Đã có 21 quận, huyện và TP. Thủ Đức đề nghị công bố kiểm soát được dịch Mở đầu buổi Họp báo, đồng chí Phạm Đức Hải thông tin, nhìn lại 10 ngày Thành phố thực hiện Chỉ thị 18/CT-UBND, đánh giá của Ban Chỉ đạo việc thực hiện Chỉ thị 18 tại các quận, huyện, TP. Thủ Đức có những mặt được và chưa được. Theo đồng chí Phạm Đức Hải những mặt được là: đa số người dân nhanh chống thích ứng an toàn, linh hoạt trong điều kiện bình thường mới; ngày càng nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh, chợ truyền thống hoạt động trở lại, từ đó đã nhanh chóng phục hồi sản xuất - kinh doanh, tạo ra nhiều công ăn việc làm tăng thu nhập cho người lao động; công tác an sinh tiếp tục được triển khai đến đông đảo người dân; tình hình an ninh trật tự được duy trì và đảm bảo; đặc biệt, công tác phòng, chống dịch đạt được kết quả rất tốt. “Ngày 7-10: 19 quận, huyện và TP. Thủ Đức được đề nghị công bố đã kiểm soát được dịch, đến 8-10 thêm huyện Bình Chánh được đề nghị công bố kiểm soát được dịch, và đến 11-10 thêm quận Bình Tân được đề nghị công bố kiểm soát được dịch. Như vậy, tính đến nay đã có 21 quận, huyện và TP. Thủ Đức đề nghị công bố kiểm soát được dịch theo quy định của Bộ Y tế - đồng chí Phạm Đức Hải cho biết”. |
Tuy nhiên, theo đồng chí Phạm Đức Hải bên cạnh những mặt được vẫn còn những mặt hạn chế như: vẫn còn một bộ phận người dân thực hiện chưa nghiêm những quy định về phòng, chống dịch như chưa thực hiện 5K, tụ tập đông người, không đeo khẩu trang nơi công cộng; số doanh nghiệp hoạt động trở lại vẫn chưa nhiều; vẫn còn người dân đi về các tỉnh và việc đi lại còn khó khăn. Đồng chí Phạm Đức Hải đề nghị các cơ quan báo chí tiếp tục thực hiện tuyên truyền theo tinh thần Chỉ thị 18, tăng cường hơn nữa việc kiểm soát dịch, điều kiện bình thường mới có nghĩa là Thành phố vẫn còn nhiều ca F0 trong cộng đồng. Cụ thể, ngày 8-10 có 2.215 ca F0 trong cộng đồng, ngày 9-10 là 1.662 ca, ngày 10-10 là 1.067 ca. Mặc dù các ca F0 phát hiện mới ngày càng giảm trong 3 ngày liền nhưng vẫn còn nhiều, đây là thách thức để chúng ta điều chỉnh thói quen của mình, lúc nào cũng phải cảnh giác, không được chủ quan, lơ là - đồng chí Phạm Đức Hải nhấn mạnh. Về an ninh trật tự, đồng chí Phạm Đức Hải nói thêm, người dân cần phải cảnh giác hơn nữa, chỉ trong 10 ngày qua (từ 1-10 đến 10-10) phạm pháp hình sự xảy ra là 70 vụ, công an đã khám phá 48 vụ, bắt 54 đối tượng; về trật an toàn giao thông, trong 10 ngày qua xảy ra 46 vụ, chết 17 người, bị thương 22 người; 11 vụ cháy làm chết 1 người, bị thương 4 người.
Tình hình dịch bệnh trên địa bàn Thành phố tính đến 18 giờ ngày 10-10: Có 410.671 trường hợp mắc bệnh phát hiện tại TP.HCM được Bộ Y tế công bố, bao gồm 410.174 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 497 trường hợp nhập cảnh. Hiện đang điều trị 15.198 bệnh nhân, trong đó: có 1.141 trẻ em dưới 16 tuổi, 533 bệnh nhân nặng đang thở máy, 15 bệnh nhân can thiệp ECMO. Trong ngày 10-10: có 906 bệnh nhân nhập viện, 1.925 bệnh nhân xuất viện (tổng số xuất viện cộng dồn từ 1-1-2021 đến nay là 232.923), 73 trường hợp tử vong trong ngày (tổng số tử vong cộng dồn từ 1-1-2021 đến nay là 15.832). Về công tác xét nghiệm, từ 18 giờ ngày 9-10-2021 đến 18 giờ 10-10-2021, Thành phố đã lấy 24.136 mẫu, trong đó có 1.262 mẫu đơn và 57 mẫu gộp, số mẫu làm xét nghiệm nhanh kháng nguyên là 22.939 mẫu. Trong công tác tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19, đến ngày 10-10-2021, đã có 12.288.283 mũi vắc-xin được tiêm, bao gồm 7.065.722 mũi 1, 5.222.561 mũi 2. Từ ngày 15-8 đến 11-10-2021: Tổng số túi an sinh đã chuyển quận, huyện, TP. Thủ Đức là 2.072.988 túi”. |
Đợt 3 đã chi trả trên 3,7 triệu người Thông tin tại buổi Họp báo, đồng chí Nguyễn Văn Lâm - Phó Giám đốc Sở LĐ - TB & XH thành phố cho biết, kết quả chi trả cho đợt hỗ trợ lần 3 đạt 3.763.719 người và con số này sẽ tiếp tục sẽ tăng lên theo từng giờ, theo tiến độ này, dự kiến đến 15-10 sẽ hoàn thành việc chi trả đợt 3 theo chỉ đạo của UBND thành phố. Đồng chí Nguyễn Văn Lâm nói thêm, việc chi trả rất thuận lợi, không có trở ngại gì cần tháo gỡ cả. Tuy nhiên, do đợt 3 thực hiện chi trả qua thông qua SafeID Delivery – phần mềm quản lý hỗ trợ nên về mặt công nghệ, cũng có một số khó khăn nhất định do cùng lúc mà có hàng triệu người cùng truy cập ở 312 xã, phường, thị trấn nên có xảy ra trường hợp nghẽn mạch. Những địa phương ở trung tâm thì việc xử lý nhanh hơn các địa phương xa trung tâm và có vài nơi việc tiến hành chi trả với tiến độ còn chậm. Có 6 đơn vị chi trả đạt trên 90%, cao nhất là quận Phú Nhuận đạt 96,3%, còn lại là đạt trên 90%. Trả lời cho câu hỏi của phóng viên, vừa qua có thông tin cho rằng phường An Phú (Quận 2) có thư kêu gọi những người thật sự khó khăn mới đăng ký nhận hỗ trợ. Vậy tiêu chí thực sự khó khăn được quy định như thế nào? Theo đồng chí Nguyễn Văn Lâm, căn cứ vào Công văn 3181/UBND-VX để thực hiện Nghị quyết 97 của HĐND thành phố thì chỉ hỗ trợ cho người hoàn cảnh thực sự khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và giãn cách xã hội kéo dài, gây mất nguồn thu để góp phần đảm bảo an sinh xã hội, đảm bảo cuộc sống trên địa bàn TP.HCM. Việc chi trả được bình xét công khai ở khu phố, tổ dân phố, xã, phường có họp bình xét và đề nghị UBND quận, huyện, TP. Thủ Đức phê duyệt - đồng chí Nguyễn Văn Lâm nói. Liên quan đến dự báo nhu cầu nguồn nhân lực của TP.HCM, đồng chí Nguyễn Văn Lâm thông tin: Sau khi TP.HCM nới lỏng giãn cách, thực hiện Chỉ thị 18 của UBND thành phố, nhiều ngành sản xuất đã hoạt động trở lại và có nhu cầu cần lao động. Trong đó, các ngành có nhu cầu nhân lực lớn như: cơ khí tự động hoá là 1.398 lao động, kiến trúc kĩ thuật và công trình 1.620 lao động, kế toán - kiểm toán 3.351 lao động, cơ sở dịch vụ du lịch - lưu trú - ăn uống 1.975 lao động, kinh doanh thương mại 7.279 lao động, marketing 1.282 lao động, dịch vụ tư vấn nghiên cứu khoa học phát triển 1.535 lao động, dịch vụ logistic - kho tải - dịch vụ cảng 4.834 lao động; một số các ngành nghề khác trên 1.000 lao động. Về trường hợp số lao động có đóng bảo hiểm xã hội mà hiện nay không có mặt tại Thành phố là trên 33.000 lao động, số lao động này đã rời Thành phố với nhiều lý do khác nhau nhưng chế độ, chính sách của họ vẫn được bảo đảm theo quy định của pháp luật - đồng chí Nguyễn Văn Lâm cho biết. Đồng chí Nguyễn Văn Lâm - Phó Giám đốc Sở LĐ - TB & XH phát biểu tại buổi họp báo. Đáp ứng nhu cầu điều trị và tiếp nhận bệnh nhân COVID-19 trong tình hình mới
BS. Lê Thị Huỳnh Mai - Chánh Văn phòng Sở Y tế thành phố, cho biết, trong kế hoạch chuyển đổi công năng của các bệnh viện dã chiến trở lại bình thường, Thành phố sẽ giữ lại 3 bệnh viện dã chiến, đó là bệnh viện dã chiến số 13, 14, 16 để sẵn sàng đáp ứng nhu cầu điều trị và tiếp nhận bệnh nhân COVID-19 trong tình hình mới. Các bệnh viện này sẽ sáp nhập với các trung tâm hồi sức của 3 bệnh viện Trung ương là Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Bạch Mai. Khi lực lượng y tế tuyến Trung ương rút về, Sở Y tế phân công Bệnh viện Đại học Y Dược, Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Nhân dân Gia Định tiếp nhận, đảm bảo hoạt động không bị gián đoạn. Bên cạnh đó, Sở Y tế cũng tham mưu cho UBND thành phố thành lập tại mỗi quận, huyện 1 bệnh viện dã chiến với 300.000 - 500.000 giường và khoảng 30 - 50 bình ô-xy để sẵn sàng đáp ứng khi có sự cố xảy ra. Các bệnh viện tại Thành phố dù đã chuyển đổi công năng nhưng vẫn có 1 đơn vị, khoa điều trị COVID-19. Những bệnh viện này sẽ khám, sàng lọc, điều trị và chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 đến bệnh viện 3 tầng khi cần thiết. Đại diện Sở Y tế cho biết về cơ chế thanh toán điều trị COVID-19 của bệnh viện tư nhân như thế nào, bệnh nhân có phải tạm ứng tiền trước hay không? Theo BS. Lê Thị Huỳnh Mai, đối với bệnh nhân COVID-19 thì ngân sách nhà nước sẽ chi trả chi phí khám, chữa bệnh COVID-19 bao gồm chi phí khám bệnh, giường, dịch vụ kỹ thuật, thuốc điều trị, máu, dịch truyền,… Căn cứ theo hướng dẫn của Bộ Y tế quy định tại Thông tư số 32 ngày 29-2-2021 của Bộ Tài chính và Công văn 3100 ngày 20-4-2021, bệnh viện tư nhân không được thu tiền của bệnh nhân COVID-19. Đối với các bệnh thông thường thì vẫn áp dụng theo quy định cũ. Trách nhiệm của cơ sở y tế tư nhân, phải tổ chức khám, chữa bệnh cho người mắc COVID-19 theo đúng quy định, đảm bảo quyền lợi cho bệnh nhân COVID-19 khi tham gia khám, chữa bệnh tại cơ sở y tế tư nhân; các sơ sở y tế tư nhân không được từ chối bệnh nhân mắc COVID-19, không được yêu cầu bệnh nhân COVID-19 tự nguyện chi trả chi phí khám, chữa bệnh và không sử dụng thẻ bảo hiểm y tế - BS. Lê Thị Huỳnh Mai nhấn mạnh.
BS. Lê Thị Huỳnh Mai - Chánh Văn phòng Sở Y tế thành phố phát biểu tại buổi họp báo (Ảnh: Hoàng Hào).
Người tiêm đủ 2 mũi vắc-xin vẫn có thể mắc COVID-19 và lây cho người khácTrao đổi về ý kiến cho rằng tần suất xét nghiệm shipper khá nhiều trong khi họ đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin phòng COVID-19, như vậy liệu có lãng phí và tạo áp lực chi phí cho các đơn vị quản lý, đồng chí Nguyễn Hồng Tâm - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (HCDC) cho rằng: Thành phố đã ban hành hướng dẫn về công tác xét nghiệm, quy định cụ thể cho từng đối tượng. Trong đó, lực lượng shipper có tần suất xét nghiệm nhiều hơn vì đối tượng này tiếp xúc với rất nhiều người. Ngoài ra, việc tiêm vắc-xin là để giúp bản thân người được tiêm giảm các nguy cơ mắc và chuyển biến nặng nếu bị mắc COVID-19 chứ không có nghĩa là họ không có khả năng lây lan cho người khác. “Người tiêm đủ 2 mũi vắc-xin vẫn có thể mắc COVID-19 và lây cho người khác” - đồng chí Nguyễn Hồng Tâm nhấn mạnh. Liên quan đến việc nhiều trẻ em bị lỡ tiêm chủng mở rộng do dịch bệnh, Phó Giám đốc HCDC cho biết, trong giai đoạn dịch bệnh, giãn cách vừa qua, việc tiêm chủng mở rộng không bị gián đoạn. Ngoài ra, việc chậm trễ tiêm chủng trong vài tháng không ảnh hưởng đến hệ miễn dịch của trẻ. Đối với một số mũi tiêm quan trọng (lao, viêm gan B) trong thời gian TP.HCM giãn cách xã hội, ngành Y tế vẫn tổ chức tiêm chủng cho trẻ sơ sinh. Khi tình hình dịch bệnh đã kiểm soát, việc đi lại thuận lợi, phụ huynh nhanh chóng cho trẻ đến các cơ sở để được tiêm chủng. Quá trình đi tiêm chủng, người dân thực hiện nghiêm yêu cầu 5K. Đồng chí Nguyễn Hồng Tâm - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (HCDC) phát biểu tại buổi họp báo (Ảnh: Hoàng Hào). Dự kiến ngày 13-10 các tỉnh, thành sẽ đưa vào thí điểm vận tải liên tỉnh
Đồng chí Phan Công Bằng - Phó Giám đốc Sở GTVT cho biết, hiện tại, nhu cầu xe ôm công nghệ vẫn chưa cao. Tuỳ theo diễn biến tình hình dịch bệnh, Sở GTVT và Sở Công thương sẽ xem xét, báo cáo UBND thành phố xây dựng lộ trình hoạt động trở lại của mô hình này. Về tình hình thi công trở lại các dự án giao thông trọng điểm, ngoài một số dự án thi công trong đợt dịch, sau ngày 1-10 Thành phố có 27 dự án trọng điểm quay lại hoạt động với khoảng 1.100 kỹ sư, công nhân, người lao động. Theo đánh giá, số lượng công nhân cơ bản đáp ứng nhu cầu, tiến độ. Về vấn đề đưa người lao động quay trở lại TP.HCM, đồng chí Bằng nhận định, hiện tại, nhu cầu quay lại Thành phố của người dân các tỉnh, thành phố chưa cao. Thành phố đã xây dựng phương án đưa người lao động trở lại bằng xe đưa đón công nhân. Ngoài ra, theo Quyết định 1777 của Bộ GTVT, dự kiến ngày 13-10, các tỉnh, thành phố sẽ đưa vào thí điểm vận tải liên tỉnh. Thành phố cũng xây dựng các Bộ tiêu chí an toàn với lĩnh vực vận tải sao cho phù hợp với tình hình mới.
Riêng với việc phối hợp đi lại giữa các tỉnh, thành phố với TP.HCM hiện nay, Phó Giám đốc Sở GTVT cho hay, ngày 1-10 UBND TP.HCM có văn bản lấy ý kiến 4 tỉnh lân cận với phương án tổ chức giao thông; đến ngày 7-10 các địa phương đã có văn bản phản hồi nhưng mỗi địa phương đề xuất phương thức khác nhau, tùy tình hình dịch bệnh tại địa phương đó. Vì vậy, Sở GTVT đang tổng hợp, xây dựng giải pháp giao thông phù hợp để đề xuất UBND thành phố xem xét. Hoàng Hào |