Tư tưởng và tấm gương đạo đức cách mạng cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư của Hồ Chí Minh

Đạo đức cách mạng Hồ Chí Minh có nội dung phong phú và rộng lớn, trong đó Cần, Kiệm, Liêm, Chính, Chí công vô tư là những phẩm chất không thể thiếu của người cách mạng, Người luôn coi đó là những phẩm chất phải luôn gắn liền với lời nói, việc làm, cử chỉ, hành động của mỗi cán bộ, đảng viên. Tháng 6-1949 với bút danh Lê Quyết Thắng, trong tác phẩm Cần, Kiệm, Liêm, Chính, Người đã giải thích rõ:

Cần: là cần cù, siêng năng, chăm chỉ, dẻo dai; lao động sáng tạo, có kế hoạch, có năng suất cao... Trái với Cần là lười biếng: biếng học, biếng làm, không chịu động não tư duy. Việc dễ thì dành cho mình, việc khó thì tìm cách lẩn tránh, đẩy cho người khác…

Kiệm: là “tiết kiệm, không xa xỉ, không lãng phí, không bừa bãi”(1) đó là tiết kiệm thời gian, tiền của; tiết kiệm từ cái nhỏ đến cái lớn… Tiết kiệm nhưng không bủn xỉn: “Khi không nên tiêu xài thì một đồng xu cũng không nên tiêu. Khi có việc đáng làm, việc ích lợi cho đồng bào, cho Tổ quốc, thì dù bao nhiêu công, tốn bao nhiêu của cũng vui lòng. Như thế mới đúng là Kiệm”(2). Trái với Kiệm là xa hoa, lãng phí, bừa bãi làm tốn thời gian, tiền của một cách vô ích.

Liêm: là “trong sạch không tham lam…”(3), “là không tham địa vị. Không ham tiền tài… chỉ có một thứ ham là ham học, ham làm, ham tiến bộ”(4). Trái với Liêm “là tham tiền của, tham địa vị, tham danh tiếng…”, “Cậy quyền, cậy thế mà đục khoét dân, ăn của đút hoặc trộm của công làm của tư”(5).

Chính:là không tà…, là thẳng thắn, đứng đắn”(6). Việc gì cũng phải công minh chính trực; không tư ân, tư huệ, tư thù, tư oán… Trái với Chính là tà, là ác; là không thẳng thắn, không đứng đắn; là hủ hoá, xấu xa, kiêu ngạo…

Chí công vô tư: là không nghĩ đến mình trước, phải đặt lợi ích của cách mạng, của nhân dân, của Đảng, lên trên hết, trước hết, không kèn cựa về mặt hưởng thụ, lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ, mình vì mọi người, công tâm trong sáng. Đối lập với “Chí công vô tư” là “di công vi tư”, đó là chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, hẹp hòi, là một thứ vi trùng độc hại; là căn nguyên, gốc rễ đẻ ra hàng trăm thứ bệnh và thói hư tật xấu: Tham lam, kiêu ngạo, hiếu danh, óc địa phương hẹp hòi, kéo bè, kéo cánh, quan liêu, độc đoán, tham ô, tham nhũng…

Cần, Kiệm, Liêm, Chính, Chí công vô tư có mối quan hệ biện chứng, gắn bó mật thiết với nhau. Theo Bác: “Cần và Kiệm, phải đi đôi với nhau, như hai chân của con người. Cần mà không Kiệm, “thì làm chừng nào xào chừng ấy”… Kiệm mà không cần thì không tăng thêm, không phát triển được”(7) . “Chữ Liêm phải đi đôi với chữ Kiệm. Cũng như chữ Kiệm phải đi đôi với chữ Cần. Có Kiệm mới có Liêm được. Vì xa xỉ mà sinh tham lam”(8). “Cần, Kiệm, Liêm, là gốc rễ của Chính. Nhưng một cây cần có gốc rễ, lại cần có ngành, lá, hoa, quả mới hoàn toàn. Một người có Cần, Kiệm, Liêm, nhưng còn phải Chính mới là người hoàn toàn”(9) . Bác nhấn mạnh: Cần, Kiệm, Liêm, Chính là vô cùng quan trọng và cần thiết; là nền tảng của đời sống mới; là cái cần để làm việc, làm người, làm cán bộ, phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại; là thước đo văn minh tiến bộ của một dân tộc. Người khẳng định: Một dân tộc biết Cần, Kiệm, Liêm, Chính “là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh tiến bộ”(10). Cần, Kiệm, Liêm, Chính là đạo đức của một xã hội hưng thịnh: nếu không có những phẩm chất đó thì xã hội suy vong. Do đó, thực hiện Cần, Kiệm, Liêm, Chính sẽ dẫn đến Chí công vô tư. Ngược lại, Chí công vô tư, một lòng, một dạ vì dân, vì Đảng thì nhất định sẽ dễ thực hiện được Cần, Kiệm, Liêm, Chính và có được nhiều đức tính tốt khác. Kết quả: “Bộ đội sẽ đầy đủ, nhân dân sẽ ấm no, kháng chiến sẽ mau thắng lợi, kiến quốc sẽ mau thành công, nước ta sẽ mau giàu mạnh ngang hàng với các nước tiên tiến trên thế giới”(11).

Hồ Chí Minh không chỉ nêu ra những phẩm chất, những chuẩn mực đạo đức cách mạng mà điều rất quan trọng, rất thuyết phục là chính Người là hiện thân của những phẩm chất đó để chúng ta học tập.

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, dù là người phụ bếp, đốt lò, rửa bát hay trên cương vị là đại biểu của Quốc tế cộng sản, Chủ tịch nước - Hồ Chí Minh luôn nêu cao lối sống cần kiệm, giản dị, không màng danh vọng, không ham của cải, không ham sự xa hoa, không chuộng những nghi thức sang trọng. Bác luôn dành sự quan tâm đặc biệt tới đời sống của nhân dân. Bác nói: “Người ta ai cũng muốn ăn ngon, mặc đẹp, nhưng muốn phải cho đúng thời, đúng hoàn cảnh. Trong lúc nhân dân ta còn thiếu thốn mà một người nào đó muốn riêng hưởng ăn ngon, mặc đẹp, như vậy là không có đạo đức”(12). Trước cảnh dân đói năm 1945, Hồ Chí Minh đã kêu gọi đồng bào cả nước nhường cơm, sẻ áo cho nhau: “Lúc chúng ta nâng bát cơm mà ăn, nghĩ đến kẻ đói khổ, chúng ta không khỏi động lòng. Vậy tôi xin đề nghị với đồng bào cả nước, và tôi xin thực hành trước: Cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn 3 bữa. Đem gạo đó (mỗi bữa một bơ) để cứu dân nghèo. Như vậy, thì những người nghèo sẽ có bữa rau, bữa cháo để chờ mùa lúa năm sau, khỏi đến nỗi chết đói”(13). Bác đã gương mẫu nhịn ăn vào tối thứ 7, tự tay bỏ gạo vào hũ cứu đói dân nghèo. Chiếc áo lụa đồng bào tặng, Bác cũng cho đem bán lấy tiền mua áo ấm tặng cho chiến sỹ trong mùa đông giá rét. Số tiền tiết kiệm ít ỏi là tiền nhuận bút các báo gửi cho Bác, Bác cũng cho đem mua nước uống tặng các chiến sỹ trực phòng không trong những ngày hè nóng bức. Bác thường nói: chiến sỹ còn đói, khổ tôi ăn ngon sao được, chiến sỹ còn rách rưới mình mặc thế này cũng là đầy đủ lắm rồi.

Những cử chỉ cao đẹp đó không chỉ là tình cảm, tình thương bao la của Bác với đồng bào, chiến sỹ mà còn thể hiện sâu sắc những giá trị đạo đức cách mạng ở Hồ Chí Minh. Sự tiết kiệm, giản dị, thanh liêm được thể hiện đậm nét trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của Bác.

Về chi tiêu: Những năm hoạt động ở nước ngoài, Người đã tự thân lao động kiếm tiền để hoạt động cách mạng, chi tiêu rất tiết kiệm. Đến khi làm Chủ tịch nước, cả trong kháng chiến, cả trong hoà bình, Bác luôn cân nhắc kỹ càng việc không đáng tiêu thì một xu cũng không tiêu.

Về bữa ăn: Ông Đinh Văn Cẩn người nấu ăn cho Bác từ hồi ở chiến khu Việt Bắc đến những ngày cuối đời, kể lại: Bác quy định hồi đó mỗi bữa không quá 3 món, thức ăn đủ, tránh lãng phí. Bác ưa các món dân gian, dưa cà, mắm tép, cá kho. Khi đi công tác địa phương Bác dặn các đồng chí phục vụ chuẩn bị cơm nắm, thức ăn từ nhà hoặc mang nồi đi nấu cho tiết kiệm, tránh các nơi đón tiếp linh đình, tốn phí. Có lần Bác đến thăm một địa phương, các cụ mổ bò để đón, nhưng Bác nói: Các cụ đã mổ bò thì để các cụ và dân làng ăn, Bác cháu ta cứ ăn cơm đã mang theo.

Về trang phục: Bác thường xuyên mặc bộ kaky, đi dép lốp, dùng túi vải, mũ cát, đôi khi kể cả đi công tác ngoài nước.

Về ở: Bác không chọn dinh thự cao cấp, đầy đủ tiện nghi sang trọng mà lại ở trong gian nhà vốn là nơi ở của người thợ hoặc một căn nhà sàn, Bác sống giản dị đến giây phút cuối cùng của cuộc đời. Trước lúc đi xa Người còn căn dặn: Khi Bác qua đời chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân…

Tư tưởng và tấm gương đạo đức cách mạng Cần, Kiệm, Liêm Chính, Chí công vô tư của Chủ tịch Hồ Chí Minh là những giá trị đạo đức cao đẹp của thời đại. Trải qua thời gian và thử thách, trước những biến cố thăng trầm của lịch sử những phẩm chất đạo đức đó vẫn còn nguyên giá trị. Tiếp tục học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là một việc làm vô cùng quan trọng và cần thiết đối với mỗi cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân.

_____

(1-11) Hồ Chí Minh toàn tập, NXBCTQG, H.2002, tập 5, tr.636, 640, 252, 643, 642, 639. (12) Sđd, tập 8, tr.392. (13) Sđd, tập 4, tr.31.

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất