Từ rất sớm, Hồ Chí Minh đã có những tư tưởng tiên phong theo xu hướng mở cửa, đa dạng hóa quan hệ với các nước, thu hút đầu tư, thúc đẩy quan hệ buôn bán với nước ngoài.
Ngay từ đầu tháng 12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho những người đứng đầu các nước Anh, Trung Quốc, Mỹ, Liên Xô và Liên hợp quốc nêu rõ chính sách của Việt Nam là thực hiện chính sách mở cửa và hợp tác, mời các nhà đầu tư, các nhà kỹ thuật nước ngoài vào kinh doanh tại Việt Nam, sẵn sàng mở các cảng, sân bay và đường giao thông cho việc buôn bán và quá cảnh quốc tế, chấp nhận tham gia mọi tổ chức hợp tác kinh tế quốc tế dưới sự lãnh đạo của Liên hợp quốc.
Trong suốt hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc, theo tư tưởng Hồ Chí Minh, Việt Nam luôn nêu cao ngọn cờ hòa bình, đưa ra nhiều sáng kiến hòa bình đồng thời đẩy mạnh hoạt động ngoại giao làm cho dư luận thế giới thấy được bản chất của tình hình Việt Nam, chiến tranh xâm lược của thực dân, đế quốc và luận điệu hòa bình giả dối của chúng.
Trong thư gửi cho người đứng đầu nhà nước và chính phủ của gần 70 nước trên thế giới trình bày tình hình chiến tranh Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Trải qua hơn 20 năm chiến tranh, hơn ai hết nhân dân Việt Nam rất thiết tha với hòa bình để xây dựng đời sống của mình. Hồ Chí Minh không đề cập hòa bình và chiến tranh một cách trừu tượng. Trong thư gửi Đại hội Nhân dân Việt Nam bảo vệ hòa bình, Người nêu rõ phong trào hòa bình phải gắn liền với phong trào độc lập dân tộc.
Người luôn lấy hòa bình hữu nghị và đạo lý làm tiêu chí để phân biệt bạn thù, phân biệt dân tộc với bọn phản động, hiếu chiến trong chính phủ của đối phương, luôn nêu cao ngọn cờ hòa bình, tập hợp rộng rãi nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới chống lại các thế lực gây chiến tranh xâm lược. Đó là nét đặc trưng của “ngoại giao tâm công” Hồ Chí Minh. Thực hiện đường lối “ngoại giao tâm công” với tinh thần đem đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo, ta đã tranh thủ được một mặt trận rộng rãi nhân dân thế giới ủng hộ nhân dân Việt Nam chống Mỹ xâm lược.
Đối với Người, ai làm gì lợi ích cho nhân dân, cho Tổ quốc ta đều là bạn. Bất kỳ ai làm điều gì có hại cho nhân dân và Tổ quốc ta là kẻ thù... Phải yêu Tổ quốc, yêu nhân dân. Phải có tinh thần dân tộc vững chắc và tinh thần quốc tế đúng đắn và phải làm cho nước mình ít kẻ thù hơn hết và nhiều bạn đồng minh hơn hết. Đối với nước Pháp và Mỹ, Hồ Chí Minh phân biệt nhân dân với các chính phủ cầm quyền, để tranh thủ lực lượng tiến bộ và thúc đẩy phong trào phản chiến của nhân dân các nước này, cô lập lực lượng hiếu chiến.
Hồ Chí Minh chủ trương tập hợp lực lượng rộng rãi. Theo Người, không có khối phương Đông và khối phương Tây, mà chỉ có những người yêu chuộng hòa bình và có những kẻ chủ trương chiến tranh.
Quan điểm về đa dạng hóa quan hệ quốc tế, làm bạn với tất cả các nước dân chủ đã hình thành trong tư tưởng Hồ Chí Minh từ rất sớm. Đây là một tư tưởng vượt thời đại xét trong bối cảnh phân cực sâu sắc của chính trị quốc tế từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai.
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Việt Nam muốn làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không gây thù oán với một ai. Việt Nam sẽ hợp tác với mọi nước vui lòng hợp tác thật thà và bình đẳng với Việt Nam.
Chủ nghĩa yêu nước và tinh thần dân tộc cũng thấm đượm trong tư tưởng đối ngoại Hồ Chí Minh. Điểm then chốt để “neo” thế giới quan của Hồ Chí Minh vẫn là chủ nghĩa yêu nước, tinh thần dân tộc và đi cùng với nó là tư tưởng đặt lợi ích dân tộc lên trên hết. Phân tích tình hình thế giới là để giúp Người nhìn ra mối dây liên hệ giữa Việt Nam với thế giới và đánh giá đặc điểm quan hệ quốc tế là để giúp tìm lối đi cho con thuyền cách mạng Việt Nam.
Từ rất sớm, Hồ Chí Minh đã có tư tưởng tiên phong theo xu hướng mở cửa, đa dạng quan hệ, thu hút đầu tư, thúc đẩy buôn bán với nước ngoài. Đối với Người, khoa học là để phục vụ cách mạng và cụ thể hơn là phục vụ sự nghiệp giải phóng dân tộc, độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và xây dựng dân giàu nước mạnh. Như vậy, tư tưởng Hồ Chí Minh - vốn đã mạnh bởi cơ sở khoa học của nó - lại càng mạnh hơn vì đã dựa được vào sức mạnh của truyền thống dân tộc và giành được tính chính danh vì phục vụ lợi ích dân tộc.
Hồ Chí Minh nhiều lần khẳng định tiến lên chủ nghĩa xã hội phải từng bước phát triển kinh tế và văn hóa - xã hội; nâng cao đời sống vật chất của xã hội phải đồng thời với nâng cao đời sống tinh thần của con người; vấn đề không chỉ là sản xuất ra nhiều của cải, mà điều quan trọng hơn là chất lượng của cải phải ngày càng cao, và làm sao nâng cao được chất lượng sống cho nhân dân. Người cho rằng, chúng ta xây dựng chủ nghĩa xã hội mà dân không được hưởng hạnh phúc thì chủ nghĩa xã hội đó cũng không có nghĩa lý gì.
Trong hệ thống các yếu tố của phát triển, Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến chủ thể của quá trình phát triển - Đảng Cộng sản. Sự lãnh đạo của một đảng cộng sản chân chính, trí tuệ và sáng tạo là yếu tố đầu tiên và cũng là yếu tố cuối cùng có tính quyết định đối với sự định hướng và xây dựng một xã hội mới. Bởi theo Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng của nhân dân, của cách mạng; mục đích của Đảng không có gì khác là đem lại cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Đó cũng thật sự là mục tiêu của bất kỳ một triết lý phát triển nào nhằm mục tiêu phát triển xã hội bền vững.
Ngày nay, với chủ trương xây dựng và chấn hưng đất nước, coi xây dựng kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, thực chất là Đảng và Nhà nước ta đã và đang thực hiện triết lý phát triển theo tư tưởng Hồ Chí Minh, đặc biệt là văn hoá đạo đức của Người.
Hơn nữa, với chủ trương tiến hành Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, rõ ràng Đảng ta đã thật sự thấm nhuần quan điểm phát triển xuất phát từ cách tiếp cận với văn hoá đạo đức, lấy đạo đức cách mạng làm gốc của người cách mạng chân chính.
Triết lý phát triển theo chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh gắn liền với bản chất chế độ ta, gắn liền với những thành tựu của sự nghiệp cách mạng Việt Nam mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đang ra sức phấn đấu theo mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Điều đó cũng có nghĩa là triết lý hành động theo chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh chỉ có thể trở thành hiện thực khi mục tiêu cách mạng theo con đường Hồ Chí Minh đã chọn được thực hiện thành công ở nước ta.
Nguyễn Mạnh Cầm
Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng chính phủ,
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao
(Nguồn: TTXVN)