Bà dời quê về ở với con trai tại Việt Trì đã 5 năm nay. Dân phố gọi bà là bà Tứ Xã. Bọn trẻ gọi bà là nàng ong chăm chỉ, vì suốt ngày bà hí húi tăng gia ở những vạt đất hoang quanh phố. Chẳng lúc nào bà chịu ngơi chân, ngơi tay. Con trai bà thấy mẹ sẳm hẳm rau cỏ ở những nơi xó xỉnh ấy, can: “Nhà mình có thiếu nữa đâu, mẹ đừng chỗ nào cũng rau với cỏ nữa. Vỡ vạc làm gì cho người ta cười”. Bà bảo: “Cậu thấy ai cười, cậu đưa mẹ đến xem người nào cười mẹ”. Thực ra chả ai cười bà. Là anh không muốn mẹ tham việc mãi thế. Anh muốn mẹ cuối đời được an nhàn, hưởng chút đền đáp của cháu con.
Một chiều, mấy ông cán bộ hưu đi bộ gặp bà lọ mọ kéo những bó cành cọ lượt thượt cả cẫng lẫn tàu. Đống cành cọ ấy được đội chỉnh trang đô thị tấp bỏ từng đống bên đại lộ. Ông bạc tóc hỏi bà lấy làm gì những thứ ấy. Bà bảo xin về rào vườn trồng rau. Ông đùa: “Hết tuổi lao động rồi thì nghỉ ngơi, tranh hết việc của con cháu, chúng nó lấy đâu ra cơ hội để phụng dưỡng cánh già”. Bà quệt mồ hôi đáp. “Lao động là đống vàng mười/Ai chăm thì có, ai lười thì không”. Bà nói: Cụ Hồ dạy thế, người Việt Nam ta ai cũng học Cụ, tất tật chẳng chừa ai, cả cán bộ lẫn người dân. Bà đối đáp bằng thơ, lại là thơ của Cụ Hồ, làm mấy ông cán bộ hưu không khỏi bất ngờ. Bà già tham việc này còn khoẻ mạnh và minh mẫn lắm!
Bà là Nguyễn Thị Vấn, 75 tuổi, phố Tân Xuân, Tân Dân, Việt Trì, là hội viên người cao tuổi của phường. Phố Tân Xuân của bà vừa được công nhận danh hiệu khu dân cư văn hoá cấp tỉnh.
Bà goá chồng năm hăm bảy tuổi, một tay nuôi ba con nhỏ và một mẹ già. Chồng bà nhập ngũ năm 1959, tái ngũ 1964, hy sinh 1966 tại chiến trường Kon Tum. Khi ấy cậu con trai út của bà mới 2 tuổi. Người vợ liệt sỹ này đã viết bài thơ dặn dò cháu con vào năm mừng thọ 70 tuổi: “Năm 66, hai bảy tuổi bố con hy sinh/Mẹ già con dại một mình mẹ lo/Tắt đèn tối lửa khôn đo/Hai sương một nắng thấm cho nỗi này/…/Gian truân mẹ cũng không sờn/Cầu mong con được lớn khôn bằng người/Các con cố gắng giữ gìn/Để cho có được niềm tin với Người”…
Thời đánh Mỹ, mọi người làm việc bằng hai. Người vợ liệt sỹ là bà làm việc bằng ba. Ngày đi làm việc hợp tác, đêm đánh nhủi, đánh riu. Nước ngâm đến cổ, rét cứng hàm răng. Suốt đêm riu tép, sáng ra lại theo kẻng ra đồng. Tôm tép đánh được phần ăn, phần để, phần làm mắm, phơi khô, trữ đầy chum, đầy vại. Tháng ba ngày tám, rau già cá hết, lại ngược lên Tuyên Quang bán, đổi. Rồi từ mạn ngược, bà Vấn lại đem măng, nấm, thịt lợn đổi từ tôm tép xuôi về bán ở chợ quê. Hai sọt hàng, cái xe đạp lạch cạch theo người suốt những năm đói khổ. Hết cua ốc lại buôn tôm bán cá khắp nẻo chợ Vầy, chợ Máy, chợ Dòng, chợ Mè… Vừa đồng áng, vừa chạy chợ. Việc gì bà cũng làm, miễn là có cái nuôi mẹ, nuôi con và đóng góp chung vào cuộc chiến tranh. Trong những năm tháng tham gia làm việc của hợp tác, bà luôn tích cực, chủ động và không nề hà một việc gì được phân công. Bà luôn hoàn thành và hoàn thành tốt, đạt công điểm cao. Và chưa bao giờ bà không tham gia đóng góp công sức hay của cải khi mà chính quyền kêu gọi ủng hộ tiền tuyến miền Nam… Khi được hỏi, nghị lực đâu để bà vừa hoàn thành việc công, vừa chăm lo, nuôi dạy các con? Bà tâm sự: Ngày đó, tôi coi Bác Hồ là chỗ dựa, là tấm gương để học tập. Và Cụ Hồ đã truyền cho tôi nghị lực để vươn lên trong cuộc sống.
Còn hôm nay, bà Vấn vẫn cất cho mình cuốn sách “Một số lời dạy và mẩu chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia ấn hành năm 2007. Bà đọc kỹ, đánh dấu và gạch chân nhiều lời dạy của Bác. Có lời dạy về tuổi già, về lao động, về tiết kiệm. “Chống xem khinh lao động, nhất là lao động chân tay, chống lười biếng xa xỉ, chống sinh hoạt uỷ mị, chống kiêu ngạo giả dối khoe khoang… Xưa nay những người yêu nước không vì tuổi già mà chịu ngồi không… Tuổi tác càng cao lòng yêu nước càng lớn”…Những lời dạy ấy thật thấm thía, thật hợp với bà. Bởi vậy, bà chẳng ngồi không và cũng không chịu ngồi không suốt một đời người.
Với bà, cuốn sách về đạo đức Bác Hồ thật quý. Bà đọc rồi phô tô thành 25 cuốn, gửi tặng người thân, tặng các chi hội người cao tuổi ở quê Tứ Xã. Bà giữ lại một cuốn, thỉnh thoảng lại giở ra đọc đi đọc lại. Bà thuộc nhiều mẩu chuyện về Bác Hồ. Bà kể cho nhiều người nghe mẩu chuyện Bác Hồ giao ước thi đua trồng rau cải với các chú cán bộ ở Phủ Chủ tịch. Mấy chú trồng cải củ, nặng cân, tưởng thắng Bác. Bác trồng cải canh, cải bẹ, bóc được nhiều đợt, cân được nhiều lần, nhập cho nhà bếp cộng lại được nhiều cân hơn. Bác thắng cuộc. Bác chỉ bảo mọi người cách tính toán, tưới tắm từng loại rau. Bác bận việc nước nhưng lại tỉ mỉ, tinh tường cả những việc tưởng như bé mọn.
Bà Vấn sợ ngồi không, đóng cửa im ỉm, tự nhốt mình trong nhà suốt ngày sẽ sinh ốm. Được ra vườn cuốc xới, trồng rau, bà thấy khoẻ ra. Lao động là liều thuốc bổ cho sức khoẻ. Trồng rau, có rau sạch ăn yên tâm hơn, lại có cái đem ra chợ bán, có thêm tiền. Mỗi phiên chợ rau, bà kiếm được dăm ba chục ngàn đồng. Mấy năm liền bà cóp được vài ba chục triệu tiền rau. Bà thưởng tiền cho các cháu học giỏi. Bà đóng góp vào các quỹ từ thiện của khu phố và để dành cho con cháu, đợi đến lúc chúng lấy vợ, lấy chồng sẽ có quà tặng.
Bà Vấn có các con dâu, rể phương trưởng, thành danh dư dật, tất cả đã xe hơi nhà lầu. Con trai bà làm giám đốc một ngân hàng cấp huyện. Bà vẫn chắt chiu, chịu khó như ngày nào, vẫn luôn tay luôn chân rau cỏ bên những vạt đất thừa thẹo bỏ hoang dọc phố. Bà sống thanh thản, vui khoẻ tuổi già, chăm lao động đến tận cuối đời. Bà tự coi mình như người có trên tay cả đống vàng mười; lao động là hạnh phúc và người già vẫn lao động là tiếp tục đóng góp cho xã hội, cho sự phát triển của đất nước.
Cao Văn Định
Ảnh: Hà Hữu Nết
Chánh Văn phòng Hội Văn học Nghệ thuật Lâm Đồng