là, đẩy mạnh phân công, phân cấp hợp lý trong sự quản lý tập trung, thống nhất của Chính phủ. Bảo đảm nguyên tắc quản lý nhà nước thống nhất về thể chế, chính sách, chiến lược và quy hoạch đối với các ngành, lĩnh vực và tạo điều kiện để chính quyền địa phương chủ động trong việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Sáu là, tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Việc tổng kết, đánh giá các quy định về tổ chức bộ máy và quản lý biên chế có ý nghĩa quan trọng. Từ đó đề xuất các chủ trương, chính sách của Đảng, Quốc hội, Chính phủ coi đây là cơ sở cho việc hoàn thiện thể chế, tạo cơ sở pháp lý cho các bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp về sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII), Bộ Nội vụ đã tham mưu cho Đảng và Nhà nước hoàn thiện và triển khai thực hiện thể chế về tổ chức bộ máy và quản lý biên chế, đem lại nhiều kết quả tích cực, được Bộ Chính trị đánh giá cao tại Kết luận số 74-KL/TW ngày 22-5-2020: “Tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tiếp tục được kiện toàn, sắp xếp tinh gọn, nhất là đầu mối bên trong của các tổ chức, cơ quan, đơn vị. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của các cơ quan, tổ chức được bổ sung, hoàn thiện, từng bước khắc phục sự trùng lắp, chồng chéo. Sự phân công, phân cấp giữa Trung ương và địa phương, giữa cấp trên và cấp dưới hợp lý hơn; các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và các thôn, bản, ấp, tổ dân phố được sắp xếp lại. Hoàn thành vượt chỉ tiêu tinh giản biên chế…; qua đó đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, giảm chi thường xuyên, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của Nhân dân vào Đảng và Nhà nước”.
Lê Vĩnh Tân,
Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ,
Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương