Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Báo chí là người tuyên truyền, cổ động, tổ chức chung, người lãnh đạo chung. Báo Thanh Niên ra đời đã mở đầu cuộc cách mạng tư tưởng, đưa nền tảng tư tưởng truyền thống của dân tộc lên một tầm cao mới. Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đã đào tạo những người làm báo vô sản đầu tiên của Việt Nam.
Sau báo Thanh Niên, Nguyễn Ái Quốc lập ra báo Kông Nông (1926), báo Lính Kách mệnh (1927), báo Búa liềm (1929)… để tuyên truyền, giáo dục lòng yêu nước, giác ngộ tinh thần đoàn kết, liên minh, làm cách mạng của quần chúng nhân dân. Theo thống kê của Phủ Toàn quyền Pháp, đến tháng 6-1936, cả nước có 230 tờ báo, tạp chí, tập san các loại. Với nội dung nổi bật, báo chí cách mạng Việt Nam đã giương cao ngọn cờ cách mạng, nói lên ý chí, khát vọng của dân tộc và chỉ rõ phương hướng đấu tranh của nhân dân Việt Nam vì độc lập, tự do và CNXH. Những năm sau đó, báo chí đã kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, phục vụ tích cực cho việc xây dựng lực lượng vũ trang tiến tới Tổng khởi nghĩa giành chính quyền Tháng Tám năm 1945.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, hàng loạt các báo, tạp chí lần lượt ra đời như: Cứu quốc, Nhân Dân, Thông tấn xã, Giải phóng, Quân đội nhân dân, Tạp chí Cộng sản, Văn nghệ, Tiền phong, Lao động... và Đài Tiếng nói Việt Nam đã phục vụ tích cực cho công tác xây dựng Đảng, tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin và đường lối cách mạng của Đảng, kiên quyết chống đế quốc, phong kiến, chuẩn bị điều kiện để đón thời cơ đưa cách mạng tiến lên một cao trào mới. Trong thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ, báo chí cách mạng Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc. Ngoài các cơ quan báo chí đã có như báo Nhân Dân, Quân đội nhân dân, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, hàng loạt tờ báo, tạp chí, đài phát thanh, truyền thanh đã ra đời từ Trung ương, các ngành, đoàn thể, đến các thành phố, tỉnh, huyện. Một số tờ báo tiếng nước ngoài đã được xuất bản để giới thiệu Việt Nam với bạn bè quốc tế, góp phần đấu tranh trên mặt trận ngoại giao.
Ngày 20-5-1957, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ban bố Luật số 100/SL/L.002 - Luật Báo chí đầu tiên ở nước ta. Chương I của Luật khẳng định trách nhiệm của báo chí và nhà báo cách mạng: Báo chí dưới chế độ ta, bất kỳ là của một cơ quan chính quyền, đảng phái chính trị, đoàn thể nhân dân hoặc của tư nhân cũng đều là công cụ đấu tranh của nhân dân, phải phục vụ quyền lợi của Tổ quốc, của nhân dân, bảo vệ chế độ dân chủ nhân dân, ủng hộ chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Suốt 98 năm qua, đặc biệt là trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, những người làm báo đã vượt lên mọi khó khăn, không quản hy sinh, có mặt trên tất cả các mặt trận để kịp thời phản ánh mọi diễn biến của cuộc đấu tranh. Hàng nghìn lượt cán bộ, phóng viên báo chí đã sát cánh cùng bộ đội, dân công chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên các mặt trận. Hàng trăm nhà báo - liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của báo chí cách mạng nước nhà.
Bước sang thời kỳ đổi mới và hội nhập, đây là giai đoạn lịch sử có ý nghĩa trọng đại trong sự nghiệp phát triển đất nước, là quá trình cải biến sâu sắc, toàn diện, triệt để sự nghiệp cách mạng to lớn của toàn Đảng, toàn dân vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta đã đạt được những thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử. Các cơ quan báo chí đã thực hiện tốt vai trò là cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp, là diễn đàn của nhân dân, giữ vững định hướng chính trị, kịp thời phê phán, đấu tranh với những gì là cũ kỹ, lạc hậu, cản trở đổi mới, chống các hiện tượng tiêu cực, chống tham nhũng, lãng phí, những thói hư, tật xấu trong xã hội, đấu tranh chống các quan điểm sai trái, âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hoà bình” của các thế lực phản động, thù địch, bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, góp phần vào việc củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ XHCN.
Báo chí đã phát hiện, cổ vũ, động viên nhân rộng các điển hình, nhân tố mới, tạo nên các phong trào hành động cách mạng sôi nổi trên mọi lĩnh vực, làm nên những thành tựu to lớn; đồng thời, là cầu nối quan trọng trong thông tin đối ngoại, tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị hợp tác với nhân dân các nước, góp phần nâng cao vai trò, vị thế Việt Nam trong cộng đồng thế giới. Báo chí còn là diễn đàn tin cậy, thể hiện ý chí, tình cảm, nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân, tham gia đóng góp ý kiến với Đảng, Nhà nước giải quyết những vấn đề đặt ra trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước.
Ngày nay, báo chí nước nhà đã phát triển khá nhanh về số lượng và chất lượng, hình thành hệ thống thông tấn, báo chí, phát thanh, truyền hình rộng khắp cả nước, hiện có 127 báo và 670 tạp chí; 72 đài phát thanh, truyền hình. Nhân sự trong lĩnh vực báo chí khoảng 41.000 người (khối phát thanh, truyền hình khoảng 16.500 người). Trong đó, hơn 19.300 trường hợp được cấp thẻ nhà báo.
Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đưa ra định hướng, quan điểm: Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại. Trong đó, tính nhân văn, chính xác, khách quan là giá trị cốt lõi và là lý do tồn tại của báo chí. Một nền báo chí nhân văn sẽ có sức mạnh bảo vệ, phát huy giá trị tốt đẹp của xã hội.
Trong bối cảnh mới với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, truyền thông và sự cạnh tranh gay gắt của các loại hình báo chí, báo chí cách mạng Việt Nam cần tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò đặc biệt quan trọng - là tiếng nói của Đảng, Nhà nước, của các tổ chức chính trị - xã hội, nghề nghiệp, là diễn đàn tin cậy của nhân dân, đồng thời cũng là vũ khí sắc bén chống lại các thế lực thù địch, đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, chống tiêu cực, bảo vệ lợi ích hợp pháp của nhân dân. Với phương châm “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, “lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực”.
Đồng hành với mục tiêu chung đó là khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết và tự lực, tự cường của nhân dân. Để làm được việc này phải thông qua giáo dục, do đó trách nhiệm của báo chí là rất quan trọng, hướng người dân làm theo. Đồng thời, phải đồng hành với an sinh xã hội, đây là lợi thế của báo chí.
Tự hào về truyền thống vẻ vang với những bước phát triển, trưởng thành vượt bậc và cống hiến to lớn trong suốt 98 năm qua, đội ngũ những người làm báo hôm nay càng nhận thức sâu sắc sứ mệnh, trọng trách của mình trong thời kỳ phát triển mới của đất nước, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thách thức, trung thành tuyệt đối với mục tiêu và lý tưởng của Đảng, tiếp tục đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta nỗ lực phấn đấu vươn lên, hiện thực hóa khát vọng xây dựng nước Việt Nam vững mạnh, hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc.
Trần Công Huyền