Cần hoàn thiện cơ chế, chính sách về bảo hiểm xã hội
Đây là một trong những nội dung được gần 200 đại biểu là đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành TƯ; các nhà khoa học, nhà quản lý; các chuyên gia cao cấp của các tổ chức quốc tế (Ngân hàng Thế giới; Dự án hỗ trợ an sinh xã hội; Văn phòng Tổ chức Hợp tác phát triển Đức; Cơ quan bảo đảm xã hội và y tế quốc tế Pháp; Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam); UBND và BHXH một số tỉnh, thành phố quan tâm đánh giá và thảo luận tại Hội thảo "Vấn đề thu, nợ BHXH, BHYT - thực tiễn Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế" do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và BHXH Việt Nam phối hợp tổ chức, diễn ra tại Hà Nội ngày 15-10-2014.
Các đồng chí: Nguyễn Thiện Nhân, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Vũ Văn Ninh, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Vũ Trọng Kim, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký MTTQ Việt Nam và Đỗ Văn Sinh, Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam đồng chủ trì Hội thảo.
Doanh nghiệp trốn đóng, nợ BHXH- quyền lợi của người lao động bị xâm phạm
Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, tính đến hết 31-12-2013 số thu BHXH bắt buộc là 105.018 tỷ đồng với gần 11 triệu người tham gia, số người tham gia BHXH tự nguyện là 173.584 người, số người tham gia BH thất nghiệp là gần 8,7 triệu người (chiếm khoảng 80% số người tham gia BHXH bắt buộc), số người tham gia BHYT là trên 61 triệu người (với tỷ lệ bao phủ xấp xỉ 69%).
Tuy nhiên, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đỗ Văn Sinh cho biết, tình trạng nợ BHXH, BHYT đang diễn ra phổ biến và có chiều hướng gia tăng qua các năm về cả số đơn vị nợ lẫn số tiền nợ. Cụ thể, theo báo cáo của BHXH các tỉnh, thành phố, tính đến hết tháng 8-2014, có 47.315 đơn vị (chiếm tỷ lệ cao khoảng 18% trong tổng số đơn vị tham gia BHXH) với gần 674.000 lao động (chiếm khoảng 6,7% lao động tham gia BHXH) còn nợ tiền BHXH, BHYT với số tiền nợ là 11.562 tỷ đồng, bằng 6,49% kế hoạch giao thu. Đáng chú ý là trong số các đơn vị nợ BHXH, BHYT, đã có trên 8.000 đơn vị ngừng hoạt động, với gần 7.000 đơn vị không còn giao dịch với cơ quan BHXH và có hơn 30.000 số lao động tại các đơn vị này có nguy cơ mất quyền lợi cơ bản về BHXH, BHYT.
Hiện nay trên cả nước, số đối tượng có quan hệ lao động thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc là 16 triệu người, nhưng mới có gần 11 triệu lao động tham gia BHXH bắt buộc, còn khoảng 5 triệu lao động chưa được tham gia BHXH, BHYT, tương ứng với số thu BHXH, BHYT khoảng 56.000 tỷ đồng/năm. Đây là thất thoát lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến Quỹ BHXH và quyền lợi của người lao động.
Đồng chí Đỗ Văn Sinh nhấn mạnh, hiện có trên 300.000 doanh nghiệp đang hoạt động, nhưng  mới chỉ có gần 150.000 doanh nghiệp đăng ký tham gia với cơ quan BHXH, như vậy có đến 50% số doanh nghiệp trốn đóng BHXH. Trên thực tế, tình trạng nợ đọng, trốn đóng BHXH, BHYT đã gây khó khăn rất lớn cho cơ quan BHXH nhiều năm nay. Với số tiền nợ BHXH, các chủ sử dụng lao động gần như bỏ rơi người lao động, không thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm đối với người lao động, không hợp tác với cơ quan BHXH để giải quyết chế độ cho người lao động theo đúng quy định của pháp luật. Các hành vi này đã gây ảnh hưởng lớn đến trật tự, an toàn xã hội mà trực tiếp vi phạm tới các lợi ích cơ bản về an sinh xã hội của người lao động.
Bất cập trong cơ chế, chính sách
Để xảy ra tình trạng "nhờn Luật" trên là do cơ chế, chính sách còn nhiều bất cập, cụ thể có thể điểm tên như: quy định mức lãi suất chậm đóng BHXH thấp hơn mức lãi suất vay ngân hàng, vô tình khuyến khích doanh nghiệp cố tình nợ BHXH để chiếm dụng quỹ BHXH; mặt khác, cơ quan BHXH lại không được quyền xử phạt nên hiệu quả công tác kiểm tra không cao;…
Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Mai Đức Chính cũng cho rằng, nguyên nhân của tình trạng nợ, chậm đóng BHXH, BHYT thì rất nhiều nhưng mấu chốt là do chế tài xử phạt chưa đủ mạnh, lãi suất chậm đóng thấp, mức xử phạt hành chính thiếu tính răn đe; công tác thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT còn chưa thường xuyên, kiên quyết; mặt khác người lao động cũng chưa hiểu đúng, nhận thức rõ được và mất gì khi tham gia BHXH, BHYT và cũng không loại trừ nguyên nhân công đoàn cơ sở chưa tuyên truyền và thực hiện tốt chức năng đại diện, bảo vệ người lao động tại đơn vị.
Phó Chủ tịch Thường trực Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Hoàng Văn Dũng cho rằng, nhận thức về trách nhiệm và quyền lợi tham gia BHXH, BHYT bắt buộc của người sử dụng lao động còn hạn chế, nhất là khu vực ngoài Nhà nước, do vậy việc đóng chậm, đóng thiếu hoặc trốn đóng thường xuyên xảy ra. Cũng có những trường hợp người sử dụng lao động hiểu rất rõ trách nhiệm và quyền lợi tham gia BHXH, BHYT cho người lao động, nhưng lại cố tình không đóng BHXH, BHYT, hoặc chỉ đóng BHXH, BHYT cho một số người trong bộ khung quản lý của đơn vị để giảm chi phí, thu lợi nhuận nhiều hơn hoặc lạm dụng tỷ lệ lãi suất phạt chậm nộp thấp hơn lãi suất ngân hàng, thủ tục vay ngân hàng phức tạp nên cố tình nợ BHXH, BHYT. Nếu không có biện pháp buộc chủ sử dụng lao động tuân thủ pháp luật về BHXH thì mục tiêu đến năm 2020 sẽ khó đạt được trên 50% lực lượng lao động tham gia BHXH.
Cần hoàn thiện cơ chế, chính sách và tăng chế tài xử phạt
Tại Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận và đưa ra nhiều giải pháp thiết thực nhằm giải quyết tình trạng này, như: giao chức năng thanh tra thu cho cơ quan BHXH; đề nghị bổ sung vào Bộ Luật Hình sự tội trốn đóng BHXH, tội chiếm dụng tiền BHXH của người lao động; quy định người lao động có thể trình hợp đồng lao động để báo cơ quan BHXH mình thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển; tăng diện bao phủ BHXH cần có sự hỗ trợ của Chính phủ đối với người lao động thuộc nhóm đối tượng phi chính thức…
Đại diện cho giới chủ sử dụng lao động, Phó Chủ tịch Thường trực Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Hoàng Văn Dũng nhấn mạnh từ năm 2012, do tình hình khó khăn chung của nền kinh tế - xã hội, các doanh nghiệp bị thu hẹp thị trường tiêu thụ, hàng hóa tồn kho đọng nhiều, khách hàng cũng gặp khó khăn nên chậm thanh toán, có hợp đồng thì lại gặp khó khăn trong việc thiếu nguồn vốn, người lao động thì thiếu việc làm... Chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm 2014, có 53.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập nhưng đã có 48.000 doanh nghiệp tuyên bố giải thể.

Đại diện VCCI đề xuất, Chính phủ, các nhà hoạch định chính sách cần nghiên cứu điều chỉnh các chính sách của Nhà nước có liên quan đến BHXH, BHYT và các hình thức bảo hiểm bắt buộc khác mà doanh nghiệp phải thực hiện để bảo đảm quyền lợi cho người lao động. Các cơ chế, chính sách này cần phải được tính toán hợp lý, trên cơ sở nghiên cứu khoa học, đồng thời cũng phải căn cứ vào tình hình kinh tế và sức khỏe của doanh nghiệp để đưa ra chính sách hợp lý, tạo điều kiện cho doanh nghiệp vừa trả được nợ BHXH, vừa tiếp tục sản xuất kinh doanh, tránh việc đưa ra các quyết định không phù hợp, thiếu cơ sở và tạo thêm sức ép cho doanh nghiệp.
Chia sẻ các kinh nghiệm quốc tế, đại diện Cơ quan Bảo đảm Xã hội và Y tế quốc tế Pháp cùng Ngân hàng Thế giới nhấn mạnh, phải bổ sung các chế tài xử lý vi phạm mạnh hơn nữa, và đặc biệt hệ thống quản lý BHXH cần xây dựng mã số định danh cá nhân, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung và đẩy mạnh đầu tư, đưa công nghệ thông tin vào việc giao dịch, quản lý chính sách BHXH.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh khẳng định, trong thời gian tới phải hoàn thiện cơ chế chính sách tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển và phát huy đầy đủ quyền lợi, nghĩa vụ của mình trong việc bảo đảm quyền lợi cho người lao động, đồng thời đảm bảo tính bình đẳng về chính sách BHXH, BHYT trong cơ chế thị trường; quy định chế tài xử lý vi phạm BHXH mạnh, có tính răn đe, để doanh nghiệp chủ động thực hiện tốt chính sách BHXH, BHYT; bổ sung và dần hoàn thiện chính sách BHXH, BHYT hướng tới BHXH cho mọi người lao động và BHYT toàn dân; khuyến khích nhân dân, doanh nghiệp tham gia thực hiện các chính sách bảo hiểm; tăng cường tuyên truyền phổ biến pháp luật về lĩnh vực bảo hiểm; đẩy mạnh cải cách hành chính, cũng như công tác phối hợp giữa các bộ, ban, ngành, địa phương, đơn vị nhằm bảo vệ quyền lợi cho người lao động; tăng cường nguồn lực của Nhà nước, đảm bảo lưới an sinh…
Phát biểu kết luận Hội thảo, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, để khắc phục các hạn chế, yếu kém trong việc xây dựng và triển khai chính sách BHXH, BHYT, bên cạnh nỗ lực của các cơ quan nhà nước, đòi hỏi phải có sự vào cuộc của tất cả các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và toàn thể nhân dân. Với vai trò là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân và là một trong các cơ quan được giao chức năng giám sát, phản biện xã hội, MTTQ Việt Nam sẽ tiếp thu ý kiến trao đổi tại Hội thảo, trên cơ sở đó sẽ tiếp tục tham gia kiểm tra, giám sát, từ đó đưa ra các kiến nghị, giải pháp nhằm hoàn thiện chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT trong thời gian tới.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cũng đề nghị Chính phủ cần xây dựng gói chính sách bảo hiểm cho sát đối tượng, xác định rõ mức ngân sách dành cho chính sách này cho các giai đoạn cụ thể. Đặc biệt cần chú ý xây dựng và thiết kế lại gói chính sách BHXH tự nguyện để tăng tính hấp dẫn, thu hút người tham gia, vì đây là đối tượng chính mà Dự thảo Luật BHXH sửa đổi và Luật BHYT sửa đổi đang hướng tới trong việc mở rộng đối tượng, nhằm hoàn thành mục tiêu BHXH cho mọi người lao động, BHYT toàn dân, trên tinh thần Nghị quyết số 21 của Bộ Chính trị. Và để đảm bảo tính nghiêm minh trong việc thực thi chính sách BHXH, BHYT, hạn chế tối đa việc xâm hại lợi ích của hàng vạn người lao động, gây thiệt hại, thất thu cho Quỹ BHXH và Ngân sách Nhà nước, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đồng tình với việc bổ sung trách nhiệm hình sự đối với hành vi trốn đóng, nợ đọng BHXH kéo dài.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất