|
Đồng chí Nguyễn Văn Lợi - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy (ngồi giữa) tại Hội nghị trao quyết định cho cán bộ ngày 3-6-2022.
|
Để chủ động nguồn cán bộ cho 5-10 năm tới, ngay từ đầu mỗi nhiệm kỳ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đều chỉ đạo thực hiện rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch cán bộ trong nhiệm kỳ và xây dựng đề án quy hoạch cán bộ cho nhiệm kỳ tiếp theo; trên cơ sở tiêu chuẩn chung của cán bộ được nêu trong Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” và tiêu chuẩn của từng chức danh cán bộ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và lãnh đạo các đơn vị đánh giá, lựa chọn cán bộ để quy hoạch, đào tạo, luân chuyển tiếp cận công việc, tạo nguồn cán bộ ngang tầm yêu cầu nhiệm vụ cho nhiệm kỳ hiện tại và những nhiệm kỳ kế tiếp.
Sau thời gian thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII) và các nghị quyết của Trung ương, Tỉnh ủy về công tác cán bộ, Bình Dương đã đẩy mạnh công tác quy hoạch, luân chuyển và bố trí cán bộ, đã giới thiệu 2.762 lượt cán bộ ứng cử và bổ nhiệm, đào tạo chuyên môn cho 2.859 lượt cán bộ, cử tham gia đào tạo lý luận chính trị cho 3.278 lượt cán bộ và bồi dưỡng, tập huấn cho 82.379 lượt cán bộ. Qua đó, đã giúp cho chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trên địa bàn tỉnh được nâng cao, trong đó đội ngũ cán bộ lãnh đạo là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã nâng cao trình độ chuyên môn, bản lĩnh chính trị vững vàng và phát huy năng lực hoạt động thực tiễn, có phẩm chất đạo đức, uy tín, đóng góp lớn vào thực hiện hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị của tỉnh.
Hiện nay, tổng số cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý là 375 người. Trong đó, nữ 78 người, nam 297 người; về độ tuổi: dưới 40 tuổi có 22 người, từ 41 đến 50 tuổi có 191 người, từ 51 tuổi trở lên có 162 người; về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ: tiến sĩ có 10 người, thạc sỹ có 151 người, đại học có 214 người. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt của tỉnh qua các thời kỳ đã từng bước được đào tạo, thử thách và rèn luyện trong thực tiễn để hoàn thiện, nâng cao bản lĩnh chính trị; đảm bảo các tiêu chuẩn về phẩm chất đạo đức của người đứng đầu, chuẩn hóa về tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị và sự phân bổ hợp lý về cơ cấu cán bộ nữ, cơ cấu 3 độ tuổi để đảm bảo sự phát triển ổn định, có tính kế thừa và hạn chế được tình trạng hụt hẫng cán bộ. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý từ tỉnh đến cơ sở nói chung đều có sự phấn đấu vươn lên để hoàn thành nhiệm vụ, chức trách được giao; có bản lĩnh chính trị vững vàng, năng động sáng tạo, hăng hái thực hiện đường lối, chủ trương đổi mới của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đó là kết quả của quá trình đào tạo, bồi dưỡng bài bản về trình độ học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, quản lý nhà nước, các kiến thức bổ trợ,... cho đội ngũ cán bộ, công chức ở các cấp, các ngành trong tỉnh, giúp cho đội ngũ cán bộ, công chức vừa có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đạt tiêu chuẩn chức danh quy định, vừa trưởng thành qua thực tiễn, có kinh nghiệm và khả năng đề xuất tổ chức thực hiện, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ công tác.
Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm, công tác cán bộ thời gian qua tỉnh Bình Dương vẫn còn một số mặt hạn chế như tình trạng cử cán bộ đi đào tạo chưa đúng chuyên ngành, đơn vị hạn chế cử cán bộ tham gia các lớp đào tạo tập trung do lo ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị; một số cán bộ chưa phát huy được năng lực thực tiễn tương xứng với bằng cấp hiện có; nhiều nơi bố trí, sắp xếp cán bộ chưa đúng theo chuyên ngành đào tạo và vị trí việc làm chưa phù hợp; trình độ cán bộ chưa đồng đều giữa các địa bàn khác nhau trong tỉnh; trong thực tiễn, thời gian qua đã có một số cán bộ vi phạm quy định của Đảng và pháp luật Nhà nước, bị kỷ luật, thậm chí bị khởi tố.
5 bài học kinh nghiệm
Từ kết quả đạt được trong công tác xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trong 25 năm qua, tỉnh Bình Dương rút ra một số bài học kinh nghiệm:
Một là, công tác tổ chức và cán bộ phải kết hợp chặt chẽ với công tác xây dựng Đảng về chính trị và tư tưởng, quán triệt nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ thông qua các tổ chức đảng, đảng viên. Việc cụ thế hóa Nghị quyết bằng các quy định, quy chế và thực hiện tốt quy trình công tác cán bộ nhằm phát huy dân chủ, thực hiện công khai, minh bạch trong công tác cán bộ, đảm bảo sự đoàn kết thống nhất, tạo động lực cho cán bộ rèn luyện, phấn đấu và trưởng thành là các yếu tố quan trọng trong việc xây dựng và thực hiện chiến lược cán bộ nói chung và xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý nói riêng.
Hai là, xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý phải gắn với công tác sắp xếp, bố trí sử dụng, nâng cao hiệu quả hoạt động của từng cơ quan đơn vị. Thường xuyên quan tâm đến việc kiện toàn nhân sự, củng cố tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị các cấp.
Ba là, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phải dựa trên cơ sở quy hoạch cán bộ. Bố trí cán bộ phải căn cứ vào chức năng nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, yêu cầu công tác, đúng nghiệp vụ chuyên môn đã được đào tạo và năng lực sở trường công tác của cán bộ.
Bốn là, thực hiện việc luân chuyển, điều động tạo điều kiện cho cán bộ trong diện quy hoạch được rèn luyện trong thực tiễn để thông qua đó đánh giá, tuyển chọn, bố trí cán bộ hợp lý, hiệu quả.
Năm là, thường xuyên kiểm tra giám sát công tác cán bộ để kịp thời phát hiện uốn nắn, xử lý những lệch lạc, sai phạm; phát huy vai trò giám sát của các đoàn thể và lắng nghe ý kiến của nhân dân để phát hiện và kiểm tra, giám sát, đánh giá, sàng lọc, tuyển chọn cán bộ lãnh đạo, quản lý đạt hiệu quả cao.
|
Đồng chí Nguyễn Văn Lợi - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy (đứng giữa) tại Hội nghị trao quyết định cho cán bộ ngày 3-6-2022.
|
3 giải pháp thời gian tới
Trong thời gian tới, công tác cán bộ tỉnh Bình Dương cần phải tập trung đổi mới một số nội dung nhằm tạo bước chuyển biến mạnh mẽ. Tỉnh đã đề xuất 3 giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý. Trong đó, xác định đổi mới công tác đánh giá cán bộ sẽ tạo nên sự chuyển biến căn bản, quan trọng, có tính đột phá. Cụ thể là:
Một là, đổi mới công tác đánh giá cán bộ. Coi trọng đánh giá chất lượng, hiệu quả thực tế thực hiện nhiệm vụ theo chức trách, nhiệm vụ được giao và đề cao trách nhiệm người đứng đầu; đồng thời, có cơ chế kiểm soát được quy trình, độ tin cậy của sản phẩm, kết quả công tác của cán bộ gắn với đánh giá thực chất thái độ, động cơ chính trị, nghề nghiệp của mỗi cán bộ.
Việc đánh giá cán bộ trên cơ sở kết hợp hài hòa giữa đạo đức, nhân văn, khoa học và pháp lý. Cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, các quy định về công tác cán bộ, tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí, cơ chế đánh giá cán bộ. Xây dựng môi trường văn hóa dân chủ, phản biện, tự phê bình và phê bình, bình đẳng, khách quan, công bằng, công khai trong đánh giá cán bộ và công tác cán bộ; tiếp thu nguồn thông tin phản ánh về cán bộ từ nhiều cá nhân và tổ chức; tổng hợp giữa sản phẩm, chất lượng, hiệu quả công tác với “uy tín thật” về phẩm chất, năng lực, đạo đức, lối sống của cán bộ qua đồng nghiệp, tập thể, những nơi cán bộ làm việc, công tác và nơi cư trú, cùng các mối quan hệ gia đình, xã hội khác có liên quan.
Hai là, đổi mới công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ: Công tác quy hoạch cán bộ cần tiếp tục được đổi mới theo hướng xây dựng “thị trường nhân tài” dồi dào, phong phú từ nhiều nguồn khác nhau; tăng yếu tố “cạnh tranh” trong lựa chọn hiền tài, bảo đảm cho đội ngũ công chức được xây dựng, phát triển bền vững, chuyển tiếp liên tục, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Cần đổi mới cách thức tuyển chọn cán bộ theo hướng tăng cường tính chủ động trong việc đi tìm cán bộ theo kiểu “vì việc chọn người”, nhằm hạn chế tình trạng “chạy chức, chạy quyền” của cán bộ thông qua các mối quan hệ thân quen giới thiệu.
Việc đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ cần phải có kế hoạch với trình tự, đối tượng cụ thể. Ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng để tạo ra những cán bộ lãnh đạo, quản lý “kiểu mẫu” trước khi muốn lập ra một đơn vị, địa phương “kiểu mẫu”; sau khi làm được một nơi, từ nhỏ đến lớn rồi lấy đó để khuyến khích và nhân rộng mô hình ở nơi khác. Trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cần ưu tiên lựa chọn, sử dụng cán bộ tại chỗ, có am hiểu về đặc điểm, tình hình của địa phương, đơn vị để đảm bảo phù hợp, ổn định giữa lịch sử phát triển của địa phương, đơn vị và yêu cầu đổi mới.
Ba là, Đổi mới công tác chính sách, cơ chế, quy định kiểm soát quyền lực, phòng, chống tiêu cực trong công tác cán bộ: Cần xây dựng thể chế đảm bảo tính khoa học tất cả các khâu trong công tác cán bộ. Kiểm soát đồng bộ từ cá nhân đến tập thể cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo, quản lý ở các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, nhất là bộ phận trực tiếp chuyên trách, tham mưu về công tác tổ chức - cán bộ gắn với kiểm soát nhân sự cán bộ, đặc biệt là cán bộ trong diện quy hoạch. Thực hiện nghiêm việc kiểm soát quyền lực gắn với chế tài pháp lý chặt chẽ. Kiên quyết đấu tranh với các biểu hiện tiêu cực trong công tác cán bộ. Xử lý nghiêm, đồng bộ giữa kỷ luật Đảng với pháp luật của Nhà nước với cán bộ vi phạm, kể cả khi đã chuyển công tác hoặc nghỉ hưu./.
H.Hào