Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục lý luận cho cán bộ trường Đảng

Theo quan điểm của Người, cán bộ và công tác cán bộ luôn đóng vai trò quan trọng vì cán bộ là cầu nối giữa Đảng với nhân dân, là lực lượng giữ vai trò then chốt, là “gốc” quyết định sự thành bại của mọi việc. Người coi “huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”. Đây là một nội dung xuyên suốt, nhất quán trong tư tưởng và hoạt động của Người. Cán bộ một mặt phải giỏi chuyên môn, mặt khác phải am tường về lý luận, cho nên trong huấn luyện cán bộ, Người đặc biệt chú ý đến giáo dục lý luận cho cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt: “Xem kinh nghiệm của các đảng anh em, thì chúng ta càng thấy sự bức thiết, sự quan trọng của việc học tập lý luận cho Đảng, trước hết là cho các cán bộ cốt cán của Đảng”(2). 

Người nhiều lần nhắc nhở mọi cán bộ, đảng viên phải nhận thức đúng đắn về lý luận và vai trò của nó: “lý luận như cái kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong công việc thực tế”(3). Người chỉ ra rằng, trường Đảng là nơi làm nhiệm vụ giáo dục lý luận cho cán bộ nhằm đáp ứng yêu cầu huấn luyện cán bộ của Đảng, do đảm nhận trọng trách quan trọng trong công tác cán bộ nên trường Đảng cần có những nội dung và phương pháp giáo dục phù hợp.  

Về nội dung giáo dục, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh hai điểm: một là, giáo dục lý luận, chủ yếu là Chủ nghĩa Mác-Lênin và kinh nghiệm của các nước; hai là, giáo dục về đạo đức, lý tưởng cách mạng. Về phương pháp, Người căn dặn “Học tập tinh thần của Chủ nghĩa Mác - Lênin; học tập lập trường, quan điểm và phương pháp của Chủ nghĩa Mác-Lênin để áp dụng lập trường, quan điểm và phương pháp ấy mà giải quyết cho tốt những vấn đề thực tế trong công tác cách mạng của chúng ta”(4). Đó là phương pháp luận chỉ đạo việc giáo dục lý luận đối với đội ngũ cán bộ, giảng viên các trường Đảng. Người căn dặn các giảng viên: “việc biên soạn các bài giảng phải hoàn toàn căn cứ vào yêu cầu của học viên”(5), tùy theo trình độ và điều kiện thực tiễn công tác của đối tượng học viên mà giảng viên có cách thức biên soạn và truyền đạt những nội dung giáo dục phù hợp.

Đối với học viên, để đạt được chất lượng giáo dục tốt nhất, Người cho rằng học viên cần có thái độ và phương pháp học tập đúng đắn.

Một là, phải xác định đúng mục tiêu và nhiệm vụ học tập.

Điều này được Người nhắn gửi trong đầu quyển Sổ vàng khi đến thăm Trường Nguyễn Ái Quốc vào tháng 9-1949 :

“Học để làm việc,

làm người,

làm cán bộ.

Học để phụng sự đoàn thể,

“giai cấp và nhân dân,

 Tổ quốc và nhân loại”

Muốn đạt mục đích thì phải:

Cần, kiệm, liêm, chính

Chí công, vô tư”(6).

Hai là, tự giác và học tập mọi lúc, mọi nơi.

Hồ Chí Minh yêu cầu người học phải tự tìm tòi và suy nghĩ, thể hiện ý thức cầu học, cầu tiến bộ: “Phải tự nguyện, tự giác, xem công tác học tập cũng là một nhiệm vụ mà người cán bộ cách mạng phải hoàn thành cho được, do đó mà tích cực, tự động hoàn thành kế hoạch học tập, nêu cao tinh thần chịu khó, cố gắng, không lùi bước trước bất kỳ khó khăn nào trong việc học tập”(7).

Ba là, suy nghĩ và học tập độc lập.

Đây là một biểu hiện cao của ý thức tự giác, tự nguyện học tập. Hồ Chí Minh căn dặn người học phải đào sâu suy nghĩ và khi đọc tài liệu thì phải hiểu kỹ, xem xét vấn đề có thật đúng hay không, phải đem vấn đề còn nghi vấn ra thảo luận để làm sáng tỏ chứ không phải tuân theo sách vở một cách mù quáng.  

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, xây dựng thái độ học tập đúng và lối tư duy độc lập là một việc cần phải tiến hành thường xuyên. Mục đích của công tác này là đảm bảo tạo ra một lực lượng cán bộ am tường lý luận Mác-Lênin, giỏi chuyên môn và giải quyết tốt vấn đề của thực tiễn cách mạng. Bên cạnh đó, tạo cho người học phát huy tối đa tiềm năng của bản thân trong tìm ra cái mới, nắm vững lý luận để giải quyết đúng đắn những vấn đề thực tế đặt ra. 

Thấm nhuần lời dạy của Người, đội ngũ cán bộ, giảng viên Trường Chính trị tỉnh Bắc Giang không ngừng rèn luyện để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao cho. Hiện nay, Trường đã có 14 giảng viên đạt trình độ thạc sĩ; 5 cán bộ, giảng viên đang theo học thạc sĩ; 30 cán bộ, giảng viên có trình độ cao cấp lý luận chính trị, một số giảng viên đang chuẩn bị theo học để hoàn chỉnh cao cấp lý luận chính trị, hành chính. Hằng năm, các giảng viên thường xuyên tiến hành công tác nghiên cứu thực tế nhằm thu thập các cứ liệu vận dụng vào bài giảng, nâng cao hiệu quả của các giờ lên lớp, giúp học viên có phương pháp học tập đúng đắn, vận dụng những kiến thức lý luận đã học để giải quyết các vấn đề ở địa phương.

Những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục lý luận cho các trường Đảng có giá trị to lớn về nhiều mặt, là cẩm nang để các trường Đảng trong cả nước vận dụng vào thực tiễn giảng dạy và học tập, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ cho nước nhà hôm nay và mai sau. 

-------------

(1), (2), (4), (7) Hồ Chí Minh Toàn tập, NXBCTQG-ST, H. 2002, t.8, tr.492, 495, 497, 499.
(3), (6) Sách đã dẫn, t.5, tr.233, 684.
(5) Sách đã dẫn, t.3, tr.456. 

Phản hồi (1)

Trần Việt Thao 15/04/2012

Kính gửi: BTC TW Đ & TG bài viết ! Sau khi đọc bài viết và tìm hiểu qua thực tế, tôi thấy các trường đảng ở cấp tỉnh, cấp huyện có vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao trình độ LLCT cho cán bộ, đảng viên, đào tạo nguồn lực cán bộ cho cấc cơ sở đảng. Vì vậy, tôi đề nghị Đảng quan tâm quán triệt NQ về nâng cao chât lượng hệ thống chính trị cơ sở, tạo điều kiện nâng cao chất lượng đào tạo ở các trường đảng cấp cơ sở, bao gồm: tạo điều kiện nâng cao trình độ LLCT, kỹ năng nghiệp vụ cho giảng viên; cơ sở vật chất sách giáo khoa, tài liệu phục vụ giảng dạy và ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy; tạo điều kiện cho học viên đi tham quan, đi thực tập, nghiên cứu ở các cơ sở đảng nhằm tránh tình trạng quan liêu trong đào tạo và học tập kinh nghiệm thực tiễn.

1

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất