1. Hồ Chí Minh là sự kết tinh, tỏa sáng những giá trị dân tộc
Trên nền tảng một lãnh thổ chung, “một tiếng nói chung”, một lối sống mang sắc thái riêng, dân tộc Việt Nam đã tự khẳng định sự tồn tại của mình, bản lĩnh vượt qua mọi thử thách hiểm nghèo, vững vàng tiến lên. Trong hơn 1.000 năm thống trị của phong kiến phương Bắc, qua “Ngô Vương Quyền nối lại quốc thống” (Ngô Quyền xưng vương hiệu 939 sau chiến thắng Bạch Đằng), suốt thời kỳ Đại Việt, những lời thề và quốc hiệu Việt Nam chứa đựng biết bao giá trị về tinh thần quật cường, bất khuất, tự cường, tự chủ, tự lập, sáng tạo. Đó là khí phách “rửa sạch nước thù để nối lại nghiệp xưa họ Hùng”, khẳng định chủ quyền “Lĩnh Nam riêng một triều đình nước ta” (Trưng Trắc). Đó là phụ nữ Lạc Hồng muốn “cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển khơi, đánh đuổi quân Ngô, giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ, chứ không chịu khom lưng làm tỳ thiếp người ta” (Bà Triệu). “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn. Lấy chí nhân để thay cường bạo... lấy yếu chống mạnh...lấy ít địch nhiều” (Nguyễn Trãi). Lời vua Lê Thánh Tông: “Một thước núi, một tấc sông của ta lẽ nào tự tiện bỏ đi được”. Đó là sự khẳng khái “đầu tôi chưa rơi xuống đất, xin bệ hạ đừng lo” (Trần Thủ Độ nói với vua Trần); Trần Quốc Tuấn với nhiệt huyết “Sát Thát”; là đồng thanh “Quyết đánh” trong Hội nghị Diên Hồng (triều Trần với cuộc kháng chiến chống Mông - Nguyên); là lời nói đanh thép “nếu bệ hạ muốn hàng, xin hãy chém đầu tôi đi đã” (Trần Quốc Tuấn); “ta thà làm ma nước Nam, chứ không thèm làm vương đất Bắc (Trần Bình Trọng); là “vua tôi đồng lòng, anh em hòa thuận, cả nước góp sức” (nhà Trần). Đó là ý thức tự chủ với những quốc hiệu như: Vạn Xuân (năm 544, Lý Bí lên ngôi Hoàng đế, tuyên bố dựng nước, đặt quốc hiệu Vạn Xuân), Đại Việt (năm 1054 thời vua Lý Thánh Tông)...
Việt Nam là trường hợp hiếm thấy trong lịch sử thế giới khi đã mất chủ quyền 1.000 năm vẫn giành lại được. Không nhiều nước như Việt Nam, dù kẻ thù quân đông, vũ khí mạnh, nhiều lần xâm lược nước ta nhưng bằng sức mạnh đoàn kết, cả nước chung sức, trí thông minh, sáng tạo, lòng hy sinh quả cảm, chúng ta đều giành thắng lợi: Lý Thường Kiệt hai lần chống Tống thắng lợi (1075, 1077); quân Mông - Nguyên ba lần xâm lược Đại Việt đều bị đánh bại (1285, 1287, 1288); ba trận thủy chiến trên sông Bạch Đằng, đánh tan giặc ngoại xâm, nhấn chìm dã tâm xâm lược của các thế lực bành trướng phương Bắc (Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán năm 938; Lê Hoàn (vua Lê Đại Hành) đại thắng quân Tống năm 981; Trần Quốc Tuấn đánh bại quân Mông - Nguyên năm 1288); v.v..
Hồ Chí Minh đã kế thừa, phát triển các giá trị của dân tộc trong thời đại mới, Người cho rằng, việc cứu nước và giải phóng dân tộc mình không thể dựa vào bất kỳ nước nào, dù đó là Nhật, Anh hay Mỹ. Bởi dựa vào nước đế quốc này để đánh đổ chế độ thực dân kia là cách làm “đuổi hổ cửa trước rước beo cửa sau”. Phải đi ra nước ngoài tìm hiểu, nghiên cứu, khám phá, xem xét các nước họ làm thế nào rồi tự mình tìm ra con “Đường cách mệnh” cho dân tộc mình. Khi bắt gặp lý luận khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, Hồ Chí Minh khẳng định, đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta. Với Người, giá trị của chủ nghĩa Mác - Lênin là ở chỗ phương pháp làm việc biện chứng, là cái cẩm nang thần kỳ, là “kim chỉ nam cho hành động, chứ không phải là kinh thánh”(1).
Hồ Chí Minh là người “tìm đường” (1911-1920), “mở đường” (1920-1930), “dẫn đường” (1930-1945), “thiết kế tương lai” (1945-1969). Giá trị dân tộc được kết tinh ở Người với quyết tâm: Dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập. Dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững nền tự do và độc lập. Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ. Không có gì quý hơn độc lập, tự do, v.v..
Sau khi “tìm đường đi cho dân tộc theo đi” - con đường cách mạng vô sản, Hồ Chí Minh “đi vào quần chúng, thức tỉnh họ, tổ chức họ, đoàn kết họ, huấn luyện họ, đưa họ ra đấu tranh giành tự do độc lập”(2). Người cùng cả dân tộc “rũ bùn đứng dậy chói lòa”, “biến người nô lệ thành người tự do”, đem lại quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc cho mỗi người và cả dân tộc, mở ra kỷ nguyên độc lập, tự do. Người vạch ra một lộ trình sau khi nước Việt Nam giành được độc lập sẽ đi theo con đường riêng của mình, xây dựng chế độ dân chủ nhân dân, tiến dần lên CNXH, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa. Luận điểm sáng tạo về con đường đi lên CNXH ở Việt Nam chưa có tiền lệ trong lịch sử là một kinh nghiệm quý cho các nước có hoàn cảnh như Việt Nam.
Dưới ánh sáng khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, Hồ Chí Minh luôn độc lập, tự chủ, đổi mới, sáng tạo với hai điểm cốt yếu sau:
Thứ nhất, Người có cách nhìn “động” về xã hội, về thế giới, về tình hình khách quan, về nhân dân như là cơ sở cho tinh thần đổi mới, sáng tạo. Theo Người, xã hội ngày một phát triển, thế giới ngày càng đổi mới, tình hình khách quan thay đổi hằng giờ hằng phút, nhân dân ngày càng tiến bộ, cho nên tư tưởng, hành động, chủ trương, năng lực, sáng kiến của ta cũng phải thay đổi cho kịp. Mặt khác, chủ trương hôm nay đúng đắn, nhưng vì tình hình khách quan thay đổi nhanh chóng nên có thể hôm sau không hợp thời, quá thời, sai hỏng. Vì vậy, phải tỉnh táo kiểm điểm, bỏ đi những cái cũ kỹ, lạc hậu, lỗi thời để không bị bỏ rơi, không bị những người nhanh nhẹn vượt lên trước, để theo kịp tình thế. Còn “nếu cứ giữ lấy cái kẹp giấy cũ không thay đổi là không đi đến đâu cả”(3). Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Khi tình thế đổi mới, ta đủ gan góc, đủ tinh thần phụ trách để quyết định phương hướng chính trị mới, thay đổi cách thức công tác và đấu tranh, dám bỏ những khẩu hiệu và những nghị quyết đã cũ, không hợp thời, đưa những nghị quyết và khẩu hiệu mới thay vào”(4).
Người dày công nghiên cứu thực tiễn, mục tiêu, nhiệm vụ của đất nước và khả năng thích ứng của con người Việt Nam với từng giai đoạn phát triển. Xã hội càng phát triển thì nhận thức của con người phải thích ứng và phát triển thuận chiều cùng với sự phát triển của xã hội. Người viết: “Xã hội ngày càng tiến, công tác của ta cũng phải ngày càng tiến. Chúng ta phải kháng chiến thắng lợi, phải thực hiện dân chủ mới, phải tiến đến chủ nghĩa xã hội, rồi tiến lên chủ nghĩa cộng sản. Vì vậy, năng lực của ta, sáng kiến của ta, tiến bộ của ta cũng phải luôn luôn phát triển, tiến lên không ngừng. Không tiến, tức là thoái”(5).
Thứ hai, Hồ Chí Minh hiểu rất rõ hoàn cảnh đặc biệt của nước ta, đất nước hàng nghìn năm dưới chế độ phong kiến, gần trăm năm thuộc địa của chủ nghĩa thực dân, nông nghiệp lạc hậu, khoa học kỹ thuật kém phát triển, công cuộc đổi xã hội cũ thành xã hội mới sẽ vô cùng gian nan, phức tạp, khó hơn nhiều so với việc đánh giặc, thắng đế quốc và phong kiến. Đây là cả một cuộc chiến đấu khổng lồ chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi. Người chỉ rõ: “Cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa là một cuộc biến đổi khó khăn nhất và sâu sắc nhất. Chúng ta phải xây dựng một xã hội hoàn toàn mới xưa nay chưa từng có trong lịch sử dân tộc ta. Chúng ta phải thay đổi triệt để những nếp sống, thói quen, ý nghĩ và thành kiến có gốc rễ sâu xa hàng ngàn năm. Chúng ta phải thay đổi quan hệ sản xuất cũ, xóa bỏ giai cấp bóc lột, xây dựng quan hệ sản xuất mới không có bóc lột áp bức”(6).
Hồ Chí Minh nhìn nhận, khó khăn của cuộc cách mạng XHCN ở Việt Nam bắt đầu từ những đặc điểm, nhiệm vụ trong thời kỳ quá độ lên CNXH. Không như cách mạng vô sản Nga, sau khi giai cấp vô sản nắm được chính quyền là bước ngay vào thời kỳ quá độ lên CNXH, Việt Nam phải qua chín năm xây dựng chế độ dân chủ nhân dân trong hoàn cảnh vừa kháng chiến, vừa kiến quốc, chuẩn bị tiền đề chính trị, kinh tế, văn hóa để khi kết thúc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân là bước vào thời kỳ quá độ lên CNXH. Trong hoàn cảnh đó, Hồ Chí Minh đã chỉ ra nội dung, bước đi, biện pháp xây dựng CNXH cho phù hợp với điều kiện cụ thể của nước ta.
Vạch ra con đường đi lên CNXH ở Việt Nam, Hồ Chí Minh bổ sung vào lý luận và thực tiễn CNXH những đặc điểm, bản sắc Việt Nam. Nghiên cứu CNXH trong di sản Hồ Chí Minh, chúng ta dễ dàng nhận ra tư tưởng của Người về đặc trưng, mục tiêu, động lực của CNXH Việt Nam, trong đó phản chiếu ánh sáng của CNXH khoa học theo học thuyết Mác - Lênin nhưng rất Việt Nam, đậm dấu ấn Hồ Chí Minh. Thủ tướng Phạm Văn Đồng viết: “Chủ nghĩa xã hội theo đặc điểm Việt Nam là sự kết thúc thắng lợi hành trình lịch sử của dân tộc mà Hồ Chí Minh đã vạch ra từ đầu thế kỷ, là sự thực hiện trọn vẹn Di chúc của Người, là đỉnh cao của sự nghiệp cách mạng ba cuộc giải phóng của Việt Nam, từ đó chân trời càng mở rộng cho đà tiến cao xa hơn nữa, trên con đường phát triển vô hạn của dân tộc, xã hội và con người”(7). Xây dựng CNXH theo bản sắc Việt Nam theo lý giải của Thủ tướng Phạm Văn Đồng “là phương hướng, là ý nguyện, là mục tiêu mà Hồ Chí Minh, Đảng ta, nhân dân ta đã lựa chọn. Đối với con người Việt Nam ta, từ những năm 20 của thế kỷ này, ý chí độc lập dân tộc gắn liền với ý chí xã hội chủ nghĩa”(8).
Công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo tiến hành gần được 40 năm. Đảng đề ra mục tiêu của đổi mới là dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc, sánh vai với các cường quốc năm châu. Thực chất quan điểm của Đảng chính là chủ nghĩa xã hội theo đặc điểm Việt Nam. Phạm Văn Đồng cho rằng: “kết quả cuối cùng của công cuộc đổi mới là tạo ra một xã hội xã hội chủ nghĩa theo đặc điểm Việt Nam, mang đậm dấu ấn thiên tài và cốt cách dân tộc, trong mục tiêu và động lực, trong con đường, bước đi và cách làm”(9).
2. Hồ Chí Minh kết tinh, tỏa sáng những giá trị thời đại
Giá trị thời đại ở đây trước hết là học thuyết Mác - Lênin, ánh sáng soi đường cách mạng của dân tộc Việt Nam, là tinh hoa văn hóa của nhân loại. Hồ Chí Minh vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin trên nhiều mặt, trên cơ sở đó không chỉ mở đường cho dân tộc mình mà còn mở đường cho cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc của các nước thuộc địa và phụ thuộc trong phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới. Hồ Chí Minh từng bước xác lập một hệ thống tư tưởng với những luận điểm sáng tạo, đúc kết thành quy luật giải phóng và phát triển ở các nước có hoàn cảnh như Việt Nam.
Cống hiến lớn lao của C.Mác, Ph.Ăngghen là xác lập CNXH khoa học, vạch ra quy luật tiến hóa của lịch sử loài người, chỉ ra con đường cách mạng, giải phóng những người bị áp bức trên thế giới. Trên cơ sở vận dụng và phát triển sáng tạo lý luận của C.Mác, cống hiến vĩ đại của V.I.Lênin là lãnh đạo cách mạng vô sản thắng lợi đầu tiên ở nước Nga và tiên đoán làn sóng cách mạng diễn ra ở các nước thuộc địa và phụ thuộc. Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười rọi chiếu ánh sáng tới triệu triệu người trên trái đất. Hồ Chí Minh là số ít trong những “nhân vật huyền thoại” tiếp thu được ánh sáng Tháng Mười, hưởng ứng lời kêu gọi của V.I.Lênin, đưa CNXH khoa học về cho dân tộc mình.
Trong khi truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin về Việt Nam, ngay từ đầu, Hồ Chí Minh đã xác định, Việt Nam không làm cách mạng vô sản kiểu Nga mà làm cách mạng giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản, đây là con đường duy nhất đúng để cứu nước và giải phóng dân tộc. Người rút ra, muốn thực hiện được sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng con người thì phải thành lập Đảng kiểu mới theo học thuyết Mác - Lênin. Đảng đó không phải chỉ kết hợp chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân, mà phải kết hợp nhuần nhuyễn chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam. Đó chính là quy luật ra đời của Đảng Cộng sản đối với các nước như Việt Nam.
Cống hiến của Hồ Chí Minh mà quốc tế ghi nhận là để lại dấu ấn trong quá trình phát triển của nhân loại vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Nếu V.I.Lênin là bậc thầy trong lên án mạnh mẽ chủ nghĩa đế quốc trên phạm vi thế giới, thì Hồ Chí Minh là lãnh tụ cộng sản viết nhiều, tố cáo sâu sắc tội ác dã man của chủ nghĩa thực dân. Trăn trở về số phận của các dân tộc thuộc địa, Người đưa ra bản án đối với chế độ thực dân Pháp. Đây là tư duy và cách làm cần thiết để thức tỉnh các dân tộc thuộc địa chìm đắm trong áp bức, bóc lột, đè nén của chủ nghĩa thực dân. Hồ Chí Minh nêu cao ngọn cờ và tiên phong trong phong trào giải phóng dân tộc. Đặt ra cho mình sứ mệnh giải phóng dân tộc mình và các dân tộc thuộc địa, Hồ Chí Minh đã góp phần to lớn vào sự nghiệp vẻ vang đó. Người đã hiện thực hóa giá trị về quyền con người trong Tuyên ngôn độc lập của Mỹ và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của cách mạng Pháp, đồng thời mở rộng, nâng cao quyền con người thành quyền của các dân tộc. Quan điểm của Hồ Chí Minh đi trước nghị quyết của Liên hiệp quốc, khi năm 1960 tổ chức này mới tuyên bố trao trả độc lập cho các nước và các dân tộc thuộc địa.
Cách đây 100 năm, nhà thơ Liên Xô Ôxíp Manđenxtam qua cuộc trò chuyện với Nguyễn Ái Quốc, cảm nhận từ phong cách, phong thái của Người, ông viết: “Dáng dấp của con người đang ngồi trước mặt tôi đây, Nguyễn Ái Quốc, cũng đang tỏa ra một cái gì thật lịch thiệp và tế nhị... Từ Nguyễn Ái Quốc đã tỏa ra một thứ văn hóa, không phải là văn hóa Âu châu, mà có lẽ là một nền văn hóa tương lai... Dân An Nam là một dân tộc giản dị và lịch thiệp. Qua phong thái thanh cao, trong giọng nói trầm ấm của Nguyễn Ái Quốc, chúng ta như nghe thấy ngày mai, như thấy sự yên tĩnh mênh mông của tình hữu ái toàn thế giới”(10). Nghị quyết của UNESCO khẳng định, tư tưởng Hồ Chí Minh là hiện thân cho những khát vọng của các dân tộc trong việc khẳng định bản sắc dân tộc của mình và tiêu biểu cho việc thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau.
Hồ Chí Minh là một nhân vật kiệt xuất của lịch sử bởi những đóng góp của Người vào kiến tạo hòa bình, hòa giải, thúc đẩy và tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc. Phát hiện và khai thác điểm chung mưu cầu hạnh phúc cho loài người, mưu cầu phúc lợi cho xã hội trong chủ nghĩa Mác, chủ nghĩa Tôn Dật Tiên, Khổng giáo, Thiên Chúa giáo là một tư duy hiếm thấy trong tư tưởng nhân loại. Theo Người, văn hóa Việt Nam là sự kết hợp có chọn lọc văn hóa phương Đông và phương Tây.
Tư tưởng Hồ Chí Minh là sự tiếp nhận các trào lưu tư tưởng, là giao hòa sự đa dạng, tôn trọng các nền văn hóa, sự kết tinh các giá trị thời đại, mở ra xu hướng trao đổi và đối thoại giữa các nền văn hóa, góp phần thúc đẩy sự xích lại gần nhau của các nền văn hóa, được bạn bè quốc tế thừa nhận. Trong Hội thảo quốc tế tổ chức tại Việt Nam Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, một đại biểu phát biểu: “Chúng tôi đến đây, có người theo đạo Hồi, có người theo đạo Phật, đạo Tin lành, đạo Thiên Chúa, trước chúng tôi không hiểu nhau, qua hai ngày hội thảo, chúng tôi có thể ngồi lại nói chuyện vui vẻ với nhau, vì chúng tôi có cái chung là lý tưởng Hồ Chí Minh: muốn cho nhân loại được tự do, hạnh phúc”(11). Tại Hội thảo quốc tế lớn với chủ đề “Hồ Chí Minh - Việt Nam - Hòa bình thế giới”, nhân dân Ấn Độ cảm ơn Việt Nam, ngưỡng mộ Hồ Chí Minh, coi Người là lãnh tụ của Việt Nam và của cả chính họ. Dự hội thảo có khoảng 12.000 người xếp thành hình ảnh Hồ Chí Minh, thành khẩu hiệu “Hồ Chí Minh muôn năm”. Tổng thống Ấn Độ coi kỷ niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là nhiệm vụ quốc tế mà còn là nhiệm vụ của quốc gia Ấn Độ.
Hồ Chí Minh đã tạo nên “chất keo” gắn kết các dân tộc, sợi dây bền chặt nối liền các nền văn hóa. Chính những suy nghĩ, việc làm tiến bộ, tích cực của Người đã xóa bỏ những rào cản của các nền văn hóa khác nhau liên quan đến chủng tộc, màu da, tiếng nói, tôn giáo, thể chế chính trị. Theo Hồ Chí Minh, hòa bình là khát vọng của nhân loại tiến bộ. Chế độ chính trị khác nhau không ngăn cản việc chung sống hòa bình và phấn đấu cho một nền hòa bình bền vững. Người “tin chắc rằng mọi sự phân tranh trên thế giới đều có thể giải quyết bằng cách hòa bình; tin chắc rằng các nước dù chế độ xã hội khác nhau và hình thái ý thức khác nhau cũng đều có thể chung sống hòa bình được”(12). Hồ Chí Minh chỉ ra giải pháp thiết lập một nền hòa bình bền vững trên thế giới là mỗi dân tộc cần có ý thức và trách nhiệm về giá trị cao quý của hòa bình và bằng mọi cách để có được hòa bình. Các nước, nhất là những nước lớn, cần có thái độ hợp tác chân thành, giải quyết mâu thuẫn bằng thương lượng hòa bình, không đe dọa và dùng vũ lực, không có thái độ “cá lớn nuốt cá bé”. Tổ chức UNESCO tôn vinh Hồ Chí Minh là nhà văn hóa kiệt xuất, đề cao việc thúc đẩy các nền văn hóa xích lại gần nhau. Trong trao đổi và đối thoại văn hóa, Hồ Chí Minh đã tạo ra một công cụ hữu hiệu để kiến tạo hòa bình. Câu nói nổi tiếng: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do!” có giá trị toàn cầu vì nó khẳng định khát vọng về những giá trị chung của nhân loại; đoàn kết thế giới theo tinh thần “bốn phương vô sản, bốn biển đều là anh em”; là tình hữu nghị, hữu ái giữa nhân dân các nước; là thái độ và tấm lòng vị tha, nhân văn, nhân đạo cao cả, v.v..
Hồ Chí Minh yêu Tổ quốc và đồng bào mình, cũng yêu nhân dân và Tổ quốc các nước. Người quý trọng sinh mệnh của người Việt Nam cũng như sinh mệnh của người nước khác. Trong ngày thực dân Pháp nổ súng gây hấn ở Nam Bộ, trở lại xâm lược Việt Nam (23-9-1945), cùng với việc phê phán một số người Pháp gây nên cuộc xung đột đổ máu giữa hai bên, Hồ Chí Minh “nghiêng mình trước anh hồn những chiến sĩ và đồng bào Việt Nam, đã vì Tổ quốc mà hy sinh tính mệnh”. Người “cũng ngậm ngùi thương xót cho những người Pháp đã tử vong. Than ôi, trước lòng bác ái, thì máu Pháp hay máu Việt cũng đều là máu, người Pháp hay người Việt cũng đều là người”(13).
Khi Hồ Chí Minh qua đời, Đảng Cộng sản Mỹ trong điện chia buồn đã viết những lời hết sức cảm động: “Nhân loại đã mất một vị lãnh tụ cách mạng vĩ đại, một người thầy mácxít - lêninnít xuất sắc mà tấm lòng ưu ái đầy thi vị mong muốn một thế giới tốt đẹp có hương hoa tươi thắm và tiếng cười náo nức của trẻ em đã thấm nhuần vào chủ nghĩa nhân đạo toàn diện của cuộc đời mà Người đã sống, thấm nhuần vào những việc kỳ diệu mà Người đã làm và sự nghiệp trọn đời Người đã phục vụ. Tên tuổi của đồng chí Hồ Chí Minh sẽ mãi mãi gắn bó với những hành động cao cả nhất và những ước mơ cao quý nhất của nhân loại nhằm thực hiện một khối cộng đồng anh em thực sự của nhân dân các nước được hưởng quyền bình đẳng và được thỏa mãn đầy đủ về những nhu cầu vật chất và tinh thần của mình, một thế giới không có chiến tranh, không có sự tàn bạo, nghèo khổ và phân biệt đối xử”(14). Một đại biểu Mỹ phát biểu trong Hội thảo quốc tế Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Nếu chủ nghĩa cộng sản như chủ nghĩa cộng sản Hồ Chí Minh thì cũng chấp nhận được”(15).
Bạn bè thế giới, học giả quốc tế đã nói lên những điều chúng ta cần nói về Hồ Chí Minh - người kết tinh, tỏa sáng những giá trị trường tồn của thời đại. Đúng như ngài Rômét Chanđra, Chủ tịch Hội đồng hòa bình thế giới đã viết: “Bất cứ nơi nào chiến đấu cho độc lập tự do, ở đó có Hồ Chí Minh và ngọn cờ Hồ Chí Minh bay cao. Bất cứ ở đâu chiến đấu cho hòa bình và công lý, ở đó có Hồ Chí Minh và ngọn cờ Hồ Chí Minh bay cao. Ở bất cứ đâu nhân dân chiến đấu cho một thế giới mới, chống lại đói nghèo, ở đó có Hồ Chí Minh và ngọn cờ Hồ Chí Minh bay cao”(16).
_________________
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.7, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.120.
(2), (10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.1, Sđd, tr.209, 462-463.
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.8, Sđd, tr.55.
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.6, Sđd, tr.294.
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.8, Sđd, tr.405.
(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.11, Sđd, tr.91-92.
(7), (8), (9) Phạm Văn Đồng: Hồ Chí Minh tinh hoa và khí phách của dân tộc, Sđd, tr.220, 476, 219.
(11), (15) Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Tư tưởng Hồ Chí Minh quá trình hình thành và phát triển, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1993, tr.9.
(12) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.10, Sđd, tr.12.
(13) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.4, Sđd, tr.510.
(14) Đỗ Hoàng Linh - Phạm Hoàng Điệp (biên soạn): Hồ Chí Minh trong ký ức bạn bè quốc tế, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, tr.78.
(16) Báo Nhân Dân, ngày 21-5-1980.
PGS.TS Bùi Đình Phong
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh