Học và làm theo Bác trong công tác tuyên truyền
Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1959 (ảnh Bảo tàng Lịch sử Việt Nam)
Trong suốt hành trình từ “người đi tìm đường” trở thành “người dẫn đường” cho cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã dành nhiều công sức, trí tuệ và sự quan tâm đến công tác tuyên truyền cách mạng. Người xem đó là công cụ quan trọng để tạo ra lực lượng mới hùng mạnh cho cách mạng.

Về mục đích tuyên truyền, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh đó là “đem một việc gì đó nói cho dân hiểu, dân nhớ, dân theo, dân làm. Nếu không đạt được mục đích đó là tuyên truyền thất bại” và mục đích của tuyên truyền là giải thích lập luận, chứng minh để “dân hiểu, dân nhớ, dân tin, dân làm theo”.

Về đối tượng tuyên truyền,
theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, trước hết, người tuyên truyền phải nắm vững đối tượng được tuyên truyền. Nếu “người tuyên truyền không điều tra, không phân tích, không nghiên cứu, không hiểu biết quần chúng, chỉ gặp sao nói vậy, bạ gì viết nấy, nhất định thất bại”. Người cũng lưu ý rằng, “Dân chúng không nhất luận như nhau, trong dân chúng cũng có nhiều tầng lớp khác nhau, ý kiến khác nhau, có lớp tiên tiến, có lớp lưng chừng, có lớp lạc hậu”. Đối với mỗi tầng lớp đối tượng, Người yêu cầu phải có phương thức tuyên truyền thích hợp và phải chú trọng ưu tiên cho lớp đối tượng có trình độ nhận thức, trình độ văn hóa thấp. Vì đối tượng này hiểu được thì các đối tượng khác cũng nắm bắt dễ dàng.

Về công tác chuẩn bị nội dung tuyên truyền. Người tuyên truyền phải chuẩn bị nội dung tuyên truyền thật chu đáo. Bởi theo Người, làm được như vậy sẽ tránh được lối nói ba hoa, rỗng tuếch, cẩu thả, lặp lại, nhàm chán. Người từng cảnh báo: “Trước khi nói không sắp sửa kỹ càng. Lúc ra nói hoặc lắp lại những cái người trước đã nói. Hoặc lắp đi lắp lại những cái mình đã nói rồi. Lúng túng như gà mắc tóc. Thôi đi thì trẽn, nói nữa thì chán tai”. Người căn dặn: “Khi viết xong một bài báo, một bản báo cáo hoặc thảo một bài diễn văn nhất định phải đọc lại vài lần. Mình tự phê bình bài viết của mình, hỏi ý kiến đồng chí khác. Những câu những chữ thừa vô ích bỏ đi. Rửa mặt phải kỳ sát ba lần mới sạch, viết văn diễn thuyết cũng phải như vậy”. Để nội dung bài nói, bài viết có chất lượng, Bác yêu cầu người tuyên truyền phải chịu khó “nghe”, “thấy”, “xem” và “ghi chép”. Khi chuẩn bị nội dung phải suy nghĩ cho chín, sắp đặt cho cẩn thận, và nên nhờ chính những người thuộc đối tượng được tuyên truyền xem và cho ý kiến. Người yêu cầu cụ thể: “Mỗi tư tưởng, mỗi câu nói, mỗi chữ viết phải tỏ rõ cái tư tưởng và lòng ước ao của quần chúng; Phải luôn dùng những lời lẽ, những thí dụ đơn giản, thiết thực và dễ hiểu; Phải tự hỏi nói cho ai nghe, viết cho ai xem; Chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói, chớ viết; Trước khi nói phải sắp đặt cho cẩn thận, phải suy nghĩ cho chín chắn. Sau khi viết rồi phải xem đi xem lại ba bốn lần. Nếu là một tài liệu quan trọng phải xem đi xem lại chín mười lần”.

Đối với người làm công tác tuyên truyền
, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, phải có cách tuyên truyền phù hợp với đối tượng, với hoàn cảnh, cách nói, cách viết phải ngắn gọn, bởi lẽ “người lính đánh giặc, người dân đi làm không cho phép xem lâu”, cho nên “viết ngắn từng nào tốt chừng ấy”. Tuy vậy, “ngắn gọn nhưng không phải là cụt đầu, cụt đuôi, mà phải có đầu có đuôi” và “không nhất thiết cái gì cũng phải ngắn mới tốt”. Phù hợp với đối tượng là phải gắn liền với những đối tượng cụ thể. Tuyên truyền cho đồng bào miền núi phải khác với đồng bào miền xuôi; tuyên truyền cho đồng bào các tôn giáo phải khác với đồng bào không theo tôn giáo. Với các đối tượng phải tìm cho ra các đặc thù. Ví như, với đồng bào miền núi thì phải nói ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm theo. Nội dung tuyên truyền phải cụ thể, thiết thực “Một là gì, hai là gì, rồi ba, bốn, năm là gì? Làm như thế nào” và “… không nên nói trên trời dưới đất, nào là khách quan, chủ quan, nào là tích cực và tiêu cực, không đâu vào đâu cả”. Đồng thời phải nắm, phải thu phục cho được các già làng, trưởng bản. Nếu đạt kết quả thì tiếng nói của người tuyên truyền có sức nặng hơn, việc tuyên truyền vận động sẽ có kết quả hơn.

Người tuyên truyền phải học cách tuyên truyền của quần chúng. Đó là sự kết hợp của việc học trong sách vở, học trong thực tiễn công tác. Xuất phát từ quan điểm “Dân là gốc của tuyên truyền”, Người cho rằng, cách tuyên truyền phù hợp và có hiệu quả nhất với dân chính là cách tuyên truyền của chính nhân dân. Bằng cách đó, dân dễ hiểu, dễ nhớ nên sẽ tin và sẽ làm theo. Người từng cho rằng : “Cách nói của dân chúng rất đầy đủ, rất hoạt bát, rất thiết thực mà lại rất đơn giản. Anh em đi tuyên truyền chưa học được cách nói đó, cho nên khi nói, khi viết khô khan, cứng nhắc, không hoạt bát, không thiết thực”. Người cũng đã từng phê phán những cán bộ “không chịu học hỏi quần chúng, cứ đóng cửa lại mà làm, ngồi ỳ trong phòng giấy mà viết, cứ tưởng cái gì mình làm cũng là đúng, mình viết cũng là hay”. Riêng với những cán bộ được cử lên công tác ở miền núi, Người cũng căn dặn là cần phải học cả tiếng nói của dân tộc để tuyên truyền với đồng bào dân tộc đó. Như thế sẽ gây được mối thiện cảm bền lâu.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh, muốn nâng cao hiệu quả tuyên truyền thì người tuyên truyền phải là người hiểu biết rộng, đặc biệt là nhận thức sâu việc mình tuyên truyền. Không những có đủ kiến thức lý luận mà phải có vốn sống phong phú; không những giỏi về nghiệp vụ chuyên môn mà còn phải có trình độ văn hóa cao. Người tuyên truyền giỏi phải là người biết tổ chức quần chúng, người thức tỉnh và tập hợp quần chúng. Một yêu cầu không kém phần quan trọng là người tuyên truyền phải có vốn sống về thơ ca, nhạc họa thì tác dụng và hiệu quả tuyên truyền sẽ là rất lớn. Điều Bác hằng quan tâm trăn trở là đạo đức của người tuyên truyền. Nếu thiếu điều này, thì sẽ mất đi sự đồng tình, ủng hộ của quần chúng. Vì vậy mà không những không đạt được mục đích tuyên truyền mà còn ngược lại. Yêu cầu của Bác về đạo đức của người cán bộ tuyên truyền cũng rất cụ thể: Một là phải lễ độ. Lễ độ ở đây không phải là “gọi dạ bảo vâng”, mà theo Bác thì: Nếu một cán bộ tuyên truyền vào làng bản có cả người già, phụ nữ, trẻ em mà cất tiếng lên là “Các đồng chí” … điều đó tuy không vô phép nhưng không hợp với hoàn cảnh nên chướng tai, các cụ già sẽ không bằng lòng. Hai là, người cán bộ phải biết hòa mình với quần chúng, sống như họ đang sống, nói cái họ chưa hiểu, chịu khó, chịu khổ, khéo ở, siêng làm. Ba là, phải luôn nêu cao ý thức cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Và cuối cùng là phải có tác phong quần chúng. Mà theo Người thì, “thấy dân làm việc gì, bất kỳ to nhỏ, ta cũng ra tay làm giúp”, “thái độ phải mềm mỏng, đối với các cụ già phải cung kính, với anh em phải khiêm tốn, vơi nhi đồng phải thân yêu, với mọi người phải thành khẩn”.

Học và làm theo những lời Người dạy nhất định những người làm công tác tuyên truyền ngày nay sẽ hoàn thành một cách xuất sắc và có hiệu quả nhiệm vụ đầy vẻ vang mà Đảng giao phó.

Phản hồi (1)

Hùng 25/10/2011

Những tư tưởng của Người mãi mãi là ngọn đuốc soi đường cho dân tộc ta và mỗi chúng ta đi đến sự hoàn thiện. Vì vậy mỗi cán bộ của chúng ta làm mọi công tác nói chung và công tác tuyên truyền nói riêng cần phải luôn luôn quán triệt việc học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương và đạo đức của Bác.

1

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất