Tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” được Hồ Chí Minh viết vào tháng 10-1947. Tác phẩm được xác định như một văn kiện có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc, nhằm xây dựng và củng cố Đảng thành một đảng Mác-Lênin chân chính, đủ sức lãnh đạo sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc đến thắng lợi vẻ vang. Ngay sau khi cách mạng thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra đời, trước những nhiệm vụ lớn của cách mạng và của đất nước, Người đã viết tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” nhằm chấn chỉnh và đổi mới tác phong công tác của cán bộ, đảng viên. Về mục đích, tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” không phải là tác phẩm chuyên bàn về đạo đức cách mạng, nhưng bên trong nội dung chứa đựng Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng và chuẩn mực của người cán bộ đảng viên.
Thứ nhất, tư cách của đảng viên chân chính cách mạng
Về tư cách của đảng viên chân chính cách mạng, Hồ Chí Minh đã chỉ ra 12 điều cụ thể, và đó không chỉ là tiêu chí của người đảng viên chân chính, mà còn là mục tiêu, hành động của nhiệm vụ giải phóng dân tộc và nó cũng là nguyên tắc chỉ đạo hành động của Đảng. Hồ Chí Minh yêu cầu: Mọi công tác của Đảng phải luôn luôn đứng về phía quần chúng, phải đem tinh thần yêu nước và cần kiệm, liêm, chính, chí công vô tư mà dạy bảo cán bộ, đảng viên, phải luôn gắn bó máu thịt với quần chúng. Mỗi công việc của Đảng phải giữ vững tính cách mạng của nó, tuyệt đối không được che giấu khuyết điểm của mình, không sợ phê bình, luôn tẩy bỏ những hủ hoá…giữ nghiêm kỷ luật Đảng, đồng thời phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng… Người nhắc cán bộ, đảng viên:
Muốn cho Đảng được vững bền
Mười hai điều đó chớ quên điều nào.
Thứ hai, đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên
Khi nói về đạo đức cách mạng, Hồ Chí Minh đã đặt trong mối tương quan giữa mới và cũ, Người chỉ ra đạo đức cách mạng là đạo đức mới, nó khác hẳn về chất so với đạo đức cũ, nó không vì danh vọng, không vì lợi ích của một cá nhân nào, mà vì lợi ích chung của Đảng, của dân tộc và của loài người. Hồ Chí Minh chỉ ra đạo đức của xã hội cũ là sự phản ánh lợi ích của giai cấp bóc lột, là công cụ tinh thần để nô dịch nhân dân, củng cố địa vị thống trị của các giai cấp bóc lột và vì lợi ích của thiểu số, trong khi đạo đức cách mạng phản ánh lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của toàn nhân loại, là vũ khí tinh thần để giai cấp công nhân và nhân dân lao động giải phóng mình và giải phóng nhân loại. Tư tưởng Hồ Chí Minh cho chúng ta thấy rõ đạo đức cách mạng gắn bó một cách chặt chẽ, hữu cơ với sự nghiệp giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc của Đảng Cộng sản Việt Nam và mỗi đảng viên của Đảng phải tuyệt đối trung thành với Đảng, với nhân dân, suốt đời hy sinh cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, ra sức phấn đấu thực hiện mục tiêu, lý tưởng của Đảng, phục vụ lợi ích của giai cấp công nhân và nhân dân lao động.
Hồ Chí Minh chỉ ra, đạo đức cách mạng còn phải kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa đế quốc. Người chỉ rõ, đạo đức cách mạng hoàn toàn đối lập với chủ nghĩa cá nhân - một thứ vi trùng rất độc, rất nguy hiểm đối với sức mạnh của Đảng. Từ chủ nghĩa cá nhân sinh ra biết bao các bệnh khác, như bệnh tham lam, bệnh lười biếng, bệnh kiêu ngạo bệnh hiếu danh, thiếu kỷ luật,… hoàn toàn trái với bản chất cách mạng của Đảng, đi ngược lại lợi ích của giai cấp công nhân và nhân dân lao động.
Theo Hồ Chí Minh, đạo đức cách mạng còn là ra sức học tập Chủ nghĩa Mác-Lênin, luôn tự phê bình và phê bình nhằm nâng cao phẩm chất cách mạng và năng công tác của mình và đồng chí mình, luôn tôn trọng kỷ luật Đảng, tuyệt đối chấp hành sự phân công của Đảng, đồng thời phải hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng giao, tích cực hăng hái trong công việc, giữ gìn mối đoàn kết trong Đảng, toàn đảng phải là một khối thống nhất, cả ý chí và hành động.
Trong “Sửa đổi lối làm việc”, Hồ Chí Minh nhấn mạnh, để có được những đức tính tốt người cán bộ, đảng viên cần thược hiện năm điều đó là: nhân - nghĩa - trí - dũng - liêm. Theo Hồ Chí Minh:
- Nhân là thật thà, yêu thương con người, hết lòng giúp đỡ đồng chí đồng bào; kiên quyết chống lại những người, nhưng việc có hại đến Đảng, đến nhân dân; sẵn lòng chịu cực khổ trước mọi người, hưởng hạnh phúc sau thiên hạ; không ham làm giàu, không e cực khổ, không sợ oai quyền.
- Nghĩa là ngay thẳng, không có tư tâm, không làm việc bậy, không có việc gì phải giấu Đảng. Ngoài lợi ích của Đảng, không có lợi ích riêng phải lo toan. Lúc đảng giao cho việc, thì bất kỳ to nhỏ, đều ra sức làm cẩn thận. Thấy việc phải thì làm, thấy việc phải thì nói. Không sợ người ta phê bình mình, mà phê bình người khác cũng phải đúng đắn. Như vậy, nghĩa là một phẩm chất cơ bản của người cách mạng. Hiểu nghĩa và làm theo nghĩa, người cách mạng sẽ có phương châm sống và hành động đúng đắn vì lợi ích chung của Đảng, của Tổ quốc.
- Trí là không bị mù quáng, đầu óc trong sạch, sáng suốt, dễ hiểu lý luận, dễ tìm phương hướng. Biết xem người, biết xét việc. Biết làm việc có lợi, tránh việc có hại cho Đảng, biết vì Đảng mà cất nhắc người tốt, đề phòng người gian. Trí là hiểu biết, nhưng những hiểu biết ấy phải gắn với nhiệm vụ cách mạng, phải giúp cho người cách mạng hoàn thành nhiệm vụ, bổn phận của mình.
- Dũng là dũng cảm, gan góc, gặp việc phải có gan làm. Thấy khuyết điểm có gan sửa chữa. Cực khổ khó khăn có gan chịu đựng. Có gan chống lại vinh hoa phú quí không chính đáng. Nếu cần thì có gan hy sinh cả tính mệnh cho đảng, cho Tổ quốc. Không bao giờ rụt rè, nhút nhát. Như vậy người cách mạng phải có dũng, không có dũng thì không làm được cách mạng. Dũng giúp người cách mạng vượt qua khó khăn thử thách, giám hy sinh bản thân mình vì cách mạng. Tuy nhiên, dũng phải đi đôi với trí thông minh, chứ chỉ có dũng thôi thì không thể thành công, bởi vũ dũng vô mưu thì chỉ có thất bại mà không có thành công.
- Liêm là không tham địa vị. Không tham tiền tài. Không tham sung sướng. Không ham người tâng bốc mình, là quang minh chính đại, không hủ hoá.
Hồ Chí Minh cho rằng, người cán bộ, đảng viên mà có đầy đủ những đức tính tốt đẹp ấy, họ sẽ có nền tảng tinh thần vững chắc, giúp họ đủ sức vượt qua mọi khó khăn thử thách hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ mà Đảng, Tổ quốc, nhân dân giao phó.
Theo Hồ Chí Minh đạo đức là gốc của người cách mạng. Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng. Có đạo đức cách mạng thì người cán bộ mới được dân tin, dân phục, dân yêu, từ đó thì người cán bộ mới có thể lãnh đạo được dân chúng làm cách mạng. Hồ Chí Minh chỉ ra đối với người cán bộ, đảng viên không có đạo đức cách mạng thì tài giỏi mấy cũng không thể lãnh đạo được dân chúng. Người coi đạo đức cách mạng là gốc, là nền tảng vững chắc, là lý tưởng sống của người cách mạng. Nó là động cơ bên trong, tạo ra sự thôi thúc to lớn để người cách mạng thực hiện, nó tăng thêm sức mạnh bền bỉ giúp người cách mạng có đủ sức mạnh để suốt đời hy sinh phấn đấu cho mục tiêu lý tưởng của đảng. Đạo đức cách mạng còn là nền tảng cho những năng lực, tài năng của người cán bộ đảng viên phục vụ lợi ích cho cách mạng, cho Tổ quốc, cho nhân dân. Hồ Chí Minh viết: Cũng như sông có nguồn mới có nước, không có nguồn thí sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân. Vì muốn giải phóng cho dân tộc, giải phóng cho loài người là một công việc to tát, mà tự mình không có đạo đức, không có căn bản, tự mình đã hủ hoá, xấu xa thì làm nổi việc gì.
Hồ Chí Minh cho rằng làm cách mạng để cải tạo xã hội cũ thành xã hội mới là một sự nghiệp hết sức vẻ vang, đồng thời đó cũng là nhiệm vụ hết sức nặng nề, đó là một cuộc đấu tranh lâu dài, phức tạp, gian khổ, cũng như người có sức mạnh mới gánh được xa, người cách mạng có đạo đức cách mạng làm nền tảng mới hoàn thành nhiệm vụ một cách vẻ vang. Có đạo đức cách mạng thì khi gặp khó khăn gian khổ, hoặc thậm chí bị thất bại cũng không sợ sệt, rụt rè hoặc lùi bước. Cũng nhờ có đạo đức cách mạng mà người cách mạng không ngần ngại hy sinh tất cả lợi ích riêng của cá nhân mình, khi cần sẵn sàng hy sinh cả tính mạng mình cho Đảng, Tổ quốc, cho nhân dân. Có đạo đức cách mạng thì khi gặp thuận lợi, thành công, khó khăn hay thất bại đều một lòng quyết tâm vì lợi ích của đảng, của dân tộc.
Đạo đức cách mạng theo Tư tưởng Hồ Chí Minh là quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng, cho sự nghiệp giải phóng dân tộc giải phóng giai cấp, giải phóng toàn nhân loại. Ra sức làm việc cho Đảng, giữ vững kỷ luật Đảng, thực hiện tốt đường lối chính sách của đảng. Đặt lợi ích của Đảng, của nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích của cá nhân mình. Vì sự nghiệp của đảng mà hy sinh quên mình, gương mẫu trong mọi việc, là không ngừng nâng cao phẩm chất năng lực bản thân, phải làm cho mình là tấm gương để mọi người noi theo.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” có ý nghĩa cả về lý luận và thực tiễn to lớn, là một tài sản vô giá của toàn Đảng, toàn dân ta. Tác phẩm là một trong những cơ sở cơ bản để định ra những nguyên tắc, chuẩn mực của đạo đức cách mạng và định ra đường hướng đúng đắn trong xây dựng nền đạo đức xã hội, xã hội chủ nghĩa.
Tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” của Hồ Chí Minh là một cuốn sách học tập mà nội dung của nó đã thấm sâu vào lớp lớp cán bộ, đảng viên của Đảng, trở thành vũ khí lý luận, vũ khí tinh thần sắc bén của các thế hệ cán bộ cách mạng. Tác phẩm đã góp phần không nhỏ vào sự khắc phục những sai lầm, khuyết điểm về mặt đạo đức trong cán bộ đảng viên, xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch vững mạnh. Cho đến nay, những nội dung của tác phẩm vẫn giữ nguyên giá trị và mang một ý nghĩa to lớn về thực tiễn trong cuộc đấu tranh chống suy thoái tư tưởng, chống chủ nghĩa cá nhân, tình trạng quan liêu, tham nhũng của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Xây dựng Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh là nhiệm vụ quan trọng trong giai đoạn cách mạng hiện nay, trong đó, nâng cao đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân là nhiệm vụ cấp bách trước mắt và lâu dài, đòi hỏi sự nỗ lực quyết tâm của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội.
Nguyễn Tú Anh
Học Viện Chính Trị, Bộ Quốc Phòng