Vận dụng phong cách làm việc Hồ Chí Minh trong đội ngũ cán bộ, đảng viên Trường Đại học Y – Dược Thái Nguyên
Đoàn đánh giá ngoài chụp ảnh lưu niệm với Lãnh đạo Trường Đại học Y - Dược tại Lễ Khai mạc đợt khảo sát chính thức

Chủ tịch Hồ Chí Minh suốt 24 năm trên cương vị người đứng đầu Đảng, Nhà nước đã luôn quan tâm đến phong cách làm việc của cán bộ, đảng viên. Người cũng đã để lại cho chúng ta nhiều giáo huấn. Theo Người, mỗi chúng ta đều có cách làm việc riêng, nhưng đối với cán bộ, đảng viên đó là phong cách công tác, phong cách lãnh đạo. Sửa đổi lối làm việc theo tinh thần của Người đó là sửa những gì sai trái, không đúng, không tốt đã có trong phong cách công tác và lãnh đạo của cán bộ, đảng viên.

Vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có một phong cách làm việc vô cùng mẫu mực, Người không dùng đến quyền lực bắt buộc phục tùng, mà Người đã cảm hóa nhân dân bằng tình yêu thương nhân ái, sự giáo dục thuyết phục đầy tính nhân văn. Do đó, nhân dân tiếp nhận Đảng, sự lãnh đạo của Nhà nước không chỉ trong lý trí mà còn trong tình cảm.

1.
Phong cách làm việc Hồ Chí Minh

Tác phong quần chúng

Là một trong những nội dung quan trọng trong phong cách làm việc Hồ Chí Minh, được thể hiện bằng những việc làm cụ thể:

Luôn quan tâm sâu sát quần chúng, chú ý tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của quần chúng nhân dân. Quan tâm đến mọi mặt của đời sống nhân dân. Từ đó, thấu hiểu được những băn khoăn, nỗi niềm của quần chúng. Tuyệt đối không được xa dân, khinh dân, lên mặt làm quan cách mạng.

Luôn tin yêu và tôn trọng con người, lắng nghe ý kiến và giải quyết những kiến nghị chính đáng của nhân dân, sẵn sàng tiếp thu phê bình của quần chúng và sửa chữa khuyết điểm của mình.

Giáo dục lãnh đạo quần chúng, đồng thời không ngừng học hỏi và tôn trọng quyền làm chủ của quần chúng theo tinh thần lãnh đạo là người đầy tớ trung thành của dân.

Bản thân cán bộ, đảng viên phải mực thước, xứng đáng với sự tin cậy của quần chúng nhân dân. Cán bộ đảng viên “từ nơi quần chúng mà ra, trở lại nơi quần chúng”. Người đã nhiều lần phê phán tệ xa rời quần chúng, không thấy mình là người đầy tớ, học trò của nhân dân. Bác đã từng nói: Không phải cứ viết lên trán mình hai chữ cộng sản mà nhân dân tin và đi theo, nhân dân chỉ tin và đi theo những người có tư cách và phẩm chất. Vì vậy phải yêu dân, kính dân thì dân mới dành sự kính yêu cho mình. Ỷ vào quyền lực chỉ làm người ta sợ mà không phục, xa lánh và khinh ghét.

Lớp lớp người dân Việt Nam từ già đến trẻ đều gọi Chủ tịch Hồ Chí Minh với hai tiếng thiêng liêng mà gần gũi Bác Hồ. Ai cũng thấy Người như người thân trong gia đình. Bận nhiều việc của Đảng và Nhà nước là thế, nhưng Bác luôn dành thời gian đến thăm các đơn vị lực lượng vũ trang ngay trên bãi tập hay ngoài trận địa, Người đến thăm hàng trăm nhà máy, công trường, nông trường, nhà giữ trẻ, các lớp mầm non mẫu giáo… Bác đến với nhân dân, đồng bào rất tự nhiên mà bình dị, mọi thứ nghi thức đã là quá thừa.  Khi đi thăm nhân dân, Người không muốn có nhiều người bảo vệ, vì dân chính là bảo vệ rồi. Đi thăm các địa phương nhiều khi Người không báo trước, hoặc báo rồi đến ngay để mọi người không tốn thời gian chuẩn bị và để Người có thể hiểu đúng tình hình. Bác gặp người dân ngay trên đồng ruộng, xắn quần lội xuống nơi bà con đang cấy, hay tát nước, có một bài báo đã nói không thể phân biệt được đâu là vị chủ tịch nước hay là người dân khi họ được biết hình ảnh này.

Tác phong làm việc bình dị và gẫn gũi ấy như có sức lôi cuốn thần kì, làm cho lãnh đạo và nhân dân hòa nhập cùng nhau trong sự đồng cảm sâu sắc.

Tác phong tập thể - dân chủ

Xuất phát từ nguyên tắc tập trung dân chủ, cũng như bản tính của Người trong cách làm việc, luôn tôn trọng, gắn bó với tập thể, phát huy sức mạnh của tập thể, tinh thần ấy đã thấm sâu vào suy nghĩ và hành động của Người.

Người từng nói, “một người dù khôn ngoan tài giỏi mấy, dù nhiều kinh nghiệm đến đâu, cũng chỉ trông thấy, chỉ xem xét được một mặt hay nhiều mặt của một vấn đề, không thể trông thấy và xem xét tất cả mọi mặt của một vấn đề. Vì vậy, cần phải có nhiều người, nhiều người thì nhiều kinh nghiệm. Người thì thấy rõ mặt này, người thì trông rõ mặt khác của vấn đề đó.

Góp kinh nghiệm và sự xem xét của nhiều người, thì vấn đề đó mới thấy rõ khắp mọi mặt. Mà có thấy rõ khắp mọi mặt, thì vấn đề ấy mới được giải quyết chu đáo, khỏi sai lầm”(1).

Có thể thấy sự thông minh của người lãnh đạo không phải ở chỗ tự mình làm việc, tự mình giải quyết  mà nằm ở chỗ phát huy được tinh thần tập thế, huy động được trí tuệ của nhiều người.

Với phong cách làm việc tập thể dân chủ, Người hết sức chú trọng và phát huy dân chủ trong nội bộ Đảng, cũng như đối với quần chúng, phát huy tinh thần làm chủ tập thể của mọi người.

Chính tác phong làm việc như vậy đã luôn tạo ra không khí vui tươi, phấn khởi, hoạt bát và đầy sáng tạo. Người đã nhiều lần phê bình cách lãnh đạo không dân chủ, do đó người có ý kiến không dám phát biểu, người muốn phê bình không dám phê bình, làm cho cấp trên, cấp dưới cách biệt nhau, quần chúng với Đảng xa nhau, không còn hăng hái, không còn sáng kiến khi làm việc.

“Người lãnh đạo muốn biết rõ ưu điểm và khuyết điểm của mình, muốn biết công tác của mình tốt hay xấu, không gì bằng khuyên cán bộ mình mạnh bạo đề ra ý kiến và phê bình, Như thế, chẳng những không phạm gì đến uy tín của người lãnh đạo mà lại tỏ ra dân chủ thật thà trong Đảng.

Nếu cán bộ không nói năng, không đề xuất ý kiến, không phê bình, thậm chí lại tăng bốc mình, thế là một hiện tượng rất xấu. Vì không phải họ không có gì nói, nhưng vì họ không dám nói, họ sợ. Thế là mất hết dân chủ trong Đảng. Thế là nội bộ Đảng âm u, cán bộ trở nên những cái máy, trong lòng uất ức, không dám nói ra, do uất ức mà hóa ra oán ghét, chán nản”(2).

Dù ở cương vị là người đứng đầu Đảng và Nhà nước, có được niềm tin  tuyệt đối trong nhân dân và trong Đảng, nhưng Người vẫn luôn giữ tác phong làm việc tập thể - dân chủ, với những người đã được làm việc cùng Bác đều có những cảm nhận sâu sắc như vậy.

Tác phong khoa học

Trong công tác quản lý, lãnh đạo, Người luôn yêu cầu cán bộ, đảng viên phải có tác phong khoa học, cách làm việc khoa học.

Chính do chế độ cũ, nền sản xuất nhỏ, nông nghiệp lạc hậu đã để lại cho chúng ta tác phong làm việc  theo lối thủ công nghiệp, kéo theo những thói quen như tự do, tùy tiện, thiếu kế hoạch, không coi trọng thời gian, lề mề, chậm chạm, bảo thủ, trì trệ… Người thường phê phán những hiện tượng này và kiên quyết đấu tranh khắc phục cho được. Tác phong khoa học của Hồ Chí Minh tập trung chủ yếu ở những điểm sau:

Làm việc cần phải đi sâu, đi sát, điều tra nghiên cứu, nắm việc, nắm người, nắm tình hình cụ thể.

Làm việc phải có mục đích rõ ràng, tập trung, chương trình, kế hoạch đặt ra phải sát hợp. “Đích nghĩa là nhằm vào đó mà bắn. Nhiều địch quá thì loạn mắt, không bắn trúng đích nào”(3).

Phải kiểm tra việc thực hiện của cấp dưới và quần chúng. Đó chính là tinh thần mà V.I.Lênin đề ra: Lãnh đạo mà không kiểm tra, có nghĩa là không lãnh đạo. Hồ Chí Minh đã lưu ý: “Hiện nay, nhiều nơi cán bộ lãnh đạo chỉ lo khai hội và thảo nghị quyết, đánh điện và gửi chỉ thị, sau đó thì họ không biết gì đến những nghị quyết đó đã thực hành đến đâu, có những sự khó khắn trở ngại gì, dân chúng có ra sức tham gia hay không. Họ quên mất kiểm tra. Đó là một sai lầm rất to. Vì thế mà “ đầy túi quần thông cáo, đầy túi áo chỉ thị” mà công việc vẫn không chạy”(4).

Tác phong khoa học đòi hỏi “lãnh đạo phải cụ thể, phải kịp thời, phải thiết thực, phải có trọng điểm và nắm điển hình”(5), phải chân đi, mắt thấy, tai nghe, miệng nói, tay làm, óc nghĩ, cần phải lãnh đạo toàn diện và cụ thể.

Phải thường xuyên chú ý rút kinh nghiệm.

“Sau mỗi một việc cần phải rút kinh nghiệm. Kinh nghiệm riêng từng cán bộ, từng địa phương. Kinh nghiệm chung tất cả các cán bộ và các địa phương. Kinh nghiệm thất bại và kinh nghiệm thành công. Rồi tổng kết và phổ biến những kinh nghiệm ấy cho khắp tất cả cán bộ, tất cả địa phương. Mỗi cán bộ, mỗi địa phương sẽ học những kinh nghiệm hay, tránh những kinh nghiệm dở, áp dụng những kinh nghiệm cụ thể vào trong công việc mới”(6).

Ở Hồ Chí Minh tác phong quần chúng, tác  phong tập thể dân chủ và tác phong khoa học gắn bó mật thiết và chặt chẽ với nhau, tạo thành một phong cách làm việc mẫu mực, hiện đại. Phong cách làm việc này rất cần thiết với đội ngũ cán bộ đảng viên, nhất là với những người lãnh đạo.

2. 
Vận dụng phong cách làm việc Hồ Chí Minh

Trong những năm vừa qua, Trường Đại học Y - Dược Thái Nguyên đã đạt được nhiều thành tựu lớn trong công tác đào tạo đội ngũ cán bộ y tế có trình độ đại học và sau đại học, hỗ trợ phát triển hệ thống y tế; cung cấp dịch vụ nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân các dân tộc khu vực trung du, miền núi phía bắc và cả nước. Trường đã tích cực triển khai và hoàn thành các nhiệm vụ trong kế hoạch hành động đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực y tế cho đất nước. Để có được thành tích như vậy, tập thể cán bộ, đảng viên của nhà trường đã nỗ lực không ngừng để hoàn thiện bản thân, nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và phương pháp công tác. Bên cạnh đó, vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: Công tác phát triển đội ngũ cán bộ vẫn còn chậm, đội ngũ cán bộ, giảng viên vẫn còn thiếu về số lượng, số lượng giảng viên có học hàm, học vị cao còn khiêm tốn; Đầu tư phát triển chưa tương xứng với tiềm năng quy mô đào tạo, cơ sở vật chất vẫn còn thiếu và chưa đồng bộ; Chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy, phương pháp lượng giá mặc dù có sự đổi mới nhưng còn chậm và chưa đồng bộ. Chất lượng đào tạo chưa được như mong muốn…Nhằm khắc phục những hạn chế, yếu kém đang tồn tại, lãnh đạo cùng toàn thể cán bộ, giảng viên Trường Đại học Y - Dược Thái Nguyên luôn nêu cao tinh thần học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh. Việc học tập đó ngày càng trở nên sâu rộng, thiết thực và hiệu quả.

Với đặc thù là ngôi trường vừa làm công tác giảng dạy, vừa khám chữa bệnh cho nhân dân nên tiếp xúc với rất nhiều người, nhiều đối tượng. Chính trong môi trường làm việc như vậy đã tạo nên cho cán bộ, giảng viên trong trường tác phong làm việc quần chúng, tập thể, dân chủ và khoa học. Đội ngũ cán bộ, giảng viên trong nhà trường luôn lắng nghe những ý kiến đóng góp, phản hồi từ những người bệnh để cải thiện chất lượng phục vụ trong công tác khám chữa bệnh, nâng cao y đức. Đối với công tác lãnh đạo của trường, hằng năm nhà trường đều tổ chức Hội nghị cán bộ viên chức để nắm bắt tình hình những ưu, khuyết điểm và giải quyết kịp thời, thỏa đáng những tâm tư của cán bộ, viên chức, người lao động. Bằng những hành động quyết liệt nhằm ngăn chặn và đẩy lùi những thói quen xấu như quan liêu, hách dịch, cửa quyền… đã làm cho bệnh nhân luôn đặt niềm tin vào đội ngũ cán bộ, bác sỹ có tâm, có tài.

Với đặc thù là trường đào tạo chuyên ngành về y - dược, việc học tập phong cách làm việc của Hồ Chí Minh càng trở nên cần thiết. Mỗi cán bộ, giảng viên trong trường phải là những tấm gương về đạo đức, về chuyên môn cho các thế hệ sinh viên học tập, noi theo. Vì vậy, các cán bộ, giảng viên phải thường xuyên tràu dồi, rèn luyện về phẩm chất đạo đức, về chuyên môn nghiệp vụ. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt đề cao đạo đức của người cách mạng. Người không chỉ yêu cầu mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, mà còn dặn dò đảng viên phải quan tâm chăm lo giáo dục..., phải xây dựng cho được lối sống "cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư", gương mẫu giữ gìn phẩm chất người cán bộ, đảng viên.

Trong giai đoạn hiện nay, các cán bộ, giảng viên trong Trường Đại học Y - Dược Thái Nguyên đứng trước không ít áp lực, thách thức, nếu không thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, rèn luyện phong cách làm việc theo gương của Người thì có thể bị suy đồi nhân phẩm, sa vào cám dỗ vật chất bất cứ lúc nào.

Bên cạnh đó, cùng với việc phát huy những kinh nghiệm đã có để truyền tải đến các thế hệ sinh viên, nghiên cứu sinh trong nhà trường, để những kinh nghiệm ấy phát huy cao nhất trong thực tiễn cuộc sống thì mỗi cán bộ, giảng viên trong trường cần tự giác, nghiêm túc học tập những kiến thức mới, những phương pháp nghiên cứu, làm việc mới để có phương pháp làm việc khoa học, hiệu quả. Đây là nhiệm vụ cần kíp trong bối cảnh nền y - dược thế giới đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đã có nhiều bước tiến mới trong việc bảo vệ và chăm sóc sức khỏe con người. Để những thành tựu khoa học về y - dược ấy đến được với nhân dân, để nhân dân được thụ hưởng những chính sách ưu việt cũng như thành tựu y khoa thì đội ngũ cán bộ, giảng viên trong nhà trường nói riêng, với đội ngũ y, bác sĩ trên cả nước nói chung phải là những người tiên phong đi đầu.

Cùng với đó, để nâng cao hiệu quả công việc nhằm hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, cán bộ đảng viên trong trường luôn là một tập thể vững mạnh đoàn kết, dân chủ trong công tác làm việc. Thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" thế hệ cán bộ, giảng viên trẻ cần nâng cao trách nhiệm, nghiêm túc học tập, gắn với làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách của Người để góp phần xây dựng Trường Đại học Y - Dược Thái Nguyên lớn mạnh.

------------------------
(1), (2), (3), (4), (6): Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, t.5, tr.504-505, 280, 374, 521, 708.
(5): Sđd, t.8, tr.92.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất