Đạo đức yêu nước thương dân
Đạo đức yêu nước thương dân - một truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam.
Ngược dòng lịch sử dân tộc, chúng ta thấy hơn một ngàn năm bị phương Bắc thống trị thì cũng hơn một ngàn năm dân tộc Việt Nam đã kiên trì cuộc đấu tranh yêu nước bất khuất - để giành lại đất nước mở ra kỷ nguyên phát triển rực rỡ.
Mở đầu là hai chị em Trưng Trắc, Trưng Nhị. Đất nước sau 190 năm bị đặt dưới ách đô hộ của nhà Hán, dân tình khốn khổ trăm bề, hai Bà đã phát động cuộc chiến đấu với khẩu hiệu: Khôi phục sự nghiệp của các vua Hùng. Mặc dù chỉ giữ được nền tự chủ 3 năm (40-43) nhưng tinh thần dân tộc, chủ nghĩa yêu nước đã ảnh hưởng mạnh mẽ đối với tất cả các thế hệ người Việt Nam chúng ta. Tiếp bước hai bà Trưng, bà Triệu ở tuổi 23 đã phất cờ: Cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng giữ, đánh đuổi quân Ngô, dựng quyền tự chủ, cởi ách nô lệ cho giang sơn… Ý chí cao cả của Bà Trưng, Bà Triệu chứng tỏ tinh thần yêu nước của dân tộc ta lúc ấy cao biết chừng nào.Với ý chí không chịu khuất phục kẻ thù phất cờ khởi nghĩa của Lý Bôn, Mai Thúc Loan, Phùng Hưng, Phùng Hải; rồi đến cuộc nổi dậy năm 905 của Khúc Thừa Dụ đã nắm quyền cai trị toàn bộ đất nước trong thực tế, chấm dứt ách đô hộ của người Hán. Người Hán mở hai cuộc phản kích hòng đặt lại ách đô hộ, nhưng đã bị Ngô Quyền đánh bại trên sông Bạch Đằng năm 938, chấm dứt vĩnh viễn thời kỳ Bắc thuộc.
Thân dân vốn là chính sách nổi tiếng của các vua Hùng. Vua và dân cùng đi săn khi bắt được những con thú rừng (hươu, nai...) vua chỉ ăn bộ lòng còn thịt thì để nhường thần dân. Các triều Lê, Lý, Trần đều có chính sách sử dụng những người có tài năng, đức độ trong nhân dân, trong các tôn giáo; mở cửa cho sự du nhập các trào lưu tư tưởng của nước ngoài, khuyến khích sự chọn lọc, đồng thời Việt hoá, biến những giáo lý chính trị đạo đức của Nho giáo thành những tín điều yêu nước, thương dân, tín nghĩa với bạn bè, hoà thuận trong gia đình, kính trọng ông bà, cha mẹ, vợ chồng hiếu nghĩa, yêu thương lẫn nhau, lên án tệ chuyên quyền, áp chế và cuộc sống sa đoạ của vua, quan.
Trong bài hịch tướng sỹ của Trần Quốc Tuấn, có những câu nổi bật để lại cho đời về lòng yêu nước, đồng cam cộng khổ giữa chủ tướng và quân sĩ. “Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa, chỉ giận chưa thể xả thịt lột da, nuốt gan uống máu quân thù... Các ngươi ở cùng ta coi giữ binh quyền đã lâu ngày, không có mặc thì ta cho áo, không có ăn thì ta cho cơm; quan nhỏ ta thăng chức, lương ít ta cấp bổng, đi thuỷ thì ta cho thuyền, đi bộ thì ta cho ngựa; lúc trận mạc xông pha thì cùng nhau sống chết, lúc nhàn hạ thì cùng nhau vui cười...”.
Nguyễn Trãi trong Đại Cáo Bình Ngô đã tỏ rõ tư tưởng yêu dân, thương dân, tin dân, nên “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”.
Người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ cũng đã khẳng định rõ ràng tư tưởng vì dân, vì nước trong chiếu lên ngôi: “Ta sinh ra ở đất Tây Sơn, không có một tấc đất, vốn không có chí làm vua, chỉ vì gặp thời loạn, muốn giúp đời yên dân mà phải đứng ra gánh vác việc nước. Xong việc, ta sẽ trả lại tất cả, không ham phú quý. Ta sẽ làm một người thường, cưỡi một con lừa đỏ, rong chơi mọi miền đất nước cho thỏa lòng mong ước”.
Trải bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước, các triều đại thịnh đạt ở nước ta đã kiên trì chính sách lấy nước làm trọng, lấy dân làm gốc, vua tôi một lòng, cha con nhất trí, anh em gắng sức nên thời loạn đã động viên được toàn dân, trẻ già, trai gái, không phân biệt giàu nghèo, dân tộc đứng lên kiên quyết chống giặc, bảo vệ đất nước. Trong thời bình đã thực hiện chính sách yên dân, bồi dưỡng sức dân, trọng dụng những người hiền tài, mong sao cho “Thôn cùng xóm vắng vơi đi những nỗi hờn giận, oán sầu". Lê Thánh Tông đã thành công trong cải cách hành chính xây dựng một nhà nước pháp quyền nhưng cũng coi trọng cả nhân trị: “Pháp trị đi đôi với nhân trị mà nền tảng là: Tinh thần tự tôn, tự hào dân tộc, tư tưởng yêu nước, bảo tồn từng tấc đất của ông cha, tư tưởng an dân – lo sao cho dân được an cư lạc nghiệp”.
Hồ Chí Minh đã nâng cao đạo đức yêu nước thương dân thành trung với nước, hiếu với dân trong thời đại mới.
Không giống những thanh niên con nhà khoa bảng cùng thời, lập chí lập thân bằng việc dùi mài kinh sử để thi đỗ làm quan, mưu cầu cuộc sống khá giả hơn người, Hồ Chí Minh có chí hướng khác hẳn. Bất bình trước cảnh mất nước, cuộc sống người dân nô lệ, lầm than, xã hội bất công, Người đã dấn thân vào con đường cứu nước cứu dân. Tháng 5-1908, khi còn là một học sinh ở Huế, Người đã tham gia cuộc biểu tình của nông dân 6 huyện thuộc tỉnh Thừa Thiên đòi giảm phu đài, tạp dịch, sưu cao thuế nặng. Sau đó, người thanh niên Nguyễn Tất Thành không học ở trường Quốc Học Huế nữa mà theo cha vào Quy Nhơn.
Sớm có lòng yêu nước thương dân, Người đã đi khắp năm châu, bốn biển, tự lao động nuôi sống bản thân, quyết chí tìm đường cứu dân cứu nước. Qua 30 năm bôn ba đất khách quê người, Hồ Chí Minh càng đau lòng về tình cảnh các dân tộc thuộc địa bị chủ nghĩa đế quốc, tư bản bóc lột thậm tệ và sự bất công xã hội ở ngay những nước giàu có nhất. Người đã ý thức được một xã hội vô đạo đức sẽ đẻ ra biết bao tai hoạ mà Người đã chứng kiến ở những nơi Người đã đi qua. Trong con người Hồ Chí Minh, lý tưởng giải phóng dân tộc gắn liền với lý tưởng xây dựng nền tảng đạo đức cách mạng, ở đó quan hệ giữa người với người là quan hệ tình người, nhân nghĩa. Bởi thế khi về nước lãnh đạo phong trào cách mạng, ngay từ những lớp huấn luyện cán bộ đầu tiên, Người đã có bài giảng quan trọng về đạo đức cách mạng “Tư cách của người cách mệnh” và trước khi qua đời bài viết cuối cùng của Người cũng là: "Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân".
Hồ Chí Minh nói: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân"(1).
Xây dựng xã hội đạo đức là lý tưởng của Hồ Chí Minh. Lý tưởng ấy thể hiện trong lý tưởng sống của Người: “Tôi chỉ có một ham muốn, một ham muốn tột bậc là làm sao nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”(2).
Đạo đức trunghiếu có từ ngàn xưa của dân tộc ta, được Hồ Chí Minh vận dụng sáng tạo trong thời đại mới: Trung với nước, hiếu với dân. Hồ Chí Minh cho rằng quần chúng nổi dậy lật đổ chế độ cũ tất yếu là người làm chủ chế độ mới. Xây dựng nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân là bước ngoặt chưa từng xuất hiện trong lịch sử của dân tộc ta, trở thành sức mạnh vô biên để kháng chiến và kiến quốc. Người nói: "Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân. Chính quyền từ xã đên chính phủ trung ương do dân cử ra. Đoàn thể từ trung ương đến xã do dân tổ chức nên. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”(3).
Hồ Chí Minh gắn liền trung với hiếu, hiếu với trung. Chưa thấy người có hiếu mà phạm tội bất trung. Người cán bộ, đảng viên chân chính phải là người vừa trung với nước vừa hiếu với dân. Không thể xứng đáng làm người công bộc, người “đầy tớ thật trung thành" của nhân dân nếu không quan tâm đến những khó khăn, thiếu thốn, khốn khổ của nhân dân thậm chí còn tìm cách chiếm đoạt của cải, ức hiếp tinh thần của dân. Hồ Chí Minh răn dạy và yêu cầu cán bộ, đảng viên: “Việc gì có lợi cho dân thì gắng sức làm, việc có hại cho dân thì hết sức tránh" .
Trong bài "Đạo đức cách mạng”, viết năm 1958, Hồ Chí Minh chỉ rõ: "Đạo đức cách mạng của người đảng viên là bất kỳ khó khăn đến mức nào cũng kiên quyết làm đúng chính sách và nghị quyết của Đảng, làm gương mẫu cho quần chúng. Mọi đảng viên phải nâng cao tinh thần trách nhiệm trước nhân dân, trước Đảng; phải ngăn ngừa và kiên quyết chống lại chủ nghĩa cá nhân. Đảng ta đại biểu cho lợi ích chung của giai cấp công nhân, của toàn thể nhân dân lao động, chứ không phải mưu cầu lợi ích riêng của một nhóm người nào, của cá nhân nào”(4).
Theo đồng chí Hoàng Tùng nguyên Bí thư Trung ương Đảng: “Hồ Chí Minh luôn luôn từ chối nắm quyền lực. Khi bị Quốc tế cộng sản phê phán một cách không công bằng và không được giao công tác, Người không hề oán giận, nhưng kiên trì chân lý. Nhiều lần Người từ chối nhận chức Tổng Bí thư. Khi làm Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước, Người vẫn nêu ra vai trò tập thể Bộ Chính trị, Hội đồng Nhà nước, Hội đồng Chính phủ. Người dứt khoát bác bỏ tham vọng quyền lực, chỉ muốn sẻ bớt cho người khác, nhưng làm việc hết sức mình với tinh thần trách nhiệm gương mẫu”(5).
Có thể nói, Hồ Chí Minh là mẫu mực tuyệt vời kết tinh đạo đức trung với nước hiếu với dân từ ngàn xưa của dân tộc Việt Nam đã nâng lên tầm cao mới trong thời đại ngày nay. Trước khi từ biệt cõi trần, Người viết trong Di chúc:“Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”(6). Chúng ta mãi mãi thấm sâu lời căn dặn của Người: “Giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”(7).

____

(1) Hå ChÝ Minh toµn tËp, NXBCTQG, H.2000, tËp 5, tr.252-253, 698. (2) S®d, tËp 4, tr.161. (4) S®d, tËp 9, tr.288. (6,7) Di chóc Chñ tÞch Hå ChÝ Minh, BCTTW §CSVN, H.1969. (3) Tõ t­ duy truyÒn thèng ®Õn t­ t­ëng Hå ChÝ Minh cña Hoµng Tïng, NXBCTQG, H.1998, tËp 2, tr.113.

 

 

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất