Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu 5 nhiệm vụ để TP.HCM khôi phục, phát triển kinh tế trong giai đoạn bình thường mới

Đồng chí Nguyễn Văn Nên - Bí thư Thành ủy TP.HCM phát biểu tại Hội nghị.

Thành phố đã kiểm soát được dịch COVID-19

Báo cáo tóm tắt kết quả công tác phòng, chống dịch bệnh, các giải pháp để kiểm soát dịch COVID-19, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Thành phố trong thời gian tới, Đồng chí Dương Anh Đức - Phó Chủ tịch UBND thành phố phát biểu:

Từ khi phát hiện ca nhiễm đầu tiên tại địa bàn Thành phố ngày 23 tháng giêng năm 2020 đến nay, Thành phố đã trải qua 4 đợt dịch, trong đó 3 đợt đầu tiên đã nhanh chóng được kiểm soát không để lay lan ra cộng đồng, đợt dịch thứ 4 xuất hiện tại Việt Nam từ ngày 27-4-2021, ngay khi các ca nhiễm đợt dịch thứ 4 được phát hiện, Thành phố đã nhận thấy nguy cơ của dịch bệnh và nhanh chóng thực hiện giãn cách xã hội toàn Thành phố theo tinh thần Chỉ thị số 15, 16 của Thủ tướng Chính phủ ở những nới có nguy cơ lây nhiễm cao, đồng thời thực hiện phong tỏa quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc, Quận 12 từ 0 giờ ngày 31-5; khẩn trương xét nghiệm truy vết thần tốc để khống chế dập dịch. Sau hơn 2 tuần tập trung thực hiện các giải pháp, quận Gò Vấp cũng đã kiểm soát được dịch nhưng lại xuất hiện nhiều ca nhiễm mới ở những nơi khác. Trước tình hình đó, UBND thành phố đã ban hành Chỉ thị số 10 với tinh thần áp dụng triệt để các biện pháp của Chỉ thị 16, đồng thời chuẩn bị cho các giải pháp cao hơn và xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ. Được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND thành phố đã thực hiện triển khai các biện pháp thực hiện Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ trên toàn Thành phố. Sau 2 tuần tổ chức thực hiện, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Chỉ thị số 12 ngày 22-7 và tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố lần thứ 7 mở rộng để lãnh đạo toàn hệ thống chính trị hạ quyết tâm, tổ chức thực hiện quyết liệt các biện pháp tăng cường Chỉ thị 16 trên toàn Thành phố.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, lời kêu gọi của đồng chí Tổng Bí thư, Nghị quyết số 30/2021 của Quốc hội và Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 86, Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện 1099 và Công điện số 1102 về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Chấp hành nghiêm các chỉ đạo trên, UBND thành phố đã ban hành Chỉ thị số 11 ngày 22-8 về tăng cường giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn Thành phố, thực hiện phương châm xây dựng mỗi phường xã, thị trấn, mỗi cơ quan, nhà máy, xí nghiệp là một pháo đài phòng, chống dịch, người dân là chiến sỹ trong phòng, chống dịch. Ban Thường vụ Thành ủy đã thông báo Kết luận số 525 ngày 22-8 phân công các đồng chí ủy viên Ban Thường vụ và thành ủy viên phụ trách các địa phương, theo sát và nắm chắc tình hình trực tiếp chỉ đạo triển khai, cùng chịu trách nhiệm với lãnh đạo quận ủy, huyện ủy và thành ủy TP. Thủ Đức trên từng pháo đài phòng, chống dịch. Ban Thường vụ Thành ủy đã tổ chức Hội nghị mở rộng ngày 6-9 sơ kết 15 ngày tăng cường và định hướng các biện pháp, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới. Ngày 15-9, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố đã ban hành Nghị quyết số 05 về kế hoạch tổng thể phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế trên địa bàn TP.HCM sau ngày 15-9-2021.

Với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư và lãnh đạo chủ chốt của Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 cùng sự hỗ trợ tích cực của ban, bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành bạn và đồng bào cả nước; sự nỗ lực và quyết tâm của Đảng bộ và nhân dân thành phố, sự tăng cường triệt để, nghiêm ngặt, quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn Thành phố thời gian qua, cao điểm là từ ngày 23-8 đến nay đã đạt được những kết quả quan trọng.  

Thành phố đã triển khai việc xét nghiệm thần tốc theo kế hoạch thực hiện hoàn thành 3 giai đoạn với hơn 17 triệu mẫu xét nghiệm nhanh và hơn 2 triệu mẫu PCR, tỷ lệ hệ số lây nhiễm giảm rõ rệt, từng bước chuyển hóa các vùng đỏ, mở rộng nhiều vùng xanh. Thành lập 536 trạm y tế lưu động, hệ thống các tầng điều trị đáp ứng ngày càng tốt hơn cho yêu cầu tiếp cận y tế của người dân, từng bước kéo giảm sâu xuống hơn các ca bệnh nặng và tử vong, tỷ lệ tiêm vắc-xin mũi 1 đã đạt trên 98% số người trên 18 tuổi.

Đến nay, TP. Thủ Đức và tất cả các quận, huyện đã công bố kiểm soát được dịch. Từ ngày 30-9 Thành phố đã triển khai thực hiện Chỉ thị số 18 của Chủ tịch UBND thành phố, tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 và từng bước phục hồi phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Thành phố với mục tiêu tiếp tục kiểm soát phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn Thành phố, từng bước khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội Thành phố an toàn, linh hoạt, hiệu quả... từng bước trở lại trạng thái bình thường mới. Sau hơn 10 ngày thực hiện, các chỉ tiêu theo dõi, tình hình dịch bệnh có diễn biến rất tích cực, số ca mắc mới trong ngày đã giảm 5 lần so với trước đây, số ca tử vong hằng ngày đến nay đã giảm xuống 2 con số, không còn hiện tượng quá tải tại các bệnh viện điều trị COVID, điều này phản ánh tình hình bệnh COVID-19 trên địa bàn Thành phố đã được kiểm soát.

Công tác y tế và phục hồi kinh tế được quan tâm nhất

Trong buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Văn Nên – Bí thư Thành ủy đã chia sẻ: Cơn đại dịch vừa qua đã cho chúng ta thấy rõ tinh thần thần đoàn kết, sự thương yêu, đùm bọc, đồng cam cộng khổ, thắt lưng buộc bụng để vượt qua những khó khăn, thử thách của đồng bào, của doanh nghiệp; sự lãnh đạo, chỉ đạo, chia sẻ, động viên với tinh thần trách nhiệm rất lớn của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Đặc biệt là hệ thống y tế, lực lượng vũ trang, cán bộ cơ sở… tất cả đều có điểm chung là mọi người rất sẵn sàng, lăn xả, chấp nhận hy sinh gian khổ để tham gia tuyến đầu làm những việc có thể để góp phần cùng nhau vượt qua khó khăn, đẩy lùi dịch bệnh.

Đồng chí Nguyễn Văn Nên đã cảm ơn đồng chí Chủ tịch nước, Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XV đơn vị Thành phố đã chọn thời điểm phù hợp để tổ chức giám sát, lấy ý kiến đóng góp của các đồng chí đại biểu Quốc hội. Chúng tôi đã cảm nhận được tinh thần trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội sẽ giúp cho Thành phố, gợi mở cho Thành phố những điều thiết thực để Thành phố chuẩn bị tổng kết toàn diện sâu sắc, chuẩn bị cho Thành phố trong giai đoạn bình thường mới – Đồng chí Nguyễn Văn Nên chia sẻ.

Cũng theo đồng chí Nguyễn Văn Nên, các ý kiến của đại biểu Quốc hội, lãnh đạo Trung ương chủ yếu tập trung về công tác y tế và phục hồi kinh tế. Những đóng góp này rất chặt chẽ, xác thực tế và đã gợi mở nhiều vấn đề quan trọng, phù hợp với đặc điểm Thành phố, giúp Thành phố trong việc tổng kết toàn diện về công tác phòng, chống dịch và chuẩn bị cho giai đoạn bình thường mới.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cho hay, trong quá trình chuẩn bị giai đoạn phục hồi kinh tế, Thành phố xảy ra hiện tượng khi một lượng lớn người dân từ TP.HCM về các tỉnh, thành và ngược lại. Lãnh đạo TP.HCM đã kêu gọi người dân ở lại và tổ chức đưa những người có nguyện vọng về quê một cách chu đáo, an toàn bằng những hỗ trợ về nhân lực, thiết bị y tế. TP.HCM sẵn sàng chia sẻ cùng các tỉnh đang gặp khó khăn khi tiếp nhận người dân trở về.

Hiện Thành phố đã xây dựng nhiều chiến lược về y tế, kinh tế, xã hội, trong đó quan tâm đến dân cư và nhà ở cho người lao động. Tuy nhiên, việc kiến thiết lại Thành phố sao cho đảm bảo các vấn đề xã hội để người dân có thể yên tâm đến sinh sống, làm ăn là vô cùng khó khăn - Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên bộc bạch.

5 nhiệm vụ để TP.HCM khôi phục, phát triển kinh tế trong giai đoạn bình thường mới

Phát biểu chỉ đạo tại buổi giám sát, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gửi lời chia sẻ đến Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố về những tổn thất, mất mát, đau thương mà TP.HCM phải gánh chịu sau đại dịch. Bằng tinh thần đoàn kết, quyết tâm thực hiện nhiều biện pháp, huy động nhiều nguồn lực, Thành phố đã vượt qua đỉnh dịch, vượt qua thời điểm khó khăn nhất trong bảo vệ sức khỏe và tính mạng nhân dân.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng biểu dương nỗ lực của lãnh đạo, nhân dân, lực lượng tuyến đầu, đồng bào trong và ngoài nước, các doanh nghiệp, cộng đồng tôn giáo đã chung sức đồng lòng phòng, chống dịch và hỗ trợ an sinh xã hội. Đồng thời, đánh giá cao tinh thần của tập thể dưới sự chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cùng những biện pháp, sáng tạo của Thành phố trong đợt dịch vừa qua.

Lãnh đạo thành phố rất sáng tạo, đưa ra những chỉ thị phù hợp với tình hình; xây dựng các túi an sinh, phương án đi chợ hộ để hỗ trợ người dân; cố gắng tìm kiếm đủ vắc-xin để đảm bảo mục tiêu tiêm chủng; đảm bảo an ninh trật tự toàn xã hội trong bối cảnh khó khăn; huy động nhiều lực lượng, doanh nghiệp, người trẻ, doanh nghiệp tham gia chống dịch; tận tình với lực lượng hỗ trợ từ các tỉnh, thành;… Bên cạnh đó, Chủ tịch nước cũng đánh giá cao chương trình “Dân hỏi - Thành phố trả lời” đã phần nào tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp - Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng đồng tình với phương án chuyển chiến lược từ "Zero COVID" sang "thích ứng an toàn với dịch bệnh" của Thành phố. Tuy nhiên, việc này cần thực hiện an toàn, có chiến lược, kết hợp giữa vắc xin - 5K - khẩu trang, khử khuẩn.

"Để TP.HCM khôi phục kinh tế, Chủ tịch nước đề ra 5 nhiệm vụ gồm: đảm bảo chuỗi cung ứng hàng hóa thông suốt; đối thoại nắm bắt khó khăn, khôi phục, phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy gói hỗ trợ thuế, tín dụng, thu hút đầu tư tư nhân, đẩy mạnh đầu tư công; có chính sách tiền tệ và tài khóa phù hợp; giải quyết vấn đề lao động việc làm, tạo điều kiện để người dân lên TP.HCM được tiêm vắc xin; đảm bảo an sinh xã hội, tiếp tục hỗ trợ thể chất, tinh thần cho nhóm tổn thương trong và sau đại dịch".

Trong thời gian tới, Thành phố cần tìm ra động lực mới trong tăng trưởng; tháo gỡ vướng mắc trong cơ chế; tổ chức lại ngành Y tế từ Thành phố đến các quận, huyện; đầu tư phát triển nông nghiệp số, thương mại số; phân bố lại cơ sở sản xuất theo hướng dịch chuyển cơ sở sản xuất gần với người lao động; hướng đến mô hình nền kinh tế sáng tạo;…

Để làm được, Thành phố phải có chính sách hỗ trợ, phục hồi doanh nghiệp cần cao hơn mức chung của cả nước; nâng cao năng lực quản trị của chính quyền các cấp; sớm xây dựng trung tâm tài chính khu vực; đề nghị có 1 nghị quyết mới mở rộng phân cấp, phân quyền; nghiên cứu cơ chế phối hợp chung giữa TP.HCM và các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam;…

Chủ tịch nước đề nghị các đại biểu Quốc hội, Ban Thường vụ Thành ủy đề xuất Quốc hội, Chính phủ sớm tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách cho Thành phố lên 23% ngay năm 2022. TP.HCM là thành phố năng động, văn minh, nghĩa tình, hiện đại. Đặt kế hoạch tái cấu trúc, phát triển, tái kiến thiết Thành phố sau đại dịch là nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, chú trọng phát triển hạ tầng, làm nhanh đường vành đai, kết nối các trung tâm có liên quan bằng việc đấu giá đất sạch, cổ phần hóa doanh nghiệp, phát hành trái phiếu, phát triển một số thành phố vệ tinh,… “Một mô hình trung tâm tài chính ngân hàng nâng tầm quốc tế, huy động nguồn vốn quốc tế đang đặt ra cho TP.HCM” - Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.


Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc với Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM chiều 12-10-2021.

Chiến lược y tế là trụ cột đầu tiên, quan trọng nhất

Theo đồng chí Phan Văn Mãi, các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và ý kiến phát biểu của các đại biểu Quốc hội, đặc biệt là ý kiến chỉ đạo của đồng chí Chủ tịch nước, của đồng chí Bí thư Thành ủy đã thống nhất với báo cáo của UBND thành phố về công tác phòng, chống dịch COVID-19 theo Nghị quyết 30/2021 của Quốc hội.

Tình hình dịch tại TP.HCM cơ bản đã được kiểm soát theo Bộ tiêu chí của Bộ Y tế, TP.HCM đã trải qua các công tác về giãn cách xã hội, xét nghiệm, tiêm chủng vắc-xin, chăm sóc và điều trị F0 đã được thực hiện theo đúng như hướng dẫn của các cơ quan chức năng, công tác an sinh xã hội được quan tâm, Thành phố đã cân đối từ nguồn lực ngân sách cũng như vận động các nguồn xã hội hóa để chăm lo đời sống người dân, nhất là người nghèo, lao động mất thu nhập, khó khăn do bị ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19...

Quốc phòng, an ninh, trật tự xã hội trên địa bàn được đảm bảo, duy trì sản xuất - kinh doanh trong điều kiện dịch bệnh cũng như phục hồi từng bước về kinh tế - xã hội đạt nhiều kết quả ban đầu. Tuy nhiên, qua báo cáo cũng như ý kiến của các đại biểu Quốc hội, công tác phòng, chống dịch cũng như duy trì sản xuất - kinh doanh, phục hồi kinh tế Thành phố vẫn còn những hạn chế nhất định, đề nghị UBND thành phố tiếp thu các ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội để bổ sung vào những phân tích đánh giá cũng như là những nguyên nhân hạn chế tác động đối với tình hình kinh tế - xã hội Thành phố trong thời gian sắp tới – đồng chí Phan Văn Mãi chia sẻ.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, thời gian vừa qua UBND thành phố đã tập trung xây dựng chiến lược phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế trong tình hình mới theo Nghị quyết số 05 của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố với 11 chiến lược thành phần. Theo đó, bổ sung nội dung về tổng kết, phân tích đánh giá, rút ra bài học trong công tác phòng, chống dịch thời gian vừa qua, xây dựng phương án tổng thể trong thời gian tới không chỉ đối với dịch COVID-19 mà đối với tình huống dịch tễ khác có thể xảy ra bất cứ lúc nào với một đô thị lớn như TP.HCM. Dự kiến sẽ hoàn thành phương án này trong tháng 12-2021.

Trong chiến lược phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế, Thành phố xác định y tế là trụ cột đầu tiên, quan trọng nhất, tập trung xây dựng hệ thống giám sát và cảnh báo dịch, sử dụng cơ sở dữ liệu để ra quyết định. Củng cố, tập trung cho y tế cơ sở, cụ thể là y tế cộng đồng; y tế điều trị và y tế phục hồi để thực hiện tốt việc chăm sóc sức khỏe nhân dân cũng như điều trị F0 trong thời gian sớm nhất.

Tiếp tục hoàn thiện mô hình điều trị 3 tầng của Thành phố trong thời gian vừa qua, UBND thành phố đã chỉ đạo ngành Y tế phối hợp các ngành liên quan khẩn trương hoàn thiện một trụ cột quan trọng khác là phòng, chống dịch. Giải quyết các bất cập về tổ chức, bộ máy y tế cơ sở để phục vụ cho công tác quản lý, phòng, chống dịch.

Trụ cột được đặt trọng tâm thứ 2 là công tác an sinh xã hội. Chủ tịch UBND thành phố Phan Văn Mãi đánh giá, từ nay đến cuối năm, khi kinh tế đang phục hồi, vẫn còn một bộ phận người dân chưa có việc làm, chưa có thu nhập. Cái Tết sắp tới đây sẽ là cái Tết rất khó khăn, do vậy Thành phố sẽ tiếp tục chăm lo cho đời sống vật chất của người dân.

Đồng chí Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND thành phố phát biểu tại Hội nghị chiều 12-10.

Từ tuần sau, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố và Hội Phụ nữ thành phố phối hợp với Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam sẽ triển khai chăm lo cho hơn 1.000 trẻ em mồ côi. Thành phố cũng triển khai thêm chương trình nhà ở giá rẻ, tạo cơ hội cho người dân có thu nhập thấp được tiếp cận giá phù hợp.

Trụ cột thứ 3 là phục hồi kinh tế, UBND thành phố đã giao Viện Nghiên cứu phát triển thành phố cùng các sở, ngành khẩn trương triển khai chương trình phục hồi kinh tế. Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND thành phố cũng bày tỏ mong muốn Chủ tịch nước, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, phối hợp, hỗ trợ giúp Thành phố thực hiện chương trình này.

Về việc mở cửa lại trường học, Chủ tịch UBND thành phố Phan Văn Mãi cho biết, đây là việc TP.HCM rất mong muốn nhưng vẫn cần thận trọng. Đến nay, Thành phố đang tập trung chỉnh sửa cơ sở vật chất của các trường học do thời gian vừa qua được trưng dụng làm cơ sở thu dung.

Song song với đó, Thành phố cũng nhiều lần đề nghị Bộ Y tế tiêm vắc-xin cho học sinh để từng bước mở cửa lại trường học. Thành phố cũng cố gắng thực hiện việc này trước học kỳ 2 và chậm nhất trong học kỳ 2. Tuy nhiên vấn đề này sẽ còn tùy thuộc vào tình hình phòng, chống dịch.

Hoàng Hào

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất