Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong xây dựng Ngành Ngân hàng

Ngày 6-5-1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh 15/SL thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam là một bộ trực thuộc Chính phủ, tham gia vào việc lập kế hoạch phát triển kinh tế quốc gia, thực hiện những hoạt động liên quan đến ngân hàng, tiền tệ theo quy định. Người đã chủ trương lựa chọn những cán bộ cốt cán, có đức, có tài để bổ nhiệm giữ các chức vụ quan trọng làm nòng cốt trong lĩnh vực ngân hàng.

Năm 1952, trong bức thư gửi cán bộ ngành tài chính - ngân hàng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc nhở: “Cán bộ kinh tế tài chính phụ trách nhiều tiền của, mà chưa hoàn toàn thông thạo việc quản lý tiền của ấy. Cho nên chúng ta cần phải ra sức học tập quản lý tài sản quốc gia mà ngành mình phụ trách.”(1)

 

Việt Nam hiện có 139 tổ chức tín dụng gồm các ngân hàng nhà nước, ngân hàng thương mại, liên doanh, nước ngoài, ngân hàng chính sách, đầu tư phát triển… và 18 công ty tài chính, 12 công ty cho thuê tài chính, 1 quỹ tín dụng nhân dân Trung ương, 1.085 quỹ tín dụng nhân dân cơ sở. Kết quả hoạt động của các ngân hàng trong thời gian qua đã góp phần quan trọng vào ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, kiềm chế lạm phát, đảm bảo khả năng thanh khoản của hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, đi cùng với đó, tình hình tội phạm tham nhũng, lãng phí tại một số ngân hàng đang diễn ra ngày càng phổ biến.  Nhiều vụ án tham nhũng, lãng phí  xảy ra với hậu quả hết sức nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận như vụ án: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Nhận hối lộ”, “Cố ý làm trái”… xảy ra tại huyện Hóc Môn, TP. Hồ Chí Minh gây thiệt hại cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phất triển nông thôn chi nhánh Chợ Lớn 3.000 lượng vàng và 18 tỷ đồng; vụ một số cán bộ ngân hàng câu kết với một nhóm đối tượng ngoài ngành ngân hàng lừa đảo chiếm đoạt 215 tỷ đồng của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, chi nhánh Thái Bình và chi nhánh Đông Đô, Hà Nội…

Một số vụ án mà cơ quan chức năng phát hiện và xử lý cho thấy những thủ đoạn phạm tội trong hoạt động ngân hàng như sau: Cán bộ ngân hàng và ngoài ngành ngân hàng đã tạo dựng các hồ sơ, giấy tờ giả như sổ tiết kiệm khống, thậm chí dùng vàng giả đưa vào thế chấp để tham ô chiếm đoạt tiền của ngân hàng; giả mạo chữ ký khách hàng gửi tiền tiết kiệm để tham ô, lừa đảo; không hạch toán vào tài khoản của khách hàng mà hạch toán vào tài khoản của cá nhân, thông qua tài khoản chuyển tiền đi ngân hàng khác để rút tiền; sử dụng bút toán giả; thu tiền nợ vay không nhập quỹ; lập hồ sơ vay khống hoặc hồ sơ ghi tăng số tiền vay để rút tiền; không thẩm định hoặc cố tình thẩm định sai tài sản thế chấp…Một số cán bộ ngân hàng đã sử dụng các doanh nghiệp tư nhân “sân sau” để thực hiện các hành vi như tham ô, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ để chiếm đoạt tiền của tổ chức ngân hàng và Nhà nước.

 

Quán triệt sâu sắc quan điểm và lời dạy của Chủ tịch Hồ Chi Minh, về xây dựng Ngành Ngân hàng, nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong lĩnh vực ngân hàng, theo chúng tôi cần tập trung thực hiện hiệu quả một số giải pháp sau:

Một là, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng cần tiếp tục đưa hoạt động tín dụng, ngân hàng thành một trong những lĩnh vực trọng tâm cần tập trung chỉ đạo, trong đó phòng chống tham nhũng trong tái cấu trúc ngân hàng và hoạt động của các tổ chức tín dụng. Nhà nước rà soát lại cơ chế, chính sách tài chính ngân hàng. Kịp thời sửa đổi, bổ sung chính sách có liên quan đến hoạt động của ngành như: bảo lãnh, thế chấp, cầm cố, phát mãi tài sản thế chấp đã bị lỗi thời.

Hai là, bản thân các ngân hàng nâng cao hiệu quả kiểm tra, giám sát đối với hồ sơ vay vốn ngay từ khâu tiếp nhận hồ sơ đến khi giải ngân vốn. Ngân hàng Nhà nước kiểm soát chặt chẽ việc cấp phép thành lập các ngân hàng thương mại nhỏ, kiểm soát, thanh tra toàn diện hoạt động của các ngân hàng là “sân sau” của các tổ chức, tập đoàn kinh tế chiếm phần vốn chi phối. Cần phối hợp, trao đổi thông tin chặt chẽ giữa cơ quan bảo vệ pháp luật với các đơn vị thanh tra, giám sát ngân hàng, nhất là trong việc phối hợp thu hồi tài sản thất thoát, trao đổi thông tin, kinh nghiệm và các biện pháp phòng, chống tham nhũng, lãng phí...

Ba là, tuyển chọn, chọn lọc kỹ khi phân công, bổ nhiệm các cán bộ, công chức Ngành Ngân hàng. Thường xuyên tổ chức kiểm tra, thanh lọc, giáo dục cán bộ trong hệ thống ngân hàng từ Trung ương đến cơ sở.

 Bốn là, xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị ngân hàng để xảy ra tình trạng tham nhũng, lãng phí. Ở những ngân hàng có vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng kéo dài, thì phải xem xét trách nhiệm của cả người đứng đầu. Cần áp dụng hình thức khen thưởng đối với thủ trưởng và tập thể đơn vị đã làm tốt công tác tự kiểm tra phát hiện tham nhũng, tiêu cực trong đơn vị mình, tự xử lý hoặc đề nghị cơ quan thuộc thẩm quyền xử lý nghiêm minh, đúng theo quy định của pháp luật.

Năm là, coi trọng công tác tuyên truyền, giáo dục phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ ngành ngân hàng. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cần được tiến hành thường xuyên, liên tục và sâu rộng hơn nữa. Dựa vào nhân dân và báo chí để tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong hoạt động ngân hàng. Cần đưa nhân dân vào các bộ phận thanh tra, kiểm soát tham nhũng để hoạt động hiệu quả hơn.

-------------

1- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tập 6, tr.416.


Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất