Hồ Chí Minh là người đặt nền móng xây dựng chính quyền dân chủ ở nước ta. Ngày 3-9-1945, Người chủ trì phiên họp Chính phủ bàn những vấn đề cấp bách, trong đó có vấn đề về công tác xây dựng chính quyền.
Luận điểm của Hồ Chí Minh về chính quyền gồm một hệ thống quan niệm hoàn chỉnh về bản chất và mục tiêu, nội dung, hình thức, cơ cấu quyền lực, phương pháp hoạt động, trách nhiệm, phẩm chất, năng lực của nhân viên trong nhà nước dân chủ. Người luôn khẳng định bản chất nhân dân, bản chất dân chủ của chính quyền ta. Chính quyền phải luôn lấy việc phục vụ lợi ích của nhân dân làm mục tiêu, vì lợi ích của dân là trên hết và trước hết, vừa cơ bản vừa lâu dài. Trong chức trách và nhiệm vụ, Người nhấn mạnh tính phục vụ, là “đầy tớ của dân ” , “công bộc” để nói lên ý nghĩa sâu sắc của một chính quyền dân chủ phục vụ cho lợi ích nhân dân. Người luôn đòi hỏi Nhà nước ta phải phát triển quyền dân chủ và sinh hoạt chính trị của toàn dân. Người nêu nguyên tắc đặt nền móng để xây dựng một chính quyền dân chủ: người dân có quyền kiểm tra phê bình Chính phủ, đưa mọi vấn đề để cho dân chúng thảo luận và tìm cách giải quyết, dựa vào ý kiến của dân chúng mà sửa chữa cán bộ và tổ chức của ta, Chính phủ rất mong đồng bào giúp đỡ, đôn đốc, kiểm soát và phê bình để làm tròn nhiệm vụ của mình, đầy tớ trung thành, tận tuỵ của nhân dân. Từ Chủ tịch nước, đến giao thông viên cũng vậy, nếu không làm được việc cho dân thì dân không cần đến nữa.
Trong những năm gần đây, thực hiện cải cách hành chính, chính quyền các cấp đều hướng tới sự hài lòng của nhân dân. Chất lượng công vụ thể hiện sự hài lòng của người dân và tổ chức thông qua kết quả khảo sát về hiệu quả quản trị và hành chính công ((PAPI), năm 2015 được công bố ngày 26-4-2016, Cần Thơ được xếp loại cao nhất trong 63 tỉnh thành, kế tiếp là Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Phú Thọ, Quảng Bình, Bến tre; thấp nhất là các tỉnh Bình Dương, Quảng Ninh, Kiên Giang, Bạc Liêu; Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh trung bình. Sự xếp loại mang tính chất cảnh báo đã thúc đẩy các đơn vị chuyển biến mạnh mẽ và đã tạo được chất lượng mới từ cơ sở đến các cơ quan cấp trên.
Năm 1947 Người viết 2 cuốn sách “Đời sống mới” và “Sửa đổi lối làm việc” với nội dung chủ yếu là phải tuyên truyền để nhân dân vươn lên vai trò làm chủ cuộc sống, làm chủ đất nước. Xây dựng đời sống mới không chỉ nhằm đẩy lùi hủ tục lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh, mà còn phát huy quyền dân chủ của nhân dân chống bệnh quan liêu, cửa quyền.
Đối với công chức là người giúp dân, không phải là quan. Năng lực và đạo đức phục vụ nhân dân được Hồ Chí Minh chỉ rõ: cần, kiệm, liêm, chính, đó là con người siêng năng, chăm chỉ, làm việc có kế hoạch, luôn tiết kiệm vật chất và thời gian, không xa xỉ lãng phí, không tham lam trục lợi, có khí phách, thẳng thắn, thật thà, dũng cảm vì lợi ích của nhân dân. Kiên quyết lên án thói quan liêu miệng nói thì dân chủ, nhưng việc làm thì theo lối “quan chủ”, miệng thì nói phụng sự quần chúng nhưng lại làm trái ngược lợi ích quần chúng. Nguyên nhân của bệnh quan liêu là do xa nhân dân, khinh nhân dân, sợ nhân dân, không thương dân, có nơi cán bộ còn lừa phỉnh dân, doạ nạt dân, chính đó là nguy cơ “nội xâm”.
Muốn chống quan liêu phải dân chủ. Dân chủ nhân dân mới thực có quyền, mới có cơ chế để dân kiểm soát. Bộ máy của chính quyền - một công cụ của dân nhưng luôn có khuynh hướng thoát ly quyền lực của dân để trở thành “quan chủ”. Phong cách giao tiếp của Hồ Chí Minh với quần chúng nhân dân luôn mẫu mực để cán bộ, đảng viên noi theo: bình dị, thân mật, thật sự bình đẳng, tôn trọng đồng bào, không phân biệt cấp bậc, chức vụ, thành phần xã hội.
Căn cứ Nghị quyết 45/1998/NQ-UBTVQH10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 26-2-1998, Chính phủ đã ban hành quy chế thực hiện dân chủ ở xã, phường, cơ quan nhằm phát huy quyền làm chủ, sức sáng tạo của nhân dân, động viên sức mạnh vật chất, tinh thần to lớn của nhân dân trong phát triển kinh tế, ổn định chính trị - xã hội. Mặt trận Tổ quốc đã xây dựng ban hành quy chế giám sát và phản biện xã hội đối với việc hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách, quyết định lớn của Đảng và tổ chức thực hiện, song hiệu quả còn hạn chế. Tình trạng khiếu kiện của nhân dân vẫn còn nhiều. Biểu hiện quan liêu, tham nhũng, lãng phí của một bộ phận cán bộ, công chức, đảng viên đã trở thành nguy cơ “nội xâm”, lòng dân bức xúc. Phải cải cách hành chính, làm trong sạch nội bộ vì sự tồn tại vững mạnh hệ thống chính quyền một quốc gia.
Hiện nay, vẫn còn những cán bộ khủng khỉnh tiếp dân, lỡ hẹn, đùn đẩy trách nhiệm, thậm chí còn sách nhiễu, đe doạ dân. Mỗi cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên cần thực sự nhận thức sâu sắc và thực hiện nghiêm:
Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm
Việc gì có hại đến dân, ta phải hết sức tránh
Chúng ta phải yêu dân, kính trọng dân, thì dân mới yêu ta, kính ta.
Có làm được như thế mới đúng quan điểm của Bác Hồ về vai trò của nhân dân: Trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân. Dân chủ là chìa khoá vạn năng có thể giải quyết mọi công việc.
Trần Công Huyền
Bắc Từ Liêm, Hà Nội