Bộ Tài nguyên và Môi trường: Năm 2014 đã lựa chọn 05 khu vực mỏ để lấy ý kiến các địa phương về khu vực cấm/tạm thời cấm hoạt động khoáng sản; đã phê duyệt kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Tuy nhiên, công tác đấu giá chưa thực hiện được, vì chưa đủ số lượng tổ chức, cá nhân tham gia theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị định số 22/2012/NĐ-CP. Để tăng tính khả thi, Bộ TN&MT đã đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản trong Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29-11-2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật khoáng sản như: giảm số lượng tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá từ 03 xuống 02; điều chỉnh quy định vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp bằng 30% dự án đầu tư khai thác và hướng dẫn cách xác định tổng dự toán của dự án đầu tư khai thác khoáng sản.
Sau khi Nghị định số 158/2016/NĐ-CP có hiệu lực, Bộ TN&MT đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố có liên quan lựa chọn 10 khu vực mỏ và lấy ý kiến 06 tỉnh về khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản. Đến nay, Bộ trưởng Bộ TN&MT đã phê duyệt kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản năm 2017 cho 03 khu vực mỏ: (1) quặng sắt khu vực Nam Phia Đăm, tỉnh Bắc Kạn; (2) quặng sắt khu vực Bản Phắng 2, tỉnh Bắc Kạn; (3) quặng apatit khai trường 19b, tỉnh Lào Cai; chỉ đạo lập kế hoạch đấu giá năm 2018 cho 06 khu vực: (1) quặng đất hiếm khu vực Nam Đông Pao, tỉnh Lai Châu; (2) chì kẽm khu vực Lũng Mơ - Đồng Trang, tỉnh Tuyên Quang; (3) chì kẽm khu vực Sơn Đô, tỉnh Tuyên Quang; (4) đá granit khu vực Hòn Giồ, tỉnh Ninh Thuận; (5) đá trang trí mỹ nghệ khu vực Suối Giàng 2 thuộc huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái; (6) cát trắng khu vực Cây Táo 3, tỉnh Bình Thuận.
Ngày 28-9-2018, Bộ TN&MT đã tổ chức thành công phiên đấu giá đầu tiên cho khu vực quặng sắt Nam Phia Đăm (Bắc Kạn) với giá trúng đấu giá là R=2,7% (tăng 35% so với giá khởi điểm là 2%). Hiện nay, Bộ đang chỉ đạo tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với mỏ apatit khai trường 19b, tỉnh Lào Cai. Dự kiến thực hiện trong Quý IV năm 2018.
Các địa phương, đến hết năm 2017 đã có 33/63 tỉnh, thành phố trong cả nước lập và phê duyệt kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản cho 367 khu vực khoáng sản. Trong đó đã có 14/17 tỉnh, thành phố (Bình Thuận, Gia Lai, Hà Tĩnh, Kon Tum, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Quảng Bình, Quảng Nam, Thái Nguyên, Yên Bái, Lào Cai, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Thanh Hóa) đã tổ chức đấu giá thành công tại 132 khu vực mỏ, gồm: 51 khu vực đã có kết quả thăm dò khoáng sản với số tiền trúng đấu giá trên 200 tỷ đồng; 81 khu vực chưa có kết quả thăm dò khoáng sản (nhìn chung giá trúng đấu giá các khu vực mỏ nêu trên đều tăng trên 10% so với mức giá khởi điểm).
Đến tháng 9 năm 2018 có 24/63 tỉnh đã ban hành kế hoạch đấu giá đối với 464 khu vực, theo đó có 14 tỉnh đã tổ chức thành công đấu giá đối với 163 khu vực (chưa có kết quả thăm dò: 103 khu vực và đã có kết quả thăm dò: 60 khu vực) với tổng số tiền trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản là gần 70 tỷ đồng.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ TN&MT đã lập kế hoạch đánh giá, rút kinh nghiệm 05 năm thực hiện các quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản trên phạm vi cả nước. Trên cơ sở đó sẽ tổng hợp, đề xuất Chính phủ việc xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số của Nghị định số 22/2012/NĐ-CP quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản để phù hợp với thực tiễn quản lý, đặc thù của các mỏ khoáng sản ở Việt Nam, tăng tính khả thi của các quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản.