Xây dựng các đơn vị cơ sở trong Quân đội vững mạnh về chính trị theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm một đơn vị bộ đội ở Nam Định (1957). Ảnh: TTXVN.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm một đơn vị bộ đội ở Nam Định (1957). Ảnh: TTXVN.

Xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Trung thành, vận dụng sáng tạo những nguyên lý xây dựng Quân đội kiểu mới của chủ nghĩa Mác - Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặt lên hàng đầu vấn đề xây dựng Quân đội về chính trị, xây dựng và tăng cường bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân và tính dân tộc, làm cho Quân đội ta luôn là lực lượng chính trị trung thành và tin cậy của Đảng, của Nhà nước và của Nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng xây dựng Quân đội về chính trị, lấy xây dựng chính trị làm cơ sở xây dựng các mặt khác. Với quan điểm “chính trị trọng hơn quân sự”, Người khẳng định: “Quân sự mà không có chính trị như cây không có gốc, vô dụng lại có hại. Quân đội ta là quân đội nhân dân. Nhân dân có Đảng lãnh đạo, Đảng có chính cương, chính sách. Đã là quân đội nhân dân thì phải học chính sách của Đảng”(1).

Người đặc biệt quan tâm chăm lo xây dựng bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân và tính dân tộc cho Quân đội, xem đó là nội dung cốt lõi, công cụ chắc chắn nhất để xây dựng thành công và bảo đảm cho Quân đội luôn là lực lượng chính trị tin cậy của Đảng; xứng đáng là Quân đội của dân, do dân và vì dân. Người cho rằng, muốn cho Quân đội trở thành một đội quân vô địch thì Đảng phải đặc biệt coi trọng công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, làm cho cán bộ, chiến sĩ “có lập trường vững chắc, lập trường quân đội của nhân dân do giai cấp công nhân lãnh đạo” (2).

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khái quát cô đọng, đầy đủ nhất những vấn đề có tính nguyên tắc và nội dung cơ bản xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng. Cán bộ và chiến sĩ thương yêu nhau như ruột thịt, chia ngọt sẻ bùi. Quân và dân như cá với nước, đoàn kết một lòng, học hỏi, giúp đỡ lẫn nhau. Quân đội ta có tinh thần yêu nước chân chính, lại có tinh thần quốc tế vô sản cao cả”(3).

Theo Bác, để xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị cần phải củng cố, giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội. Cần phải tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, làm cho cán bộ, chiến sĩ có lập trường kiên định, vững vàng, hoàn thành trách nhiệm với Tổ quốc và nhân dân. Người chỉ ra rằng: “Phải tăng cường công tác chính trị, luôn luôn nâng cao trình độ chính trị và giác ngộ giai cấp của bộ đội ta; phải bảo đảm sự chấp hành chính sách của Đảng và Chính phủ; phải triệt để giữ gìn kỷ luật tự giác về mặt quân sự và về mặt chính trị. Vì vậy, cần phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong Quân đội và phải thực hiện dân chủ trong bộ đội”(4).

Người luôn coi trọng việc xây dựng sự đoàn kết, thống nhất, thực hành dân chủ và kỷ luật nghiêm minh trong Quân đội, coi đó là nguồn sức mạnh của mọi thành công. Bên cạnh đó, Người coi trọng việc xây dựng, củng cố, tăng cường mối quan hệ gắn bó “máu thịt” giữa Quân đội với nhân dân, bảo đảm cho Quân đội là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Người nhắc nhở: “Mình đánh giặc là vì dân. Nhưng mình không phải là "cứu tinh" của dân, mà mình có trách nhiệm phụng sự nhân dân. Tất cả quân nhân phải làm cho dân tin, dân phục, dân yêu... Muốn vậy, bộ đội phải giúp đỡ dân, thương yêu dân... Dân như nước, quân như cá”(5). Bên cạnh đó, Người yêu cầu cần chú trọng giáo dục tinh thần đoàn kết, hữu nghị giữa các dân tộc, giữa quân đội ta với quân đội các nước anh em, xây dựng tinh thần quốc tế vô sản trong sáng cho cán bộ, chiến sĩ, tích cực tham gia thực hiện nhiệm vụ quốc tế với tinh thần “giúp bạn tức là mình tự giúp mình”.

Xây dựng các đơn vị cơ sở trong Quân đội vững mạnh về chính trị đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới 

Suốt 80 năm qua, quán triệt sâu sắc, vận dụng đúng đắn, sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng quân đội, Quân đội nhân dân Việt Nam đã cùng với Nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng, làm nên những chiến thắng vẻ vang, xứng đáng là công cụ bạo lực sắc bén, lực lượng chính trị tin cậy của Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Trong giai đoạn hiện nay, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục có những diễn biến nhanh chóng, khó lường; xung đột quân sự, tranh chấp biển đảo, chạy đua vũ trang ngày càng phức tạp. Đối với nước ta, sau gần 40 năm đổi mới, đất nước chưa bao giờ có được tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Tuy nhiên, nước ta vẫn đứng trước nhiều thách thức lớn, đan xen nhau. Các thế lực thù địch vẫn tiếp tục thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, gây bạo loạn lật đổ, thúc đẩy “phi chính trị hóa quân đội”. Sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, xây dựng Quân đội đang đặt ra nhiều vấn đề mới. Mặt trái của kinh tế thị trường, sự tác động đa chiều của khoa học công nghệ, in-tơ-nét, mạng xã hội cùng những tiêu cực, tệ nạn xã hội tác động không nhỏ tới tư tưởng của các bộ, chiến sĩ ở các đơn vị trong Quân đội.

Tham gia

Các chiến sĩ tích cực tập luyện để chuẩn bị tham gia diễu binh, diễu hành tại Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 - 7-5-2024).

Ngày 24-11-2023, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 44-NQ/TW về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, trong đó xác định: “Xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại. Đến năm 2025, cơ bản xây dựng Quân đội, Công an tinh, gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu đến năm 2030 xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; bảo đảm chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu cao, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong mọi tình huống”(6). Do đó, trước yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, xây dựng các đơn vị cơ sở trong quân đội vững mạnh về chính trị là một yêu cầu khách quan, là một đòi hỏi cấp bách đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc và của Quân đội.

Theo Hướng dẫn số 1773/HD-CT ngày 21-10-2022 của Tổng cục Chính trị quân đội nhân dân Việt Nam, thực hiện tiêu chuẩn 1 “vững mạnh về chính trị” trong xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”, nội dung, chỉ tiêu xây dựng đơn vị vững mạnh về chính trị bao gồm: (1) Về chính trị tư tưởng: Cán bộ, chiến sĩ có bản lĩnh chính trị kiên định, vững vàng, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và Nhân dân; giữ vững phẩm chất đạo đức, lối sống của người quân nhân cách mạng; có ý chí quyết tâm cao, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao. (2) Cấp ủy, tổ chức đảng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, cơ quan chính trị, cán bộ chính trị hoàn thành tốt nhiệm vụ. (3) Đội ngũ cán bộ bảo đảm số lượng, chất lượng, cơ cấu hợp lý, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; cán bộ làm công tác cán bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ. (4) Thực hiện tốt công tác bảo vệ an ninh, dân vận và chính sách. (5) Các tổ chức quần chúng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; hội đồng quân nhân vững mạnh, hoạt động có hiệu quả. (6) Thực hiện có hiệu quả hoạt động công tác đảng, công tác chính trị trong các nhiệm vụ; chấp hành nghiêm chế độ, nền nếp công tác đảng, công tác chính trị.

5 giải pháp trọng tâm

Một là, tăng cường sự lãnh đạo chặt chẽ, toàn diện của các cấp uỷ và tổ chức đảng đối với nhiệm vụ xây dựng Quân đội về chính trị ở đơn vị cơ sở. Toàn bộ hoạt động ở đơn vị đặt dưới sự lãnh đạo chặt chẽ, thống nhất của cấp uỷ và tổ chức đảng. Do đó, cần thường xuyên củng cố, kiện toàn cấp ủy, tổ chức đảng trong sạch vững mạnh, đủ số lượng, chất lượng cao, cơ cấu hợp lý, phân công, phân cấp rõ ràng cho từng cấp uỷ viên, bảo đảm sự lãnh đạo chặt chẽ của cấp uỷ và tổ chức đảng. Không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng trong Quân đội; đẩy mạnh phòng, chống mọi biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên ở đơn vị cơ sở. 

Hai là, tiếp tục cụ thể hóa nội dung, đa dạng hóa hình thức, biện pháp xây dựng các đơn vị cơ sở vững mạnh về chính trị. Các đơn vị cần căn cứ vào các nghị quyết, chỉ thị, quy định, hướng dẫn của cấp trên, đặc điểm, yêu cầu, nhiệm vụ của đơn vị, từ đó xây dựng kế hoạch xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “Mẫu mực, tiêu biểu”. Xác định cụ thể những nội dung, biện pháp tiến hành trên các mặt: chính trị tư tưởng; xây dựng cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan chính trị, cán bộ chính trị; công tác bảo vệ an ninh, dân vận, chính sách; xây dựng tổ chức quần chúng, hội đồng quân nhân; thực hiện chế độ, nền nếp công tác đảng, công tác chính trị... Các tổ chức, các lực lượng cần quán triệt, cụ thể hóa theo chức năng, nhiệm vụ, bảo đảm thiết thực, dễ nhớ, dễ hiểu, dễ làm, tạo được sự cuốn hút, hấp dẫn đối với mọi quân nhân trong đơn vị. 

Ba là, không ngừng nâng cao chất lượng công tác đảng, công tác chính trị ở các đơn vị cơ sở. Thực hiện có hiệu quả Đề án “Đổi mới công tác giáo dục chính trị tại đơn vị trong giai đoạn mới”, thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức giáo dục chính trị, pháp luật phù hợp với từng đối tượng, từng loại hình đơn vị. Nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền, văn hóa, văn nghệ, thi đua khen thưởng. Đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới. Kết hợp chặt chẽ giữa thực hiện tốt Cuộc vận động với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và các phong trào thi đua, các cuộc vận động bằng nhiều mô hình, cách làm sáng tạo, phù hợp, hiệu quả. Xây dựng sự đoàn kết giữa cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị và xây dựng mối quan hệ đoàn kết quân dân, đoàn kết quốc tế. Tích cực đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch, phòng chống chiến lược “diễn biến hòa bình”, âm mưu “phi chính trị hóa quân đội” của các thế lực thù địch, góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng.

Bốn là, xây dựng đội ngũ cán bộ vừa đáp ứng yêu cầu xây dựng đơn vị cơ sở vững mạnh về chính trị. Các cấp ủy cần tiếp tục làm tốt các khâu, các bước trong công tác cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đủ về số lượng, cơ cấu hợp lý, bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao của đơn vị. Đồng thời, cần phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ, nhất là người đứng đầu các cấp trong xây dựng đơn vị cơ sở vững mạnh về chính trị. Chính ủy, chính trị viên cần thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ xây dựng đơn vị cơ sở vững mạnh về chính trị. Kịp thời biểu dương gương người tốt, việc tốt và nhắc nhở, uốn nắn những biểu hiện lệch lạc trong quá trình triển khai thực hiện nghị quyết của đảng ủy. 

Năm là, phát huy vai trò của các tổ chức quần chúng, hội đồng quân nhân trong xây dựng đơn vị cơ sở vững mạnh về chính trị hiện nay. Các cấp ủy, cán bộ chủ trì cơ quan, đơn vị cần tạo điều kiện thuận lợi để mỗi cán bộ, đoàn viên, hội viên phát huy tốt năng lực, trách nhiệm của bản thân trong thực hiện nhiệm vụ. Mặt khác, phát huy và mở rộng dân chủ, động viên và tạo điều kiện thuận lợi để họ tích cực tham gia đóng góp ý kiến vào các hoạt động của đơn vị, nhất là hoạt động xây dựng đơn vị cơ sở vững mạnh về chính trị. 

-----------
(1) (2) (5) Hồ Chí Minh, Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia Sự thật, H.2011, tập 7, tr.217, tr.397-398, tr.76.
(3) Sđd, tập 14, tr.435.
(4) Sđd, tập 8, tr.29.
(6) Ban Tuyên giáo Trung ương, Đề cương giới thiệu Nghị quyết số 44/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, H.2023, tr.12.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất